Hành trình 17 năm chạy thận, với tần suất 3 ngày/ tuần vào bệnh viện, cuộc đời ông coi như đã gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời chiếc máy lọc máu. Trong thời gian đó, ông đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện, đủ cả hỉ, nộ, ái, ố trong một xã hội thu nhỏ như bệnh viện. Từ đó, ông mang trong lòng nhiều tâm tư và mong muốn chia sẻ những thông điệp cuộc sống cho thế hệ con cháu.
Được sự động viên, khích lệ của gia đình, ông đã có đủ minh mẫn, kiên trì, và đam mê để gấp rút hoàn thành cuốn sách dày 404 trang trong vòng chưa đầy một năm. Đây thực sự là điều kỳ tích với một bệnh nhân suy thận. May mắn thay, vợ tác giả, người bạn đồng hành của ông trong suốt quá trình chữa bệnh, chính là “kho lưu trữ thông tin”, ghi nhớ lại hầu hết tất cả câu chuyện, lưu giữ lại toàn bộ tư liệu về quá trình điều trị, giúp ông bổ sung rất nhiều chi tiết cho cuốn sách. Bà chính là người đã chắp bút viết Phần III “Số phận con người”.
Cuốn "Hồi ký chạy thận" kể nhiều câu chuyện buồn, những mảng tối luôn tồn tại trong cuộc sống, mô tả thực tế trần trụi, đòi hỏi phải dũng cảm đối mặt để bảo vệ chính mình và hy vọng vào sự chuyển hóa của bóng tối. Nhưng có lẽ chính nhờ bóng tối đó mà những câu chuyện đẹp lại càng trở nên lấp lánh. Đó là câu chuyện về những cuộc đời vượt lên số phận, là những bệnh nhân chạy thận vẫn tích cực vui sống cho dù nghịch cảnh luôn song hành cùng họ mỗi ngày.
Cuốn sách được chia thành ba phần, mỗi phần đều có thông điệp riêng.
Phần thứ nhất: "Hành trình chữa bệnh"
Phần này tác giả mô tả những điều quan trọng nhất liên quan đến quá trình điều trị bệnh thận mãn tính và chạy thận nhân tạo (CTNT) của bản thân. Giai đoạn đầu viêm thận mãn tính, do thiếu hiểu biết về căn bệnh này cùng với sự chủ quan, tác giả đã rất nhanh đi đến giai đoạn cuối của bệnh suy thận. Trong hành trình này, ông và vợ đã dày công nghiên cứu nhiều tài liệu chuyên môn trong và ngoài nước về bệnh suy thận và lọc máu, tìm hiểu và chứng nghiệm trên chính cơ thể mình cách thức sử dụng thuốc, tự mày mò cách thức vận hành của máy chạy thận nhân tạo, nhờ đó đã tự cứu sống mình không biết bao nhiêu lần.
Phần thứ hai: "Hành trình tâm linh"
Trong phần này, tác giả cũng đã kể lại hành trình “lột xác” của chính mình, từ một bệnh nhân luôn có tâm trạng buồn bã, ông đã từng bước chuyển hóa chính mình, sống tích cực, vui vẻ hơn, trân trọng cuộc sống. Nguồn gốc của sự chuyển hóa đó là nhờ tác giả được tiếp cận với Phật pháp. Đây có thể là một chỉ dẫn cực kỳ hữu ích cho những ai vẫn đang loay hoay đối diện với nghịch cảnh.
“Điều quan trọng nhất tôi muốn truyền tải là tôi đã “hốt nhiên đắc ngộ” về Phật giáo và về Đức Phật. Phật giáo đã giúp tôi thay đổi tư duy, có cái nhìn tích cực hơn về bệnh tật. Giáo lý của Đức Phật đã truyền cho tôi có động lực sống, có động lực chữa bệnh và sống có ích. Hy vọng phần này cũng giúp được nhiều cho những ai đang mắc bệnh như tôi” (Trích Hồi ký chạy thận, Hồ Hồng Việt).
Phần thứ ba: "Số phận con người"
Phần này do hai vợ chồng tác giả cùng viết, vợ tác giả là người chấp bút chính. Trải qua năm tháng cùng tác giả “bươn chải” chốn bệnh trường, chăm sóc và chờ đợi tác giả nằm viện cùng với người nhà các bệnh nhân chạy thận khác, vợ tác giả đã ghi lại nhiều câu chuyện tâm tình của họ, chuyện vui chuyện buồn đều có, nhiều câu chuyện bi hài cười rơi nước mắt, nhiều mảnh đời đầy chông gai và gian khó. Thông điệp phần này tác giả muốn đề cập một cách trực tiếp: "Hãy nuôi dưỡng lòng từ bi đủ lớn để chia sẻ với những số phận thiếu may mắn."
Cuốn sách “Hồi ký chạy thận” do NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản là món quà của tác giả gửi tặng cho chính mình và gia đình, đặc biệt là người vợ tào khang, người đã đồng hành cùng ông không sót một ngày, giúp ông chiến thắng bệnh tật trong hành trình 17 năm qua. Đây không chỉ là món quà mà ông muốn để lại cho gia đình mà thông điệp của nó thực sự có thể chạm đến số đông. Ngoài những giá trị cốt lõi như nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, lòng can đảm nói lên sự thật, còn rất cần có một tâm thế chủ động chấp nhận hoàn cảnh và đón nhận mọi thứ xảy đến. Cuốn sách gửi đến thông điệp cho độc giả: hãy là bác sĩ của chính mình, hãy chủ động tìm hiểu nghiên cứu, lắng nghe cơ thể, chúng ta hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với bệnh tật.
- Theo lời giới thiệu về cuốn sách (do cô Hồ Hoàng Lan, con gái của tác giả viết)