Giới xuất bản Việt Nam tham dự Hội sách Quốc tế Đài Bắc 2024
Giới xuất bản Việt Nam tham dự Hội sách Quốc tế Đài Bắc 2024
Triển lãm Sách Quốc tế Đài Bắc (Taipei International Book Exhibition - viết tắt là TIBE) do Quỹ Hội chợ Sách Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức. Hội sách năm 2024 diễn ra từ 20/2 đến 25/2 với khoảng 500 nhà xuất bản (NXB) Đài Loan và quốc tế tham gia trưng bày. Khu vực hoạt động chuyên môn diễn ra hơn 700 cuộc họp về bản quyền.

 

Quảng bá văn hóa thông qua sức mạnh mềm

 

Bà Trần Hoài Phương (trái) tại Hội sách Quốc tế Đài Bắc 2024. Ảnh: NVCC.

Bà Trần Hoài Phương - Giám đốc Công ty CP Sách Omega Plus - nhận định quy mô của TIBE xứng với tầm vóc một hội sách tiêu biểu của khu vực. Nhìn chung, hội sách được đầu tư và tổ chức quy củ, chuyên nghiệp, không khí sôi động, nhộn nhịp nhưng cũng rất trật tự, an ninh.

Bà Vũ Thủy - Giám đốc Bản quyền và Quan hệ Quốc tế tại Công ty CP Sách Thái Hà - cho biết các gian hàng luôn tấp nập độc giả, phần nhiều là tuổi thanh thiếu niên. Các khu vực giao lưu giữa tác giả, dịch giả, họa sĩ với độc giả, người tham dự lấp đầy cả ghế ngồi của ban tổ chức.

Về các gian hàng, cụ thể Khu A của hội sách là khu vực quốc tế, gồm gian trưng bày của 242 NXB từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khu trưng bày của Thái Lan có 22 NXB, trưng bày hơn 350 đầu sách, trong số này nhiều sách thuộc chủ đề lớn "Không biên giới" (Borderless) giới thiệu văn học-văn hóa Thái Lan và văn học Đông Nam Á. Khu vực khách mời là Hà Lan ở vị trí trung tâm của hội sách, các khu sự kiện và trải nghiệm cho trẻ em là các khu vệ tinh xung quanh.

Bên cạnh đó, mỗi quốc gia tham dự đều mang tới khu trưng bày những nét văn hóa đặc sắc. Đức trưng bày tác phẩm của Franz Kafka nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của tiểu thuyết gia. Pháp và Bỉ tập trung vào nghệ thuật thị giác và sẽ tổ chức hòa nhạc truyện tranh vào tối ngày 24/2, quy tụ các họa sĩ Đài Loan, Bỉ và Pháp biểu diễn hội họa và âm nhạc. Gian văn hóa Tây Ban Nha quy tụ Argentina, Chile, Mexico, Peru, Tây Ban Nha và Paraguay cùng giới thiệu nền xuất bản của các nước nói tiếng Tây Ban Nha.

Ngoài ra, bà cũng đánh giá cao việc hội sách tôn vinh dòng sách học thuật, nghiên cứu chuyên sâu, tri thức nền tảng với vị trí trung tâm. Theo bà, nhập khẩu văn hóa để học hỏi từ thế giới là một mặt quan trọng nhưng đồng thời, nghiên cứu dân tộc và xây dựng tri thức bản địa cũng rất cần được ưu tiên, giới thiệu.

Ông Nguyễn Cảnh Bình tại TIBE 2024. Ảnh: NVCC.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Công ty CP Alpha Books - nhắc đến trách nhiệm đưa tri thức, bản sắc văn hóa của đất nước ra thế giới của ngành xuất bản. Bà Phương nhận xét rằng qua hội sách thấy được đối với phương Tây, Đài Loan là nền xuất bản chiến lược, tiếp nhận đa dạng nền tư tưởng và là nơi giới xuất bản phương Tây muốn hiện diện.

Để có được quy mô và thành quả như trên, đại diện các đơn vị xuất bản đều đánh giá rằng hội sách đã nhận được đầu tư chiến lược từ phía xuất bản và đơn vị quản lý văn hóa.

Bà Vũ Thủy đưa các ví dụ: Về truyền thông, báo chí đến mạng xã hội thông tin từ nhiều tháng trước, tại các đường phố chính, tàu điện, sân bay đều có hình ảnh và thông tin về hội sách. Tại hội sách có một khu báo chí và phòng đưa tin trực tiếp. Hàng ngày fanpage đều có tin bài hình ảnh rất chi tiết và sống động. 

Ngoài ra, hội sách chú trọng hoạt động khuyến đọc. Các trường học (tiểu học và trung học) đưa các khối lớp tới tham quan và trải nghiệm đọc sách, mua sách; người từ 16-24 tuổi được miễn phí vé vào cửa; từ 16-22 tuổi thanh toán bằng "đồng tiền văn hóa", 2 điểm tặng 1 điểm, điểm tối đa được tặng lên đến 600 điểm.

Các trường học đưa học sinh đến tham dự hội sách. Ảnh: NVCC.

Ông Bình khen ngợi thiết kế không gian tại của TIBE thông minh, khoa học và đậm tính nghệ thuật, tương tác. Hình ảnh chủ đạo do nghệ sĩ Li Jheng-Han (người giành Giải Grammy cho Thiết kế bìa album xuất sắc năm 2022) đảm nhiệm. Ông sử dụng sóng biển làm chủ đề, tương ứng với thông điệp của hội sách 2024 là Nắm bắt làn sóng đọc sách (Catch the Reading Wave).

Bà Phương nhận định thông điệp văn hóa được nhấn mạnh, thể hiện rõ ràng trong hội sách, là điểm thu hút giới xuất bản thế giới. Hệ sinh thái các hoạt động từ giao lưu, hợp tác trong giới xuất bản đến ra mắt sách, trò chuyện với độc giả liên tục diễn ra phục vụ được đa dạng quan khách đến tham dự.

 

Nắm bắt xu hướng xuất bản tại các hội sách quốc tế

 

Ông Bình cho biết mỗi lần đến các hội sách quốc tế, đều quan sát để học tập theo các khía cạnh: hiểu được tầm vóc, chiều sâu của tri thức dân tộc đó (mà xuất bản là một dấu hiệu tiêu biểu), xu thế xuất bản của thị trường đó và thế giới, yếu tố kỹ thuật, công nghệ, thiết kế.

Riêng ở hội sách Đài Bắc lần này, ông nhận thấy sự nổi lên của dòng sách mỹ thuật, về di sản, lịch sử, di tích... Điều đó thể hiện sự quan tâm đến chiều sâu văn hóa của giới xuất bản bản địa. Ngoài ra, mảng sách giấy đang có phần chững lại trong khi sự tham gia của công nghệ (ví dụ hiện diện của QR code...), sách điện tử đang được chú ý.

Theo bà Phương, tại hội sách có thể nhìn thấy bức tranh tổng thể của xuất bản, ví dụ xu hướng chung là dòng sách truyện tranh (manga, comics), light novel chiếm thị phần đáng kể, bên cạnh dòng sách thiếu nhi.

Thông qua quan sát bức tranh sản phẩm cũng như cách thức của các đơn vị có định hướng tương đồng trong xuất bản tri thức khoa học nghệ thuật nền tảng, có thể rút ra được những suy nghĩ và bài học, kinh nghiệm cho mình.

Bà Thủy cho biết lần tham dự này đội ngũ Thái Hà nảy ra được nhiều ý tưởng, trong đó có đề tài mới trong khai thác nội dung và hình thức cho sách thiếu nhi. Năm nay Thái Hà tham gia hội sách theo chương trình Fellowship in Taiwan (năm 2024 có 30 đại diện từ các quốc gia trên thế giới được mời. Đây thuộc các hoạt động giao lưu và thúc đẩy sách và văn hóa đọc.

Theo đó, Thái Hà có hơn 15 cuộc gặp trực tiếp với các NXB Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Năm 2024 Thái Hà có kế hoạch tham gia 5 hội sách quốc tế lớn và sẽ cố gắng giới thiệu tác phẩm của tác giả Việt mà Thái Hà đã xuất bản đến các NXB thế giới.

Việc các đơn vị xuất bản đầu tư các chuyến đi, tham dự hội sách quốc tế là một dấu hiệu tích cực cho ngành xuất bản trong nước. Điều này gieo hy vọng ngành xuất bản trong nước học hỏi, bắt kịp trình độ chuyên môn, tốc độ phát triển của xuất bản thế giới. Mặt khác, đây cũng là dịp để giới thiệu sách và văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, tăng hiện diện của Việt Nam trên thị trường xuất bản.

- Theo ZNews

Tags: