"Ý nghĩa của cuộc sống là khám phá tài năng và mục đích của cuộc sống là trao gửi điều đó." - Pablo Picasso
Mọi người thường khuyên chúng ta không nên sống trong vùng an toàn. Vì vậy, chúng ta cần phải vươn mình ra biển lớn, nhưng chúng ta cũng lo lắng và tự dằn vặt khi không thể làm điều đó. Khi trưởng thành, tôi luôn bị thôi thúc phải bước ra khỏi vùng an toàn. Năm 27 tuổi, tôi nghỉ việc ở công ty Hàn Quốc và đặt chân đến một nơi rộng lớn hơn ở Mỹ.
Những năm đó, tôi cứ bị mọi người hỏi rằng, “Bạn tốt nghiệp trường đại học nào?”, “Bạn làm việc ở công ty nào?”, v.v. Thậm chí, tôi còn phải lấy nơi sinh sống khi đó làm vật ngụy trang. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Những lớp nhãn mác che chắn đều trở nên vô ích. Ngặt nỗi, tôi không thể giới thiệu về bản thân bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Khi đó, tôi đã 30 và phải cố gắng níu giữ lòng tự trọng đã vụn vỡ của mình.
Cuộc sống ở Hoa Kỳ thời gian đầu thật sự cay đắng hơn tôi tưởng. Đó là khoảng thời gian tôi cảm thấy kiệt sức mỗi khi về nhà sau 10 tiếng làm việc căng thẳng. Vì vậy, tôi thường xem những bộ phim truyền hình hoặc gặp gỡ bạn bè Hàn Quốc để xoa dịu tinh thần lẫn tâm hồn.
Thời gian trôi qua, tôi tìm được việc ở một công ty tốt, một chỗ ở và có đủ chi phí sinh hoạt, nhưng cuộc sống của tôi ngày càng bị thu nhỏ lại hơn nhiều so với ở Hàn Quốc. Tôi thoát khỏi vùng an toàn để không trở thành ếch ngồi đáy giếng, nhưng lại đang sống trong một cái giếng nhỏ trên một hòn đảo nổi giữa biển khơi. Tôi cảm thấy thất vọng và đau khổ vì không thể trở thành một con ếch có thể thích nghi tốt với môi trường biển cả.
Sau đó, tôi nhìn thây những chiếc giếng nhỏ xung quanh. Tôi bắt gặp nhóm bạn cùng thuyền có những lý do, nỗi lo và suy nghĩ tương tự. Và tôi được giác ngộ. Vấn đề không phải là con ếch ở đáy giếng, mà là chính con ếch đó. Cho dù đó là giếng hay biển, bạn vẫn có thể sống hạnh phúc. Đừng cố giả làm ếch biển, mà hãy sống là chính mình. Sau này, dù có ở đâu, bạn cũng sẽ hài lòng với điều đó.
Sau khi gia nhập Google năm 2018, tôi mắc hội chứng mặt nạ và gục ngã. Ngày nào tôi cũng nghĩ rằng mình đang bị vây quanh bởi những thiên tài đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi bị mất ngủ vì sợ một ngày nào đó họ sẽ biết tôi không có thực lực gì, hết được ưu ái và sớm bị đào thải. Sau một năm cố gắng sống sót, tôi đã tìm được liệu pháp chữa lành tâm hồn và bắt đầu nuôi dưỡng sự tự tin bằng cách ôn luyện tiếng Anh, điều mà tôi không làm được trong một thời gian dài.
Khi Google tiến hành đánh giá nhân viên vào nửa cuối năm 2020, tôi đã gửi một email cho cả nhóm với thông điệp về “ếch ngồi đáy giếng” và một câu chuyện nhắn nhủ rằng tất cả chúng ta đều đặc biệt và đáng trân trọng. Tôi muốn nói rằng khả năng làm việc hoặc quá trình đánh giá không phản ánh giá trị thực tiễn của một người. Nếu có ai đó rơi vào khoảng thời gian khó khăn này giống như tôi, thì tôi nguyện giúp họ bằng mọi giá.
Ngạc nhiên thay, email của tôi nhanh chóng được chia sẻ đến các nhóm khác trong công ty và rất nhiều người cũng nói rằng họ là những con ếch. Họ đều thông minh và ưa nhìn, nhưng họ đang phải kìm nén, bị tổn thương và nỗ lực chiến đấu với chính mình giống như tôi.
Một số người đã rơi nước mắt, còn những người khác cảm thấy được an ủi. Vì vậy, chúng tôi đã chia sẻ câu chuyện của bản thân và giúp đỡ lẫn nhau. Khi tôi mở lòng, những người khác cũng bắt đầu cởi mở. Và điều đó đã trở thành niềm an ủi, sức mạnh của chúng tôi.
Trải nghiệm từ những bài viết vụn vặt của tôi có thể là nguồn động viên ai đó và điều này cũng giúp tôi trở nên dạn dĩ. Qua các buổi thuyết giảng và bài viết đăng trên mạng xã hội, tôi đã chia sẻ những thất bại và thành công của mình trong 25 năm qua. Đồng thời, tôi cũng luyện viết để thanh lọc tâm trí và tâm hồn mình. Cuốn sách "Gửi những người tuổi 30 hay nghĩ suy" này chứa đựng 10 trải nghiệm về thay đổi công việc và bí quyết cải thiện cuộc sống khi làm việc cho một công ty toàn cầu, cũng như những câu hỏi thường gặp nhất trong các bài giảng.
Chúng ta có những điều kiện tốt hơn chúng ta nghĩ
Ở tuổi 30, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi mắc sai lầm và cảm thấy thất vọng mỗi ngày. Liệu điều này có đúng đắn và muộn màng không? Tôi không có ngoại hình và kém cỏi. Tương lai trở nên mông lung, thế giới ngày càng khắc nghiệt, và tôi sợ bị mọi người vượt mặt.
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống thiếu thốn và lao đao, nếu bạn muốn từ bỏ ngay bây giờ và quay lại bước khởi đầu, nếu bạn bị mất ngủ vì nghĩ rằng bản thân yếu kém và nếu bạn sợ mình không có khả năng, hãy đọc những lời chia sẻ của tôi để tìm kiếm điểm tựa và động lực.
Sau 10 năm đến Mỹ, lần đầu tiên tôi viết ra những suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh. Đó là câu chuyện về ếch ngồi đáy giếng. Lý do khiến tôi mất đến 10 năm để suy nghĩ bằng tiếng Anh là vì tôi sợ gặp chính mình, một người kém cỏi. Và tôi phải mất thêm 10 năm để viết một bài đăng trên Internet. Chắc là vì tôi sợ đối diện với thế giới hoặc là vì tôi muốn làm mọi thứ tốt hơn.
Tôi cũng phải mất thêm 6 tháng để gửi bài viết cho cả nhóm Google qua email. Chính nỗi sợ đã ngăn cản tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ vì khả năng viết tiếng Anh bập bẹ của mình so với những thiên tài giỏi nhất trên thế giới. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi đều được thầy giáo tiếng Anh, cố vấn riêng và bạn bè tại Google động viên tôi.
Tôi đã đọc đi đọc lại bản thảo này trước khi xuất bản, nhưng bản thân tôi vẫn không hài lòng với nó. Giá mà cuốn sách có sự tinh tế, sâu sắc và điềm đạm hơn. Nhưng tôi đang cố gắng buông bỏ sự bất mãn. Lúc nào cũng vậy, dường như quá khứ luôn thiếu sót và để lại những nuối tiếc.
(Thực tế) Chúng ta có điều kiện tốt hơn chúng ta nghĩ. Chính xác mà nói, có nhiều thứ không cần chuẩn bị nhiều như chúng ta nghĩ. Tôi nghĩ những gì chúng ta thật sự cần không phải là sự chuẩn bị hoàn hảo, mà là sự can đảm hành động cùng một người nào đó có nhã ý giúp đỡ.
Sau khi đọc bản thảo thiếu chỉn chu này, có người vẫn thông cảm và an ủi tôi, thậm chí còn nhiệt tình giúp đỡ tôi. Và tôi cảm thấy điều này thật đủ đầy.
Ngày hôm nay tôi không hoàn hảo. Tôi của ngày hôm qua cũng thiếu sót không kém. Tôi của một tuần trước và một năm trước cũng vậy. Nhưng khi thời gian trôi qua, tôi nhìn lại và thấy bản thân đã ngày một trưởng thành.
Tôi hy vọng ngày mai bạn sẽ không bỏ cuộc chỉ vì chưa sẵn sàng. Hãy sống đúng với ngày hôm đó. Tưởng chừng mỗi ngày không có gì đặc sắc xảy ra, nhưng những ngày đó sẽ tạo nên một năm, rồi cả một thập kỷ. Thời gian của mỗi người đến và đi như nhau. Sống chậm cũng không sao, chỉ cần sống hết mình ở thực tại. Có thể có những lúc bạn cảm thấy tổn thương, lạc lỗi và muốn buông bỏ mọi thứ, nhưng người duy nhất có thể che chở bạn chính là bạn.
Khi sống đúng với con người thật của mình ở tuổi 30, tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn ở tuổi 40. Nếu bạn vẫn do dự thực hiện một điều gì đó, thì sẽ không có điều gì xảy ra. Bạn cần phải tạo ra những cánh cửa khác nhau. Vì có thể một cơ hội nào đó không phù hợp với bạn, cũng như việc không biết bản thân thích gì, giỏi gì và đi được bao xa là điều rất bình thường.
Vì vậy, bạn nhất định phải thử. Hãy làm những điều bạn mong muốn, những điều bạn không thích lẫn không thể làm được. Nhờ đó, bạn sẽ hiểu rõ bản thân. Hãy cởi lớp vỏ bọc và khoác lên mình một bộ cánh khác, và bạn sẽ biết mình phù hợp với phiên bản nào.
Tôi hy vọng những lời chia sẻ của tôi sẽ giúp ích cho bạn, những người đang do dự hành động. Tôi cũng hy vọng cuốn sách "Gửi những người tuổi 30 hay nghĩ suy" này sẽ là một người bạn đồng hành chí cốt của bạn, những người đang ở độ tuổi 30. Tôi luôn ủng hộ các bạn, những người đang sống hết mình vì cuộc đời tuổi 30.
VỀ TÁC GIẢ KIM EUNJOO
Kim Eunjoo là người Hàn Quốc. Cô theo học ngành Thiết kế - Nghệ thuật, và làm việc tại Hàn trong 3 năm trước khi sang Hoa Kỳ định cư cùng chồng.
Vì vốn tiếng Anh eo hẹp, thời gian đầu ở Mỹ cô không tìm được việc làm, sau đó phải đi làm bảo hiểm trong 2 năm. Sau nhiều lần thi trượt cuối cùng cô đã được làm đúng chuyên ngành tại Motorola và thành công với dự án điện thoại Razr. Sau đó cô gia nhập Qualcomm, Samsung Electronics, Google và liên tục gặt hái thành công.
Hiện nay Kim Eunjoo là trưởng nhóm thiết kế UX - trải nghiệm người dùng và công nghệ thực tế ảo - một bộ phận cốt lõi của Google.
Trạm đọc