Haruki Murakami và nghệ thuật của các bản dịch Nhật ngữ
Haruki Murakami và nghệ thuật của các bản dịch Nhật ngữ
Haruki Murakami không chỉ là một nhà văn, ông còn là một dịch giả - và hai yếu tố này ảnh hưởng sâu sắc đến việc ông nhìn nhận một bản dịch tác phẩm của mình

Tháng Tư vừa rồi, Haruki Murakami xuất bản cuốn tiểu thuyết mới ở Nhật. Trước khi cuốn sách tới công chúng, thì nó đã phá kỉ lục doanh số đặt hàng trước trên Internet ở đất nước này, nhà xuất bản thông báo số bản in trước vào khoảng nửa triệu bản, và các nhà sách ở Tokyo mở cửa tới nửa đêm để đón chào những hàng người đến mua sách, một số người còn ngồi đọc sách ở những góc quán cà-phê gần đó ngay sau khi mua. Nhưng lúc này, cơn cuồng đó đã được nhìn thấy trước tại Nhật – gần như là một bản sao của sự kiện chào mừng cuốn tiểu thuyết trước đó của Murakami, “1Q84”, cách đây ba năm. Sự phản hồi này gần như không mang tính thời sự gì đối với bất kì ai. Có lẽ ngoại trừ Haruki Murakami.

“Chuyện tôi có thể trở thành một tiểu thuyết gia chuyên nghiệp, thậm chí tới giờ, thực là ngạc nhiên lớn đối với tôi”, Murakami viết thế trong một email ba ngày trước khi công bố cuốn “Tsukuru Tazaki vô vị và những năm tháng hành hương”. Ông bổ sung: “Thực ra, mỗi thứ và mọi thứ vốn xảy ra suốt hơn 34 năm vừa qua là một chuỗi những kinh ngạc tột độ”. Niềm kinh ngạc thực sự có lẽ là việc các tiểu thuyết của Murakami giờ đây còn kích động được mức độ cuồng nhiệt và háo hức tương tự thế ở bên ngoài nước Nhật, cho dù chúng được viết bằng ngôn ngữ được nói và đọc chỉ bởi một lượng người tương đối ít ỏi ngụ tại quần đảo nhỏ hẹp ở phía bắc Thái Bình Dương.

 

Murakami là nhà văn không chỉ được tìm thấy nơi các bản dịch (của hơn bốn mươi ngôn ngữ trong thời điểm hiện nay) nhưng còn là nhà văn tự phát hiện bản thân trong bản dịch.

 

Ông viết những trang mở đầu của cuốn tiểu thuyết đầu tay, “Lắng nghe gió hát”, bằng tiếng Anh, rồi dịch những trang đó sang tiếng Nhật, ông cho biết, “chỉ để nghe chúng có âm thanh ra làm sao”. Và ông còn dịch vài nhà văn Mĩ khác sang tiếng Nhật, đáng chú ý nhất là Raymond Carver, John Irving, J. D. Salinger, và F. Scott Fitzgerald, người có tác phẩm “Gatsby vĩ đại” mà Murakami tin rằng chính là nguồn cảm hứng đằng sau toàn bộ sự nghiệp của ông. 

Motoyuki Shibata, một dịch giả, học giả, và giáo sư tại trường Đại học Tokyo, cho tôi biết văn chương Mĩ trở thành một sinh thể hoàn toàn khác biệt ở một môi trường lạ lẫm khi được trình hiện ra cho giới độc giả Nhật. “Vào thời Minh trị, hầu hết người Nhật đọc tác phẩm Mĩ để tìm kiếm các chỉ dẫn về luân lí”, ông cho biết. “Họ muốn học hỏi những khái niệm về tự trị, cá nhân luận, và Kitô giáo. Họ không tìm kiếm sự giải trí.” Văn chương Mĩ đến nước Nhật thế kỉ mười chín trên những gót giày quân sự – buộc mở ra một quốc gia cô lập kèm theo những ý tưởng và công nghệ. Shibata cho biết, những dịch giả và độc giả thời ban đầu ấy đã tiếp cận cuộc sống và văn chương bằng một hệ thống cấp bậc chủng tộc nghiêm ngặt, với người da trắng đứng đầu, người Nhật ở giữa, và những dân tộc và sắc tộc còn lại ở dưới cùng. Bất kì thứ gì do người da trắng Tây phương viết ra về mặt cơ bản đều được xem là thứ thượng đẳng, chỉ vì người Nhật đang hướng tới họ.

Sau thế chiến thứ nhì, các tiểu thuyết như “Ông già và biển cả”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”, và “Moby-Dick” đã hớp hồn các độc giả Nhật vốn đang khao khát một tương lai của chủ nghĩa anh hùng, của chủ nghĩa tự nhiên, và của lí trí tiếp theo sau chủ nghĩa quân phiệt hỗn loạn và sự huỷ hoại mà họ đã chịu đựng. Các chỉ dẫn vẫn là một phần của sự quyến rũ, nhưng chủ nghĩa anh hùng và bản sắc lại di chuyển lên hàng đầu. Năm 1975 là thời điểm diễn ra việc chuyển hoá sang hình thức dấn thân thuần tuý văn chương hơn vào những tác phẩm Mĩ, với những độc giả trân trọng và thực sự thưởng thức những áng văn xuôi Mĩ bởi những điều mà chúng có thể dạy cho họ. Đó là lúc Kurt Vonnegut và Richard Brautigan được dịch sang tiếng Nhật và giới thiệu cái chất khôi hài, phi lí, và phê bình xã hội được bày tỏ ở dạng văn xuôi bằng ngôn ngữ địa phương.

Bản dịch của Kazuko Fujimoto về tác phẩm nổi tiếng nhất của Brautigan, “Trout Fishing in America” (Đi câu cá hồi ở Mĩ), là một sự vén mở cho những độc giả Nhật như Shibata và Murakami. Shibata cho biết, “Đó là lần đầu tiên thay vì nhìn lên tác giả và các nhân vật, thì tôi cảm thấy ngang bằng với họ. Tôi cảm thấy các nhân vật cuối cùng cũng bắt đầu nói chuyện như những con người thực thụ, mặc dù dĩ nhiên kèm theo những tính chất lạ thường và lập dị của bản thân họ”. Ông tiếp tục: “Tiếng Nhật của cô Fujimoto thường kì quặc và tiếu lâm, nhưng tính kì quặc và tiếu lâm đó lại hoà nhịp cùng bản gốc. Cô ấy đã phá bỏ các luật lệ trong tiếng Nhật thường ngày, nhưng cách cô ta thực hiện trông vui hơn, và cô ta đã làm cho tiếng Nhật phong phú hơn, thay vì hành hạ thứ tiếng tội nghiệp này như một số dịch giả lão thành từng làm”.

Ngày nay thì Brautigan và Vonnegut trở nên nổi tiếng và được đón đọc ở Nhật nhiều hơn hẳn những người Mĩ ưu trội như John Updike, Philip Roth, và Toni Morrison. Các độc giả thiên về lối mua sách dựa trên cách kể chuyện và cốt chuyện giải trí, chất lượng và âm điệu của bản văn xuôi tiếng Nhật, và danh tiếng của dịch giả. “Thỉnh thoảng tôi không nghĩ là mình hiểu được độc giả Mĩ”, Murakami nói với tôi như thế ở Boston vài năm trước khi cố gắng mổ xẻ lí do tại sao cuốn tiểu thuyết ông ấy yêu thích, cuốn “The Nuclear Age” (Thời đại hạt nhân) của Tim O’Brien, lại bị chỉ trích khắp nơi tại Mĩ. “Thỉnh thoảng tôi nghĩ là họ thiếu đi thứ gì đó.”

Để lấp vào khoảng trống nhận thức, Shibata và bạn ông Ted Goossen, dịch giả mảng văn học Nhật và là giáo sư tại trường Đại học York ở Toronto, suốt ba năm nay đã xuất bản tạp chí văn chương Anh ngữ ra hàng năm với nhan đề Monkey Business International: New Writing from Japan. (Tôi là biên tập viên cộng tác.) Dự án này ra đời bởi có sự thất vọng: Tại sao Haruki Murakami là nhà văn Nhật đương đại duy nhất mà bất kì ai ở ngoài nước Nhật cũng biết tới? Goosen thúc giục Shibata chọn tài liệu từ cuốn tạp chí văn chương Nhật ngữ ra hàng quí của chính mình, cuốn tạp chí Monkey Business nguyên gốc. Murakami là người cộng tác, dĩ nhiên rồi, nhưng tác phẩm của ông mang màu sắc mới bên cạnh những câu chuyện và những bài thơ của những đồng nghiệp Nhật đương thời của ông (trẻ hơn và già hơn), bên cạnh văn chương kinh điển Nhật, và thậm chí cả manga [truyện tranh] Nhật.

Tuy thế, tôi không thể không tự hỏi là liệu bản dịch văn chương, trong đó những sức mạnh và thậm chí tính cách của bản gốc được lồng vào trong ngôn ngữ, có trở nên vô ích hay không, dù có mang tính quả cảm đến đâu đi nữa. “Khi anh đọc Haruki Murakami, anh đang đọc tôi, ít nhất là chín mươi lăm phần trăm khoảng thời gian”, Jay Rubin, một trong những dịch giả lâu dài của Murakami, đã nói thế với tôi hồi tháng trước ở Tokyo, giải thích những điều ông ta nói với độc giả Mĩ, hầu hết họ đều muốn tin điều ngược lại. “Murakami viết ra những cái tên và địa điểm, nhưng những từ ngữ tiếng Anh là của tôi”.

 

Murakami có lần bảo tôi rằng ông không bao giờ đọc bản dịch các tác phẩm của mình bởi vì không cần thiết.

 

Trong khi ông ấy có thể nói và đọc tiếng Anh với mức cảm nhận rất tốt, nhưng việc đọc tác phẩm chính mình bằng ngôn ngữ khác có thể dẫn đến thất vọng – hay tệ hơn thế. “Tác phẩm của tôi tồn tại ở bản Nhật ngữ nguyên gốc. Đó là điều quan trọng nhất, bởi vì đó là cách tôi viết ra chúng.”

Nhưng ông ta rõ ràng có để tâm đến chuyện dịch trong suốt quá trình dịch thuật. Rubin bảo rằng lần đầu tiên ông dịch tiểu thuyết Murakami, “Biên niên kí chim vặn dây cót”, ông đã gọi điện cho tác giả mỗi ngày vài lần để có được những lựa chọn từ ngữ và chỉnh lại những chi tiết không tương thích. “Ở một cảnh, nhân vật đeo kiếng gọng đen. Cảnh khác, gọng màu nâu. Tôi hỏi ông ấy: Vậy là cái nào đây?” Tôi phát hiện giai thoại của Rubin đã vén mở ra. Tiếng Nhật đạt được vẻ đẹp và sức mạnh của nó từ tính gián tiếp – hay là cái mà dân Anh ngữ sẽ gọi là tính mập mờ, tối nghĩa, hoặc có nghĩa hàm ý. Những chủ thể thường không được đề cập tới trong những câu văn tiếng Nhật, và lối dùng từ tượng thanh, cùng với những âm thanh của tiếng địa phương gợi nên ý nghĩa, chính là phẩm chất rất khó tái tạo nên ở Anh ngữ, nếu không muốn nói là không thể.

Đổi lại, Anh ngữ thường được tán dương nhờ tính cụ thể của nó. Henry James đã khuyên các tiểu thuyết gia hãy tìm kiếm kiếm hình ảnh trong tấm thảm [1], ngụ ý rằng các chi tiết và tính chính xác có giá trị như sự biểu đạt văn chương. Liệu có thể có việc Nhật ngữ và Anh ngữ là hai ngôn ngữ cách xa nhau đến mức các dịch giả chỉ có thể tái tạo nên tiếng nói của chúng bằng cách sáng tạo ra tác phẩm mới hoàn toàn? Hồi đầu tháng Năm, Shibata, Goosen, cùng một đội hình các nhà văn Nhật và Mĩ, có mặt ở New York để dẫn chương trình cho một loại các sự kiện giới thiệu phiên bản tiếng Anh thứ ba và là mới nhất của Monkey Business, như một phần trong PEN World Voices Festival (Lễ hội các tiếng nói thế giới của PEN). Ở buổi đối thoại của Asia Society, Goosen trích lại ý kiến của Charles Simic về tính phi lí kì ảo của việc dịch thơ. “Đó là nỗ lực bướng bỉnh khi muốn truyền đạt trong những từ ngữ thuộc ngôn ngữ khác không chỉ cái nghĩa đen của bài thơ mà còn muốn truyền đạt cả cách khác lạ để thấy được sự vật… Dịch không chỉ là cảm nghiệm cái làm cho từng ngôn ngữ có tính chất khác biệt, mà còn là việc di dịch lại gần cái bí ẩn của mối quan hệ giữa từ ngữ và sự vật, kí tự và tinh thần, cái tôi và thế giới.”

Murkami có thể sẽ đồng ý. Trong một bài tiểu luận được công bố gần đây bàn về quyết định của ông trong việc dịch “The Great Gastby” sang tiếng Nhật, vị tác giả sáu mươi bốn tuổi này tiết lộ rằng nó trở thành một thứ gì đó thuộc về sứ mệnh kéo dài suốt đời. Ông kể cho người khác biết về tham vọng của mình ở độ tuổi ba mươi, và khi đó tin rằng ông sẽ sẵn sàng đảm trách thách thức này khi ông sáu mươi. Nhưng ông không thể chờ. Tựa như một đứa trẻ háo hức quá mức khi mở gói quà, ông dịch “Gatsby” ba năm trước lịch kế hoạch. Ông viết, việc dịch thuật tương tự như ngôn ngữ và mối quan hệ của ta với thế giới xung quanh ta. Nó cũng cần làm mới lại:

Dịch thuật là vấn đề kĩ thuật ngôn ngữ… tự nhiên nó sẽ già đi khi các đặc thù của một ngôn ngữ thay đổi. Mặc dù có những tác phẩm bất tử, nhưng về mặt nguyên tắc thì không có bản dịch bất tử. Do vậy đó là điều khẩn thiết đòi hỏi các phiên bản mới phải xuất hiện định kì theo cùng một cách giống như việc cập nhật các chương trình máy tính vậy. Ít nhất thì điều này cũng cung cấp một phạm vi lựa chọn rộng hơn, vốn là điều chỉ có thể có lợi cho độc giả.

Trạm Đọc 

Theo Chiecnon

Roland Kelts là nhà văn, nhà biên tập và là giảng viên người Mĩ có phân nửa dòng máu Nhật, sống nửa năm ở Tokyo, nửa năm ở New York. Ông là tác giả của cuốn “Japanamerica: How Japanese Pop Culture has Invaded the US” (Nước Mĩ của người Nhật: Làm thế nào mà nền văn hoá đại chúng của Nhật lại tràn vào nước Mĩ). Ông viết về nước Nhật đương đại và cho xuất bản nhiều nơi tại Mĩ, Nhật, châu Âu và Canada, và thường xuyên là nhà bình luận về Nhật cho National Public Radio (Đài phát thanh Công chúng Quốc gia) và cho BBC. 

Chú thích:

[1] “Hình ảnh trong tấm thảm” (The Figure in the Carpet) là nhan đề một truyện ngắn của Henry James. Câu chuyện kể về hành trình tìm ý nghĩa bên trong một tác phẩm văn chương của nhà văn Hugh Vereker, mà theo Vereker thì nó “tựa như một hình ảnh phức tạp trong tấm thảm xứ Ba Tư vậy”.

Nguồn:

Kelts, Roland. “Haruki Murakami and the Art of Japanese Translations.” The New Yorker, 5/2013: http://www.newyorker.com/online/blogs/books/2013/05/lost-in-translation.html

Tags: