“Rên rỉ rằng sao mình không sống thêm được 100 năm nữa cũng ngu ngốc chẳng kém gì khi tiếc nuối sao ta không được sinh ra từ 100 năm trước,” Montaigne đã viết như vậy trong phần suy ngẫm về cái chết và nghệ thuật sống. Thế nhưng sau nửa thiên niên kỷ kể từ thời của ông, con người vẫn chưa tiến bộ lắm trong việc bằng lòng chấp nhận sự thật của cái chết. Chúng ta chưa hề sẵn sàng khi người thân yêu đột nhiên qua đời và bị tê liệt khi mường tượng viễn cảnh cái chết của chính mình.
Sự bất mãn với “ý niệm về một sự vô thức vĩnh viễn mà trong đó không tri thức được gì kể cả chân không - ở đó mọi thứ không hề tồn tại” là điều mà Sherwin Nuland (1930–2014) - bác sĩ phẫu thuật, nhà đạo đức sinh học, cây viết và giáo sư đại học Yale - đã khám phá ra bằng trí tuệ đáng kinh ngạc và sự nhạy cảm của ông trong cuốn sách được viết năm 1993, Hiểu về sự chết - một khảo luận đa chiều về cái chết và nỗ lực để “Trần tục hóa quá trình chết,” đã châm ngòi những suy ngẫm triết học về những khía cạnh phổ quát nhất với sự phức tạp chuyên biệt của sáu loại căn bệnh phổ biến nhất liên quan đến cái chết thời hiện đại.
Nhưng sự nghiệp đồ sộ mà Nuland khổ công gây dựng trong lĩnh vực y học và thấu hiểu điều kiện con người thì gần như là tác dụng phụ từ việc phải đối mặt với cái chết của ông – Nuland mất mẹ vì ung thư ruột kết một tuần sau sinh nhật thứ 11 của mình, một bi kịch hắt bóng lên cuộc đời ông. “Tất cả những gì định hình và không định hình con người tôi, tôi đều truy ngược trực tiếp hoặc gián tiếp tới sự qua đời của bà,” ông thuật lại. Cuốn sách này được chắp bút khoảng gần một năm sau khi Nuland phải từ biệt anh trai cũng bởi chính căn bệnh đã định đoạt số mệnh mẹ ông.
Nuland viết:
“Mọi người đều muốn biết chân tơ kẽ tóc của cái chết, dù chẳng mấy ai thừa nhận. Dù có dự liệu được những căn bệnh cuối cùng của chúng ta hoặc thêm hiểu về nỗi kinh hoàng đang đổ ập lên người ta yêu thương hay không…chúng ta bị mê hoặc bởi suy nghĩ về hồi kết của cuộc đời... Với nhiều người, chết còn là một bí mật giấu kín, hấp dẫn chính ở cảm giác sợ hãi nó mang lại. Những nỗi lo lắng ghê rợn nhất lại có sức hút không cưỡng nổi: chúng ta bị lôi cuốn bởi niềm hân hoan chất phác khởi phát từ trò vờn với hiểm nguy. Bướm đêm và ánh lửa, loài người và cái chết – tuy hai mà một. Với mỗi nỗi kinh hoàng và cám dỗ hiện hữu, chúng ta tìm cách để phủ nhận sức mạnh của cái chết và tư tưởng lãnh đạm đang gặm nhấm tâm trí con người.”
Trải qua chiều dài lịch sử, ông quan sát sự biến thiên trong phương pháp chúng ta cải thiện ý thức lãnh đạm, từ thần thoại học tới trào phúng tới tôn giáo, nhưng mấy thập kỷ vừa rồi đã chứng kiến một hiện tượng hoàn toàn mới lạ, thứ được ông gán mác “chết kiểu mới” – một loại trải nghiệm trọn gói diễn ra ở bệnh viện, nơi chúng ta tái hiện lại lý tưởng cổ xưa về ars moriendi, hay nghệ thuật giã từ trần thế. Ngẫm nghĩ về công việc tiếp xúc với phổ rộng các bệnh nhân hấp hối, Nuland nhìn nhận sự bất khả thi của lý tưởng đó trong bối cảnh thời hiện đại như sau:
“Cái chết vinh quang đang ngày được nâng lên thành thần thoại. Thực tình, phần lớn trong đó luôn có yếu tố hư ảo, nhưng chưa bao giờ chạm đến ngưỡng như ngày nay. Nguyên liệu chính của thần thoại chính là lý tưởng hằng mơ ước về “chết vinh”
Chúng ta và xã hội này luôn ấp ủ niềm tin vào khả năng “ra đi với phẩm giá sáng ngời”, trong khi cố gắng đối mặt với thực tế quá thường nhật - một chuỗi sự kiện tàn khốc dựng nên để phá hủy nhân cách của người quá cố. Tôi chưa mấy khi nhìn thấu nhiều phẩm giá như vậy ngời sáng lên trong quãng thời gian chúng ta lân cận cái chết… Chỉ khi có một cuộc trao đổi thẳng thắn, tường tận về cái chết thì chúng ta mới có thể đương đầu tốt nhất với những vấn đề làm mình sợ hãi. Chỉ khi biết sự thật và trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng thì chúng ta mới giải thoát bản thân khỏi nỗi sợ về cái chết không để lại dấu vết, thứ dễ dẫn đến sự tự dối và vỡ mộng.”
Thế nhưng mặc dù than phiền về thần thoại hão huyền của cái chết sáng ngời phẩm giá, quan điểm của Nuland rốt cục cũng có màu sắc lạc quan, định hình lại các nguồn phẩm giá trong cái chết thay vì phủ nhận sạch trơn tất cả chúng, và thể hiện bằng ngôn từ nên thơ đến vi diệu:
“Phẩm giá vĩ đại nhất của cái chết là phẩm giá được hun đúc từ phần cuộc sống diễn ra trước đó. Đây là kiểu hy vọng mà chúng ta đều có thể nuôi dưỡng, và cũng tồn tại bất diệt nhất trong số đó. Hy vọng nội tại ngay trong ý nghĩa cuộc sống chúng ta thuộc về."
Nuland cho rằng hy vọng lớn nhất về vào cái chết là sự vỡ mộng của ảo tưởng về chia lìa. Ông viết:
“Thực tế thứ chấm hết cuộc đời ta chính là cái chết, chứ không phải là động lực ngăn cản nó. Chúng ta đã phần nào bị đánh lừa bởi những kỳ quan của khoa học hiện đại cho rằng xã hội này đã đặt tầm quan trọng vào nhầm chỗ. Chính việc chết mới là thứ thiết yếu nhất – nhân vật trung tâm trong vở kịch là người chết.”
Suy ngẫm về một sự thật y học được dẫn chứng thường xuyên là người mới chết thường có thể tồn tại vài tuần sau khi được dự đoán, được duy trì gần như bởi hy vọng sống sót cho tới khoảnh khắc hệ trọng nào đó – đám cưới của con gái, lễ tốt nghiệp của đứa cháu – Nuland gợi nhắc lại những dòng thơ xuất sắc nhất của Rilke (“Oh Lord, give each of us his own death / The dying, that issues forth out of the life / In which he had love, meaning and despair”) (tạm dịch: “Ôi Chúa, hãy trao mỗi người số phận của họ/ Người chết, người bay lên khỏi cuộc sống này/ Cuộc sống anh từng yêu, với cả ý nghĩa và tuyệt vọng”) và ngẫm ngợi về những nguồn hy vọng chân chính:
“Với những bệnh nhân hấp hối, hy vọng qua khỏi sẽ mãi được chứng minh là sai lầm, và ngay cả hy vọng hồi phục cũng thường hóa tro bụi. Khi thời khắc đến, tôi sẽ tìm kiếm hy vọng trong nhận thức rằng cho tới hết sức có thể tôi sẽ không được phép suy sụp hay bị nao núng bởi những nỗ lực vô ích nhằm tiếp tục cuộc sống; tôi sẽ tìm nó trong việc đinh ninh rằng tôi sẽ không bị bỏ lại cô đơn trong lúc chết; tôi đang kiếm tìm nó lúc này, trong cách tôi cố gắng tận hưởng cuộc sống, để những ai coi trọng con người tôi sẽ được hưởng lợi từ quãng thời gian tôi tồn tại trên trái đất này và nhận lại những ký ức dịu êm về ý nghĩa ta dành cho nhau… Dù thể hiện ở bất kỳ thể dạng nào, mỗi chúng ta hãy săn lùng hy vọng theo cách riêng của mình.
Nuland chuyển hướng sang gánh nặng to lớn nhất của cái chết, cảm giác tiếc nuối về “những xích mích chưa được giải quyết, những quan hệ va vấp chưa được chữa lành, tiềm năng chưa được khai phá, lời hứa còn bỏ ngỏ, và cả năm tháng sẽ mãi không còn tiếp tục được sống.” Nhưng kể cả trong tình thế bế tắc này, ông tìm thấy tia hy vọng khó tin mà đẹp vô ngần. Phá vỡ công thức nổi tiếng của Viktor Frankl về quan điểm huyền thoại rằng chúng ta nên sống như thể mỗi ngày là ngày cuối cùng của cuộc đời – ”Sống như thể bạn đang sống lần thứ hai và như thể trong lần thứ nhất bạn đã hành động lầm lỗi hệt như bạn định hành xử bây giờ!” Frankl viết như vậy trong tự truyện hùng tráng về việc kiếm tìm ý nghĩa – Nuland phát hiện niềm an ủi ẩn dấu trong một hình ảnh phản chiếu tâm hồn:
Hẳn sự tồn tại của những thứ còn dang dở phải là một dạng thỏa mãn ở nội tại chính nó, dù quan điểm này nghe chừng có vẻ nghịch lý. Chỉ người ở lâu trong cõi chết mà dường như vẫn hồi sinh mới không có “nhiều lời hứa phải giữ, và hàng dặm phải đi trước khi tôi chợp mắt,” tình trạng “lầy” không còn tồn tại. Với lời khuyên khôn khéo rằng chúng ta sống như thể mỗi ngày là ngày cuối đời, chúng ta thản nhiên gồng gánh thêm lời khiển trách và sống mỗi ngày như thể chúng ta trường tồn trên trái đất này.
Ông trở ngược lại với lý tưởng son sắc về ars moriendi, giờ đây được bao bọc trong vẻ mềm mại mới thấy:
“Từ khi loài người bắt điều biết viết, họ ghi lại ước nguyện của mình về cái kết lý tưởng mà thường được gọi là “cái chết có hậu”, như thể đó là thứ bất kỳ ai trong chúng ta có thể ăn chắc hoặc chí ít là có cơ sở để trông đợi. Việc ra quyết định cũng tiềm tàng nhiều cạm bẫy chệch bước và muôn hình vạn trạng các hy vọng để theo đuổi, nhưng vượt lên trên tất cả, chúng ta hãy rộng lượng với chính mình khi không thể phác họa hình ảnh chân thực về cái chết. “
Nhưng có lẽ luận điểm đáng chú ý nhất của Nuland chính là vai trò của cái chết như là động lực thúc đẩy của tự nhiên – một quan điểm tiếp thu từ cả thuyết tiến hóa và khái niệm về wabi-sabi của người Nhật, phảng phất bút danh Alan Watts. Ông viết:
“Chúng ta chết để thế giới này tiếp tục tồn tại. Chúng ta được ban tặng điều kỳ diệu của cuộc sống vì vô vàn các vật thể sống ngoài kia đang dọn sẵn đường cho chúng ta và rồi cũng diệt vong, ở một khía cạnh nào đó, vì chúng ta. Đến lượt chúng ta chết để người khác duy trì cuộc sống. Bi kịch của một cá nhân đơn côi, trong sự cân bằng của tự nhiên, chuyển hóa thành niềm hân hoan của cuộc sống thường nhật tiếp diễn. “
Theo cách đó, phẩm giá của cái chết thực chất là phẩm giá của cuộc sống, và trách nhiệm duy nhất của chúng ta khi “chết cho thơm” là phải “sống cho tốt”:
“Phẩm giá mà chúng ta kiếm tìm trong việc chết được tìm thấy trong phẩm giá chúng ta chọn sống cùng. Ars moriendi tức ars Vivendi: Nghệ thuật chết là nghệ thuật sống. Sự thành thật và khoan dung trong những năm cuộc sống gần tới hồi kết chính là thước đo chân thực về sự ra đi của chúng ta. Chúng ta không soạn nên thông điệp để lại dấu ấn vào những tuần cuối hay ngày cuối đời, mà vào suốt những thập kỷ trước đó. Ai sống có phẩm giá, sẽ chết có phẩm giá.”
Trạm Đọc - Read Station
Theo Brain Pickings