Làm sao để tìm được ý nghĩa của cuộc sống khi đã có robot làm thay công việc của bạn?
Làm sao để tìm được ý nghĩa của cuộc sống khi đã có robot làm thay công việc của bạn?
Pokemon Go!

Nhiều công việc ngày nay có thể sẽ biến mất trong vài thập kỷ tới. Bởi trí tuệ nhân tạo đã giúp con người thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, rồi đến một ngày nó sẽ thay thế con người trong các công việc. Nhiều nghề mới cũng sẽ xuất hiện, ví dụ như thiết kế đồ họa thế giới ảo.

Nhưng những công việc đó đòi hỏi tính sáng tạo và linh hoạt cao hơn, và không chắc các bác tài xế 40 tuổi hay những nhân viên bảo hiểm có thể chuyển sang làm công việc của một thiết kế đồ họa được. Kể cả nếu nhân viên bảo hiểm cũ bằng cách nào đó có thể trở thành nhà thiết kế thì anh ta cũng phải mất khá nhiều thời gian để học tập. Khi ấy, có lẽ công việc thiết kế đồ họa đã hết hot, anh ta lại phải học để chuyển sang làm việc mới.


Vấn đề chủ yếu ở đây không phải là không tạo ra việc làm mới. Mà là không tạo ra những công việc mới mà con người làm tốt hơn các thuật toán. Kết quả là, đến năm 2050 sẽ xuất hiện thêm một tầng lớp người mới - tầng lớp vô dụng. Những người đó không những không có ai thuê mà còn không thể thuê được.

Công nghệ tân tiến khiến con người trở nên vô dụng cũng có thể hỗ trợ những người thất nghiệp thông qua một số chương trình thu nhập cơ bản. Nhưng vấn đề thực sự là làm thế nào để họ có việc gì để làm thay vì ngồi không. Con người phải gắn bó và cam kết với các hoạt động có ý nghĩa, nếu không họ sẽ phát điên. Vậy tầng lớp vô dụng đó sẽ làm gì cả ngày?

Câu trả lời có lẽ là chơi điện tử. Những người rảnh rỗi có thể dành một phần lớn thời gian trong các thế giới ảo khi chúng mang lại cho họ niềm yêu thích cũng như cảm xúc nhiều hơn so với thế giới thật bên ngoài. Đây thực ra chỉ là một cách giải quyết cũ mèm đã có từ lâu. Trong suốt hàng nghìn năm, hàng tỉ con người tìm thấy niềm vui thích khi chơi điện tử. Trong quá khứ, chúng ta gọi nó là “tôn giáo”.

Tôn giáo là gì nếu như không phải một trò điện tử được cả triệu người cùng chơi với nhau? Các tôn giáo như đạo Hồi và Thiên chúa giáo đã tạo ra những luật lệ riêng, như “không ăn thịt lợn”, “cầu nguyện vài lần trong ngày”, “không quan hệ tình dục với người cùng giới”. Những luật lệ này chỉ tồn tại trong tiềm thức của con người. Không có luật lệ nào vốn đã cấm quan hệ đồng giới hay ăn thịt lợn. Đạo Hồi và Thiên chúa giáo giúp con người tiếp tục sống cũng giống như giành được điểm để tiếp tục chiến đấu trong những trò chơi điện tử. Nếu bạn cầu nguyện hàng ngày, bạn sẽ có thêm điểm. Nếu bạn quên cầu nguyện, bạn mất điểm. Nếu kiếm đủ số điểm vào cuối đời, bạn có thể lên hạng hoặc thăng cấp tiếp theo (tương tự như thiên đàng).

Như tôn giáo đã cho chúng ta, thấy thực tại ảo không nhất thiết phải bó hẹp trong một căn phòng kín. Chúng có thể được xếp chồng lên những đồ vật ngoài đời thực. Quá khứ chúng ta có những cuốn sách kinh, sách quý hiếm, còn ở thể kỷ 21 chúng ta có điện thoại thông minh.

Vài lần trước đây tôi cùng đứa cháu trai 6 tuổi Matan đi săn Pokemon. Khi đang đi trên đường, Matan luôn chăm chú nhìn vào điện thoại để có thể tìm thấy Pokemon xung quanh chúng tôi. Còn tôi chẳng thấy con nào bởi lẽ tôi không mang theo điện thoại. Khi chúng tôi nhìn thấy hai đứa trẻ khác trên đường cũng cùng săn con Pokemon đó, một cuộc cãi vã đã nổ ra. 

Ý tưởng đi tìm ý nghĩa cuộc đời bằng cách chơi điện tử không chỉ phổ biến trong tôn giáo tín ngưỡng mà còn thường thấy đối với hệ tư tưởng và phong cách sống muôn đời nay. Thuyết trọng tiêu dùng cũng là một trò chơi điện tử. Bạn sẽ kiếm được điểm bằng cách mua xe hơi mới, các đồ hàng hiệu và đi nghỉ mát ở nước ngoài. Và nếu bạn có nhiều điểm hơn bất cứ ai, bạn tự nói với mình rằng bạn đã thắng.

Bạn có thể phản đối việc người ta thực sự thích xe hơi và các kỳ nghỉ của họ. Nhưng những người sùng đạo cũng rất thích cầu nguyện, và cháu trai tôi thì say mê đi săn Pokemon. Cuối cùng thì hành động thực sự luôn xảy ra bên trong bộ não con người. Còn điều gì quan trọng nữa khi những nơ-ron thần kinh của bạn bị kích thích bởi phân ảnh nét căng trên màn hình điện thoại, hay bãi biển Caribbean ngoài cửa sổ, hoặc thiên đường trong tâm trí bạn?

Trong tất cả, điều ta quy chụp cho những gì mình nhìn thấy chỉ là sản phẩm của tâm trí con người. Nó không thực sự “ở ngoài kia”. Kiến thức khoa học tiên tiến nhất cho thấy rằng cuộc sống con người vốn đâu có ý nghĩa. Ý niệm đó chỉ tồn tại trong những tiểu thuyết tình yêu con người sáng tạo ra mà thôi.

Trong bài viết Deep Play: Notes on the Balinese Cockfight (1973), nhà nhân chủng học Clifford Geertz đã tả lại cảnh người dân đảo Bali, Indonesia tiêu tốn thời gian và tiền bạc vào trò chọi gà như thế nào. Dù đã được chính phủ tuyên bố rằng chọi gà là bất hợp pháp nhưng người dân vẫn lờ luật đi và cá cược cho những con gà chọi. Đối với người dân đảo Bali, trò chọi gà ấy chính là thế giới ảo có ý nghĩa nhiều hơn so với thực tại. Điều này cũng giống như bóng đá phổ biến ở Argentina và đạo Do Thái ở Irasel.

Nhưng bạn không cần phải đến Irasel hay đảo Bali để thấy mọi việc diễn ra như thế nào. Nếu có một cậu con trai mê chơi game ở nhà, bạn cũng có thể chứng kiến sự đam mê ấy. Đưa cho cậu ta Coca và bim bim, miễn cho hết việc nhà hay sự giám sát của cha mẹ, có lẽ cậu ta sẽ dính cả ngày với chiếc máy tính, dán mắt vào màn hình. Cậu ấy sẽ bỏ hết việc nhà lẫn việc học, trốn tiết, bỏ bữa, thậm chí khỏi tắm rửa gì luôn. Nhưng cậu ta lại không có vẻ gì là buồn chán cả, ít nhất là trong một thời gian ngắn.

Do đó, thực tế ảo có thể là công cụ quan trọng dể đem lại ý nghĩa cho lớp người vô dụng ấy khi thế giới không còn việc làm. Chúng có thể được tạo ra trong các hệ thống máy tính, hoặc ở bên ngoài dưới hình thức tôn giáo và tư tưởng mới, hoặc là sự kết hợp của cả hai. Với những khả năng vô hạn như thế, không ai biết chắc được mình sẽ lún sâu vào trò chơi nào trong năm 2050.

Nhưng dù trường hợp nào xảy ra đi nữa, không còn công việc không nhất thiết là không có ý nghĩa. Bởi chúng được hình thành bằng cách tưởng tượng chứ không phải bằng việc lao động chân tay. Nhưng công việc vẫn cần thiết để có được ý nghĩa cuộc đời, theo như một vài hệ tư tưởng. Hãy xem các tầng lớp địa chủ giàu có nước Anh ở thế kỷ 18, những người theo đạo Do Thái ngày nay, hay trẻ em ở mọi thế hệ, họ vẫn tìm được ý nghĩa cuộc sống dù không phải làm việc. Loài người ở năm 2050 có thể sẽ tạo ra các thế giới ảo phức tạp hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử trước đây.

Nhưng còn sự thật thì sao? Thực tại thì sao? Liệu bạn có muốn sống ở một thế giới mà hàng tỷ người cắm mặt vào các trò chơi và tuân theo những luật lệ giả tưởng không? Chà, cho dù bạn có muốn hay không, thì đó là thế giới chúng ta đã tồn tại trong đó được hàng ngàn năm rồi.

 

Trạm Đọc

Theo The Guardian.

Tags: