1. Hẹn gặp lại trên kia
Không có gì bất ngờ khi “Hẹn gặp lại trên kia” đoạt giải Goncourt năm 2013. Lemaitre, bằng cách sử dụng thể loại tiểu thuyết trinh thám đặc biệt của mình, mở ra một cuộc phiêu lưu vào lòng nước Pháp những năm hậu thế chiến thứ nhất. Hai người cựu binh trở về từ chiến trường. Trớ trêu thay, xã hội lại chỉ bận tưởng niệm những người hi sinh, còn những kẻ sống sót trở về lại ngập trong lãng quên và chối bỏ.
(Pierre Lemaitre, Nguyễn Duy Bình dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành)
2. Ngôi Nhà Thạch Lựu
Bằng ngôn ngữ phong phú giàu âm điệu, hình ảnh lung linh gợi cảm, những tình tiết kỳ lạ cuốn hút, Ngôi Nhà Thạch Lựu đã gợi cho người đọc đến với thế giới Thần thoại Hy Lạp của Persephone và Hades, đến với Kinh Thánh và cả Ngàn lẻ một đêm xứ Ba Tư.
Với phong cách đặc trưng của mình, Oscar Wilde lại xoáy vào các vấn đề như: Tình Yêu đối nghịch với Cám Dỗ, Đạo Đức đối chọi lại Cái Đẹp, Nỗi Đau đi ngược chiều Hy Vọng. Liệu người ta có đúng không khi để bản năng tự cao tự đại chống lại những niềm tin mù quáng? Liệu người ta có đúng không khi sống hết mình cho tình yêu, hi sinh tất thảy cho tình cảm? Làm thế nào để nuôi dưỡng sự tử tế, lòng nhân ái bao dung và tình cảm chân thực giữa người với người?
(Oscar Wilde, Minh Nhi dịch, Tao Đàn và NXB Văn học ấn hành)
3. Cô gái Đan Mạch
Nếu bạn đã bị cuốn hút bởi bộ phim “The Danish Girl” thì đây là cuốn sách không thể bỏ qua. Pha trộn giữa hồi ký, tư liệu, kể chuyện, cuốn sách tái hiện lại người chuyển giới đầu tiên giữa khung cảnh đầu thế kỷ XX. Từ những bàng hoàng đầu tiên khi khám phá ra sở thích ăn mặc của mình cho đến những nỗi đau tột cùng về thể xác hậu phẫu thuật, con đường mịt mùng của Einar Wegener (họa sỹ người Đan Mạch, tham gia phẫu thuật chuyển giới 1920) trong việc tự định nghĩa bản thân cho ta thấy một cuộc chiến vừa can đảm vừa bi ai.
Bằng ngôn từ có tính lay động, chúng ta phần nào đồng cảm được với cảm giác của một người lạc lõng giữa cuộc đời, ngay cả bản thân cũng không bám víu vào được, chẳng biết nghe ai, chẳng biết phải đón nhận hay chạy trốn điều gì. Đó không chỉ là bi kịch của cá nhân trong thời đại của anh/cô ấy, mà còn là bài học cho đến tận ngày nay, khi chúng ta hiểu biết và rộng lòng hơn.
Và cũng như bộ phim, đôi khi ta cảm thấy Gerda Wegener - vợ của Einar, mới thực là nhân vật chính. Sự hy sinh và nhẫn nại phi thường của cô, tình yêu không giới hạn của cô, chứng minh cho ta thấy đôi khi giới tính chẳng thể là rào ngăn chia cách nào cả.
(David Ebershoff, NXB Trẻ ấn hành)
4. Những Nốt Nhạc Tỉnh Thức
Dù không phải là tiểu thuyết, nhưng “Những nốt nhạc tỉnh thức” đẹp như một bài thơ.
Cuốn sách kể về những đứa trẻ đường phố ở Venezeula, những người đói khổ nhất trong một đất nước đói khổ, đang tập chơi … nhạc thính phòng. Bạn sẽ ngạc nhiên. Nhưng điều đó đã diễn ra, và đem lại những thành công to lớn.
Không phải thành công ở những buổi hát thính phòng hàn lâm tại những nhà hát tinh hoa, mà thành công ở việc gieo lòng tin vào tất cả mọt người. Rằng ai cũng có thể lựa chọn làm những điều tốt đẹp nhất, rằng nghệ thuật có thể cứu chuộc chúng ta, có thể là cánh cửa dẫn một nền tảng xã hội hạnh phúc – nơi mọi người kết nối cùng nhau vì một mục đích thiện hảo.
Tác giả đã dần nhận thức được rằng trong El Sistema, lý tưởng dẫn dắt dàn nhạc như một trường học cho cộng đồng phải rất mạnh mẽ để có thể xuất sắc xóa nhòa sự phân biệt giữa giáo dục âm nhạc và biến đổi xã hội. Và nó mô tả quá trình củng cố niềm tin trong bà rằng nước Mỹ và các nơi khác trên thế giới, có nhiều điều để học hỏi từ mô hình của Venezuela.
"Những nốt nhạc tỉnh thức là một cuốn sách phải-đọc dành cho bất cứ ai muốn làm thế giới tốt đẹp hơn mà chưa biết phải bắt đầu từ đâu." – Ngài Clive Gillinson, Giám đốc điều hành và Giám đốc nghệ thuật Carnegie Hall
Tại Việt Nam, dự án tương tự như El Sistema đang được nghệ sĩ Trang Trịnh điều hành với tên gọi “Dàn Hợp xướng & Giao hưởng Kỳ Diệu”
(Tricia Tunstall, Alphabook và NXB Thế giới ấn hành)
5. Thời Khắc
Thời khắc (The hours) là cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của nhà văn Michael Cunningham từng được chuyển thể thành phim và là bộ phim xuất sắc nhất của năm 2002 với các giải thưởng: Oscar – 2002 dành cho nữ diễn viên chính, Quả Cầu Vàng – 2002 dành cho Phim tâm lý xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính trong phim bi xuất sắc nhất. Tác phẩm liên kết số phận của ba người phụ nữ ở ba thời đại khác nhau.
(Michael Cunningham, Lê Đình Chi dịch, Bách Việt và NXB Dân trí ấn hành)
Trạm Đọc (Read Station)