Ở đây không thiếu những nét đặc Murakami (Murakami-ism), tất nhiên không thiếu dàn nhân vật sống đời song song không liên quan đến nhau (cho đến lúc, chúng ta hy vọng và tin tưởng, rằng một lúc nào đó họ sẽ đi ngang đời nhau). Đầu tiên chúng ta gặp người kể chuyện, Kafka Tamura khắc kỷ bỏ nhà đi năm mười lăm tuổi. Mẹ Kafka bỏ nhà đi lúc cậu ta bốn tuổi, mang theo chị cậu và bỏ lại thằng con với ông bố lạnh lùng. Kafka tìm đến một thư viện tư nhân ở vùng quê, nơi cậu gặp cô Saeki thư viện trưởng mà cậu nhanh chóng tin là mẹ mình.
Câu chuyện của Kafka được kể xen kẽ với chuyện ông già thất học Nakata. Là một đứa trẻ sinh ra sau Thế chiến II, Nakata nằm trong nhóm những đứa nhóc bỗng nhiên ngã gục khi đang hái nấm – ông không bao giờ hồi phục trí nhớ và đầu óc nữa. (Luôn nói về chính mình ở ngôi thứ ba, ông bảo mọi người ông gặp một cách chân thành và ngọt ngào, “Nakata không được thông minh lắm.”) Hiện giờ ông sống, trong những trưa nắng ở Tokyo, nói chuyện gẫu với những con mèo ở địa phương. Sau khi chạm trán một người lạ mặt tên Johnny Walker – Murakami có vẻ rất thích đặt bừa tên nhãn hiệu cho các biểu tượng trong truyện của ông – cuộc gặp kỳ quái và rùng rợn kết thúc với chuyến đi xuyên quốc gia của Nakata, cùng một phía với Kafka.
Murakami thường viết về những linh hồn lạc lối đi để được lấp đầy, và ở đây cũng thế. Điều đặc biệt về tiểu thuyết lần này là nhân vật chính còn rất trẻ. Kafka tự thuật trong những trang mở đầu: “Sinh nhật thứ mười lăm của tôi là lúc lý tưởng để bỏ nhà. Sớm hơn sẽ là quá sớm, và muộn hơn sẽ lỡ mất cơ hội. ”Một câu tương tự có thể được đúc kết từ cách Murakami chọn viết từ ngôi kể của một kẻ thù ghét loài người, kẻ chạy trốn khỏi người cha, kẻ luôn nhớ người mẹ đã xa rất lâu. Có vẻ gọi câu chuyện này là nỗi buồn thiếu niên thì hơi đơn giản quá, nhưng một cách nào đó, trong tác phẩm có lẽ là phức tạp nhất của Murakami tới nay, sự không hề đơn giản của tuổi thiếu niên khiến Kafka thành người dẫn chuyện lý tưởng.
Độc giả gặp Kafka với con người trưởng thành, quy củ, nghiêm khắc trong sinh hoạt hàng ngày; nhưng đây chỉ là một nỗ lực chôn sâu khủng hoảng tuổi mười lăm của cậu. Nakata với trí tuệ không được tuyệt vời lắm là sự tương phản hoàn hảo. Nakata là một màu xám đen không có ký ức – ông khó có thể phân biệt ngày này với ngày khác – còn Kafka cố hết sức chạy trốn khỏi tuổi thơ đau buồn hành hạ cậu. Có một lời tiên đoán của cha cậu đặc biệt làm Kafka ám ảnh: Kafka sẽ giết cha cậu, sau đó ngủ với mẹ cậu và chị cậu.
Đừng cho rằng sự giống nhau với Oedipal này là hiếm (Oedipal: nhân vật trong Thần thoại Hy Lạp được tiên đoán sẽ giết cha và lấy mẹ). Khi độc giả kiên nhẫn đợi đời Nakata và Kafka cắt ngang, Murakami kết nối thêm những liên hệ triết học, lịch sử, thần thoại, âm nhạc và văn học, thả chúng vào lối văn trần thuật khô khan độc quyền của ông như thể chúng là những dấu hiệu nhỏ cần được gạch chân và đánh dấu để khám phá một kết thúc hé mở một bí mật nào đó. Cái hy vọng khám phá này, cùng với sự tò mò của chúng ta đối với bí mật tinh tế ẩn dưới vỏ một câu chuyện – là thứ Murakami dựa vào để lôi chúng ta đi. Và thực sự ông đã thành công – người đọc bị lôi đi đến hết Kafka bên bờ biển.
Cái cách Murakami gần như lúc nào cũng ném ra một cái tên (Aristophanes, Napoleon, Hegel, Kafka, tấtnhiên, và Prince chỉ là một vài trong số đó), hay cách ông cố tình hình tượng hóa mọi thứ (tất cả từ nấm cho đến máu cho đến màu xanh khiến bạn vò đầu bứt trán để hiểu ý nghĩa) có thể có ẩn ý, có thể chỉ đơn giản là giữ chúng ta tiếp tục lật trang tìm ẩn ý. Khi chúng ta đến trang cuối, dù sao đi nữa, điều đó cũng chẳng quan trọng nữa rồi. Một lần nữa chúng ta bị bỏ lại, ngẩn ngơ, mê đắm, và sau tất cả…là ám ảnh. Kafka bên bờ biển là một hành trình thực sự thú vị, nhưng khó có thể nói hành trình đó cùng những khúc quanh trong đó – dù đúng hay sai – là thỏa mãn hay không thỏa mãn. Những tính từ đấy đơn giản là không dùng được. Murakami có vẻ không nhắm đến sự thỏa mãn bằng việc chế ra một câu chuyện hấp dẫn và làm đảo điên người đọc. Ông đã thành công, từ đầu tới cuối và hơn thế nữa. Hãy nghĩ đến điều này một lần nữa khi đã đóng quyển sách lại, vì sự thật này cũng thú vị như chính bản thân sách vậy.