Tiểu thuyết là lời kể của Phong - cậu cháu bồ côi bồ cút mắt lác của vị đại tá về hưu. Cậu kể chuyện với một con chó tên Phốc, về những sự kiện xảy ra từ khi đại tá đột quỵ, nằm viện, được đưa về nhà và đi tới cái chết. Lấy điểm nhìn từ góc độ cái chết, tiểu thuyết đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về cõi nhân quần bề bộn.
Phong không chỉ kể về cái chết của ông mình, mà còn kể về cái chết của những người xung quanh. Những cái chết đến mỗi ngày, trong bệnh viện mà Đại Tá nằm, tưởng như bất chợt, nhưng cũng lại là một lẽ tự nhiên. Các nhân vật chết theo nhiều cách khác nhau: vì chiến tranh, thù hận, tai nạn, bất đắc kỳ tử…
Chú Khoa chết vì đánh nhau với tay Voong người Hoa… Chú Khoa chết lúc tảng sáng, trước khi chết hay nói hoảng, van vỉ cầu xin đổ nước vào miệng mình vì thấy lửa hun rần rật trong người.
Nhưng tớ chưa kịp mang bi tới thì thằng Tuấn đã chết. Nó chết đúng lúc lũ từ mạn ngược tràn về dìm lút cả vùng Tuyệt Sơn…
Những thần chết tưởng như luôn chờ đến khi ta sống hết cuộc đời dài mới tới đón lại bất thình lình lao vào giữa cuộc sống của ta mà không một lời báo trước. Dù biết vậy, nhưng cuộc đời con người vẫn luôn xoay quanh những tranh cãi, hơn thua, những tư lợi tầm thường. Khi chết đi ai cũng chỉ còn bộ xương trắng, còn nắm tro tàn, vậy cớ sao lúc sống lại cứ phải cố tranh giành?
Giọng văn Nguyễn Bình Phương trong Kể xong rồi đi có gì đó như hững hờ, bình thản lại ma mị huyền bí. Lời kể của nhân vật Phong - đại diện cho tác giả có đôi chút trẻ con, nhưng đôi khi lại ẩn chứa những triết lí sâu xa về người, về đời và về cái chết. Phong nhận ra mọi góc tối luôn được che đậy kĩ càng xung quanh mình, nhưng kì lạ là Phong cũng không can thiệp. Phong im lặng, quan sát, ghi nhớ và bàng quan như một người ngoài cuộc. Đó phải chăng cũng chính là thái độ của chính Nguyễn Bình Phương giữa chốn hỗn độn xô bồ này?
Đây là một câu trả lời mà không ai có thể giải đáp ngoài chính bản thân tác giả. Phong cách của Nguyễn Bình Phương vốn luôn là như thế. Tác giả không lớn tiếng chỉ trích, không thẳng thắn phê bình; tác giả lặng lẽ giữ những ưu tư của mình trên trang chữ, chờ người đọc phân giải.
Một cuốn sách thành công, là một cuốn sách khơi gợi được những suy ngẫm từ chính bản thân người đọc. Và đó cũng là lý do Kể xong rồi đi được chúng tôi lựa chọn. Cuốn sách khơi gợi ở người đọc những suy tư sâu lắng về điều “vô thường” trong cuộc đời bình thường, về cuộc sống mà chúng ta đang sống, và thậm chí có thể là về cả thái độ sống của mỗi người.
Trạm Đọc xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của các nhà tài trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Thư viện sách điện tử Waka, Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Sống và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam; sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng bình chọn và các tác giả và nhà xuất bản, công ty phát hành sách.
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại một làng quê ở Thái Nguyên. Tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, Nguyễn Bình Phương bắt đầu viết văn từ năm 1986. Anh đã trải qua những năm tháng rèn luyện trong quân đội nên có một vốn sống rất phong phú.
Là nhà văn quân đội, Nguyễn Bình Phương vẫn không ngừng sáng tác, anh còn làm thơ. Dĩ nhiên, nhà xuất bản thơ của anh cũng cảnh báo trong lời nói đầu với độc giả: thơ của Nguyễn Bình Phương không phải dễ đọc. Nhưng người yêu thơ có thể tìm thấy trong đó, những vần thơ thoáng buồn, không như thế giới rờn rợn trong tiểu thuyết của anh.