Gian nan bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng
Gian nan bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng
Trong khuôn khổ hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á vừa diễn ra tại TPHCM, câu chuyện vi phạm bản quyền, nhất là trên không gian mạng, lại được thảo luận sôi nổi tại hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng”.

Vi phạm tràn lan

Theo số liệu nghiên cứu năm 2022 của Media Partners Asia (nhà cung cấp độc lập dịch vụ nghiên cứu, tư vấn trên các lĩnh vực truyền thông và viễn thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương), Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, gây tổn hại khoảng 348 triệu USD. Đối tượng của xâm phạm bản quyền sách trên không gian mạng chủ yếu là xuất bản phẩm điện tử: sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook), sách tương tác, sách 3D...

Ra mắt vào tháng 9-2019, ứng dụng sách nói Voiz FM vừa hoạt động vừa tìm phương án thích nghi với một số khó khăn đặc thù của ngành, nhất là việc bảo vệ bản quyền.

Theo chia sẻ của anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Điều hành Voiz FM, từ tháng 7-2020, đội ngũ Voiz FM đã chủ động tìm và báo cáo những nội dung bị vi phạm bản quyền trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, đến nay, chỉ tính riêng trên YouTube đã có hơn 30.000 nội dung vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Voiz FM bị gỡ bỏ.

Sách lậu thậm chí xuất hiện cả trong các hội sách

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty Sách Thái Hà, cho biết, trước đây đa số sách của Thái Hà Books bị sao chép trên mạng qua việc phát tán bản scan, file PDF thì đến nay, 70% sách điện tử của Thái Hà Books phát hành trên hệ thống đã bị các đơn vị khác làm lậu. “Những cuốn nào của chúng tôi bán trên 10.000 bản trở lên đều bị làm lậu, cả audiobook lẫn ebook”, ông Hùng bức xúc.

Ngoài những trường hợp xâm phạm bản quyền để trục lợi, không ít trường hợp lại vi phạm theo kiểu chia sẻ cho bạn bè, “giúp mọi người đỡ tốn tiền mua sách giấy!”. Tiêu biểu như trường hợp một tài khoản Facebook chia sẻ bản ebook các ấn phẩm thuộc nhiều lĩnh vực của nhiều đơn vị xuất bản khác nhau như: Nhân chứng cuối cùng (NXB Phụ nữ Việt Nam); Suối nguồn, Cô đơn trên mạng (NXB Trẻ); Lãng du trong văn hóa Việt Nam (NXB Kim Đồng); Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt (Phương Nam Book); Trốn chạy, Vô tri, Triệu phú khu ổ chuột (NXB Nhã Nam)…

Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền của Nhã Nam, cho biết, việc chia sẻ như trên đối với những đầu sách đang lưu hành sẽ gây thiệt hại về kinh tế, còn những đầu sách không lưu hành nữa sẽ mất cơ hội được tái bản. Việc chia sẻ ebook như vậy còn gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị xuất bản Việt Nam bởi nếu các đơn vị quốc tế biết được việc vi phạm này họ sẽ kiện đối tác trong nước do vi phạm hợp đồng. Các hành vi chia sẻ dù ít hay nhiều, có thu lợi hay không đều vi phạm bản quyền.

Tìm giải pháp

Trước vấn nạn về tình trạng vi phạm bản quyền, ông Lê Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đã thốt lên: “Ngành xuất bản đang sắp chết vì sự xâm hại này. Chúng tôi đuối lắm rồi, thậm chí chúng tôi mất lòng tin vào việc đấu tranh phòng chống sách lậu, sách giả, không biết làm sao để cứu được mình?”.

Sở dĩ ông Lê Hoàng phải kêu cứu như vậy cũng vì tình trạng buôn bán sách lậu, sách giả, vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả... có xu hướng tăng. Khi chuyển dịch từ phương thức bán sách giấy truyền thống sang khai thác nội dung trên các nền tảng kỹ thuật số như website thương mại điện tử hay mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Zalo…, hành vi vi phạm cũng ngày một tinh vi, phức tạp hơn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Văn phòng Luật sư Phan Law đã xử lý và gỡ bỏ gần 20.000 link vi phạm bản quyền với 828 truyện/sách bị vi phạm. Việc xử lý đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 70%. Trong đó, có một số website có lượng truy cập cao như nettruyenplus.com, truyengihotne.com, dichtruyenpro03.com... Cá biệt, trường hợp trang nettruyen đã né tránh việc xử lý xâm phạm bản quyền bằng việc liên tục thay đổi tên miền như nettruyenplus.com, nettruyenvii.com, nettruyenmax.com, dichtruyenpro03.com, dichtruyenpro04.com...

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan. Cùng với đó là nhiều hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và tác giả để bảo vệ bản quyền như: Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội quyền sao chép, Trung tâm Bản quyền tác giả văn học, Trung tâm Bản quyền số... Tuy vậy, theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam khá phức tạp. “Các giải pháp của các cơ quan Chính phủ, các hội và của doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp nhiều khó khăn do thách thức mới của công nghệ, nhất là công nghệ số, với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng”, ông Nguyễn Nguyên lý giải.

Thực tế, vi phạm bản quyền là tình trạng chung ở nhiều nước, không riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số quốc gia là thành viên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, họ đã có các thiết chế hỗ trợ, bảo vệ bản quyền. Như ở Indonesia, có một tổ chức gọi là đội đặc nhiệm; Philippines có IPOIPHL; thậm chí Malaysia còn có đơn vị được gọi là cảnh sát mạng. “Để chống lại nạn sách lậu trong ngành xuất bản, chính phủ và các đơn vị trong ngành cần phối hợp với nhau nhằm nâng cao nhận thức về Luật Bản quyền và Luật Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn đối với người vi phạm”, ông Sheikh Faisal Sheikh Mansor, Chủ tịch Hội xuất bản Malaysia, đề xuất.

Để ngăn chặn và bảo vệ bản quyền trên không gian mạng, hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự chung tay, nỗ lực của nhiều cá nhân, đơn vị cũng như các cấp các ngành. Một trong những giải pháp được NXB Thông tin và Truyền thông đưa ra là xây dựng nền tảng dùng chung cho ngành xuất bản Việt Nam. Hiện nay, đơn vị này đang vận hành 2 nền tảng dùng chung, gồm: Book365.vn (nền tảng phát hành sách in) và Ebook365.vn (nền tảng xuất bản số), để xuất bản, phát hành sách in và sách điện tử nhằm hỗ trợ các đơn vị chưa có điều kiện đầu tư cùng sử dụng nền tảng.

Theo chia sẻ của ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Thông tin và Truyền thông, nền tảng dùng chung này đang có sự tham gia của 10 trường đại học và 10 nhà xuất bản trong nước. Việc quy về một mối giúp hạn chế vi phạm bản quyền, bởi khi đã tham gia nền tảng dùng chung, tất cả đều phải theo một yêu cầu nhất định về bản quyền, có kiểm tra chặt chẽ. Đặc biệt, nền tảng dùng chung được ứng dụng công nghệ để chống sao chép, từ đó giúp việc bảo vệ bản quyền được tốt hơn.

Theo SGGP

 

Tags: