Glass và Vật lý trị liệu
Glass và Vật lý trị liệu
"Khi xem 'Glass', tôi không còn quan tâm đến phim hay hay là dở nữa."
Xem Glass, hẳn người ta sẽ hoang mang, không phải vì bị ám ảnh, mà bởi không biết bộ phim này thuộc dòng tâm lý bệnh hoạn hay là siêu anh hùng. Sau Split, bộ phim có thể nói là thú vị nhất trong số các phim về đề tài rối loạn đa nhân cách, người xem hẳn nhiên sẽ kỳ vọng tiếp tục được tăng cấp độ về sự điên loạn của hội đồng các nhân cách.

 

Nhưng không, sự kết hợp với bộ đôi nhân vật quái dị trong Unbreakable đã biến Glass từ một phim tâm lý bệnh hoạn sang phim siêu anh hùng kinh dị. Sự chuyển đổi này khiến nhiều người cảm thấy… miệt thị, nhưng tôi cho rằng đó là một ám ảnh tâm trí thú vị của những nhà làm phim Glass.

Glass - Bộ phim đang 'làm mưa làm gió' các phòng vé toàn cầu

Tại sao lại thú vị? Bởi dường như có một thái độ phản ứng của các nhà làm phim siêu anh hùng với các rao giảng về nhân văn, về hòa bình đang được sử dụng như một liệu pháp trị liệu tâm lý xã hội. Điều này, ta có thể thấy xuyên suốt trong các thông điệp của X-men (biểu hiện qua cuộc chiến giữa loài người và loài dị biệt), của Avengers (qua áp lực giải tán lực lượng siêu anh hùng từ Liên hiệp quốc và các chính phủ), của Assassin’s Creed (qua nỗ lực loại bỏ năng lực ám sát của các sát thủ), của Batman vs Superman (qua đoạn con người cố buộc tội Superman)… Glass là một sự tiếp nối mạnh mẽ hơn trong loạt thông điệp ấy.

Rất dễ dàng, chúng ta có thể thấy một tổ chức nào đó trong những bộ phim này, ẩn mặt hoặc công khai, có thể đưa ra một loạt các rao giảng về sự nhân văn và hòa bình, và quy kết tất cả các biểu hiện dị biệt vào cái ác hay cái hoang dại. Họ sẵn sàng áp dụng các phương pháp trò chuyện và thấu hiểu của tâm lý trị liệu, nhưng không phải để thông cảm và chấp nhận mà là dần dần dẫn dắt tâm trí người khác đến sự hoài nghi năng lực của bản thân. Tổ chức chuyên triệt tiêu các năng lực dị thường trong phim Glass cũng được xây dựng theo mô thức ấy.

Tổ chức bí ẩn thao túng người khác khiến họ hoài nghi về bản thân

Glass bày ra mâu thuẫn gay gắt đến mức đối nghịch giữa 2 thái cực dị biệt và bình thường hơn so với các phim siêu anh hùng khác, bởi siêu anh hùng ở đây lại là những bệnh nhân tâm thần có được các kỹ năng siêu việt nhờ vào ám ảnh và tổn thương trong quá khứ, còn nhân vật phản diện lại là nữ bác sĩ trị liệu tâm lý tin tưởng rằng bằng tình yêu thương có thể thuyết phục họ rằng “siêu anh hùng” chỉ là một ảo tưởng do truyện tranh tạo dựng nên trong tâm trí và được vun đắp bởi các tổn thương. Glass, kẻ giết người hàng loạt trong Unbreakable vốn bị giữ trong bệnh viện tâm thần, đã thầm lặng đạo diễn một cuộc giao chiến giữa Beast và David – cuộc chiến giữa sự hoang dại và mong muốn bảo vệ, giữa ác và thiện, để thông qua đó mọi siêu năng lực của cả hai được biểu lộ với chính họ và với công chúng.

Khi mọi siêu năng lực xuất hiện, những “bệnh nhân tâm thần” kia trở nên chấp nhận mình hơn, và hơn bao giờ hết họ tỉnh táo đối diện với cái chết không hề sợ hãi. Những người yêu quý họ, là những người thực sự chấp nhận họ, không mong muốn thay đổi bản chất của họ, chứng kiến tất cả, để rồi mỉm cười thấu rõ mọi hiện thực bày ra trước mắt. Không có kẻ điên và những nhà trị liệu chỉ có những kẻ bất lực trong biểu hiện bản thân với thế giới và những kẻ không thể chấp nhận được sự khác biệt. Không có cơn hoang tưởng về điều phi thường, chỉ là những góc nhìn đối nghịch nhau về hiện thực. Không có sự “bình thường”, “bình thường” chỉ là một cơn hoang tưởng khác của những kẻ muốn tước bỏ quyền được lập dị, được yếu đuối hay được mạnh mẽ.

Sự bình thường chỉ là cơn hoang tưởng?

Các nhà trị liệu xã hội hiện nay, dường như đang đi ngược lại những mấu chốt của lý thuyết tâm lý trị liệu. Thay vì thấu hiểu, họ mong muốn “chữa lành”, mà “chữa lành” ở đây chính là tước bỏ tất cả những gì bất thường để trói buộc xã hội vào ảo tưởng “bình thường” trong quan niệm của đám đông. Điều này tạo nên một truyền thống trói buộc các cá nhân vào cộng đồng, cưỡng ép cá nhân gọt rũa bản thân sao cho phù hợp với cộng đồng. Sự khác biệt hay tách biệt khỏi cộng đồng sẽ dễ dàng bị coi là một biểu hiện bệnh hoạn mà trên thực tế, chính bởi sự miệt thị ấy đã dẫn sự dị biệt đến gần với cái ác.

Theo tôi, thông điệp này của các nhà làm phim siêu anh hùng là một sự phản ứng với cái thiện lành vờ vịt đang bao trùm trong xã hội bởi cơn cuồng hòa bình và sự khao khát được “chữa lành” . Cái thiện vờ vịt, ẩn chứa trong nó là ác quỷ thực sự, thứ ác quỷ có hệ thống, nhân danh đủ thứ tốt đẹp để duy trì sự thống trị của mình trên thế giới.

Khi xem Glass, tôi không còn quan tâm đến phim hay hay là dở nữa. Tôi quan tâm đến dòng suy nghĩ được gợi lên trong tôi, thứ đã luôn vơ vẩn xuất hiện khi xem các bộ phim siêu anh hùng khác. Có thể bởi tôi cũng là một kẻ tâm thần chưa bị nhốt chăng?

 

Hà Thủy Nguyên

Tags: