Khi soi gương trở thành noi gương
Khi soi gương trở thành noi gương
Biết cái gì không quan trọng cũng quan trọng không kém biết mình quan trọng điều gì.
1. Bi kịch khi so sánh bản thân với người khác là có quá nhiều người khác. Kẻ thì học giỏi hơn, kẻ thì người đẹp hơn, kẻ thì nói chuyện khéo hơn: sau một hồi thì bạn chẳng còn biết đang so sánh mình với ai. Thế là bạn dùng ưu điểm của hàng trăm con người để tấn công khuyết điểm của một người. Nếu lấy người đời làm tiêu chuẩn, bạn sẽ có hàng nghìn tiêu chuẩn: và trong trường hợp này, quá nhiều tiêu chuẩn nghĩa là không có gì.
 
Bảo sao bạn cảm thấy tệ khi nhìn vào Facebook, hay Instagram: Bạn có thể hơn được anh này, em kia, nhưng không bao giờ có thể hơn được "người khác". Và vì tất cả đều cùng dùng nhiều "tấm gương" một lúc để soi chiếu, nên ai cũng hoảng loạn vì không biết phải "noi gương ai": chúng ta đều là thủ phạm, lại đều là nạn nhận. Một trò chơi mà không ai thắng và tất cả đều thua.
 
Nếu chúng ta coi việc chiến thắng "kẻ khác" là một mục tiêu, đây sẽ là một cái đích luôn di động: vì vậy bạn sẽ chẳng bao giờ đến được đích.
 
2. Kẻ khác luôn có thứ mà bạn không có: Ai đó trên Facebook có người yêu ổn hơn, lương cao hơn, nhiều bằng hơn... Nếu chỉ dùng một người cố định để ngước nhìn, có lẽ chúng ta sẽ không phải chảy nhiều nước mắt như thế.
 
Con trai ghen tị (Ông có gì hơn tôi – MQH 2 người), con gái ghen tuông (Nó có gì mà người yêu lại thích nó hơn mình – MQH tay 3), và con người thì ghen tức (GATO – lấy vô số người đời để làm chuẩn so sánh). Tất nhiên, ngưỡng mộ người khác cũng tốt, trừ khi trong lúc đề cao họ, bạn không chà đạp bản thân mình xuống.
 
Cách duy nhất để chiến thắng trong cuộc chơi này là dừng cuộc chơi: mua vé chuyển sang trò chơi khác (như so sánh mình với mình của ngày hôm qua, hoặc dừng trò so sánh lại).
 
3. Khi càng biết mình muốn gì, thì bạn sẽ càng thờ ơ với sự thành công ngoài kia (và cảm thấy bớt thất bại về mình). Giống như chẳng ai nhìn Bill Gates để cảm thấy mình nghèo (Chỉ là ông ấy không liên quan), bạn sẽ bớt bực hơn nếu có một bộ tiêu chí cho những ham muốn của mình. Giống như nếu bạn ăn chay, tất cả những món ăn sang chảnh cũng chẳng làm bạn động lòng: Chỉ là bạn không còn "hứng".
 
Khi đó, "Đây không phải ham muốn của mình", là câu thần chú bạn có thể sử dụng để nhắc lại mỗi khi bạn GATO (và lại bắt đầu trò 'tự nhục'). Thời đi học, chúng ta dễ buồn vì thứ gì cũng coi là quan trọng (Điểm số là quan trọng; Giáo viên, cả lớp quý là quan trọng; Học sinh giỏi là quan trọng; Nhìn cool ngầu là quan trọng). Vì cái gì cũng quý, nên bạn chẳng biết cái gì đáng quý.
 
Biết cái gì không quan trọng cũng quan trọng không kém biết mình quan trọng điều gì.
 
Minh Đào – Trạm Đọc
Tags: