Đại sư Hám Sơn, người được tôn thờ như vị tổ thứ bảy của Thiền tông
Đối với Phật tử Trung Hoa, Đại sư Hám Sơn được sùng bái như vị tổ thứ bảy của Thiền tông, mặc dù ngài không được chính thức truyền tâm ấn từ các vị Tổ.
Tuy nhiên, dưới mắt các đệ tử thì Đại sư Hám Sơn được truyền thừa tâm ấn thực thể tại Tào Khê, vì ngài tiếp nối chư Tổ sư, truyền bá giáo lý trực chỉ chân tâm của Lục Tổ. Nhờ công lao của ngài mà mạch thiền tại Tào Khê được xiển hưng cho đến ngày nay. Do đó, nhục thân của ngài vẫn được phụng thờ tại chùa Nam Hải cùng với nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng.
Hiếm có vị sư nào tuy bị triều đình trừng phạt, bắt lưu đày mười tám năm ròng với hình tướng là thường dân, nhưng bản hạnh vẫn là tăng sĩ nên được đa số quan lại vùng Quảng Đông kính phục.
Cuộc đời và tập hợp những lời dạy, trước tác của ngài đã được đúc kết trong cuốn Đường mây trong cõi mộng, do Đại đức Thích Hằng Đạt và dịch giả Nguyên Phong (John Vu) phóng tác (NXB Tổng hợp TP. HCM và First News xuất bản năm 2020).
Đại sư Hám Sơn, danh Đức Thanh, hiệu Trừng Ấn, một trong bốn vị thánh tăng có công phục hưng và phát triển Phật giáo trong triều đại nhà Minh (ba vị kia là thiền sư Đạt Quán, Đại sư Liên Trì, và Đại sư Ngẫu Ích). Chính vì đức hạnh của ngài, mà thay vì ngược đãi ngài theo lệnh của triều đình sau khi ngài bị trừng phạt do dính vào vòng tranh chấp ngôi vị thái tử, các quan lại ở tỉnh phía Nam Trung Hoa đã cho phép ngài tự do đi lại để hoằng dương chính pháp, nhờ đó phục hưng lại tổ đình Nam Hoa ở Tào Khê.
Vì vậy, sau khi được triều đình ân xá, ngài lại tiếp tục cống hiến cho Phật pháp, để rồi khi ngài thị tịch, nhục thân của ngài được kính cẩn đặt cạnh nhục thân của Lục tổ Huệ Năng cho các Phật tử muôn đời chiêm bái.
Cuốn sách không chỉ cho độc giả nắm được các nét chính về cuộc đời dài 77 năm của ngài Hám Sơn (1546-1623), mà qua đó có thể thấy được bối cảnh lịch sử Trung Quốc trong những thập niên cuối cùng của triều đại nhà Minh, bắt đầu từ đời Gia Tĩnh (vua Minh Thế Tông) cho đến Minh Hy Tông. Hai mươi năm sau khi ngài viên tịch thì Minh triều cũng chấm dứt, nhà Mãn Thanh từ phía Bắc tràn vào thống trị Trung Quốc.
Cuộc đời hành đạo đầy gian khổ của các ngài trong hoàn cảnh lúc đó đã hé mở cho chúng ta thấy được phần nào về tình trạng Trung Hoa thời nhà Minh cũng như hoàn cảnh suy đồi của Phật giáo thời bấy giờ. Nhờ công lao của ngài và ba vị danh tăng kể trên, mà Phật giáo Trung Hoa mới được phục hưng mạnh mẽ sau những năm dài bị đình trệ hủ hóa kéo dài từ đời Tống.
Cũng chính Đại sư Hám Sơn và ba vị danh tăng là những người khởi phát tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” được duy trì đến ngày nay ở Trung Quốc, và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh ở Việt Nam. Ngài cũng là người đã chú giải quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
Đạo Phật từ khi truyền vào Trung Quốc có nhiều tông phái, và ở đời Minh, triều đình có ý định chia rẽ các tông phái để dễ bề cai trị, nhưng với tư tưởng không phân biệt Đại thừa – Tiểu thừa, áp dụng uyển chuyển hai pháp môn Thiền tông và Tịnh Độ tông, mà Phật giáo Trung Quốc được dung thông, hợp nhất và phát dương rộng rãi qua cuộc đời tu trì Thiền – Tịnh song tu của Đại sư Hám Sơn.
Sử liệu ghi nhận trong những năm đầu nhà Minh mỗi năm có hàng chục vạn người được cấp phép hành nghề tăng sĩ nhưng trong cuốn Hám Sơn lão nhân tự sự niên phổ, Đại sư Hám Sơn đã nhận xét: “Đa số tăng sĩ đều ăn mặc lòe loẹt, để tóc dài, ăn thịt, uống rượu, chẳng biết giới luật, chẳng hề tụng kinh hay tham thiền mà chỉ lo quyên tiền cúng dường và làm lễ nghi cầu đảo như các đạo sĩ”. Hiển nhiên, nếu không có sự hoằng pháp và chấn hưng Phật giáo của Đại sư Hám Sơn, Thiền sư Đạt Quán, Đại sư Liên Trì và Đại sư Ngẫu Ích thì không biết tình hình Phật giáo Trung Hoa sẽ suy đồi đến đâu?
Cuốn sách khá dày, lên tới trên 440 trang, trong đó phần đầu kể về cuộc đời của Đại sư Hám Sơn, từ lúc ngài xuất thế, xuất gia cho đế khi viên tịch. Phần sau của cuốn sách là các khai thị của đại sư.
Bản phóng tác Đường mây trong cõi mộng được dịch giả Nguyên Phong khởi công dịch từ bản tiếng Anh A Buddhist Master In Dreamland của Charles Luk Yu dịch từ cuốn Hám Sơn lão nhân tự sự niên phổ. Sau khi tham khảo thêm tình hình Phật giáo thời Minh qua những cuốn A Buddhist Leader in Ming China, The Life and Thouhgt of Han Shan Te Ch’ing của Sung Pen Hsu, The Renewal of Buddhism in Ming China, A Historical Survey của Kenneth Chen, nhận thấy những bản dịch này vẫn chưa đầy đủ nên dịch giả đã nhờ Đại đức Thích Hằng Đạt tham cứu lại nguyên bản chữ Hán của cuốn Hám Sơn đại lão sư Mộng du tập, Hám Sơn lão nhân tự sự niên phổ để bổ túc thêm.
Phần cuối sách, Đại đức Thích Hằng Đạt còn dịch thêm những bài giảng của Đại sư Hám Sơn ghi lại trong những tập Hám Sơn đại sư truyện và Hám sơn tự truyện.
Dịch giả Nguyên Phong vốn là một nhà khoa học, kỹ sư cao cấp của hãng Boeing, từng dịch và phóng tác, chuyển thể nhiều tác phẩm tìm hiểu và khám phá các giá trị tinh thần phương Đông hấp dẫn như Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết Sơn, Hoa sen trên tuyết… Với văn phong trong sáng, mạch lạc, ông dẫn dắt độc giả đi qua những trang sách bằng sự lôi cuốn của nội dung, chứ không bởi cách dùng từ hoa mĩ, bóng bẩy.
Gấp cuốn sách lại, độc giả sẽ có thể lần theo những biến chuyển trong cuộc đời của ngài Hám Sơn để soi vào như một tấm gương sáng, mà từ đó hoàn thiện bản thân mình.
Lê Tiên Long - Trạm Đọc