Áp lực phải hạnh phúc
Áp lực phải hạnh phúc
Hãy sống dưới danh nghĩa ham muốn của bạn, nhưng nó là gì thì đừng để có "Trời" mới biết.
1. Nếu nỗi khổ của thời ông bà ta là bị cấm đoán quá nhiều thứ nên họ không hạnh phúc (cấm chơi đêm, cấm áo 2 dây, cấm ăn cơm trước kẻng), thì nỗi khổ của thời chúng ta lại là được cho phép quá nhiều thứ, nhưng lại không được phép bất hạnh.
 
Đâu đâu, người ta cũng bảo rằng bạn phải "Enjoy": Enjoy công việc mình đang có; Enjoy tình yêu của bạn; Enjoy cuộc sống hiện tại... Và trong tâm trí bạn cũng có một giọng nói luôn dằn vặt với khẩu hiệu: "Mày phải tận hưởng, thích thú, vui sướng. Nếu không thì mày đáng bị trừng phạt".
 
Nó giống như kiểu bạn vừa được mẹ, bạn bè, người yêu dẫn đi ăn, mua đồ, du lịch, và khi họ hỏi "Enjoy chứ"; câu trả lời "Không" sẽ khiến lòng bạn tràn ngập tội lỗi như thể mình vừa làm gì đó rất sai.
 
Chán đời cũng là một cái tội; không yêu đời lại là một cái tội khác. Áp lực phải hạnh phúc càng khiến người ta càng mất đi hạnh phúc. 12h đêm, đã đến giờ ngủ, nhưng bạn lại không thể ngủ, và bạn cảm thấy như mắc tội vì mình chưa buồn ngủ.
 
2. Bạn luôn có một hình ảnh về cái tôi lý tưởng: nó là phiên bản hoàn hảo nhất mà bạn mong cuộc đời mình sẽ đạt được. "Mình sẽ trở thành một giáo viên nổi tiếng; Mình sẽ sống một cuộc đời như Lý Tử Thất; Mình sẽ có một sự nghiệp như ý".
 
Bất cứ cái gì bạn cầu xin khi đi chùa, đi lễ cúng bái cho mình đều nhằm hiện thực hóa "thần tượng" về bản thân này. Và chừng nào bạn chưa đạt được nó, bạn sẽ còn không hài lòng, và vì vậy còn dằn vặt. Lớn là học cách từ bỏ những ước mơ ngày bé: chấp nhận từ bỏ niềm hy vọng lớn lao để không bị sự thất vọng dằn vặt.
 
Nhưng những ham muốn này, tưởng rất riêng tư, nhưng lại không tinh khiết đến vậy: nó luôn chịu ảnh hưởng lớn từ người khác. Câu hỏi thành công luôn đi kèm một câu hỏi khác: thành công này để cho ai nhìn hay ai cần được báo tin (mẹ, bạn gái cũ, lũ bạn). "Tôi đẹp, tôi gầy, tôi học giỏi, tôi nhiều Like, tôi điểm cao... là để cho ai?"
 
Hay trước mọi điều ước, bạn luôn có thể hỏi: ước vì ai (con ngoan vì mẹ). Nếu bạn không thực hiện dược nó, thì ai sẽ là người phật lòng nhất? Chúng ta tưởng mình ích kỉ, nhưng phần lớn mọi thứ bạn làm vì chạy theo ham muốn của người khác: bạn muốn cái người khác muốn; bạn muốn được người khác ham muốn. Câu hỏi trước "Tôi muốn gì?" là "Người khác muốn gì ở tôi?".
 
3. Khi đánh máy sai hay vô tình gây ra một lỗi lầm gì đó, bạn lẩm bẩm kêu "Oops!". Khi bạn phát ra tiếng phạm lỗi này, bạn đang xin lỗi ai vậy? Ai đang ngồi đó để nghe bạn nhận tội? Khi vô tình làm một cái ghế đổ, bạn lại lẩm nhẩm "Xin lỗi", nhưng bạn đang xin lỗi cái gì. Ai vừa rút thẻ đỏ? Trước ai mà bạn cảm thấy hối lỗi?
 
Khi trong phòng ngủ, và người yêu làm những trò hơi "lệch chuẩn", chàng trai cảm thấy "xấu hổ", nhưng trước ai? Không ai đang nhìn, bạn gái lại đang khuyến khích, nhưng chàng vẫn cảm thấy đầy tội lỗi và vì vậy cuộc chơi phải dừng lại. Nàng vẫn không hiểu cái gì khiến chàng mặc cảm đến thế, dù họ chẳng làm gì có lỗi với trời đất này cả!
 
Kể cả khi bạn đang ngồi một mình trong phòng kín, bạn cũng không dám làm những trò quá ngớ ngẩn, vì bạn vẫn cảm thấy ai đó đang quan sát, đang theo dõi để giữ mình phải nghiêm chỉnh. Cảm giác "căng cứng" nơi tâm trí khiến định nghĩa về "tự do thực sự" phải đặt lại dấu hỏi: Không ai ép bạn phải thế, nhưng tại sao bạn lại cứ phải thế?
 
4. Tin vui là kẻ khác đó không tồn tại, nhưng tin buồn nó lại tồn tại ở khắp mọi nơi. Chúng ta chỉ cảm nhận được sự hiện diện của nó, nhưng không thật sự biết nó muốn gì. "Người ta nói rằng, Họ, Ai đó, Mọi người bảo thế..." – Người vô hình này đại diện cho đám đông, nhưng hỏi từng người trong đám đông thì họ lại chỉ một đám đông khác. Chúng ta khổ sở vì phải phục tùng "Kẻ khác", Kẻ mà ai cũng biết là ai đấy, dù thực sự lại chẳng ai biết "nó" là ai.
 
Rất khó để thoát khỏi nó (hãy chỉ ra một ham muốn thuần khiết chỉ vì bạn). Rất khó để sống với ham muốn của riêng mình, vì nó luôn bị trộn lẫn với ham muốn của "Người khác".
 
Để tìm đường ra, bạn chỉ có cách hiểu rõ trò chơi ham muốn của mình tốt hơn, chứ không thể thoát khỏi trò chơi. Nếu không dự án của cuộc đời bạn dễ dàng chỉ là đi làm thuê cho ham muốn của người khác; trong những trường hợp bi kịch hơn, "người khác" đó còn không tồn tại.
 
Hãy sống dưới danh nghĩa ham muốn của bạn, nhưng nó là gì thì đừng để có "Trời" mới biết.
 
Minh Đào – Trạm Đọc
Tags: