Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford: Hành trình trở thành người lớn khiêm nhường
Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford: Hành trình trở thành người lớn khiêm nhường
"Dấu mốc của người thiếu chín chắn là ở chỗ anh ta muốn chết vinh quang cho một lẽ nào đó, còn dấu mốc của người trưởng thành lại ở chỗ anh ta muốn sống khiêm nhường cho lẽ ấy..."

“Dấu mốc của một người thiếu chín chắn là ở chỗ anh ta muốn chết một cách vinh quang cho một lẽ nào đó, còn dấu mốc của một người trưởng thành lại ở chỗ anh ta muốn sống một cách khiêm nhường cho lẽ ấy.”

Câu văn này được J.D. Salinger viết trong “Bắt trẻ đồng xanh” cách đây hơn 60 năm, đến giờ tôi vẫn nghĩ triết lí ấy chẳng thay đổi lắm. Là một người hâm mộ Huyền Chip và đã dõi theo cô từ ngày cô ra cuốn sách đầu tiên, xem từng phản ứng của cô trước sự lùm xùm của dư luận, đọc không thiếu một bài viết nào của cô cả trên blog cá nhân và gần đây là website “học gì đó mỗi ngày” (learning365project.com); tôi càng hiểu hơn về cách trưởng thành có thể thay đổi một con người như thế nào.

-----

Nghĩ về Huyền Chip của thời “xách ba lô lên và đi”, cô khi ấy gần như là một người sẵn sàng “chết vinh quang” trên hành trình nay đây mai đó của mình. Quãng đường rong ruổi suốt 25 quốc gia chỉ bắt đầu từ một cái “tặc lưỡi, thôi đi bừa”, và suốt dọc hành trình kì cục ấy chỉ thấy Huyền Chip mang duy nhất một tâm thế:

 

"Tôi nhìn hai cái ba lô của mình. Tôi đã đi một con đường rất dài để có thể tha được chúng đến đây.

- Không được, em phải đi.

- Nhưng em biết mình sẽ đi như thế nào chưa?

- Em chưa biết, nhưng em sẽ hỏi.

Tại thời điểm đó, bỗng nhiên mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tôi sẽ đi nhờ xe dọc châu Phi."

 

Huyền Chip bụi bặm ở châu Phi

 

Một hành trình khó tưởng lại được Huyền thực hiện một cách “ngẫu nhiên” như giỡn, có lẽ chính vì thế mà cô trở thành tâm điểm của những thị phi. Và trước những gạch đá của cộng đồng, Huyền Chip ngày ấy tiếp tục chứng minh mình là một kẻ “trẻ, nghịch, liều, dễ thương và rất-bướng”. Cô phản biện thẳng thắn với những ý kiến ghét bỏ, từ chối đưa visa cho những kẻ tò mò vì “không thích”, và không ngần ngại thể hiện quan điểm cá nhân qua từng câu chất vấn.

Đằng sau những câu trả lời đó, tôi như nhìn thấy một cô gái trẻ đang phẫn nộ vì bị tổn thương, có phần hoang mang trước những áp lực lần đầu gặp phải, và trên hết, là một “kẻ sĩ” kiêu hãnh đến mức dẫu có bị đánh giá ghét bỏ đến đâu thì cũng không chịu cúi đầu chỉ để làm hài lòng người khác.

-----

Nhưng Huyền Chip của “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford” đã thay đổi rất nhiều. Cô trong những bức ảnh chụp đã không còn dáng dấp bụi phủi, đôi giày lem luốc, mái tóc hoe và làn da sạm vì cháy nắng – thay vào đó thật sự là một cô sinh viên giống như bao sinh viên khác, và cặp kính xuất hiện thường xuyên hơn. Từ trước cả khi cuốn sách được ra mắt, đọc và cảm nhận về Huyền trên những bài phỏng vấn với báo giới đã thấy có sự khác biệt. Vẫn lạc quan, hài hước, nhưng giờ đã là một giọng trả lời đầy nhẹ nhõm và bình thản:
 
 
 
 
 
 

 

“Đến tuổi hết trẻ con thì thành người lớn. Tôi muốn làm gì đó có ý nghĩa. Tôi muốn mình tốt hơn ngày hôm qua”.

 

 

Huyền Chip nhận chứng nhận Trợ giảng thân thiện nhất

 

Tất cả những sự trưởng thành này có thể thấy được rất rõ trong “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford”. Chỉ riêng giọng văn của Huyền Chip đã mượt mà và chững chạc hơn rất nhiều. Nếu như “Xách ba lô lên và đi” vẫn còn nhiều câu văn ngắn, cụt và hoàn toàn mang dáng dấp của một cuốn “nhật kí” đơn thuần ghi lại những gì xảy ra, thì “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford” giống như một cuốn tản văn, nhìn sâu hơn vào những điều xảy ra xung quanh, và soi ngược lại những gì cô đang cảm nhận.

Những suy nghĩ này trong cuốn sách, chắc chắn không thuộc về một Huyền Chip-tuổi-mười-tám dám vứt bỏ hết để lên đường chỉ vì “tôi thích thế”. Chúng thuộc về một Huyền Chip-tuổi-hai-lăm sống khiêm nhường, thấu đáo, thực sự hiểu và đặt niềm tin vào những điều mình đang làm.

 

 

 

Tôi vẫn còn nhớ trong buổi ra mắt cuốn sách “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford”, Huyền Chip đã nói rằng nếu là cô bây giờ, cô sẽ không “nổi đóa” lên trước những cáo buộc về mình như ngày trước. Cô sẽ sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của các phóng viên, sẽ đưa visa làm bằng chứng, vì giờ cô hiểu rằng chứng thực thông tin là trách nhiệm của các anh chị nhà báo, và cô không có quyền giận dữ với họ.

Mọi sự thay đổi ấy đến từ những con người cô gặp. Stanford chỉ trong 2 năm đã làm bay biến cái tôi kiêu hãnh và bướng bỉnh trong Huyền Chip. Khi ở bên cạnh là những con người chỉ muốn cống hiến, học tập và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề của nhân loại, thì tất cả những khinh ghét khác sẽ trở nên nhỏ mọn và nhạt nhẽo.

Như cậu bạn hàng xóm thiên tài Jaime đã nói với Chip, “cuộc sống là để cống hiến, không phải để cảm nhận, và những kẻ tìm kiếm hạnh phúc cá nhân là những kẻ ích kỉ”. Huyền Chip bây giờ nghĩ rằng cô sẽ vẫn liều mạng ở tuổi 18, nhưng giờ, cô biết rằng cô phải“ mang lại giá trị gì đó khác cho ai ngoài mình”, và phải “viết vì người khác”.

[…] Không có lí do để ra sách, tôi vẫn tiếp tục viết. Những điều tôi làm thật nhỏ bé nhưng những câu chuyện của những người tôi gặp thì chẳng nhỏ bé chút nào. Họ giúp tôi hiểu về giới hạn của bản thân, về sự ích kỉ tưởng chừng vô hại, và trách nhiệm của mình với thế giới mình đang sống. Họ biến tôi từ con bé chán ghét cuộc sống gò bó thành đứa lên lịch đến từng giây, từng phút cuộc đời mình. Họ biến tôi từ một người luôn chỉ nghĩ đến chuyện đi đây đi đó cho đỡ cuồng chân, thành người không còn để ý mình sẽ ở đâu trong bao lâu, miễn là xung quanh còn nhiều người tài giỏi hơn tôi và có thể dạy cho tôi nhiều điều cả về học thuật và cuộc sống.

-----

Tôi từng đọc trong “Bob – Chú mèo đường phố” rằng: “Mỗi ngày trong đời, tất cả chúng ta đều được trao cơ hội thứ hai”. Stanford chính là cơ hội thứ hai của Huyền Chip, và cô đã nỗ lực để dùng nó thật tốt. “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford” là minh chứng cho điều đó.

 

Dõi theo Huyền Chip qua từng cuốn sách sẽ thấy như nhìn lại hành trình trưởng thành của một người trẻ. Đến giờ khi đã có không ít tác giả Việt lên đường và viết sách như Chip, thì cô vẫn chính là cảm hứng lớn nhắc nhở tôi về những ngày thiếu chín chắn nhưng thừa ước mơ. Và rằng, chỉ cần không bao giờ được bỏ cuộc, thì những ngày tháng ấy sẽ tiếp tục dẫn chúng ta đến những cơ hội mới, tốt lành hơn. Chết trong vinh quang ngày trước, là cách ta học để sống khiêm nhường hơn sau này.

 

Biên Cung - Trạm Đọc

Độc giả có thể tìm đọc cuốn sách Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford (Bản có chữ ký) tại goo.gl/6Xjm5A, trên Tiki (https://goo.gl/xBH9HN) hoặc Fahasa (https://goo.gl/cMPHL9)