Tường Lửa – của Đức Anh - là một cuốn tiểu thuyết có tham vọng như thế:
Kể lại một bi kịch dưới dạng li kì nhất có thể, với những câu đố, những gợi ý và những hỏa mù. Lê Thảo, nhân vật chính là một anh chàng 27 tuổi, đã có vợ con và sự nghiệp vững vàng. Thế nhưng cuộc sống của anh bỗng dưng bị đảo lộn khi anh mắc căn bệnh thần kinh: một mặt thường xuyên gặp ảo giác, một mặt khác luôn bị reset trí nhớ sau mỗi ngày.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ đây khi nhân vật Lê Thảo xưng tôi và kể lại hành trình đi tìm bí ẩn về chính mình bằng góc nhìn thứ nhất. Tất cả mọi người xung quanh anh đều kể những phiên bản khác nhau về anh, trong khi đó chính anh cũng chẳng tin bản thân mình. Cái nào là huyễn tưởng, cái nào là hiện thực? Trong khi trên con đường điều tra về chính mình đó, Thảo bắt gặp hai vụ án mạng của người thân anh ta. Những manh mối được thu thập, ghi chép và lắp ghép cho đến khi trở thành những giả thiết hoàn chỉnh. Để rồi anh ta phải lựa chọn tin vào một giả thiết duy nhất. Cho đến khi những chương cuối truyện lật lại các tình tiết và khâu nó thành một câu chuyện khác hẳn.
Phía dưới tảng băng trôi của một cốt truyện li kì như thế, là một câu chuyện khá đơn giản, nhưng mang đến nhiều nỗi bàng hoàng. Những vấn đề nóng của xã hội như bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục học đường, tà đạo hay trào lưu tự tử lan truyền lần lượt xuất hiện và đóng vai trò quyết định hướng đi của câu chuyện. Khi ngẫm lại về Tường Lửa, chúng ta có thể thấy bóng dáng của những bộ phim Hollywood gần đây như Get Out, Us, hay phim truyền hình "13 Reasons Why". Bởi lẽ điểm chung của chúng là: bắt đầu từ một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại, rồi xây dựng nó lên thành một tác phẩm giật gân li kì (Mystery / Thriller). Chính tác giả thừa nhận, Tường Lửa được khơi cảm hứng từ phim ảnh, là Memento (C. Nolan), Đảo Kinh Hoàng (Dennis Lehane) và Us (Jordan Peele).
Mặc dù vấn đề không mới với thế giới, nhưng Tường Lửa bắt đầu cho thấy sự khác biệt nhất định trong văn học Việt Nam đương đại. Không còn xoay quanh các chủ đề về nỗi buồn của tuổi trẻ, tình yêu, gia đình và quê hương. Cũng không phải một lối viết cầu kì hay gay gắt, chua chát. Không phải những tự sự lê thê về bản ngã, nỗi đau. Và đặc biệt, không quá phụ thuộc vào bối cảnh Việt Nam (câu chuyện này có lẽ hoàn toàn có thể xảy ra ở Mỹ hay Chile). Cuốn sách đi thẳng vào cốt truyện, hành động và hội thoại, kéo người ta đến những vụ án, lôi người đọc đến trang cuối cùng theo tốc độ tăng dần và giăng ra ở đó một cạm bẫy.
Cả về văn chương lẫn cấu trúc, tác phẩm đều đạt điểm khá. Mặc dù là tiểu thuyết đại chúng, nhưng Tường Lửa có những điểm khó đọc nhất định khi chắp nối dòng kí ức vào cuộc hành trình mà không có sự báo trước. Điều đáng tiếc có lẽ là các vụ án chưa được xử lý ra ngô ra khoai, hung thủ chỉ nhận một hình phạt tương đối nhẹ. Phần kết của câu chuyện có lẽ cũng gây tranh luận về mặt logic hay tính thỏa đáng của cách giải quyết. Các yếu tối thể loại Psychological Thriller cũng không gây được nỗi sợ hãi quá nhiều, có lẽ là do xuất xứ phương tây của nó chưa phù hợp với bạn đọc phương Đông, vốn chỉ sợ vong hồn. Nhưng nhìn chung, Tường Lửa là một trò chơi thú vị, mở ra một hướng đi cho Tiểu thuyết đen Việt Nam. Cùng với các tiểu thuyết trẻ ra đời một năm trở lại đây, có lẽ một làn sóng mới đang dần hình thành trong văn học Việt Nam với ảnh hưởng đậm nét của văn chương phương Tây.
Tường Lửa do NXB Hội Nhà Văn liên kết với Công ty cổ phẩn truyền thông Sách Khải Minh ấn hành. Hiện nay, sách đang được phát hành toàn quốc.
Sự kiện ra mắt sách với chủ đề "Tiểu thuyết đen, một lựa chọn cho người viết trẻ?" được tổ chức vào 9h00 ngày 07/04/2019 tại Cafe Sách 440 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội.
Ngọc Yến