Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó - Tình yêu thương là phương thuốc hữu hiệu nhất cho tâm hồn
Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó - Tình yêu thương là phương thuốc hữu hiệu nhất cho tâm hồn
Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó của Tiến sỹ - Bác sĩ Bruce D. Perry kết hợp cùng nhà báo Maia Szalavitz mở ra một khái niệm mới về sức khỏe tâm thần nhi - nơi chúng ta lần đầu tiên nhận ra sức tàn phá khủng khiếp của những sự kiện tàn khốc đến não bộ trẻ em và cùng nhau tìm kiếm một hướng đi mới trong hành trình chữa lành cho các em.
Đứa Trẻ Được Nuôi Trong Chuồng Chó
(4 lượt)
Chúng ta đã từng nghe qua đâu đó câu nói:“Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời. Đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”. Những tổn thương thời thơ ấu giống như vết dao cứa vào thân cây non. Ngày tháng trôi đi, cái cây lớn dần lên, vết dao ngày nào không còn rỉ nhựa nhưng đã trở thành một vết sẹo dài tự bao giờ, xơ cứng, xù xì mà chẳng cách nào lành lại. Với chủ đề những mất mát, tình thương và chữa lành đến từ trẻ em gặp sang chấn, “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” của Tiến sỹ - Bác sĩ Bruce D. Perry kết hợp cùng nhà báo Maia Szalavitz mở ra một khái niệm mới về sức khỏe tâm thần nhi - nơi chúng ta lần đầu tiên nhận ra sức tàn phá khủng khiếp của những sự kiện tàn khốc đến não bộ trẻ em và cùng nhau tìm kiếm một hướng đi mới trong hành trình chữa lành cho các em.

Tiến sỹ - Bác sĩ Bruce D.Perry là giảng viên, chuyên gia lâm sàng và nhà nghiên cứu tích cực về sức khỏe tâm thần của trẻ em và khoa học thần kinh. Ông là tác giả của hơn 500 bài báo, chương sách và kỷ yếu khoa học, nhận được nhiều giải thưởng và bằng danh dự chuyên môn. Cùng với sự hỗ trợ của Maia Szalavitz, cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” tuy chứa đựng lượng kiến thức khoa học thần kinh khổng lồ nhưng không hề khô khan mà đầy trắc ẩn và tình thương nhờ sự cân bằng hài hòa giữa kể chuyện và truyền đạt thông tin.

Cuốn sách chọn lọc từ những ca điển hình trong quá trình làm việc của bác sĩ Perry, mỗi ca sẽ mổ xẻ một vấn đề về tác động của sang chấn lên trẻ em. Những câu chuyện trong sách được sắp xếp theo trình tự thời gian, cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của ngành sang chấn học, lĩnh vực tâm thần nhi và quá trình phát triển của bác sĩ Perry khi ông và các đồng sự đã nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thành công Mô hình trị liệu thần kinh tuần tự. Bác sĩ Perry đã làm sáng tỏ một thực tế rằng chỉ khi thấu hiểu quá trình phát triển của não bộ và cơ chế hoạt động của tâm trí, ta mới có hy vọng ngăn ngừa và chữa lành nỗi đau tinh thần của trẻ em.

 

Sang chấn - Vết sẹo khó lành của tâm hồn trẻ thơ

 

Trẻ nhỏ giống như tờ giấy trắng, các em không có quyền và khả năng tự vẽ lên “bức họa cuộc đời” mình trong những năm thơ ấu. Việc lớn lên trong tình yêu thương ngập tràn như những đóa hoa nở rộ vào mùa xuân tươi đẹp xem ra lại là một ân huệ trong cuộc sống. Bởi không ít những đứa bé ngoài kia không may nhận lại những nét vẽ nguệch ngoạc, nhuốm cả tuổi thơ em một màu đen tối.

  Đó là câu chuyện về cô bé Tina được mẹ dẫn đến bác sĩ Perry điều trị khi mới bảy tuổi bởi “hành động gây hấn và có hành vi thiếu phù hợp với các bạn cùng lớp”. Tất cả những điều này liệu có khẳng định Tina là một cô bé  không nghe lời, mắc chứng thiếu tập trung hay một hội chứng nào khác đại loại như vậy? Với bác sĩ Perry, ông không nghĩ như vậy. Ông đi sâu tìm hiểu về quá khứ của Tina để biết những tổn thương và thiệt hại do sang chấn gây ra khi em bị một thiếu niên 16 tuổi - con trai người nhận trông coi cô bé, lạm dụng tình dục suốt hai năm dài, từ lúc Tina 4 tuổi - 6 tuổi. Những sang chấn này để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng và là nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi lệch lạc trong cuộc sống sau này của em mà mọi nỗ lực cứu chữa gần như đều không thể đạt kết quả tối ưu.

Hay câu chuyện về cô bé tội nghiệp Sandy qua những lời miêu tả của tác giả: “Một đứa trẻ 3 tuổi, bị cắt cổ, thổn thức không ngừng trong lúc cố gắng an ủi và tìm kiếm sự an ủi từ thi thể người mẹ trần truồng, bị trói chặt, đẫm máu và lạnh lẽo. Không thể tưởng tượng nổi cô bé đã thấy khiếp đảm, hoang mang và bất lực đến nhường nào!”. Sandy lớn lên cùng các vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ và tình trạng lo âu thường trực, cô bé thường rơi vào những khoảng thẫn thờ hoặc có những cơn bộc phát có tính gây hấn và cuồng nộ.

Theo tác giả, “chúng ta thường nghĩ rằng trẻ em vốn tàn nhẫn một cách tự nhiên và vô ý – và vẫn cho rằng bắt nạt là tình trạng không thể tránh khỏi – nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều”. Người lớn thường la rầy, trách mắng một đứa trẻ không ngoan, lập tức tìm kiếm những “chuyên gia tâm lí” để rồi cột cho các em một trong số các hội chứng tâm lí nào đó - có thể là “chứng thiếu tập trung” hay “chứng tự kỉ”…Nhưng dưới ánh mắt của tình thương, bác sĩ Perry đã chỉ ra rằng: “Những đứa trẻ rắc rối thường phải chịu đựng một nỗi đau nào đó – và nỗi đau khiến người ta trở nên dễ nổi cáu, lo âu và hung hăng. Không hề có phương pháp chữa lành ngắn hạn thần kỳ nào cả, mà chỉ có sự chăm sóc một cách kiên nhẫn, yêu thương và nhất quán mới mang lại hiệu quả. Điều này đúng với một đứa trẻ ba, bốn tuổi và cũng đúng với một thiếu niên”. Vậy có hay không sự hiệu quả thực sự đến từ các phương pháp dược trị liệu hay tâm lí trị liệu đơn thuần đối với những sang chấn ám ảnh của các em? Có hay không một con đường thực sự chạm đến những góc khuất trong tâm hồn để cùng các em bắt đầu một hành trình chữa lành? Đó là điều bác sĩ Perry day dứt trong nhiều năm…

 

Không liều thuốc nào tốt hơn tình yêu thương

 

“Vào thời điểm đó – và cho đến tận bây giờ vẫn còn tồn tại một niềm tin sai lầm hết sức phổ biến về trẻ em và các sang chấn, rằng "trẻ em có khả năng phục hồi nhanh". Tuy nhiên, “trái với lầm tưởng của nhiều người, trẻ em thật ra dễ bị tổn thương khi gặp sang chấn hơn nhiều so với người lớn. Bộ não đang phát triển là dễ uốn nắn nhất và nhạy cảm nhất với các trải nghiệm – cả tốt lẫn xấu - diễn ra vào giai đoạn đầu đời”.

Là người trực tiếp đồng hành cùng nhiều trẻ em gặp sang chấn, Tiến sỹ Perry hiểu hơn ai hết về những nỗi sợ, sự tổn thương và quá trình chữa lành khó khăn của các em. Theo Tiến sỹ Perry, chữa lành nên bắt đầu từ não bộ. Não của trẻ bị chấn thương có thể được định hình lại bằng những trải nghiệm lặp đi lặp lại, có khuôn mẫu trong một môi trường an toàn. Khi các khuôn mẫu hoạt động thần kinh được lặp đi lặp lại, xảy ra đồng thời hoặc cùng diễn ra, một mối liên hệ sẽ được hình thành giữa các khuôn mẫu này. Nếu đó là những mối liên hệ mang lại cảm giác dễ chịu, một vòng lặp tốt đẹp sẽ được khởi đầu.

Thông qua những ghi chép của mình, tiến sĩ Perry đã làm sáng tỏ một thực tế rằng chỉ khi thấu hiểu quá trình phát triển của não bộ và cơ chế hoạt động của tâm trí, ta mới có hy vọng ngăn ngừa và chữa lành nỗi đau tinh thần của trẻ em. Điều mà trẻ em bị ngược đãi và sang chấn cần đến nhất là một cộng đồng lành mạnh để xoa dịu những nỗi đau đớn, khổ sở và mất mát do sang chấn gây ra.

“Thứ có tác dụng chữa lành là bất cứ điều gì làm gia tăng số lượng và chất lượng những mối quan hệ của các em. Thứ giúp ích cho các em là sự chăm sóc yêu thương diễn ra theo cách nhất quán, kiên nhân, lặp đi lặp lại. Và tôi cũng muốn nói thêm rằng bọn trẻ không cần đến những “chuyên gia" sức khỏe tâm thần có thiện ý nhưng lại không được đào tạo đến nơi đến chốn, thường dồn dập tiếp cận bọn trẻ ngay sau một sự kiện sang chấn, hoặc ép các em phải “mở lòng” hay “xả giận".

Trong một số chương trình truyền hình liên quan đến tâm lý tuổi mới lớn, khi được hỏi các em cần điều gì ở cha mẹ, phần lớn câu trả lời chính là thời gian. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng điều kiện tài chính là quan trọng nhất để nuôi dạy con trẻ mà quên đi việc dành thời gian bên con. Thế nhưng, chính sự quan tâm và tình yêu thương mới là liều thuốc tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em gặp sang chấn. Điều này thể hiện rõ trong câu chuyện về một tội phạm vị thành niên được tác giả đề cập trong cuốn sách - người đã trải qua suốt cả tuổi thơ cô đơn và thiếu tình thương đến mức không có khái niệm về tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Hầu hết người ta chỉ nhìn cậu ta với ánh mắt lạnh lùng như bình thường vẫn nhìn những tên tội phạm nguy hiểm khác. Nhưng đâu đó chìm sâu trong tâm hồn cậu ta vẫn là hình ảnh một đứa trẻ bị tổn thương đang phản kháng, giành giật sự ấm áp cho chính mình.

Theo tiến sĩ Perry, càng có nhiều mối quan hệ lành mạnh thì một đứa trẻ càng có nhiều khả năng hồi phục sau sang chấn và phát triển mạnh mẽ. Các mối quan hệ chính là tác nhân của sự thay đổi và liệu pháp hiệu quả nhất chính là tình yêu thương của con người.

Trẻ em, cũng giống như người lớn chúng ta, sẽ phản ứng tiêu cực với những điều mình chưa biết, những thứ xa lạ và không quen thuộc với mình, đặc biệt là khi bản thân chúng ta đang phải cố gắng thích nghi với một tình huống mới, như vào thời điểm bắt đầu một năm học. Khi trẻ em hiểu được lý do một người cư xử kỳ quặc, thì nhìn chung chúng sẽ trở nên dễ chịu với người đó hơn. Trẻ càng nhỏ thì lại càng dễ bị ảnh hưởng bởi những tin hiệu thể hiện thái độ khước từ và chấp nhận của người lớn”.

 

Hoa trên vách đá

 

Mặc dù các em nhỏ trong sách đã phải trải qua nhiều bi kịch đau lòng nhưng hầu hết các câu chuyện đều có cái kết tốt đẹp. Từ các em, chúng ta học được những bài học quý giá về sự mất mát, tình yêu thương và cả sự chữa lành. Như Tiến sỹ Perry đã chia sẻ: “Ngạc nhiên thay, khi lang thang qua những bãi tha ma cảm xúc gây ra bởi phần tăm tối nhất trong nhân cách con người, chúng ta thường cũng sẽ tìm thấy những phần nhân tính cao đẹp nhất”. Ấy là những đứa trẻ phi thường hơn những gì chúng ta có thể hình dung. Có thể một phần nào đó câu nói “trẻ em có năng lực tự chữa lành” có thể hiểu theo nghĩa khác : Rằng các em có sức mạnh nội tại lớn lao giống như cơn sóng ngầm cần một tác động để trào dâng. Và chúng ta - những người lớn sẽ thật may mắn biết bao khi góp phần làm nên “chiến thắng” của các em - những bông hoa xinh tươi và đầy sức sống. Không chỉ vậy, câu chuyện từ các em cũng giúp cho những người lớn - cha mẹ, thầy cô, người làm công tác xã hội, người làm chính sách, lực lượng hành pháp hay bất cứ ai làm việc liên quan đến trẻ em -  sẽ biết rõ hơn những gì mà trẻ em cần ở ta, để từ đó có thể xây dựng hệ thống chăm sóc và bảo vệ cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã nhanh chóng được độc giả đón nhận với nhiều phản hồi tích cực. Đến nay, “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” đã được dịch ra hơn mười lăm ngôn ngữ và được đưa vào giảng dạy trong nhiều chương trình đại học. Cùng với đó, Mô hình trị liệu thần kinh tuần tự (Neuro Sequential Model of Therapeutics, viết tắt là NMT) cũng liên tục thu hút được sự quan tâm của công chúng.

Nói về cuốn sách, tác giả Andrew Vachss – sáng lập viên và thành viên ủy ban cố vấn của PROTECT: Hiệp hội Bảo vệ Trẻ em Quốc gia đã có những nhận xét khách quan và sâu sắc: Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó là tác phẩm tuyệt vời nhất của Bruce Perry… Cuốn sách cho độc giả cơ hội mở khóa bí ẩn sâu thẳm nhất của giống loài chúng ta: Tại sao một số trẻ em lớn lên trở thành những anh hùng và một số khác lại thành những kẻ phản xã hội khát máu. Bất cứ ai muốn hiểu về sang chấn tuổi thơ và các hệ lụy đau lòng của nó cần phải đọc cuốn sách này.”.

Hãy cùng Trạm Đọc bước chân vào hành trình chữa lành gian nan và khó khăn, hàn gắn thế giới nhỏ để chữa lành thế giới lớn hơn cùng các em - những mầm non tương lai đang oằn mình trong giông bão. Và biết đâu, trên đường đời tấp nập, ta có thể đưa đôi tay nắm lấy một bàn tay nhỏ bé nào đó, trao cho các em hơi ấm và tình thương, giúp các em xua tan đi bóng đêm u tối của sang chấn và tổn thương. Từ đó, cây sẽ lại xanh, hoa sẽ lại nở, dù là trên vách đá khô cằn…

 Theo Lan Phương

Tags: