Những cô gái mong manh và trĩu nặng u buồn
Dung, nhân vật chính của câu chuyện, một cô gái sinh ra từ làng Mai và lớn lên trong tiếng kêu của loài Mơtia, trong oan hồn của người đàn bà bị vu tội giết chồng ngàn đời không siêu thoát. Quá khứ của Dung hằn sâu những nỗi uất ức của người mẹ cam chịu, của người bà khắc nghiệt và những đòn roi ngày cô chính thức trở thành đứa con gái hư hỏng. Thực tại của Dung là người cha nát rượu say xỉn, người anh cục mịch thô lỗ bần tiện, và tình yêu đầu đời dệt nhiều mộng ước bỗng chốc vỡ tan theo nhịp áo cơm. Không còn gì bấu víu, Dung trượt dài theo những cuộc vui để trốn chạy khỏi cuộc sống bế tắc, đầy chán nản và u buồn mà cô không biết cách nào giải thoát.
Không chỉ mỗi Dung, hình ảnh những người phụ nữ đơn độc, thua thiệt, bẽ bàng, bất lực, chua xót… được tác giả khắc họa đậm nét xuyên suốt câu chuyện. Một cô bạn thân có nhà mặt phố nhưng mẹ bỏ theo trai, cuộc đời cũng chấp chới như những dải đèn màu vụt sáng rồi tắt ngúm trên những quán bar cô nhẵn mặt. Một cô em họ bị cha mẹ kèm cặp đến ngột ngạt, lơ ngơ trả giá cho những nếm trải đầu đời. Một người chị dâu đến cái liếc mắt cũng là để ngã giá đổi chác, hóa ra lại là kẻ đồng cảm sâu sắc cho thân phận đàn bà của nhân vật chính… Những cô gái ấy, họ đều đang ở độ tuổi xuân thì mặn mòi nhất, họ dám yêu nhưng họ bất lực trước vòng đời khắc nghiệt. Họ khổ vì đàn ông, khổ vì những người đàn bà tàn nhẫn với đàn bà, và khổ cả vì lựa chọn của chính mình. Tuổi trẻ của họ bị dìm vào những cái chết lần mòn, trở thành những số phận u buồn, điên loạn trong cái bức bối ngột ngạt của làng Mai, trong tiếng Mơtia ám ảnh đem hờn căm của kiếp đàn bà ngàn vạn đời thả vào không trung.
Những mầm bệnh điên rồ của thế kỷ nhố nhăng
Câu chuyện về chuyển mình từ làng lên phố của vùng đất ven đô đã tạo nên những đứt gãy điển hình mang tính thời đại. Đất thiêng tụ khí vượng ngàn đời giờ cũng hóa thành món hàng để anh em, bà con chia chác, giành giật, chửi bới xóc xiểng lẫn nhau. Ngay cả trong mỗi gia đình cũng chứa đựng mầm mống của sự dột nát. Những thanh niên trẻ không nghề nghiệp, sống bám vào cha mẹ; những đứa trẻ mới lớn ranh mãnh đắm chìm trong thế giới của game online, những bà thím, ông chú, người cha, người anh sẵn sàng vung nắm đấm, những lời nói móc mỉa như dao đâm xói thẳng vào tim.
Không có chỗ cho tình yêu chân chính vượt lên và giải thoát các nhân vật, như thứ tình cảm lý tưởng trong tiểu thuyết. Tình yêu của mẹ Dung và người đàn ông cùng làng phải trả giá bằng những trận đánh ghen nhục nhã và sự nguyền rủa của người đời. Tình yêu của Dung và anh sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi sư phạm cũng bế tắc theo chuỗi ngày mỏi mòn đợi người yêu đủ tiền sang cưới. Thế giới đó không có chỗ cho niềm tin, cho sự tiến thân bằng chữ nghĩa. Thế giới đó đang bị điều khiển bởi bọn trọc phú, bởi đồng tiền và những sức nặng vô hình trì kéo, bởi sự lì lợm tàn nhẫn của người già, những đổi chác xác thịt của người trẻ, khiến nhân vật bị lôi vào giấc mơ đen tối mãi mãi không tìm thấy lối ra.
“Chết không được thì cố mà sống” – cuối truyện là sự thức tỉnh của Quỳnh, sự giải thoát của mẹ Hương, của Xuyến. Còn Dung, cô cũng phải tự giải thoát cho mình, thoát khỏi nỗi cô đơn, tuyệt vọng giữa những ám ảnh của tiếng Mơtia và của những cánh hồng, dù cho có bị gai đâm tứa máu.
Tác giả
“Nếu tuổi trẻ là một chuyến đi thì tôi nghĩ nó là một chuyến đi không dài cũng không ngắn. Nó đủ cho những cảm xúc: mơ mộng, ngỡ ngàng, đau xót và trải nghiệm. Tôi muốn ghi dấu lại cho mình những ký ức đã trải qua trên chuyến đi ấy. Đâu đó những bạn trẻ xung quanh tôi rất khác và rất giống, có khi chỉ là muốn cùng nhau gào lên để thoát khỏi cái quỹ đạo xoay tròn của áp lực, của lợi danh, của cơm áo, có khi chỉ là nghêu ngao hát cho qua tháng ngày”.
Trích đoạn tác phẩm
“Bà Hương khuỵu xuống, cầm con dao dí vào cổ mình. Để tao đi gặp cô Mai. Dung im lặng. Hai người ngồi lặng giữa gió và sương. Những khi yếu lòng bà Hương thường kể cho Dung nghe về làng Đoài. Miên man và thơ mộng. Làng Đoài được dệt mộng bằng những triền đê dài bát ngát, những bến nước và điệu hát quan họ tha thiết. Nhớ đến quay quắt. Nếu được đi mẹ sẽ đưa Dung về. Dung sẽ yêu làng Đoài như mẹ đã yêu. Bây giờ làng Đoài chỉ còn là những kỷ niệm chắp vá rời rạc. Một ký ức buồn nhiều hơn vui còn đọng lại. Không thấy những triền đê xanh bát ngát, chỉ thấy những tiếng khóc thê lương và dòng nước bến sông lập lờ buồn khôn tả.
Mơtia mang tiếng cười của cô Mai đi rải khắp làng. Để những đêm tháng Bảy cô hồn trở nên đáng sợ. Không có điệu hát nào ru Dung vào giấc ngủ say thoát ra khỏi những ký ức ngày xưa mờ ảo mà cứ như bắt đền người ta phải nhớ. Bây giờ mẹ cũng bỏ căn nhà và tiếng Mơtia ở lại. Vũ điệu cánh hoa trong lửa cứ lòa lòa ảo diệu vây kín lấy da thịt. Dung thấy mình đứng trong đám làng cách đây mấy nghìn năm, hai mắt rực lửa huyền không. Những tà áo tứ thân sờn cũ vụt qua trước mặt. Cô Mai đưa tay ra với. Nào lại với cô, đi với cô. Ở đây không phải chỗ để sống đâu. Dung thấy mẹ đi theo cô rồi, Dung muốn chạy theo mà vòng lửa thít chặt thành một quả cầu lửa khổng lồ bay vút lên cao cuốn theo mẹ đi mất.”
Trích “Nguyện của đêm” – Cao Nguyệt Nguyên – Truyện dài dự thi Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức.
Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.