Đời không như phim, cũng chẳng như tiểu thuyết: Thiên kiến kết quả
Đời không như phim, cũng chẳng như tiểu thuyết: Thiên kiến kết quả
Có phải bạn đang dành hơn 10 phút để căn góc chụp và ánh sáng để có một bức hình như ý, thêm 15 phút nữa để "nâng cấp" bức ảnh cùng với hàng loạt hiệu ứng có sẵn, và giờ thì ngồi canh "giờ vàng" để đăng tấm hình đó lên mạng xã hội? Vậy thì chào mừng bạn đến với "Thiên kiến kết quả"!

(T/N: Thiên kiến là xu hướng giữ hoặc nói một quan điểm không đầy đủ, thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác. Người ta có thể thiên kiến hướng về hay chống lại một quan điểm, một người, chủng tộc, tôn giáo, giai cấp hay đảng phái v.v... Thiên kiến cũng có nghĩa là cách nhìn phiến diện, không trung lập, không mở. Thiên kiến có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức và đôi khi được coi là đồng nghĩa với định kiến hay là cố chấp.) - Theo Wikipedia.

Nhà kinh tế học Tyler Cowen quan sát thấy rằng: có rất ít người khi được yêu cầu miêu tả cuộc sống của mình sẽ trả lời: nó là “một mớ hỗn độn”. Thay vào đó, họ sẽ nói rằng cuộc sống của họ giống như “một chuyến đi”. Họ có xu hướng sử dụng phép ẩn dụ thường thấy trong một cuốn tiểu thuyết. Họ đang nhìn cuộc sống dưới lăng kính của một câu chuyện.

 


Cuộc đời giống như một câu chuyện bởi vì khi nhìn lại quá khứ, chúng ta có khởi đầu, có kết thúc và có thể sắp xếp chúng theo thứ tự bất kì. Ta có thể lọc ra những sự kiện không còn phù hợp, và lãng quên những gì không còn xứng đáng.

Trong thế giới của các phương tiện truyền thông xã hội, thì đây lại là một ý tưởng không dễ thực hiện. Những công cụ truyền thông không chỉ thúc giục bạn mau “kể” câu chuyện ngày hôm nay của mình, mà nó còn giúp xâu chuổi tất cả những mẩu chuyện đó (có thể thấy qua tính năng Story của Snapchat hay tính năng ‘Nhìn lại một năm’ của Facebook, etc). Và bởi vì bạn có khán giả - những người theo dõi, bạn bè, người hâm mộ và người đăng kí kênh – nên sẽ luôn có một ai đó xem những câu chuyện của bạn.

Hãy nghĩ về những gì bạn đăng trên Instagram, trên Twitter, trên blog, và trên Facebook. Đó là những phương tiện xã hội tuyệt vời nhưng rõ ràng là chỉ giới hạn cho một thể loại nội dung nhất định - nhỏ gọn, bắt mắt và dễ lan truyền. Nó phải cạnh tranh với tất cả những thể loại nội dung khác ngoài kia đến từ các chuyên gia, những nàng hotgirl hay những tên khốn quái gở. À, và nó sẽ phải tạo ra một lượng phản hồi nhất định từ công chúng, hoặc không, bạn sẽ chẳng khác gì một kẻ thất bại.

 


Nói theo một cách khác, các công cụ này được tạo ra nhằm giúp chúng ta chia sẻ những thực tế trớ trêu của bản thân, nay đã chuyển hóa thành một dạng nghệ thuật biểu diễn không yêu cầu cát-sê. Tôi biết là bạn cũng cảm nhận được điều đó. Cái cảm giác do dự trước khi bạn định đăng gì đó. Liệu nó đã đủ thú vị chưa? Một chút nhức nhối thoáng qua khi bạn nhìn thấy thứ mà bạn biết chắc người ta sẽ bị choáng ngợp khi nhìn thấy nó. Đúng vậy! Bạn bắt đúng cảm giác đó rồi đấy.  

Nhìn thì có vẻ như tất cả mọi người đều đang được “kết nối” với nhau, nhưng thực chất, chúng ta lại rất cô đơn như chúng ta lâu nay vẫn thế. Ta thậm chí còn không thể có những của riêng mình trừ phi nó được chiếu qua ống kính máy ảnh, chứ đừng nói gì tới những trải nghiệm với người khác.

Điều này liên quan đến một khái niệm quan trọng trong khoa học, được biết đến như là “Thiên kiến về xuất bản”. Được phát hiện một cách khó hiểu dạo gần đây (những năm 1960), “Thiên kiến về xuất bản” đề cập đến một sự thật rất thú vị: người ta hiếm khi cho xuất bản tài liệu về những thí nghiệm không thành công. Ai sẽ bỏ thời gian để viết về nó chứ, và liệu có tờ báo nào sẽ dành chỗ cho một thứ mà hoàn toàn không có tác dụng chứng minh bất cứ điều gì?

Điều này nghe qua chẳng có vẻ gì là to tát, nhưng thực ra lại rất to là đằng khác. Nó có nghĩa là hầu hết mọi tài liệu khoa học mà bạn từng đọc đều mang sắc thái tích cực. Trong khi thực tế thì phần lớn các thí nghiệm đều thất bại. Và phần lớn trong số chúng lại chẳng hề có ý nghĩa gì cả.

Chính vì vậy, nó vẽ nên một bức tranh sai lệch, một bức tranh không có tính đại diện. Nó khiến ta nghĩ rằng ta biết nhiều hơn những gì ta đã làm.

Bạn chắc hẳn đã nhìn thấy điều này – những người bạn khi đang phải trải qua một mối quan hệ cơm không lành canh không không ngọt, nhưng lại vẫn đăng những bức hình yêu thương của 2 người lên như thể nó sẽ làm mọi chuyện dễ dàng hơn vậy. Những người đang vướng bận khó khăn về tài chính thì hình như vẫn đang tận hưởng cuộc sống hết mình trên Instagram. Hãy thử liên hệ với bản thân mình, liệu rằng bạn vẫn sẽ update status đều đặn khi đang có chuyện không ổn chứ?

 


 Đó chính là “Thiên kiến về xuất bản”. Và đó cũng chính là “Thiên kiến về kết quả”.

Tôi nghĩ về điều này rất nhiều, bởi dưới tư cách một nhà văn, công việc này yêu cầu bạn phải nhìn cuộc sống như một nguồn tư liệu để viết bài. Đó là một cách khá dễ dàng và hấp dẫn để thoát khỏi cái mà được một nhà văn khác, Walker Percy, gọi là “sự hàng ngày’ của cuộc sống. Hay như Nassim Taleb lại gọi đó là “ảo tưởng tường thuật”.

Không ai có thể thấy được những ý tưởng bài viết mà chính tôi cũng không hiểu nổi. Không ai có thể nhìn thấy khi tôi đang cảm thấy vô định hoặc không chắc chắn. Tôi không viết về phần đời mà bản thân chẳng có gì nổi bật để nói đến, hay thậm chí là có nhưng lại quá xấu hổ để có thể nói đến. Và như thế, tôi đã giấu đi rất nhiều thứ.

Điều này hoàn toàn đúng đối với mọi xã hội truyền thông đang phải đối mặt với vấn đề về sự sáng tạo trên khắp thế giới.

Vlog hàng ngày của Casey Neistat cho ta một cảm giác không thể phủ nhận được rằng cuộc sống của anh ta thật thú vị. Tôi chắc chắn nó là như vậy, nhưng bạn mới chỉ đang xem 6 đến 7 phút đã được chỉnh sửa trong số 1440 phút mà thôi. Người bạn Tucker của tôi, người đã bán vài triệu cuốn sách về cuộc đời anh ấy, sẽ cho bạn biết rằng những câu chuyện đó – những câu chuyện điên khùng và thú vị - chỉ đến từ một góc của cuộc đời, và thực sự là một khía cạnh rất nhỏ trong góc cuộc đời đó. Những khoảnh khắc còn lại nhàm chán hơn nhiều. Hãy nghĩ về 3 cuốn sách - kéo dài suốt hơn 1 thập kỉ và chất chứa hơn 150 câu chuyện, nó nên giúp bạn mường tượng ra chúng sẽ tầm tầm, bình bình và chẳng có gì nổi trội như thế nào. Tôi đọc rất nhiều sách. Và bạn có biết có bao nhiêu cuốn trong số đó nói về sự thất bại không? Hai, và chỉ hai.

Đó lại mới chỉ là sự chọn lọc trong quá trình chọn lựa. Thực chất nó còn phức tạp hơn thế nhiều. Tôi rất thích cho mọi người xem những bức ảnh gốc mà dần dần chúng đã trở thành bìa cuốn sách đầu tiên của tôi. Việc đó khiến tôi trông oách hơn bình thường rất nhiều (tôi của bình thường đang ngậm bút trong miệng và mặc một chiếc hoodie mua từ Wal-Mart). Chương trình TV mà họ đang sản xuất dựa trên cuốn sách sẽ còn khiến mọi thứ thay đổi nhiều nữa.

Dần dần, thế giới thực sẽ chỉ là một thứ đã được chỉnh sửa cắt gọt đẹp đẽ. Những gì bị bỏ lại là mưu mô và thậm chí cả sự giả dối.

Những filters trên Instagram của bạn có thể khiến một ngày u ám trở nên tươi sáng. Một vài dòng tweet có thể xóa nhòa mọi sắc thái và khẳng định tính chắc chắn mà nó không hề xứng đáng. Một bài đăng trên Facebook chia sẻ một bài báo mà không ai thực sự quan tâm để click vào đọc.

Những tác động này đang gây ảnh hưởng đến chúng ta. Chúng tách biệt ta ra khỏi những trải nghiệm thực sự và khiến những người đang sử dụng các mạng xã hội này nảy sinh sự đố kị, cảm giác thấp kém và mâu thuẫn. Tôi không phải nói dối đâu. Chính các công cụ và phương tiện truyền thông đã lợi dụng những tưởng tượng và ước muốn của chúng ta để biến thành sự thật.

 


Và nó sẽ kết thúc ở đâu? Chắc chắn không phải nơi ở của hạnh phúc rồi.

Một trong những điều tôi thực sự thích về Beme (nơi mà tôi đã từng làm một vài tư vấn) đó là ứng dụng này vận dụng rất tốt những điều không thể. Nó thú vị và thực tế một cách chính xác bởi vì nó tinh tế loại bỏ tất cả những tính năng cổ súy ta đánh lừa người khác và đánh lừa chính bản thân mình.

Nếu bạn quyết định muốn quay phim một thứ gì đó và nó sẽ được đăng lên một cách tự động – bạn sẽ không thể dừng quá trình này lại một khi đã nhấn nút ghi hình. Bạn không thể chỉnh sửa clip của mình. Bạn thậm chí không thể nhìn thấy mình đang quay cái gì vì chính bạn đang quay phim nó mà. Nói cách khác, nó đá bạn ra khỏi vai trò người quay phim cho cuộc sống của chính bạn xuống. Và nó sẽ chỉ là một người hỗ trợ mà thôi. Nó giúp bạn chia sẻ những gì bạn trải nghiệm – cùng cắt các clip lại với nhau dựa trên thời gian và địa điểm, chứ không phải xâu chuỗi các sự kiện hay một kịch bản đã được lên sẵn. Nó giữ yếu tố diễn xuất ở mức tối thiểu.

Cái tên Beme – là một sự kết hợp của Be Me. Ngay cả các số liệu trong ứng dụng cũng nhấn mạnh điều này. Không có số lượng người theo dõi, chỉ số lượng người và khoảng thời gian mà họ đã bỏ ra để xem xét mọi thứ từ quan điểm của bạn. Bạn thực sự phải là chính mình và để những người khác được nhìn thấu bạn. Đây không phải là yếu tố cơ bản trong nghệ thuật đó sao?

Một số nhà phê bình nói rằng điều này sẽ không hiệu quả. Bởi vì sẽ không ai muốn một sự chính xác thật thà như thế. Tất nhiên điều đó thật nực cười. Vì các video này đang rất thu hút mọi người và ứng dụng thì đang trở nên gây nghiện. Giống như cuộc sống thực vậy.

Do vậy từ góc nhìn này, đời không phải tiểu thuyết. Cũng chẳng phải phim. Đời là một mớ hỗn độn.

Một khi không bị sàng lọc bởi các phương tiện truyền thông xã hội, cuộc sống mới là thật. Thật như bản chất vốn có của nó.

Thực ra cuộc sống thực rất tuyệt vời mà.

Chỉ là chúng ta lỡ quên mất điều đó mà thôi.

 

Trạm Đọc

Theo Observer