Hội chứng sợ người giỏi
Hội chứng sợ người giỏi
Người giỏi không có tội, chỉ là khi bạn hiểu họ hơn, thì bạn cũng bớt để cuộc đời mình bị bóp méo, trật lái, hay khủng hoảng bởi họ hơn. "Oh, xem em kia giỏi chưa kìa. Học bổng toàn phần, IELTS 9.0, chủ tịch câu lạc bộ, vào công ty đa quốc gia...". Oh, giỏi đấy, nhưng xin lỗi, chỉ là "không liên quan".

1. Họ lúc nào cũng đạt giải nhất, thủ khoa, top đầu. Họ là những con nhà người ta đem lại nỗi ám ảnh cho con nhà mình. Họ hoàn hảo đến mức bạn phải nghi ngờ tính "người" trong họ. Họ là nỗi sợ trong cuộc sống của phần lớn chúng ta – những con người bình thường ôm mộng thần tượng về những cuộc phi thường.

Nếu ngôi sao, idol showbiz còn có chức năng giải trí, thì những người "siêu giỏi" lại thường khiến những kẻ ngưỡng mộ cảm thấy dằn vặt, hơn là khoái lạc. Chẳng ai so với Bill Gates để cảm thấy mình nghèo, so với Sếp Tùng để thấy mình ít fan, nhưng chúng ta lại so với người giỏi để cảm thấy mình nhỏ bé, và thậm chí đến vô nghĩa.

Bạn cày view cho Blackpink thì vẫn thấy khoan khoái, nhưng ngắm Profile xuất chúng đứa bạn cùng trường thì lại thấy tệ hại vô cùng. Họ là những sự hoàn hảo, thay vì mang lại khoái cảm, lại gây ra nỗi sợ hãi, âu lo và tự ti, hơn là chỉ truyền cảm hứng.

2. Chính bởi họ cũng sống một cuộc đời bình thường như chúng ta (nghĩa là cũng phải đi học, thi câu lạc bộ, làm thêm, yêu đương, kiếm tiền...), nhưng việc họ lại có thể nổi trội đến mức bất thường khiến sự so sánh giữa cuộc đời ta và cuộc đời họ càng trở nên hợp lý. "Sao nó lại giỏi thế được nhỉ?".

Bởi thật khó mà khi nâng người khác lên, chúng ta không chà đạp bản thân mình xuống: thật khó để chỉ ngưỡng mộ về họ mà không hạ thấp giá trị bản thân. Thật khó để nhìn sự hoàn mỹ trong gương mà không lôi những khiếm khuyết của mình ra chọc ngoáy. Thật khó để so sánh với người khác mà không lay chuyển định kiến về bản thân mình.

Người giỏi ở đó như một sự trừng phạt mang tính trêu ngươi: bàn tay cố với những không thể nắm; bạn không thể vươn tới họ vì bạn chưa thể là họ.

3. Dĩ nhiên, chúng ta có thể bớt sợ họ hơn nhiều, nếu chúng ta biết nhiều hơn về cuộc đời họ, ngoài vài dòng ngợi ca trên báo. Dĩ nhiên, truyền thông cũng có thể giúp đỡ khi báo chí cho ta cái nhìn toàn cảnh, thay vì chỉ lôi phần "nhiều sáng" nhất của người giỏi ra để thu hút sự hiếu kì. Và dĩ nhiên, người giỏi cũng có thể giảm bớt "độ hào nhoáng" khi cho người xem một góc nhìn "thiếu sáng", dễ tổn thương và đầy chất "người" của cuộc đời họ.

Giống như một kẻ giỏi chờ đợi có thể chỉ vì anh ta chẳng có gì hữu ích hơn để làm, một người giỏi có thể chỉ là họ chẳng có gì khác, ngoài việc giỏi điều đó (3 năm qua, tao chỉ biết giải toán). Hoặc có thể họ giỏi chỉ vì phải chứng tỏ với một ai đó, hay họ có một nỗi ám ảnh không thể từ bỏ, hay họ gặp may (May ngày xưa ở núi, ít bạn bè, nên tao chỉ biết học)...

Nói chung, có rất nhiều lời giải thích bất ngờ cho sự giỏi của một người, hơn là mỗi câu trả lời "nó giỏi". Và nếu bạn có thể mở rộng năng lực ngôn ngữ của mình để miêu tả về "triệu chứng" của họ, thì bạn sẽ bớt sợ họ.

Người giỏi không có tội, chỉ là khi bạn hiểu họ hơn, thì bạn cũng bớt để cuộc đời mình bị bóp méo, trật lái, hay khủng hoảng bởi họ hơn. "Oh, xem em kia giỏi chưa kìa. Học bổng toàn phần, IELTS 9.0, chủ tịch câu lạc bộ, vào công ty đa quốc gia...". Oh, giỏi đấy, nhưng xin lỗi, chỉ là "không liên quan".

Và khi người với người, không sống để đe doạ nhau, mà để tìm sự thú vị trong nhau, thì bạn sẽ thấy mình cũng chẳng quá quan tâm đến chuyện giỏi dốt, mà quay về câu hỏi của một đứa trẻ "Ê, họ có gì thú vị hay không?".

Trạm Đọc

Tags: