Nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami, nữ văn sĩ người Pháp Annie Ernaux và tác giả người Kenya Ngũgĩ wa Thiong’o… là những cái tên được nhiều người kỳ vọng sẽ làm nên chuyện.
Để chọn ra được người xứng đáng, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chuẩn bị cho việc đề cử từ trước một năm.
Bà Ellen Mattson, thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển, đồng thời cũng là thành viên Ủy ban Nobel, cho biết quá trình đề cử giải Nobel văn chương được diễn ra theo một hệ thống khá chặt chẽ.
Theo đó, họ có chuyên gia trên khắp thế giới và chỉ những người này mới được phép đề cử ứng viên cho giải Nobel. Giải Nobel không chấp nhận các ứng viên tự đề cử.
"Họ là những học giả, nhà phê bình, người phát ngôn cho các tổ chức văn học, hay các học viện. Những người đoạt giải trước đây và tất nhiên là các thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng có thể đề cử. Vì vậy, chúng tôi nhận được rất nhiều cái tên từ khắp nơi trên thế giới", bà Ellen Mattson chia sẻ trong một bài phỏng vấn trước thềm Nobel 2021.
Quá trình xét giải Nobel bắt đầu từ tháng 9 khi Ủy ban Nobel văn chương gửi thư mời đến những người đủ tiêu chuẩn để họ nộp đơn xem xét. Thông thường, cuối tháng 1 năm sau đó là hạn chót để nộp đề cử và đến tháng 4, khoảng 15-20 ứng viên sơ bộ sẽ được chọn ra.
Tiếp theo đó, 5 ứng viên cuối cùng được chọn để ủy ban tiến hành đọc các tác phẩm của họ (khoảng từ tháng 6 đến tháng 8) trước khi thảo luận để đi đến kết luận trao giải cuối cùng vào tháng 10.
Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, đã có 117 cá nhân được trao giải Nobel văn chương từ năm 1901 đến 2020. Trong đó, nhà văn đoạt giải Nobel trẻ nhất lịch sử là Rudyard Kipling, được biết đến nhiều nhất với tác phẩm The Jungle Book, đoạt giải năm 1907 khi ông 41 tuổi.
Ngược lại, Doris Lessing trở thành người lớn tuổi nhất được trao giải Nobel văn chương khi bà nhận được được vinh dự này vào năm 2007, khi đó bà 88 tuổi.
Trong lịch sử giải thưởng này, có 16 nữ văn sĩ/thi sĩ đã được vinh danh. Người đầu tiên là tác giả người Thụy Điển Selma Lagerlöf, được trao giải năm 1909, và gần đây nhất là nhà thơ người Mỹ Louise Glück đoạt giải năm 2020.
Dù có 117 cá nhân được vinh danh nhưng chỉ có 113 giải được trao bởi trong các năm 1904, 1917, 1966 và 1974, có hai cá nhân cùng nhận chung giải thưởng.
Bên cạnh đó, giải Nobel văn chương từng bị gián đoạn không trao trong các năm 1914, 1918, 1935, 1940, 1941, 1942, và 1943. Theo quy chế của Quỹ Nobel, nếu không có công trình nào đủ tầm quan trọng để được trao, số tiền thưởng sẽ được bảo lưu cho đến năm sau.
Nobel là giải thưởng danh giá nhất nhì hành tinh, nhưng đã có hai lần người được vinh danh từ chối nhận giải. Trong số đó có Jean Paul Sartre, người được vinh danh năm 1964 nhưng luôn từ chối tất cả các danh hiệu mình được trao.
Lịch sử giải Nobel văn chương cũng chưa ghi nhận trường hợp nào được trao giải nhiều hơn một lần.
Nobel văn chương cũng đôi lần gây bất ngờ cho công chúng. Khi người ta nghĩ rằng cố thủ tướng Anh Winston Churchill sẽ được trao giải Nobel hòa bình, thì ông lại được vinh danh ở giải Nobel văn chương năm 1953. Từ năm 1945 đến 1953, Winston Churchill được đề cử 21 lần cho giải Nobel văn chương và 2 lần cho giải Nobel hòa bình.
Còn nhớ năm 2016, giới văn sĩ đã ngỡ ngàng ra sao khi giải Nobel văn chương, vốn chỉ được trao cho các tác giả, nhà văn, nhà thơ, lại được trao cho ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ Bob Dylan.
Huy chương Nobel văn chương được nhà điêu khắc người Thụy Điển Erik Lindberg thiết kế, với hình ảnh tượng trưng cho một chàng trai trẻ ngồi dưới gốc cây nguyệt quế.
Trong khi đó, giấy chứng nhận Nobel là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được tạo ra bởi các nghệ sĩ và nhà thư pháp Thụy Điển và Na Uy.
Giải Nobel văn chương 2021 có trị giá 10 triệu SEK (hơn 26 tỉ đồng).
Theo Tuổi trẻ online