Entropy - Mức độ rối loạn và các vấn đề liên quan đến con người
Entropy - Mức độ rối loạn và các vấn đề liên quan đến con người
Trong cuốn sách “Khai sáng thời hiện đại”, với chiều sâu trí tuệ, tác giả Steven Pinker lý giải cặn kẽ về lý trí, khoa học và chủ nghĩa nhân văn: những lý tưởng mà con người cần đối đầu và tiếp tục tiến bộ.
Khai Sáng Thời Hiện Đại - Bàn Về Lý Trí, Khoa Học, Chủ Nghĩa Nhân Văn Tiến Bộ
(26 lượt)
Khái niệm quan trọng đầu tiên để hiểu tình cảnh con người là khái niệm entropy, hoặc mức độ rối loạn. Khái niệm này nổi lên trong lĩnh vực vật lý thế kỷ 19, và định nghĩa mà ta vẫn dùng ngày nay là của nhà vật lý Ludwig Boltzmann. Định luật II Nhiệt động lực học nói rằng trong một hệ kín (không tương tác với môi trường ngoài), entropy luôn tăng. (Định luật I là định luật bảo toàn năng lượng; Định luật III nói rằng độ 0 tuyệt đối là không thể đạt được.) Các hệ kín tất sẽ có cấu trúc cũng như tổ chức lỏng lẻo hơn và ít có khả năng đạt được các kết quả thú vị, hữu ích cho đến khi rơi vào một trạng thái cân bằng tẻ nhạt, đơn điệu, đồng nhất và bất biến.

Trong công thức ban đầu, Định luật II Nhiệt động lực học đề cập đến quá trình năng lượng khả dụng lưu chuyển do sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai hệ, và chắc chắn bị tiêu tán khi nhiệt truyền từ hệ có nhiệt độ cao sang hệ có nhiệt độ thấp hơn. (Như nhóm nhạc kịch Flanders & Swann đã viết trong lời bài hát của họ: “Bạn không thể truyền nhiệt từ chỗ mát sang chỗ nóng hơn; Cứ thử nếu bạn thích, nhưng tốt hơn là nên nhớ lấy điều này.”) Một ly cà phê chắc chắn sẽ nguội dần, trừ khi được liên tục hâm nóng. 

Khi động cơ hơi nước đốt cháy hết than đá, hơi nước sẽ mất nhiệt dần và không thể khiến pít-tông chuyển động. 

Khi người ta đã công nhận việc nhiệt không phải là chất lỏng vô hình mà là năng lượng trong các phân tử chuyển động và sự khác biệt về nhiệt độ giữa hai hệ là sự khác biệt về tốc độ trung bình của các phân tử đó, một phiên bản mang tính thống kê và tổng quát hơn của khái niệm entropy cùng Định luật II Nhiệt động lực học đã định hình. 

Cuốn sách "Khai sáng thời hiện đại" lý giải về khái niệm "Entropy"

Giờ đây, trật tự có thể được mô tả dựa trên tập hợp tất cả các trạng thái khu biệt ở quy mô siêu nhỏ của một hệ (trong ví dụ ban đầu liên quan đến nhiệt, tốc độ và vị trí khả thể của tất cả các phân tử trong hai hệ). Trong tất cả các trạng thái này, những trạng thái mà chúng ta thấy hữu dụng khi nhìn tổng thể (chẳng hạn như nhiệt độ trong một hệ lớn hơn nhiệt độ trong hệ khác, nên tốc độ trung bình của các phân tử trong hệ này cao hơn hệ kia) chiếm một phần rất nhỏ trong số các khả năng, trong khi tất cả các trạng thái mất trật tự và không hữu dụng (những trạng thái không có chênh lệch nhiệt độ, trong đó tốc độ trung bình của các phân tử trong hai hệ là như nhau) chiếm đại đa số. 

Theo đó, bất kỳ sự xáo trộn nào của hệ, cho dù là sự rung động nội bộ ngẫu nhiên hay va chạm từ bên ngoài, theo các quy luật về xác suất, sẽ khiến hệ trở nên mất trật tự hoặc không hữu dụng, tất nhiên không phải do bản chất tự nhiên mà vì có nhiều cách để phá vỡ hơn là thiết lập trật tự. Nếu bạn xây một lâu đài cát rồi bỏ đấy, thì có lẽ hôm sau nó sẽ biến mất, vì khi bị gió, sóng, hải âu và trẻ nhỏ tác động, cát sẽ bị thay đổi hình dạng và trông không còn giống một lâu đài. Tôi thường gọi phiên bản mang tính thống kê của Định luật II Nhiệt động lực học, vốn không áp dụng cụ thể cho quá trình cân bằng nhiệt mà cho những tình trạng phá vỡ trật tự, là Định luật Entropy.

 

Entropy có liên quan như thế nào đến các vấn đề về con người?

 

Trong hằng hà sa số các khả năng, cuộc sống và hạnh phúc của con người phụ thuộc vào một số lượng rất ít những cách sắp xếp vật chất có trật tự. Cơ thể chúng ta là tập hợp các phân tử không chắc chắn và chúng duy trì trật tự đó với sự trợ giúp của những thứ không chắc chắn khác: vài chất có thể nuôi dưỡng chúng ta, vài vật liệu với chỉ vài hình dạng có thể dùng làm quần áo, che chở và cho phép chúng ta di chuyển mọi thứ theo ý thích. 

Vật chất được tìm thấy trên Trái đất còn vô vàn kiểu sắp xếp khác, tất cả đều không có giá trị sử dụng đối với con người, vì vậy khi mọi thứ thay đổi mà không có con người tác động, chúng thường sẽ tồi tệ hơn. Định luật Entropy được thừa nhận rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày trong các câu chuyện và lời nói như “Mọi thứ tan vỡ cả” (“Things fall apart”), “Mọi thứ chẳng bao giờ ngừng gỉ sét” (“Rust never sleeps”), “Những điều tồi tệ luôn diễn ra” (“Shit happens”), “Việc gì có thể sai thì sẽ sai” (“Whatever can go wrong will go wrong”), và (từ nhà lập pháp Texas Sam Rayburn) “Bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể đạp hỏng chuồng trâu, nhưng phải là thợ mộc thì mới dựng lại được nó.”

- Theo cuốn sách “Khai sáng thời hiện đại”- Steven Pinker - 

-----------

Tác giả cuốn sách "Khai sáng thời hiện đại"

Steven Pinker là một nhà tâm lý học thực nghiệm nghiên cứu về nhận thức thị giác, ngôn ngữ học tâm lý và các mối quan hệ xã hội. Ông là thành viên được bầu chọn của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, người từng hai lần lọt vào chung kết Giải thưởng Pulitzer, nhà nhân văn của năm và đã nhận chín bằng tiến sĩ danh dự. Ông lọt vào danh sách “100 trí thức nổi danh hàng đầu thế giới” của Foreign Policy và “100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện đại” của Times. Pinker thường xuyên viết bài cho New York Times, Guardian và nhiều ấn phẩm khác.

Tags: