Hồng Thanh Quang: Người ''ngồi soi con chữ''
Hồng Thanh Quang: Người ''ngồi soi con chữ''
(HNMCT) - Thơ ca, đối với một ít người, là trò chơi, là trang trí, và với một ít người khác, là cả đời sống, là máu thịt, là cái bóng không thể tách rời. Hồng Thanh Quang chắc chắn là kiểu người làm thơ thứ hai, người đánh cược đời mình với thơ. Ông nhận mình là người “ngồi soi con chữ”, để rồi trong đáy cốc thi ca tìm ra cốt tủy ý nghĩa đời người. Ba tập thơ trong bộ “Cỏ bạc triền đê” của ông cho người đọc cảm nhận như vậy.

Hơn 1.200 trang sách, được họa sĩ Văn Sáng vẽ bìa, trình bày đẹp, chứa đựng gia tài đồ sộ của Hồng Thanh Quang. Trước “Cỏ bạc triền đê”, giữa năm 2021, Hồng Thanh Quang đã cho ra mắt tập thơ mỏng nhẹ mà chất chứa tâm sự “Chút sen còn lại”. “Cỏ bạc triền đê” với 999 bài thơ là lời chào của ông trước ngưỡng cửa tuổi “lục thập”. Nhà thơ cho biết, ông hoàn toàn ngẫu nhiên với bộ sách, không định phân chia từng tập theo đề tài, thể thơ hay thời gian sáng tác.

Ảnh: Báo Hà Nội mới

 Cách của Hồng Thanh Quang có lý, vì tôi nghĩ văn học nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng chính là cuộc đời. Một ngày có bao nhiêu ý nghĩ trôi qua, một đời có bao buồn vui, đau khổ, hạnh phúc đến, hoàn toàn là dòng chảy ngẫu nhiên của số phận, muốn cũng chẳng được mà không cũng chẳng đừng. Thuận theo tự nhiên, phải đến một thời điểm nào đấy của cuộc đời người ta mới thực sự ngộ ra, và thường cũng chẳng quá sớm. Tác giả của thi phẩm “Khúc mùa thu” nổi tiếng thừa nhận: “Tuổi đã sang lục thập/ Ngỡ sành sỏi sự đời/ Nhưng lúc nào cũng vậy/ Sống kiểu “tay mơ” thôi/ Viết biết bao nhiêu chữ/ Sách in xếp cả chồng/ Cuối cùng cũng phải hiểu/ Có, chẳng khác gì không” (“Tuổi đã sang lục thập”). Thực hành việc viết, ở mỗi thời điểm của đời người làm thơ sẽ mang một ý nghĩa khác. Hồng Thanh Quang của “Cỏ bạc triền đê” đã khác với một Hồng Thanh Quang thời trẻ: “Đi chùa Hà thắp hương/ Khấn trời và khấn Phật/ Muốn mất gì thì mất/ Chỉ cần gặp người thương”. Thơ ông giờ đây ôm ấp những chiêm nghiệm, bình tĩnh ngay cả trong tình yêu, tỉnh thức nhiều hơn với còn mất, được thua. Tâm thế: “Tôi ngồi soi con chữ/ Mắt em thành mênh mang” là tâm thế chủ đạo của ông trong 3 tập sách. Soi, để thấy: “Xót mình hơn tất cả/ Nhưng chớ rẻ rúng người/ Dẫu không cùng số phận/ Nhưng họa phúc chung thời” (“Ngẫu dạ”), “Ai rồi cũng ra đi/ Ra đi là chấm hết/ Danh vọng với quyền uy/ Cũng chìm vào cái chết/ Nhưng mỗi ngày ta sống/ Là mỗi ngày yêu em/ Mỗi ngày ta cố gắng/ Gieo ánh sáng vào đêm” (“Ai rồi cũng ra đi”), “Và giờ tưởng đã qua cả đích/ Đôi lúc trong lòng nghe rỗng không/ Có quay lại thì xưa cũ/ Cũng đã rêu mòn trong mắt trong” (“Vọng gửi Pleiku”), “Có gì quan trọng nhỉ/ Chỉ là giấc mơ thôi/ Rồi ngôi sao nhỏ ấy/ Trùm nhung đen khắp trời” (“Có gì quan trọng nhỉ”).

Hồng Thanh Quang có kiểu làm thơ riêng. Ông viết dễ dàng, không dụng công nhiều về mặt ngôn ngữ, chủ yếu để cảm xúc tuôn chảy. Đôi khi những câu thơ được gợi lên từ một chút gì rất nhẹ, rất riêng, rất cụ thể, khiến ta cảm giác như ông đã viết nó trong một bữa nhậu với bạn bè, sau thoáng gặp một bóng hồng, sau câu nói thoáng nghe của ai đó làm ông đau. Thơ ông đồng nhất với con người ông trong đời thường, dễ vui buồn, dễ đắm đuối nhưng cuối cùng vẫn “neo” trong giá trị chân - thiện của cuộc đời. “Trớ trêu lắm, vì tôi là thi sĩ/ Những câu thơ nhỏ máu tô giời”“Trái tim dù tan nát/ Vẫn nồng nàn những giọt hồng hoa” (“Bình tĩnh sống”). Con người có lúc tưởng chừng như ồn ào ấy cuối cùng lại tự bạch: “Là thi sĩ, không thể nào đông đúc”, để được hiểu và chia sẻ nhiều hơn với tri âm của mình là bạn đọc.

Hồng Thanh Quang trải qua nhiều vị trí trong công việc làm báo, có những vị trí quan trọng như Tổng Biên tập một tờ báo, nhưng thẳm sâu ông vẫn là một nhà thơ đúng nghĩa. Khi bạo bệnh khiến ông chới với bên bờ sinh tử, chính là thơ như bầu bạn ân tình để ông vịn vào. “Cỏ bạc triền đê” - tên của tập thơ hàm chứa một dụng ý sâu sắc rằng, người thơ ấy khiêm nhường như cỏ, nhưng không phải cỏ xanh mà là “cỏ bạc”, nghĩa là đã đi qua mọi gió bão để chắt chiu một tình yêu thuần khiết với đời.

Theo báo Hà Nội mới

Tags: