Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ - Cuốn sách nhỏ chứa đựng lịch sử trăm năm
Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ - Cuốn sách nhỏ chứa đựng lịch sử trăm năm
Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ kể về câu chuyện về vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là mảnh đất Sài Gòn - Gia Định trong hơn 100 năm, từ giai đoạn khi vua Gia Long lên ngôi đến những năm 1930 khi nền kinh tế Đông Dương rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của Khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1930 với những nhân vật, sự kiện tiêu biểu của vùng đất và của từng giai đoạn lịch sử.
Khắc Họa Bức Tranh Lịch Sử Nam Kỳ
(0 lượt)
Phải thừa nhận viết về lịch sử một vùng đất chưa bao giờ là công việc dễ dàng, ngay cả việc lựa chọn về thời gian và những câu chuyện cần kể cũng đòi hỏi cả một nghệ thuật. Và ở cuốn sách này, tác giả Nguyễn Quang Diệu đã thành công khi lựa chọn mốc thời gian phù hợp để bắt đầu cuốn sách.

Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ kể về câu chuyện về vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là mảnh đất Sài Gòn - Gia Định trong hơn 100 năm, từ giai đoạn khi vua Gia Long lên ngôi đến những năm 1930 khi nền kinh tế Đông Dương rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của Khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1930 với những nhân vật, sự kiện tiêu biểu của vùng đất và của từng giai đoạn lịch sử.

Không mang tham vọng viết một cuốn biên niên sử về một vùng đất rộng lớn đa văn hóa Nam Bộ, tác giả vẫn khắc họa đầy đủ những sự kiện đáng phải ghi nhớ về vùng đất và những con người ghi tên mình vào lịch sử vùng đất. Đó là Tổng trấn Lê Văn Duyệt khi sức ảnh hưởng của Gia Định không những bao trùm sang các vùng địa hạt lân cận mà còn ảnh hưởng đến lân bang. Đó là cuộc chiến ở đại đồn Chí Hòa khi súng đạn giặc Pháp thể hiện ưu việt trước thành lũy truyền thống. Đó là giai đoạn cao trào của nền báo chí non trẻ của nước nhà từng bước từ công cụ của giới cầm quyền thành ngòi nổ của phong trào phản kháng với những tên tuổi như Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu... với âm vang của Tiếng Chuông rè làm giới cầm quyền sợ hãi mỗi lần "cất tiếng". Là những lần đồng bào Nam Kỳ cùng cả nước tham gia các cuộc vận động để tang cụ Phan Châu Trịnh, đòi thả tự do cho cụ Phan Bội Châu.

Và dù bản thân cuốn sách cũng không mang tham vọng biến cuốn sách nhỏ trở thành một địa chí về vùng đất Nam Bộ. Nhưng, với việc sử dụng rất nhiều bản đồ về vùng đất, kiến trúc, con người được vẽ từ những họa sĩ cùng thời, Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ cho ta một hình dung tương đối đầy đủ về địa lý và phần nào chân dung của những con người mà giờ đây đã chìm lấp trong dòng chảy thời gian. Đặc biệt là những bức tranh được in màu để ở phần cuối sách được quan tâm chú thích cẩn thận, tỉ mỉ.

Ở Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ, mình có cảm giác như đang được xem từng lát cắt của dòng chảy lịch sử, được phác họa rõ ràng, đầy đủ và chân thực nhất có thể, không có quá nhiều cảm xúc hay thiên kiến cá nhân. Có lẽ, tác giả mong muốn chia sẻ cho người đọc phần nào hiểu biết của mình về vùng đất, con người Nam Kỳ bằng những tư liệu rõ ràng, khách quan.

Hoặc có thể, đây là một phần của một dự án dài hơi hơn mà tác giả đang ấp ủ chăng?

Theo Omega+ Buddies - Nguyễn Linh

Có thể bạn quan tâm: NAM KỲ VÀ CƯ DÂN: Tập đại thành về Nam Kỳ thế kỷ 19 qua con mắt người Pháp

 
Tags: