Nếu điều đó đúng và ý chí tự do chỉ là ảo ảnh, thì tôi có thể kết thúc mọi câu trả lời ở đó. (Trên thực tế có một vũ trụ nơi cuốn sách này tồn tại, và câu trả lời cho mọi câu hỏi là ha ha, không có gì quan trọng.) Nhưng Robert Proctor, giáo sư về sự ngu muội hóa tại Stanford, đã nói với tôi một cách tinh tế hơn: “Rất dễ để phóng đại tầm quan trọng của chúng ta trong vũ trụ.”
Proctor thích hỏi các sinh viên của mình tại sao họ sợ cái chết nhưng họ không sợ thời gian trước khi họ được sinh ra. Như cách ông nói: “Có một sự đối xứng hoàn hảo về thời gian – nhưng không ai sợ năm 1215.”
Mặc dù sống vào năm 1215 sẽ rất đáng sợ, điểm chính ông muốn nói là chúng ta vốn không sợ một thế giới mà không có mình trong đó. Điều chúng ta sợ là thế giới tiếp tục mà không có chúng ta.
Sự thiếu hiểu biết về quá trình chết làm tất cả trở nên đáng sợ hơn, đây là lĩnh vực nơi sự thiếu hiểu biết có xu hướng cố ý và tự áp đặt. Có nhiều điều an ủi và thiết thực để cân nhắc về cái chết. Một viễn cảnh siêu hình bắt đầu một cách cụ thể. Đối với các nhà vật lý, để đi đến một ý tưởng điên rồ như đa vũ trụ, họ đã bắt đầu bằng cách xem xét các quy luật cơ bản nhất trên quy mô nhỏ. Cách tiếp cận tương tự có thể được sử dụng để hiểu rõ giá trị của chúng ta trong vũ trụ (đa vũ trụ), và bản chất nhất thời của cơ thể chúng ta.
Cái chết có thể được coi là một ví dụ về sự hài hòa và trật tự trên quy mô lớn, hơn là một sự bất công của vũ trụ.
Vì vậy, để bắt đầu cụ thể: Gần như ngay sau khi chết, tử thi bắt đầu tràn ngập vi khuẩn. Khi còn sống, chúng ta chủ yếu được tạo nên bởi vi khuẩn – nhưng một khi chúng ta là xác chết, hãy cẩn thận. Sự sinh sôi của “necrobiome”, các khuẩn lạc phần lớn phát sinh từ hệ vi sinh của cơ thể, thay đổi và tăng sinh dựa trên môi trường mới của một cơ thể không sống, gây nên sự xuất hiện nhanh chóng của mùi xác chết. Nó cũng khiến xác chết phân hủy nhanh chóng và biến mất khi ở trong tự nhiên.
Tuy nhiên, ánh mắt trừng trừng và mùi hôi thối của xác chết tự nhiên không phải là cảm nhận về cái chết mà hầu hết người Mỹ biết đến. Nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, trên một phạm vi lớn, người Mỹ thực hiện nghi lễ quan tài mở. Nhà tang lễ sẽ không đồng ý với một nghi lễ quan tài mở trừ khi xác chết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Nhiều người coi cuộc nói chuyện về số phận của tử thi sẽ trở thành cấm kỵ nếu vượt quá hai lựa chọn đã ăn sâu vào tiềm thức: ướp xác hay hỏa táng? Đó là cái nhìn hẹp hòi được tạo ra bởi ngành “công nghiệp chết” trị giá hàng tỷ đô la, như cách gọi của giáo sư marketing Susan Dobscha. Là một người tìm hiểu về hành vi tiêu dùng, Dobscha bị mê hoặc bởi ngành công nghiệp chết vào thời điểm giữa sự nghiệp của mình, khi người yêu của một người bạn thân qua đời. Hai người họ đã có một mối quan hệ nghiêm túc trong 16 năm, nhưng chưa kết hôn vì khi đó là bất hợp pháp. Vì vậy, nhà tang lễ sẽ không trao thi thể cả người yêu cho anh bạn ấy, người ta cũng cảm thấy chùn bước bởi các nhà tang lễ sẽ không tiến hành một “đám tang đồng tính nam”.
Nhưng điều ngạc nhiên nhất đối với Dobscha là cách nhà hỏa táng xử lý yêu cầu của bạn cô là được ở bên cạnh thi thể. Anh ấy đến từ Pháp, nơi việc những người thân yêu đi cùng với thi thể đến nhà hỏa táng là lẽ thông thường. Họ không chứng kiến việc hỏa táng, nhưng họ ở đó. Ở Mỹ, điều này chưa từng được nghe tới. Nhà hỏa táng dứt khoát rằng anh ấy không được đến. Nó thu hút sự quan tâm của Dobscha về khía cạnh hành vi của người tiêu dùng trong ngành công nghiệp chết – một lĩnh vực lớn mà mọi người đều tham gia nhưng ít ai nói thẳng thắn.
Chi phí trung bình cho việc ướp xác, dịch vụ tang lễ và chôn cất ở Mỹ là 8.508 đô la. Một số ngân hàng cung cấp các khoản vay tang lễ. Công ty Tài chính First Franklin đề nghị “Mất một người thân là đủ khó khăn ngay cả khi không phải lo lắng về chi phí hỏa táng hay chôn cất, các khoản vay tang lễ sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính để bạn có thể tập trung vào chuyện thực sự quan trọng.”
Nhưng nếu chuyện thực sự quan trọng là người ta không phải gánh thêm một khoản nợ để bày tỏ lòng tôn kính đối với cuộc đời của một người? Sự tôn trọng đó có thể được bày tỏ mà không cần một quan tài lót nhung và một cơ thể chứa đầy formaldehyde hay không?
Ngành công nghiệp tang lễ đã làm tốt việc duy trì quan niệm một chiếc quan tài lớn là tượng trưng cho tình yêu và sự tôn trọng đối với người đã khuất; nhưng nó không phải là một phần của bất kỳ tôn giáo lớn nào, hoặc của bất kỳ truyền thống văn hóa nào có trước sự phát triển gần đây của ngành công nghiệp này.
Theo Hiệp hội Giám đốc Nhà tang lễ Quốc gia, riêng “quách” vừa vặn bao lấy quan tài có giá trung bình là 1.327 đô la. Quan tài có giá cao hơn nhiều. Ngay cả ở Walmart, nơi giá cả phải chăng, một chiếc quan tài gỗ gụ có giá 3.499 đô la. Mẫu đó thuộc tầng giá cao hơn được “phê chuẩn bởi Quỹ Thiên văn Vatican”. Một lựa chọn rẻ hơn, như Quan tài Sang trọng Tự nhiên Star Legacy (2.299 đô la) không đạt được sự phê chuẩn này. Quan tài Vatican là “một sự tôn vinh cao quý dành cho người thân yêu của bạn và kỷ niệm một cuộc sống của đức tin. Được trang trí với sơn phủ độ bóng cao, tay cầm cao cấp và lót nhung sang trọng, mỗi quan tài được làm thủ công và đi kèm với Giấy chứng nhận Độ tin cậy”. (Điều đó nghĩa là bạn có thể đủ tháo vát để sản xuất một quan tài gỗ gụ lót nhung giả, nhưng không đạt được một Chứng nhận Xác thực?)
Một số quan tài được quảng cáo là kín khí và nước, nghe có vẻ như một bản nâng cấp, cho đến khi bạn biết về nổ quan tài. Thường được gọi là “Hội chứng Quan tài nổ”, nó xảy ra khi vi khuẩn chuyển hóa xác chết, giải phóng khí bên trong một quan tài kín.
Điều đó làm tăng áp lực, tạo ra một quả bom. Mặc dù hiếm khi có ai đề nghị rằng họ muốn chôn cất cơ thể của mình với phí tổn lớn về tài chính và môi trường, rồi sau đó có khả năng phát nổ, việc đó vẫn tiếp diễn là do kết quả của việc chúng ta không hề nghi ngờ những thông điệp của ngành công nghiệp chết. Như Dobscha giải thích, thói quen không suy xét của chúng ta được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp quan tài, công nghiệp tang lễ và công nghiệp ướp xác. “Việc họ đã làm là lấy những sản phẩm chỉ có tính chức năng này và biến chúng thành vật thể hiện thẩm mỹ và thứ bậc.”
Và còn quá trình ướp xác, bao gồm việc một người làm dịch vụ tang lễ xoa bóp các cơ cứng ngắc cho đến khi các chi dễ uốn nắn để đặt ở tư thế như đang sống. Đôi khi người ta phải cắt gân. Nút bịt được đặt bên dưới mí mắt để đảm bảo chúng đóng hoàn toàn trong suốt quá trình quan sát thi thể. Nếu mí mắt không thể đóng lại, keo có thể được sử dụng. Vì các tuyến của da không còn tiết ra dầu, họ phải bôi nhiều kem. Bông được đặt trong cổ họng để tránh việc dung dịch ướp xác tràn ra ngoài qua miệng và mũi. Bông được đặt trong hậu môn và âm đạo để ngăn dung dịch ướp xác “rỉ ra”, một từ dường như xuất hiện ở hầu hết các câu trong mô tả của Liên minh Người sử dụng Dịch vụ Tang lễ về quá trình ướp xác. Người làm dịch vụ tang lễ cũng cắt một tĩnh mạch lớn, chẳng hạn như tĩnh mạch đùi ở bẹn và rút hết máu ra khỏi cơ thể, sau đó tiếp cận động mạch với một cái kim cỡ lớn và bơm đầy tất cả các mạch máu bằng vài lít dung dịch ướp xác. Họ cắt một lỗ ở rốn và đưa một cái ống qua lớp cơ của dạ dày và ruột già, sử dụng máy hút để lấy ra toàn bộ những gì có trong ống tiêu hóa. Bằng cách tương tự, họ làm xẹp phổi và hút khô khoang ngực. Sau đó, họ lấp đầy các khoang ngực và bụng bằng một dung dịch ướp đậm đặc. Lúc này xác chết là một cái vỏ chứa đầy chất lỏng và rất nặng. Nó được tắm sạch, chải tóc, trang điểm và mặc quần áo lịch sự.
Hai người ông của tôi đã được ướp xác, và tại thời điểm đó tôi đã cố ý không nghĩ về quá trình này. Dobscha cảm nhận càng mạnh mẽ hơn. Cô còn nhớ mình đã nghĩ “bà ngoại trông giống như một chú hề khi được trang điểm lúc chôn cất. Bà không bao giờ dùng mỹ phẩm khi còn sống. Bà sẽ cảm thấy rất kinh hoàng.” Người Hồi giáo và người Do Thái chính thống coi việc ướp xác là mạo phạm thi thể; người Cơ-đốc giáo thường thấy việc đó không có vấn đề.
Một số người thậm chí còn lầm tưởng rằng nó có cơ sở trong Kinh sách hoặc truyền thống tôn giáo của họ. Hồi giáo có một tuyên bố chính thức về chôn cất, nhưng nó mâu thuẫn với cách tiếp cận xa hoa theo tục lệ phương Tây: Thi thể được bọc trong một tấm vải liệm, đặt trong một hộp gỗ thông đơn giản và được chôn cất trong vòng 48 giờ. Đây là, trong số những phát hiện của Dobscha, cách chôn cất thân thiện với môi trường nhất của bất kỳ tôn giáo lớn nào. Sự mạo phạm và ướp xác không được quy định trong bất kỳ văn bản hay tín ngưỡng Cơ-đốc giáo nào; đó chỉ đơn thuần là một truyền thống mới của nước Mỹ thịnh vượng.
Điều đó được bào chữa không phải bởi tôn giáo, mà bởi một niềm tin vào sự thiêng liêng vốn có của bất kỳ và tất cả các xác chết. Đối với nhiều người, ý nghĩa của điều này không chỉ dừng ở việc chôn thi thể trong một ngôi mộ lót nhung mà còn thể hiện tình yêu. Nhưng những thứ chúng ta làm để thể hiện sự tôn trọng các thi thể rất mâu thuẫn với các quy trình khủng khiếp để chuẩn bị họ cho việc trưng bày trong đám tang.
Dobscha nói: “Ở Mỹ, chúng ta tránh né xác chết nhiều hơn bất kỳ nền văn hóa nào,” cô tin rằng điều này bắt nguồn từ truyền thống của nước Mỹ: dành 80% chi phí chăm sóc sức khỏe cho năm cuối đời của con người để giữ cho người hấp hối phải sống. “Việc tránh né xác chết đi tới vấn đề lớn hơn là chúng ta tránh né chất thải nói chung. Chất thải thực phẩm, nước tiểu – cũng như tất cả những thứ đi từ cơ thể chúng ta.”
Ướp xác đã trở thành truyền thống tại Mỹ sau khi Nội Chiến tạo ra hàng ngàn xác chết cần được bảo quản để có thể được vận chuyển về chôn cất tại quê nhà khi có thể. Một bác sĩ trẻ tên Thomas Holmes đã nhận nhiệm vụ. Sau khi thử nghiệm với các chất bảo quản khác nhau, cuối cùng anh ta đã có thể ướp xác hơn 4.000 người Mỹ đã ngã xuống (theo ước tính của chính anh). Điều này đủ để mang lại cho anh biệt danh “cha đẻ của ướp xác hiện đại”. (Hiện đại trong trường hợp này là sự phân biệt giữa bảo quản hóa học và thực hành ướp xác cổ xưa.)
Năm năm sau khi cuộc chiến kết thúc, nhà hóa học người Đức August Wilhelm von Hofmann đã phân lập formaldehyde, một hợp chất hữu cơ cực kỳ hiệu quả trong việc bảo quản mô người. Dung dịch ướp xác được tiêm vào xác chết ngày nay là một hỗn hợp hóa dầu dựa trên formaldehyde. Loại hóa chất này đã bị cấm ở nhiều nước. Thật không may, formaldehyde không được WHO phân loại là chất gây ung thư cho đến những năm 1990, sau một vài thế hệ xác chết Mỹ được nhồi đầy chất đó và chôn trong đất.
Có câu ngạn ngữ “liều lượng làm nên chất độc” cũng nghiêm trọng với formaldehyde như với quá liều nước. Cơ thể chúng ta sản xuất formaldehyde và sử dụng nó để tạo ra axit amin, hợp chất thiết yếu cho sự sống của chúng ta. Ở nồng độ đó, nó không phải là độc tố. Nhưng theo tuyên bố của một phòng thí nghiệm sinh học tại Đại học Quốc gia Singapore về các quy trình kỹ thuật để bảo quản mẫu cá, ngay cả khi sử dụng hỗn hợp pha loãng gồm 96% nước và 4% formaldehyde, “Việc này chắc chắn là vô cùng đau đớn đối với động vật, nhưng cái chết thường là khá nhanh chóng”.
Uống chỉ 30ml formaldehyde cũng sẽ biến một người sống thành xác chết, áp đảo khả năng bài tiết nó bởi các enzyme của cơ thể. Ngoài độc tính khi nuốt phải, formaldehyde đã được chứng minh là gây ung thư mũi ở người và có liên quan chặt chẽ đến bệnh bạch cầu và hen suyễn, cũng như sảy thai tự nhiên. Trong khi thực hiện việc ướp xác, những người làm dịch vụ tang lễ được luật pháp liên bang yêu cầu phải mặc đồ bảo hộ toàn thân và mặt nạ. Tuy nhiên, những người ướp xác có tỷ lệ bệnh bạch cầu và u não cao, có vẻ là do sự phơi nhiễm này.
Vấn đề còn tồi tệ hơn vào năm 2014 khi ABC News đưa tin “Trẻ em sử dụng dung dịch ướp xác như một chất gây nghiện”. Tôi không phải chuyên gia về vấn đề này, nhưng tôi tin rằng tiêu đề tương tự có thể được sử dụng lại với hầu hết mọi thứ thay vì “dung dịch ướp xác”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những đứa trẻ đã nhúng thuốc lá vào dung dịch ướp xác và hút chúng. Tại Mỹ, hành động này đôi khi được gọi là “làm ướt”, nó cũng có nghĩa là trộn cần sa hoặc thuốc lá với dung dịch ướp xác và/hoặc PCP – rối rắm thay, từ lóng của PCP từ những năm 1970 lại là “dung dịch ướp xác”. Làm ướt thực ra không mới, và đã có nhiều tên khác, như nước, rán, illy và wack.
Đặt nó trong ngữ cảnh, một người dùng trên diễn đàn về cần sa hỏi: “Tôi có thể mua dung dịch ướp xác ở đâu? Tôi và một người bạn muốn thử cái thứ ‘wack’ này, nghe nói khi cho vào cần sa, nó khiến người ta phê đến nỗi gần như không thể nói chuyện.”
Nhà dược học tâm thần Julie Holland đã cố gắng lý giải động lực của họ khi phát biểu trên đài ABC: “Dung dịch ướp xác khơi gợi sự tò mò về cái chết của con người. Nó mang một sức hấp dẫn đen tối.”
Có những cách lành mạnh hơn để hiểu về cái chết.
Dù vậy, phần lớn dung dịch ướp xác không được dùng cho việc hút hít mà đi vào hệ sinh thái của chúng ta lặng lẽ hơn, chôn vùi trong lòng đất. Nó bị chôn vùi bên trong những quan tài sang trọng mà chúng ta đã phá hủy hàng triệu km2 đất rừng để tạo nên. Thêm vào đó là những vùng rừng nhiệt đới mà chúng ta phá hủy từng phút mỗi ngày để trồng các loại cây dùng cho chăn nuôi nhằm cung cấp thực phẩm cho dân số loài người ngày càng tăng lên, do đó đẩy nhanh biến đổi khí hậu, khiến nạn đói và chiến tranh cận kề, cũng như gây ra nhiều cái chết hơn nữa. Cây xanh rất quan trọng để giảm lượng carbon dioxide chúng ta đưa vào không khí.
Dù khó lòng theo kịp hiện trạng, nhưng khả năng của chúng cũng có ý nghĩa nhất định. Vậy mà chúng ta lại giết cây xanh để làm hầm chứa những cơ thể đã chết.