Chọn sách cho con: tránh sách độc hại, không tránh sách khó
Chọn sách cho con: tránh sách độc hại, không tránh sách khó
Xung quanh chủ đề này, Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các chuyên gia là những người làm sách và chăm sóc việc đọc cho trẻ em.

Không cực đoan, một chiều trong chọn sách

Theo ông Nguyễn Quốc Vương - tác giả và dịch giả của những đầu sách về giáo dục, cha mẹ khi lựa chọn sách cho con phải phù hợp với nhu cầu của con nhưng đồng thời phải có định hướng của người lớn. Ông lưu ý là sự định hướng này phải tinh tế, khéo léo để con không có cảm giác bị cha mẹ ép đọc.

Tương tự, TS tâm lý giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng chọn sách cho con cần kết hợp cả... ý chí của bố mẹ lẫn sở thích của các con trên cơ sở chia sẻ niềm vui để hai thế hệ sẵn lòng nghe theo lời giới thiệu của nhau. 

"Ví dụ, con thích động vật, côn trùng, bố mẹ đề xuất với con một số tựa sách mà bố mẹ tìm hiểu được. Ngược lại, bố mẹ cũng có thể hỏi xem con thấy cuốn sách nào hay để cập nhật những nội dung giới trẻ đang quan tâm. 

Có thể thuyết phục con thử đọc những thể loại khác nhau để đánh giá sách cho khách quan, không nên quá định kiến hoặc cực đoan, một chiều trong việc chọn sách. Việc cha mẹ coi trọng, đánh giá cao ý kiến của con, tôn trọng cảm nhận của con về cuốn sách sẽ khuyến khích trẻ ngày càng để tâm chọn sách hay, có nhiều điều để nói với nhau hơn" - TS Nguyễn Thụy Anh nói.

 

Sách hay giúp trẻ yêu thích việc đọc

 

 

Ông Vương cho rằng khi chọn sách cho con trước tiên phải đảm bảo yếu tố an toàn, đúng tuổi, tránh những cuốn sách "độc hại". 

Đúng độ tuổi không phải là cân nhắc về độ khó của sách, phạm vi bao phủ lĩnh vực mà chủ yếu chú ý đến yếu tố an toàn, tránh gây hại về tâm lý cho trẻ. 

Nên cha mẹ khi chọn sách cho con chủ yếu cần lưu ý tránh những cuốn sách có khả năng gây hại tới nhận thức hoặc tâm lý trực quan của trẻ như sách có những cảnh chém giết ghê rợn, có cổ vũ bạo lực, sử dụng bạo lực như yếu tố chính để câu khách, dẫn dắt câu chuyện. 

Hoặc cân nhắc những cuốn sách có mô tả cận cảnh những mối quan hệ nam nữ, có chạm đến những luân lý của xã hội như loạn luân, những quan hệ tay ba không phù hợp với trẻ em... chứ không phải là tránh những cuốn sách khó.

Ông ví dụ con ông mới 6 tuổi, chưa biết đọc nhưng gần đây rất hứng thú với những cuốn sách khó. Bé nhờ bố đọc cho những cuốn sách như Lịch sử các nền văn minh cổ đại, Totto-chan bên cửa sổ, Tây du ký...
 

Chọn sách đa dạng để rèn trẻ tôn trọng sự khác biệt

 


Một nguyên tắc chọn sách quan trọng cho trẻ nữa là cần phải chọn sách đa dạng, nhiều phong cách, nhiều thể loại, nhiều nguồn.

"Sách cho trẻ càng phong phú, đa dạng thể loại, phong cách khác nhau càng tốt, nhờ đó trẻ sẽ sớm rèn luyện được tư duy phản biện, cách nhìn nhận đa chiều và nhận ra rằng chân lý trên thế giới, hiện thực thế giới được phản ánh trong những cuốn sách là một hiện thực có tính tương đối. 

Từ đó trẻ có một đầu óc rộng mở, có tinh thần khoan dung, chấp nhận sự khác biệt giữa những người xung quanh" - ông Vương nói. "Việc đọc phong phú nhiều loại sách khác nhau từ lúc nhỏ rất quan trọng" - ông Vương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập chương trình Sách hóa nông thôn - cũng cùng chung ý kiến. 

Theo ông Thạch, Việt Nam hiện nay đang có hàng ngàn đầu sách tốt cho trẻ và cha mẹ cần lựa chọn những đầu sách nuôi dưỡng tính trung thực, kiên trì, độc lập, dũng cảm, bác ái, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo, có tư duy độc lập, phản biện...

Câu chuyện chọn sách thế nào cho con lại được đặt ra khi những tranh luận xung quanh chuyện cậu bé 10 tuổi ham thích sách lịch sử và đang đọc bộ Lênin toàn tập diễn ra sôi nổi trên mạng xã hội những ngày này.

 Theo Tuổi Trẻ Online
Tags: