Cả đời này, ta dành rất nhiều thời gian và thậm chí cả tiền bạc để tìm kiếm niềm vui. Ta bay cả ngàn cây số để phơi mình trên bờ biển, ngắm nhìn dòng sông băng, vui đùa với chim cánh cụt, cưỡi voi rong chơi giữa rừng núi bạt ngàn…
Ta tôn thờ những trải nghiệm thực tế, tuy nhiên sự thật là chúng sẽ chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, rồi tan biến. Nhưng bạn có thể thử dùng trí nhớ để làm sống lại niềm vui trong quá khứ, một ý tưởng thoáng nghe thì có vẻ lạ lùng – hay thành thật hơn, khá nhạt nhẽo.
Con người tuyệt nhiên không phải là những người nông dân cần mẫn, tận tâm vun trồng mảnh đất của những trải nghiệm đã qua. Ta nhồi nhét những kỉ niệm đẹp đẽ của mình vào một góc xó xỉnh của tâm trí và chẳng màng nhìn thấy chúng lần nào nữa. Chuyện này đã xảy ra và thế là chấm hết.
Nhưng thi thoảng những ký ức lại không mà mời đến. Bạn đang ngồi trên chuyến xe buýt tẻ nhạt để đi làm, và bất thình lình hình ảnh về bãi biển lúc xế chiều xuất hiện. Hoặc khi đang tắm, chúng ta lại nhớ đến chuyến dã ngoại cùng bạn bè trên một ngọn núi đầy hoa được diễn ra cách đây cả chục năm.
Ấy vậy mà ta lại hay làm ngơ trước những khoảnh khắc như thế. Ta không chủ động để gọi ký ức trở về. Ta cảm thấy mình phải gạt bỏ những suy nghĩ vẩn vơ, vô ích đấy và tập trung vào những công việc quan trọng hơn.
Nhưng sẽ ra sao nếu ta thay đổi thứ tự ưu tiên của hiện thực và ký ức, và coi rằng việc thường xuyên chìm đắm vào những hoài niệm của bản thân là một trong những phương pháp có thể an ủi và giúp ta duy trì cuộc sống – và có lẽ đây còn là cách giải trí rẻ tiền và tiện lợi nhất.
Ta nên thường xuyên học cách du ngoạn tâm trí , và tin rằng mình có thể ngồi nhà và tái hiện cảm giác thích thú khi lên đảo du lịch ngày xưa, như thể chính cơ thể mình đang thực sự đặt chân trên mặt đất.
Nếu cứ bỏ mặc ký ức, ta cũng chẳng khác gì một đứa trẻ hư, vui thích với điều gì đấy trong một khoảnh khắc nhỏ rồi đặt nó qua bên cạnh để tìm thứ khác mới mẻ hơn. Một trong những lý do khiến ta phải liên tục tìm kiếm trải nghiệm mới có lẽ đơn giản chỉ bởi ta hấp thụ quá kém những kỉ niệm đã qua.
Để có thể tận dung ký ức của mình hơn, ta không cần kỹ thuật gì phức tạp. Cũng chẳng cần máy quay phim. Trong tâm trí bạn đã sẵn có 1 chiếc xịn rồi: nó luôn luôn mở, ghi lại tất cả mọi thứ mà bạn từng chứng kiến. Hàng triệu những trải nghiệm của bạn vẫn nằm đấy, vẹn nguyên, sinh động, chờ bạn tự vấn với lòng với những câu hỏi như: “Sau khi hạ cánh thì mình từng đi đâu nhỉ?” hoặc "Bữa sáng hôm đấy như thế nào?”
Khi không thể chợp mắt, hoặc không có wifi, ta nên nghĩ đến việc bắt Chuyến Tàu Ký Ức. Trải nghiệm của ta không hề biến mất, mà chúng chỉ đang chưa được triệu hồi ra trước mắt ta mà thôi. Ta vẫn có thể kết nối với “tôi-trong-quá-khứ” chỉ đơn giản bằng cách sử dụng nghệ thuật khơi gợi.
Ngày nay, chúng ta nói thao thao bất tuyệt về công nghệ thực tế ảo. Nhưng thật ra ta chẳng cần những loại thiết bị đó. Tự trong trí óc của mình, ta đã chiếc máy tân tiến nhất. Ta có thể - ngay bây giờ - nhắm mắt lại và du ngoạn, đắm mình vào những giây phút tuyệt vời nhất, hạnh phúc nhất trong ký ức của mình.
Thành Nguyên, Trạm Đọc
Theo The Book Of Life