Tác phẩm để bắt đầu
“Kiêu hãnh và Định kiến” (Pride and Prejudice). Còn có thể là gì khác? Cuốn tiểu thuyết này sẽ cuốn hút những độc giả lần đầu tiếp cận, cũng như nó đã từng làm bùng nổ cảm xúc của những người đọc đầu tiên vào mùa đông năm 1813. Đây là câu chuyện tình yêu ẩn dưới vỏ bọc là cuộc đối đầu gay gắt, với nữ chính không thể duyên dáng hơn – Elizabeth Bennet – và dàn nhân vật phụ hài hước không kém (Ông Collins, Bà Catherine de Bourgh). Chúng ta mê mẩn những màn đấu khẩu giữa Elizabeth và Mr. Darcy, nhưng thật ra, toàn bộ những cuộc đối thoại trong tác phẩm đều rực rỡ. Chỉ cần đọc chương đầu tiên: chỉ vài trang đối thoại giữa ông bà Bennet (chúng ta chưa từng biết tên thật của họ) cũng đủ để phác họa trọn vẹn một cuộc hôn nhân.
Tác phẩm khiến bạn rơi nước mắt
“Thuyết phục” (Persuasion) là cuốn sách dành cho những trái tim lãng mạn, và cho những ai đã sống đủ lâu để thấu hiểu nỗi nuối tiếc từ những lựa chọn sai lầm. Anne Elliot là một người phụ nữ tinh tế, sâu sắc, nhạy cảm và giàu yêu thương. Ở tuổi 19, cô đã yêu một sĩ quan hải quân trẻ tuổi, tài giỏi nhưng nghèo khó – Frederick Wentworth – và rồi cô bị thuyết phục để từ chối lời cầu hôn của anh. Giờ đây, ở tuổi 27, Anne sống trong nỗi buồn và sự hối tiếc. Rồi Wentworth trở lại cuộc đời cô, mang theo một cơ hội thứ hai để tìm thấy hạnh phúc.
Tác phẩm để bàn luận trong các bữa tiệc tối
Khi qua đời ở tuổi 41, Jane Austen đang viết một cuốn sách mới. Bà để lại cho chúng ta mười một chương dang dở của một tiểu thuyết có tên “Sanditon” (đừng nhầm lẫn với bộ phim truyền hình cùng tên của ITV). Tựa đề này lấy từ một khu nghỉ dưỡng ven biển mới xây, nơi nhân vật chính sắc sảo và hài hước Charlotte Heywood đến lưu trú. Nơi đây có đủ kiểu người: những kẻ đầu cơ bất động sản, những con người mắc chứng cuồng lo âu, và một quý tộc có máu trăng hoa. Bạn có thể kiên nhẫn giải thích cho bạn bè rằng đây hẳn đã là một tác phẩm xuất sắc – nếu như Austen còn sống để hoàn thành nó.
Tác phẩm có thể khiến bạn bất ngờ
“Lý trí và Tình cảm” (Sense and Sensibility) là câu chuyện về hai chị em tuổi teen: Elinor (19 tuổi) chín chắn và Marianne (17 tuổi) bốc đồng. Ban đầu, Austen khiến người đọc cảm mến Marianne – cô căm ghét sự giả tạo, thích chơi piano theo tâm trạng, có thể khiêu vũ thâu đêm – nhưng rồi dần dần chúng ta mới nhận ra sai lầm của mình. Nhìn lại, Marianne đã nói và làm rất nhiều điều dại dột: cô nói chuyện với cây cối, tin rằng một phụ nữ ngoài 20 “không thể hy vọng yêu và được yêu nữa”, lao vào một kẻ đào mỏ, và không bao giờ hiểu được sự trớ trêu của cuộc đời. Trong khi đó, Elinor dường như điềm tĩnh, nhưng thật ra bên trong lại đầy những khao khát và nỗi buồn, và có khiếu hài hước tinh tế. Đây thực sự là câu chuyện của Elinor.
Tác phẩm dành cho những người sành Austen
Khi những lá thư của Austen được xuất bản vào cuối thế kỷ 19, nhiều độc giả đã thất vọng. Phần lớn những bức thư viết cho chị gái Cassandra (người đã đốt đi những bức thư mà ta đoán là thú vị nhất) chỉ kể về thời tiết, bệnh tật trong gia đình và chuyện phiếm về hàng xóm ở Hampshire. Tuy nhiên, một khi bạn đã thực sự hiểu Austen, với sự giúp đỡ của bản chú giải tiểu sử xuất sắc của Deirdre Le Faye, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị và tinh quái trong đó. Và đôi khi có những câu châm ngôn sắc sảo: “Những bức tranh hoàn mỹ làm tôi phát ốm và trở nên xấu xa.”
Tác phẩm để đọc lại
Nếu bạn nghĩ Fanny Price – nữ chính của “Trang viên Mansfield” (Mansfield Park) – là một cô gái cứng nhắc, nhạt nhẽo, và cuốn sách này là một bước lùi sau “Kiêu hãnh và Định kiến”, hãy suy nghĩ lại! Đây là một trong những tác phẩm sâu sắc nhất của Austen, khắc họa một cô gái bị xem nhẹ, thông minh xuất chúng, với một tình yêu thầm lặng đến mức như bước ra từ thế giới của Brontë (dành cho người anh họ Edmund, kém tinh ý). Fanny phải giữ vững bản thân mình giữa sự phù phiếm của gia đình Bertram, những kẻ đã nhận nuôi cô, và né tránh những âm mưu của Mary Crawford đầy quyến rũ nhưng nguy hiểm. Một nữ anh hùng đích thực.
Tác phẩm khiến bạn bật cười thành tiếng
Khi mới 19 hoặc 20 tuổi, Austen đã viết một tiểu thuyết dưới dạng thư từ, với nhân vật chính là Lady Susan Vernon – một góa phụ xinh đẹp, quyến rũ và vô cùng amoral ở tuổi ngoài 30. Cô thích chinh phục đàn ông, dù đủ thông minh để không cần phải thực sự ngủ với họ. Khi không quyến rũ ai đó, cô lại bày mưu tính kế để gả cô con gái quá mức đức hạnh của mình. Những bức thư của Lady Susan gửi cho người bạn tâm giao Alicia tràn ngập sự châm biếm và xảo quyệt đến mức khiến người ta bật cười.
Tác phẩm khiến bạn sống lại tuổi trẻ
Bạn không cần phải từng đọc những tiểu thuyết Gothic để thưởng thức “Tu viện Northanger” (Northanger Abbey), dù tác phẩm này châm biếm dòng sách ấy một cách rất duyên dáng. Bạn chỉ cần từng trải qua tuổi trẻ – đó mới là điều quan trọng nhất trong câu chuyện này. Catherine Morland, một cô gái 17 tuổi ngây thơ nhưng tinh tế, được mời đến thành phố Bath và ngay lập tức mê mẩn nhịp sống nơi đây – cũng như những rung động đầu đời. Sự ngây ngất của tuổi trẻ, những cú vấp ngã, những tình bạn dối trá – tất cả đều được Austen thể hiện tuyệt vời.
Kiệt tác
“Emma” – tác phẩm dài nhất và có kết cấu phức tạp nhất của Austen – cũng mang tính cách mạng như Madame Bovary hay Ulysses. Câu chuyện được kể gần như hoàn toàn từ góc nhìn của Emma Woodhouse, một cô gái sai lầm về gần như mọi thứ. Một câu chuyện tình yêu thông minh nhất – nơi nữ chính không nhận ra mình đang yêu, cho đến khi gần như đã quá muộn.
- Trạm Đọc
- Theo The Guardian