In sách mới, sách cũ và bài toán cân bằng tri thức
In sách mới, sách cũ và bài toán cân bằng tri thức
Theo ông Lê Hoàng, khi thấy tri thức có giá trị ở một tác phẩm nào đó thì dù cũ hay mới, các đơn vị xuất bản đều tìm cách khai thác bản thảo hoặc tái bản, in lại sách xưa.

Trải qua 2 năm liền chống chọi dịch bệnh, ngành xuất bản đối mặt sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các tác giả ít có điều kiện để viết tác phẩm mới. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến lượng sách mới được in trong 2 năm qua giảm tới hơn 60% so với trước dịch.

 “Khi đại dịch hoàn toàn chấm dứt, con người quay trở lại với trạng thái bình thường mới, tôi tin rằng tỷ lệ đầu sách mới được in sẽ tăng”, ông Trần Đoàn Lâm - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới - chia sẻ với Zing.

Những cuốn sách xưa được in lại đều mang giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa đã được khẳng định qua thời gian. Trong khi đó, sách mới lại mang hơi thở của thời đại, cập nhật tri thức. Vậy, lượng sách mới và cũ trong nước liệu đã có sự cân bằng?

 

Dịch bệnh khiến lượng sách mới được in trong năm qua giảm mạnh. Ảnh: Việt Hùng.

 

Giá trị sách quyết định lượng in

Làm công tác xuất bản lâu năm, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - chia sẻ trong lần in đầu tiên của mỗi cuốn sách, đơn vị xuất bản thường hạn chế lượng bản in (trừ những cuốn của tác giả best-seller) để “thăm dò thị trường”.

Nếu nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ bạn đọc, kế hoạch tái bản lần thứ nhất và những lần tiếp theo đó sẽ liên tiếp được thực hiện với số lượng bản in phù hợp. “Làm sách suy cho cùng là để phục vụ độc giả, nương theo nhu cầu và thị hiếu của họ”, ông Lê Hoàng nói.

Theo ông, khái niệm “tri thức” bao gồm cả yếu tố lịch sử, văn hóa, phong tục, đạo đức xã hội trong một giai đoạn phát triển của dân tộc nói riêng và loài người nói chung. Đó là sự hiểu biết về quá khứ hay hiện tại hoặc cũng có thể là dự báo tương lai. Tất cả đều mang giá trị tri thức như nhau.

Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng cho hay ngành xuất bản trong nước không chỉ chú trọng đến tri thức cũ mà quên cập nhật tri thức mới. Hơn nữa, thực tế cho thấy lượng sách xưa được in lại là không nhiều.

“Sách cũ có giá trị được in lại chỉ chiếm vài % so với lượng đầu sách mới. Vì thế, nó không dẫn đến vị thế mất cân đối giữa lượng sách cũ và mới. Cái cũ lấp đầy cho cái mới, cái mới bổ sung cho cái cũ. Chúng tự có sự cân đối, điều chỉnh cho nhau”, ông Lê Hoàng nêu quan điểm.

Theo ông Trần Đoàn Lâm, cập nhật, cân đối tri thức mới cho độc giả là điều quan trọng. Song cung cấp tri thức cũ mà vẫn còn giá trị trong một khoảng thời gian lâu dài cũng rất cần thiết.

Ông Lâm lý giải rằng nếu tập trung in sách mới nhiều, chúng ta sẽ dễ bị lãng quên những di sản, tri thức truyền thống. Còn những cuốn sách xưa, có nội dung cũ, nhưng lượng bạn đọc lại có thể là mới.

“Suy cho cùng, độc giả sẽ là những người tiếp nhận sản phẩm đó nên không cần chạy theo tìm kiếm quá nhiều đầu sách mới không có nhiều giá trị. Hay nói cách khác, độc giả sẽ là người quyết định trong bài toán cân đối này”, ông Lâm nói.

 

Làm mới những tác phẩm văn chương một thời là một trong những hướng đi của nhiều đơn vị xuất bản. Ảnh: Đông A

 

Cân bằng sách mới và sách cũ

Hiện nay, dịch bệnh đã được đẩy lùi, các đơn vị xuất bản trong nước bắt đầu đẩy mạnh sản xuất. Nhiều ấn phẩm mới (của tác giả trong nước và sách mua bản quyền nước ngoài) đã ra mắt bạn đọc, mang tính cập nhật tri thức để phục vụ độc giả.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc bản quyền Công ty sách Nhã Nam - có những đầu sách không bao giờ “lạc hậu” và luôn có độc giả dù ở thời điểm nào đi chăng nữa.

Ông Minh nhận thấy nhu cầu in lại sách xưa xuất phát từ việc có nhiều cuốn sách mang giá trị văn chương, dịch thuật, văn hóa từng được xuất bản trước đây, nhưng đến nay đã tuyệt bản, sách cũ lại rất khó kiếm và giá cao, trong khi các độc giả vẫn có nhu cầu tìm đọc chúng.

Đại diện Nhã Nam cho rằng việc tái bản, in lại các đầu sách cũ cũng là một cách để giới thiệu chúng với thế hệ độc giả trẻ tuổi hơn.

Việc in lại sách cũ cũng được đánh giá là tiết kiệm chi phí cho các đơn vị xuất bản. Ông Phạm Trần Long - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới - cho rằng đề tài sách cũng giống như một nguồn tài nguyên.

“Các vị tiền bối đã khai thác những đề tài hay, hấp dẫn rồi, nên sau này lớp hậu sinh nếu phải đi vào những ngách khác hoặc cùng viết về đề tài đó thì đôi khi sẽ gặp khó khăn để tạo ra sự khác biệt. Khi đó, in lại sách cũ là hướng đi phù hợp, giải quyết được bài toán kinh tế trong văn hóa, tiết kiệm được một khoản tiền mua bản quyền”, ông Long nói.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Vũ Trọng Đại - Chủ tịch Hội đồng quản trị Omega Plus - cũng nhận định việc in lại sách xưa sẽ tiết giảm được chi phí sản xuất và nhanh hơn nhiều so với việc xuất bản một cuốn sách mới.

Chiếm tỷ trọng đến 90% của Omega Plus là mảng sách đưa thành tựu về mặt khoa học và dịch thuật mới về Việt Nam. Còn 10% dành cho mảng sách xưa được in lại theo một cách có hệ thống.

Theo ông Đại, việc cân đối tỷ lệ sách mới và cũ nên để cho độc giả lựa chọn. Hơn nữa, mỗi đơn vị xuất bản đều có những tôn chỉ, tiêu chí riêng. Có đơn vị làm 100% sách mới, cũng có những cơ quan chỉ in sách xưa, nên khi tổng hòa lại, ta vẫn có một bức tranh toàn cảnh, đa dạng về xuất bản.

“Từng giai đoạn phát triển của xã hội sẽ phản ánh vào công tác xuất bản. Nếu nhu cầu hiện tại là hội nhập, ắt hẳn các đơn vị sẽ đưa nhiều ấn phẩm mua bản quyền về Việt Nam. Nếu yêu cầu đặt ra là chấn hưng văn hóa, thì những ấn phẩm mang tính truyền thống, lịch sử lại được chú trọng hơn. Tức là, dựa trên nhu cầu của xã hội, tỷ lệ giữa sách mới và cũ sẽ tự có sự cân bằng”, ông Đại nói thêm.

Theo Zing News

Tags: