Giáo sư Vũ Hà Văn đã có buổi trò chuyện cởi mở với độc giả tại Hà Nội chiều 19-2, trong chương trình "Cà phê thứ bảy" do nhạc sĩ Dương Thụ sáng lập.
Tại buổi trò chuyện, giáo sư của khoa toán Đại học Yale (Hoa Kỳ) chia sẻ nhiều về câu chuyện giáo dục.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc đọc sách của người Việt thời nay, bệnh lười đọc của các bạn trẻ ở thời đại số, ông khiến nhiều người bất ngờ khi cho biết chính ông cũng thuộc loại lười đọc sách, nếu so với nhiều người.
Ngoài sách chuyên môn đương nhiên cần phải đọc nhiều để phục vụ cho công việc, thì các sách khác ông cho rằng chỉ nên đọc một vài cuốn nhưng đọc kỹ, hơn là đọc quá nhiều.
"Thế giới nhiều người giỏi, mỗi người có cách nhìn khác nhau về cùng một vấn đề. Đọc khoảng năm ông xong sẽ thấy mình bị tẩu hỏa nhập ma. Cho nên đọc gì đó thấm vào mình thì tốt hơn đọc quá nhiều", ông Văn nói.
Ông dẫn ví dụ những mẩu chuyện lịch sử ông viết trong cuốn sách Giáo sư phiêu lưu ký mới xuất bản gần đây thực ra đều là chuyện không mới nhưng được ông nhìn theo cách riêng của mình.
Cách nhìn riêng này đến từ cách đọc sử mà ông học từ Sử ký Tư Mã Thiên. Ông cho biết mình gần như thuộc lòng các bài trong cuốn sách sử ấy. Nhưng ông cũng không đọc quá nhiều các sử gia khác.
"Một khi mình đã xây dựng được cái lý thuyết của mình về lĩnh vực đó rồi thì cũng không cần đọc tới thành quá uyên bác làm gì. Vì mình không làm nghề đấy. Chỉ cần đọc đủ để tạo được cách nhìn của mình về một vấn đề", giáo sư Văn nói.
So sánh chuyện đọc sách thời ông còn nhỏ và bây giờ, tác giả Giáo sư phiêu lưu ký cảm thông khi ngày nay nhiều người không hứng thú với sách.
Có nhiều nguyên nhân nhưng có một lý do theo ông là trước đây sách được in ra không nhiều nhưng rất chọn lọc, rất chuẩn, được trau chuốt ở mức độ rất cao. Còn nay thì không được như vậy.
"Tôi mua lại sách tác giả nước ngoài mà ngày xưa tôi đã đọc thì thấy dịch kém hơn hẳn. Ngày xưa đã đọc cuốn nào là khá đọng lại trong người. Còn bây giờ đọc mà không có sự hướng dẫn thì đôi khi rất chán.
Đọc 10 cuốn sách mà thấy nó không bổ ích cho mình thì người ta sẽ chán đọc ngay. Chứ tôi không nghĩ trẻ con bây giờ đọc sách ít hơn ngày xưa. Bây giờ số lượng sách nhiều hơn nhưng ngày xưa sách được chọn lọc tốt hơn", ông Văn nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm dạy con, giáo sư Văn cũng gây ngạc nhiên khi cho biết ông "cũng trải qua rất nhiều chông gai, rất nhiều sai lầm chứ không phải người bố xuất sắc".
Và đến một lúc ông nhận ra cách dạy con tốt nhất, cách nói chuyện với con tốt nhất thì các con đã lớn, vào đại học.Với ông, chẳng có công thức nào về dạy con để có thể chia sẻ được.
Về câu chuyện giáo dục được nói đến nhiều gần đây là dạy cho trẻ em tư duy phản biện, giáo sư Văn cũng một lần nữa "phản biện".
Ông cho biết các bài viết của ông trong cuốn sách mới không phải là ông muốn phản biện lại những góc nhìn quen thuộc mà là muốn cho mọi người nhìn sự vật bằng nhiều cách khác nhau.
"Không nên chỉ nhìn sự vật bằng một góc mà mình đọc được, xem được và áp nó thành cách nhìn của mình. Mặc dù góc nhìn ấy có thể đúng. Có nhiều cách nhìn", ông Văn nói.
Khả năng nhìn sự vật bằng con mắt khác rất quan trọng. Ông ví dụ, người Do Thái được cho là những người rất thông minh, thực ra không phải là họ giải quyết được những vấn đề khó nhất mà họ là những người nêu ra vấn đề để lập được trường phái riêng.
Người nêu ra được vấn đề là người nhìn sự vật bằng con mắt khác. Nó cũng không hẳn là phản biện.
Theo TT