Làm sao để trì hoãn một cách hiệu quả?
Làm sao để trì hoãn một cách hiệu quả?
Chúng ta thường nghĩ rằng năng suất và trì hoãn là hai mệnh đề trái ngược nhau. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Chúng ta làm việc hiệu quả hơn khi có động lực và tập trung vào công việc mà ta xem là nhiệm vụ cấp bách nhất, quan trọng nhất, hoặc khó khăn nhất, nhưng chúng ta cũng thường trì hoãn khi cần làm những nhiệm vụ lớn lao như vậy. Chúng ta có thể trì hoãn một cách chủ động (thay vì làm thì ngồi xem phim) hoặc trì hoãn bị động (giả vờ rằng ta vẫn làm việc bình thường bằng cách nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính dù thực tế là ta đang nhảy từ trang mạng xã hội này qua trang mạng xã hội khác). Dù là trường hợp nào thì ta cũng đang không làm gì và ta cảm thấy thật tồi tệ. Chúng ta trách mắng bản thân và lại cố gắng dùng biện pháp mạnh để ép bản thân vào khuôn khổ (và rồi lại thất bại).

Nhưng có một cách nghĩ khác về năng suất và sự trì hoãn thay vì xem chúng là hai trạng thái riêng lẻ và xung đột.

Thay vì xem năng suất là một đường thẳng tuyến tính và ta cần phải giải quyết nhiệm vụ khó nhất, lớn nhất, hãy xem nó như một chiếc bánh kem mà bạn có thể ăn từ bất kỳ hướng nào.

Chiếc bánh đó chứa đầy những nhiệm vụ - kể cả lớn và nhỏ - trong danh sách việc cần làm của bạn, và chúng sẽ thuộc những loại sau:

Bậc 1: Những công việc đòi hỏi sự động não và tính sáng tạo – những quyết định lớn, bài nghiên cứu khó viết, bản báo cáo khó đọc, dữ liệu khó phân tích,…

Bậc 2: Những công việc tốn nhiều sức nhưng không cần nghĩ nhiều bằng bậc 1 – công việc hành chính, sắp xếp lịch hẹn, trả lời email,…

Bậc 3: Những công việc chỉ cần chút ít nỗ lực và gần như không cần phải suy nghĩ gì – dọn dẹp, xếp hồ sơ, trả tiền hóa đơn,…

Thông thường, khi chúng ta không làm được việc ở Bậc 1, ta sẽ trì hoãn bằng cách không làm gì.

Nhưng nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ Bậc 1, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có đủ động lực để thực hiện nhiệm vụ ở Bậc 2 và Bậc 3 hay không. Bởi vì bạn không có tâm trạng để viết một bài nghiên cứu không có nghĩa là bạn không thể dọn bớt chén bát chưa sạch. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc phân tích dữ liệu, bạn có thể xem thử còn email nào chưa trả lời.

Thay vì xem năng suất như chuyện ăn cả và trì hoãn là ngã về không – bạn có thể luyện tập trì hoãn một cách có kế hoạch. Dù bạn không làm nhiệm vụ lớn mà bạn đặt ra từ đầu, bạn vẫn đang giải quyết chiếc dần dần chiếc kem bánh năng suất. Bạn vẫn đang tiến bộ trong việc sắp xếp lại cuộc sống của mình.

Thay vì xem trì hoãn là một sự lãng phí, hãy xem nó như một sự chuẩn bị. Trì hoãn bằng cách thực hiện các nhiệm vụ Bậc 2 và Bậc 3 có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm vụ Bậc 1 sắp tới. Những việc ở bậc thấp có vẻ rất nhỏ nhặt, nhưng chúng giúp tâm trí bạn cảm thấy tốt hơn. Bắt tay vào thực hiện những việc khó sẽ dễ hơn rất nhiều khi nhà hay văn phòng của bạn ngăn nắp, các hóa đơn đã được thanh toán và bạn không có email chưa trả lời. Loại bỏ những việc nho nhỏ khỏi danh sách việc cần làm sẽ giúp bạn có thêm động lực để giải quyết những việc lớn hơn.

Nên lần tiếp theo bạn muốn nghỉ một chút khi đang làm một việc khó khăn, hãy cho phép bản thân làm điều đó. Hãy thực hành thói quen trì hoãn một cách hiệu quả.

Vũ | The Art of Manliness

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Anomie: Thế hệ không biết mình muốn gì vùng vẫy trong một thế giới vô chuẩn mực

Phương trình Hạnh phúc của Einstein

Làm vừa lòng hết thảy mọi người quả là điều đau khổ: Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này?

Tags: