Kenny sang là thiên tài PR? Chỉ những kẻ mù PR mới nói vậy
Kenny sang là thiên tài PR? Chỉ những kẻ mù PR mới nói vậy
Ở xứ mù thì thằng chột sẽ làm vua.

Xứ mù là một xứ như thế nào? Đó là nơi mà những Bà Tưng, Kenny Sang, Lệ Rơi, Tùng Sơn và vô số những kẻ đi lên bằng tai tiếng khác được trầm trồ là những thiên tài PR hay bậc thầy PR; trong khi công thức nổi tiếng của họ không hề tuân theo nửa chữ định nghĩa về PR.

Trong Tôi PR cho PR – sách gối đầu giường cho tất cả mọi người (không nói quá đâu), Di Li nhắc đi nhắc lại rằng PR bản chất là “chiếm cảm tình của công chúng”. Vì vậy, bất cứ lời nói, thái độ, hành vi nào khiến công chúng mất thiện cảm và trở nên căm ghét chủ thể đều là “phản PR”. Nói Kenny Sang thành công trong việc thu hút sự chú ý của công chúng thì có thể đúng, nhưng nói Kenny Sang thành công trong việc PR bản thân thì sai. Sai hoàn toàn.

Nếu Kenny Sang biết PR bản thân, anh ta đã không để thiên hạ mạt sát và mỉa mai không tiếc lời như thế. Nếu Kenny Sang biết PR bản thân, anh ta đã không tạo ấn tượng rằng mình là một kẻ mặt trơ trán bóng, sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để nổi lềnh phềnh trên mạng như thế.

Nếu Kenny Sang biết PR bản thân, anh ta đã thể hiện đúng như con người thật ngoài đời của mình - con người mà các phóng viên tiếp xúc với anh đều nhận xét rằng “dễ gần, dễ mến và rất lịch sự”.

Vậy nếu Kenny Sang không phải là thiên tài PR, thì ai có thể là thiên tài PR? Của Việt Nam? Câu trả lời là: CHÍNH BẠN. Nếu bạn làm theo những chỉ dẫn về PR bản thân sau đây, và làm thật tốt.

1. PR hay là... chết?

Có thể bạn đang nghĩ: “Ôi dào, tôi có muốn nổi tiếng đâu mà phải PR?!” Tôi mượn một trích đoạn trong cuốn Tôi PR cho PR của chị Di Li:

 

Bất cứ ai sống trong cộng đồng đều cần đến PR, trừ phi bạn đã trở thành đạo sĩ và lên hang núi nhập cốc

 

PR hiểu một cách đơn giản là tìm cách có được cảm tình của công chúng. Công chúng của những người bình thường chúng ta chính là những người xung quanh: Gia đình, họ hàng, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp… cho đến cả những người chỉ gặp sơ sơ vài lần. Bạn đang sắm sanh quà Tết cho mọi người đúng không? Đó chính là PR đấy.

Cũng có thể bạn đang nghĩ: “Ôi dào, tôi có phải dạng bất tài đâu mà phải PR?!”. Nếu cứ có tài là sẽ có tiếng, thì Austin Kleon đã chẳng phải viết nguyên một quyển Nghệ thuật PR bản thân để thuyết phục mọi người phải PR bản thân. Di Li cũng đồng quan điểm rằng, những ai vỗ ngực tự xưng “hữu xạ tự nhiên hương” là... những kẻ đang PR mà không biết đó là PR.

Bạn nghĩ rằng bạn có thể ngồi yên trong nhà, để khí chất của bạn tự tỏa sáng rạng ngời, cho đến ngày Khổng Tử vô tình cưỡi ngựa qua nhìn thấy và đi khắp nơi để ca ngợi bạn, rồi tụ tập cả thiên hạ dưới cửa sổ nhà bạn tôn thờ bạn như Romeo tôn thờ Juliet? Ngày đó là ngày chạch đẻ ngọn đa!

Nói như Kleon: “Để được tìm thấy, bạn phải nằm trong vùng tìm kiếm được”. Bạn phải mở cửa ra, đến từng nhà tươi cười chào hỏi và giới thiệu bản thân, hoặc leo lên mái nhà mà hét (nhưng đừng hét như Lệ Rơi), cho đến khi bạn tìm được người đang tìm bạn.

Nhưng đó là PR thời Khổng Tử. Chúng ta không sống ở thời Khổng Tử, mà ở thời Mark Zuckerberg. Chúng ta không hét trên mái nhà nữa nữa, mà phải hét trên mạng xã hội. Trong bài này, tôi sẽ “ăn cắp” kiến thức từ Di Li và Austin Kleon để hướng dẫn các bạn hét sao cho rền vang như danh ca Trọng Tấn, chứ không phải hét một cách thảm họa như Lệ Rơi hay Kenny Sang. 

2. “Tự kiểm điểm” lại trang facebook của bạn

Khi đọc Nghệ thuật PR bản thân, tôi bỗng nhớ lại lần đầu tiên tôi nộp đơn xin việc mà nơi tuyển dụng yêu cầu dán link facebook vào CV. Thế là tôi mất một buổi tối ngồi hì hụi cập nhật thông tin, thay ảnh và… xóa một loạt status. Xong xuôi, tôi nhìn cái trang trống huơ trống hoác của mình và nghĩ, chắc quả này trượt rồi. Và tôi trượt thật.

Vậy còn bạn, Facebook của bạn trông như thế nào?

Hãy nhìn vào Facebook của bạn và thử tưởng tượng bạn là nhà tuyển dụng. Bạn muốn tuyển bạn chứ? Thời đại công nghệ thông tin lên ngôi, một trang Facebook nhạt nhẽo là cách dễ nhất để người tuyển dụng ném hồ sơ của bạn vào sọt rác. Và ngược lại, một trang Facebook thú vị là cách dễ nhất để bạn được mời gọi tới tấp với những hợp đồng giá hời.

Kleon được tờ The Atlantic mệnh danh là “một trong những người thú vị nhất trên mạng Internet”. Vậy anh ta làm như thế nào để trở nên thú vị? Đơn giản lắm, như những gì chia sẻ trong Nghệ thuật PR bản thân, ảnh làm theo lời khuyên của nhà báo Lauren Cerand: “Hãy viết bài như thể tất cả người đọc nó đều có quyền sa thải bạn”.

Người đọc sẽ không sa thải bạn, nếu bạn viết về công việc - cảm hứng, đam mê, những khó khăn và cách bạn vượt qua, những câu chuyện vui vẻ về việc bạn làm và những người sát cánh bên bạn. Hãy thú vị.

 

Đừng đăng ảnh cốc cà phê rồi hashtag #workhardplayhard. Hãy chia sẻ rằng bạn đang ở giai đoạn nào của công việc, và tại sao bạn phải thức đến 3 giờ sáng với một cốc cà phê.

 

Tôi từng gặp nhiều người than thở rằng bản thân họ không thú vị thì làm sao có thể có một trang facebook thú vị. Kleon không bẩm sinh thú vị, mà anh ta luyện tập để có được nó. Hãy bắt chước Kleon - luôn tự hỏi “Thế thì có gì đặc biệt?” trước khi đăng bất cứ thứ gì lên mạng. Sự đặc biệt sẽ tạo nên sự thú vị. Hãy đặc biệt. Đừng tầm thường và nhạt nhẽo.

3. Yêu nhiều hơn. Nhưng đừng yêu bừa bãi

Để tình yêu dẫn lối, bất kể bạn là một tay mơ hay một dân chuyên. 

Nếu bạn là một a-ma-tơ, đừng ôm khư khư sản phẩm của mình vì mặc cảm kém cỏi. Hãy bày nó ra, dù nó có ngô nghê và thiếu sót đến đâu. Nếu năm đó anh chàng vô danh Adam Lambert không mạnh dạn thi American Idol bằng tuyệt tác Bohemian Rhapsody (ca khúc mà ai “cover” cũng bị ném đá), thì anh đã không được tác giả của nó - ban nhạc Queen huyền thoại - để mắt đến. Ba năm sau, Queen mời Adam làm ca sĩ hát chính, lập nên một ban nhạc “vong niên” tên Queen + Adam Lambert, lưu diễn khắp năm châu bốn bể.    

Vì vậy, đừng ngại ngần chia sẻ tình yêu của bạn và những gì bạn học được. Bạn sẽ kết nối một mạng lưới những tay a-ma-tơ như bạn để cùng giúp nhau tiến bộ, và đôi khi, bạn còn thổi bùng cảm hứng cho những tay chuyên nghiệp đầu to nhưng cằn cỗi.  

Nếu bạn là một dân chuyên, đừng ôm khư khư sản phẩm của mình vì sợ bị ăn cắp. Bạn cũng đã, đang và sẽ phải “ăn cắp” cái này cái nọ của người khác, nên hãy để người ta “ăn cắp” của bạn. Trước Nghệ thuật PR bản thân, Kleon đã viết Ăn cắp như một nghệ sĩ, trong đó chứng minh rằng rất nhiều thiên tài độc lập trong lịch sử thực chất đều là mắt xích trong “một tổng thể những người giúp đỡ lẫn nhau, quan sát sản phẩm của nhau, sao chép của nhau, ăn cắp và đóng góp ý tưởng với nhau.” Nói cách khác, thiên tài độc lập không tồn tại trên cõi đời này.

Bởi vậy, hãy kết nối với cộng đồng bằng việc chia sẻ một cách hào phóng. Bạn không ngờ được công chúng sẽ “trả ơn” bạn bằng cái gì đâu. Một tập thơ tình tiêu thụ hàng vạn bản chỉ trong những tuần đầu tiên chẳng hạn. Chuyện có thật đấy! Di Li quan sát và ghi chép trong Tôi PR cho PR rằng, thành quả này là nhờ tác giả của nó - nhà thơ Nguyễn Phong Việt - đã đưa những trích đoạn thơ của mình lên trang facebook cá nhân, và cho phép nó xuất hiện ở rất nhiều trang cá nhân khác thông qua tính năng chia sẻ.

Nhưng đừng lẫn lộn giữa chia sẻ hào phóng và spam. Kleon cảnh báo nguy cơ chúng ta có thể trở thành “cỗ máy spam” khi chia sẻ quá đà. Theo anh, “cỗ máy spam” là một kẻ chỉ muốn người khác nghe ý kiến của mình mà không muốn nghe ý tưởng của bất cứ ai. Để tránh rơi vào tình trạng này, hãy “yêu lấy” đứa con tinh thần của người khác. Like, comment và share sản phẩm của họ để cho họ thấy bạn quan tâm đến họ như thế nào. “Muốn có nhiều like thì phải like thật nhiều” - Trích dẫn này không của chuyên gia nào đâu, mà là của em họ tôi - một con bé tuổi teen được xếp vào thành phần “trẻ trâu tập đú”, nhưng tôi đảm bảo với bạn là nó cực kỳ chính xác.

 

Người ta sẽ like lại bạn nếu bạn like họ

 

Tuy nhiên, em tôi chưa biết xây dựng hình ảnh là gì, nên nó bấm like tất cả những gì hiện lên News Feed của nó mà không hề đọc lấy một chữ. Điều này rất nguy hiểm. Tuy nó mang lại cho bạn nhiều like, nhưng phá hỏng hình ảnh của bạn. Vì bạn biết đấy, theo cơ chế hoạt động của facebook, mọi người sẽ thấy bạn like gì. Nếu một ngày nào đó, bạn gái bạn thấy bạn like phát ngôn của Donald Trump: “Túm lấy cái hĩm của mấy ả” thì còn ra thể thống gì! Hãy yêu một cách lí trí, đừng yêu bừa.

4. Nhận hoa hồng và... gạch đá

Đưa sản phẩm của mình lên mạng đồng nghĩa với việc bạn đang cho cả thế giới xem nó. Bạn phải sẵn sàng đối mặt với mọi sự tốt xấu. Càng nhiều người nhìn thấy sản phẩm của bạn, những lời chỉ trích càng tăng. Khoanh tròn nhóm công chúng mục tiêu của bạn và lắng nghe những người này. Nếu nó đến từ ngoài vòng tròn, không cần quan tâm. Bởi theo phân tích của Di Li trong Tôi PR cho PR, làm hài lòng tất cả mọi người chỉ khiến bạn mệt mỏi, mất thời gian vô ích và mất đi cá tính riêng.

Những lời ác ý là không thể tránh khỏi, bởi không người nào có thể khiến ai ai cũng yêu quý mình. Nếu thu phục được cả nhân loại, các Thiên Chúa như Jesus hay Allah đã không phải bó tay nhìn cảnh những kẻ mộ đạo đánh nhau đến đổ cả máu.

Bạn có thể cảm thấy tổn thương, bạn có thể né tránh, nhưng đừng dành cả đời để né tránh. Nếu bị đấm, hãy né theo chiều cú đấm và tiến lên. Hãy làm như Cyndi Lauper - ca sĩ, nhạc sĩ và diễn viên nổi tiếng của Mỹ: “Tôi không bao giờ từ bỏ. Mỗi lần bạn nghĩ tôi ở nơi này, tôi sẽ xuất hiện ở nơi khác. Tôi sẵn sàng bị ghét. Cứ việc gắng sức mà tấn công đi.”

 

Cứ để những kẻ ghét bạn gắng sức tấn công, rồi bạn sẽ thấy da bạn dày dần lên và không lời tấn công nào có thể xuyên qua nó được nữa

 

5. PR bản thân. Ngay bây giờ! Trốn tránh là tự sát!

Tôi không giật tít đâu. Tôi mượn lời nhà văn Colin Marshall mà Kleon dẫn lại trong Nghệ thuật PR bản thân: “Cố tình trốn tránh sự khó xử cũng là một hành động tự sát”. Khi bạn đọc đến đây, có thể ở một công ty nào đó, một nhà tuyển dụng cũng đang vỗ đùi đen đét và quyết định đợt tuyển dụng sắp tới sẽ yêu cầu các ứng viên phải dán link facebook vào hồ sơ. Vậy nên, càng sớm càng tốt, hãy làm cho trang Facebook của bạn thật thú vị. Bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ, bằng cách chia sẻ cảm nhận của bạn về bài viết này lên Facebook chẳng hạn.  

Hà Đỗ/Trạm Đọc