Với “Kochland”, nhà báo kinh doanh Christopher Leonard - tác giả của cuốn sách này đã bổ sung vào kho tàng ngày một lớn mạnh về tiểu sử gã khổng lồ Koch Industries, bao gồm cuốn sách bán chạy nhất của Jane Mayer, “Dark Money” và “Sons of Wichita” của Daniel Schulman; nếu Schulman tập trung vào câu chuyện của gia đình Koch, Mayer điều tra kho chiến tranh do Koch tài trợ cho một chương trình nghị sự chính trị bảo thủ,... thì Leonard lại nhìn vào chiếc hộp đen của chính tập đoàn năng lượng khổng lồ khiến cho “Kochland” là cuốn sách lịch sử doanh nghiệp được kể theo cách sáng suốt.
Để kể câu chuyện lịch sử của Đế chế Koch một cách đầy đủ và chân thật không phải chuyện dễ dàng bởi Koch Industries là một trong những công ty tư nhân lớn nhất trên thế giới; điều này có nghĩa là nó không tuân theo các yêu cầu minh bạch của một công ty giao dịch công khai đáng ra phải làm. Tại đây, bí mật đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và ông chủ của Koch không bao giờ chịu từ bỏ nguyên tắc này.
Leonard bắt đầu cuốn sách bằng câu chuyện về sự thành lập của công ty ở Wichita, Kan., bởi Fred Sr. vào năm 1940. Năm 1967, khi người đứng đầu gia tộc Koch đột ngột qua đời trong một chuyến đi săn vịt và con trai của ông - Charles Koch, khi đó mới 32 tuổi đã tiếp quản cơ nghiệp. Charles đã sử dụng vài thập kỷ tiếp theo để chuyển đổi công ty năng lượng từng biến cha ông trở thành triệu phú đơn thuần thành khối tài sản kếch xù như ngày nay.
Vào năm 1981, khi Koch Industries được biết đến là một công ty năng lượng cỡ trung thuộc sở hữu gia đình không mấy tên tuổi, đã có các chuyên gia ngân hàng ở Phố Wall tới Wichita đặt vấn đề với CEO Charles Koch để thuyết phục ông đưa Koch lên sàn giao dịch cùng với lời hứa tăng lợi nhuận doanh thu của công ty lên một con số không hề nhỏ. Ông đã từ chối. “Bí mật là điều cần thiết chiến lược đối với Koch Industries,” Leonard viết. Sự kiểm soát của gia đình cũng vậy. (Hai anh em Freddie và Bill đã được mua hết cổ phần của họ vào đầu những năm 1980; David - người tranh chức phó chủ tịch với vé của Đảng Tự do năm 1980, đã nghỉ hưu ở Koch Industries vào năm 2018.)
Sự thật là Koch đã len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống thường nhật mặc dù không mấy ai biết tới. Hàng triệu người đang sử dụng sản phẩm mà không cần nhìn tên thương hiệu được in trên đó. Công ty lọc và bán xăng dầu cho xe cộ, máy bay,... Koch là nhà sản xuất phân đạm lớn thứ 3 trên thế giới, còn phân đạm là nền tảng của ngành thực phẩm hiện đại. Koch còn chế tạo hóa chất và nguyên liệu tổng hợp dùng làm tã trẻ em, băng nẹp, thảm, chai nhựa, ống dẫn,... Công ty cũng sở hữu George-Pacific, nhà sản xuất vách tường, cột trụ, gỗ dán,... dùng để xây nhà cửa, văn phòng. Koch làm cả khăn giấy, khăn lau, giấy in báo, đồ dùng, dụng cụ vệ sinh… Nó sở hữu một mạng lưới văn phòng giao dịch rộng khắp ở Houston, Moscow, Geneva,... thuê rất nhiều chuyên viên xử lý hợp đồng mua bán mọi thứ từ nhiên liệu, phân bón, kim loại hiếm… cho tới các hợp đồng chứng khoán phái sinh. Lúc bấy giờ, doanh thu hằng năm của Koch lớn hơn cả Facebook, Goldman Sachs và U.S. Steel cộng lại, lợi nhuận công ty cũng khiến người khác thực sự choáng váng. Cùng với em trai David, Charles đang nắm giữ khoảng 80% cổ phần của Koch với tổng tài sản đạt gần 120 tỷ đô - lớn hơn cả Jeff Bezos hay Bill Gates tại thời điểm tác giả viết sách.
Nhưng có một lý do khác khiến “Kochland” trở nên ấn tượng đó là Leonard không có nhiều tài liệu để viết nên cuốn sách này. Vì vậy trong hơn bảy năm, Leonard đã dành hàng trăm giờ để phỏng vấn các cựu nhân viên, nhà quản lý, người tiết lộ thông tin bí mật và những lãnh đạo cấp cao ở Koch, bao gồm cả Charles Koch. Nên bạn có thể sẽ bắt gặp rất nhiều nhân vật ở đây. Đó là Heather Farragher, một cựu nhân viên tại Koch, người đã tiết lộ nhiều bí mật về những hành vi sai trái có tổ chức trong tập đoàn và phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất từ sự trả đũa. Người đọc cũng sẽ biết tới Bernard Paulson, nhà quản lý giàu tham vọng từng giúp Koch dẹp yên sự quá khích của một nghiệp đoàn lao động; Dean Watson, ngôi sao đang lên, người đã thấm nhuần triết lý MBM nhưng sự nghiệp phút cuối lại sụp đổ bởi chính tham vọng của bản thân; Philip Dubose, nhân viên đã ăn trộm dầu để làm vui lòng cấp trên;... Nhưng như Leonard thừa nhận trong lời nói đầu của mình, rất nhiều người “đến rồi đi”, nhiều đến mức ông cảm thấy cần phải có phần phụ lục dài đến 10 trang với các tên các nhân vật được sắp xếp theo mẫu chữ cái, phòng trừ trường hợp độc giả cảm thấy khó theo dõi vì có quá nhiều cái tên. Nhưng đó cũng là bản chất của các tổ chức lớn. Bọn họ cứ đến rồi đi, trong khi Koch Industries vẫn sẽ tiếp tục tiến về phía trước và thay đổi cùng thời đại.
Ngay cả Charles Koch cũng không cung cấp quá nhiều câu chuyện, vẻ ngoài của ông có vẻ kiệm lời và thụ động nhưng sâu bên trong ông là một chiến binh. Leonard đã ghi điểm trong một cuộc phỏng vấn với Koch vào năm 2015, nhưng Koch đã không tiết lộ nhiều ngoài việc hồi còn học lớp 3, ông thấy kỳ lạ khi các bạn cùng lớp phải vật lộn với môn toán. “Tại sao? Tôi tự hỏi bản thân mình.” Koch nhớ lại. "Câu trả lời rất rõ ràng mà!". Hóa ra sự tin tưởng của Charles về một vũ trụ được sắp xếp hợp lý đã giải thích rõ cho cách tiếp cận của Koch đối với kinh doanh – và đối với xã hội. Những nhà phê bình có đầu óc âm mưu nhất nói về “Kochtopus” và tưởng tượng Charles như nhân vật Svengali trong tiểu thuyết Trilby. Nhưng “Kochland” cho thấy sự thật còn tầm thường hơn nhiều – và có thể đáng lo ngại hơn.
Khi công ty phát triển, Charles Koch đã phát triển một triết lý công ty là “Quản lý dựa trên thị trường” (MBM) để đảm bảo rằng các bộ phận khác nhau của công ty có thể tập trung vào mục đích cuối cùng của họ: tạo ra lợi nhuận. Ông đã đặt tên cho tầm nhìn của mình, một bộ quy tắc mà ông đã hệ thống hóa trong một cuốn sổ nhỏ dành cho nhân viên, sau này được ghi lại trong một cuốn sách. Cái tên “Quản lý dựa trên thị trường” nghe không có vẻ sinh động lắm, nhưng bản thân lý thuyết này cũng vậy, vốn chỉ coi nhân viên như các doanh nhân và buộc họ tuân theo kỷ luật thị trường.
Trong một thời gian, việc chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp này đã dẫn đến hàng loạt cáo buộc và khiếu nại hình sự. Leonard đã thuật lại những vụ tấn công ô nhục nhất của công ty, bao gồm một cuộc điều tra của Thượng viện về cáo buộc công ty ăn cắp dầu thô từ khu vực đất đai của bộ lạc thổ dân châu Mỹ. Nhưng Charles Koch khẳng định đó chỉ là do nhân viên của ông đã tính toán sai lượng dầu họ lấy – điều mà họ tình cờ làm vì lợi ích của công ty. Đến năm 1999, Koch Industries thú nhận cũng đã đổ nước thải ô nhiễm gần nhà máy lọc dầu Pine Bend ở Minnesota.
Công ty biết rằng việc vi phạm các quy định có thể làm giảm tỷ suất lợi nhuận của mình và đã có phản ứng tương ứng. Giờ đây, mọi nhân viên đều phải ghi nhớ nguyên tắc “tuân thủ 10.000%”: tuân thủ 100% luật lệ trong 100% thời gian. Nhưng công ty cũng đã tìm cách để chuyển đổi chế độ quản lý – do đó mới có cuộc vận động hành lang rầm rộ của một bộ phận được gọi một cách nhạt nhẽo là Khu vực công của các công ty Koch và “tiền bạc đen tối” trong cuốn sách của Mayer.
Charles cũng thường chỉ trích nền chính trị hiện đại là thời kỳ của chủ nghĩa tư bản bè phái. Kể từ cuộc bầu cử của Donald Trump - ứng cử viên tổng thống duy nhất của Đảng Cộng hòa mà Koch từ chối ủng hộ, công ty đã theo đuổi một chiến lược mà Leonard viết là “ngăn chặn và giải quyết”: Ngăn chặn Trump khi ông ta cố gắng làm bất cứ điều gì bất lợi cho công ty, và giúp ông ta giải quyết những điều mà Koch muốn – bãi bỏ quy định, cắt giảm thuế, bổ nhiệm tư pháp.
Nhưng chính những mô tả của Leonard về việc triển khai nguyên tắc “Quản lý dựa trên thị trường” mới là thứ hấp dẫn nhất trong cuốn sách - một luồng ánh sáng lạnh lẽo. “Kochland” bao gồm một chương về việc nhà kho theo dõi hoạt động của công nhân đến từng phút (từng cuộc trò chuyện và từng lần đi vệ sinh) và đăng bảng xếp hạng hiệu suất của họ trên bảng thông báo. Đó là một hệ thống nghiệt ngã, tàn nhẫn, nhằm khiến người lao động đấu đá lẫn nhau. Họ từng rất đoàn kết, nhưng sự kiệt sức và suy thoái vào cuối ngày làm việc đã khiến bất kỳ sự đoàn kết nào cũng dần phai nhạt – đến mức có hại cho sức mạnh đàm phán của họ và lợi ích của công ty.
Trong cuốn sách “The Science of Success”, Charles Koch gọi Quản lý dựa trên thị trường là “cách để doanh nghiệp tạo ra sự hòa hợp lợi ích với xã hội”. Câu hỏi mà “Kochland” đặt ra là liệu sự “hòa hợp về lợi ích” này có dẫn đến một nơi mà bất kỳ ai không có vài tỷ dư giả sẽ thực sự muốn sống hay không.
Alpha Books
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
John D. Rockefeller - Một nhà kiến tạo quốc gia của nước Mỹ!
TITAN - GIA TỘC ROCKEFELLER: Biên sử về một công thần hay tội thần lũng đoạn kinh tế nước Mỹ