[Điểm sách] Những tựa sách ra mắt tuần 10 năm 2021
[Điểm sách] Những tựa sách ra mắt tuần 10 năm 2021
Tuần 10 năm 2021 đón nhận nhiều đầu sách với những cách tiếp cận mới mẻ về lịch sử từ những thế kỷ trung đại tới thế kỷ 20.

1. Người trồng rừng

Được xuất bản vào năm 1953, Người trồng rừng (Phương Nam Book và NXB Phụ nữ) là câu chuyện dành cho thiếu nhi song mang sức nặng vượt thời gian. Cuốn sách có tính “tiên tri” về tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hiện nay cùng lời kêu gọi chưa bao giờ là cũ: hãy chung tay cứu lấy môi trường. Câu chuyện sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng và gây được phong trào tái tạo rừng mạnh mẽ ở khắp nơi.
 
Chỉ dưới 4.000 từ, Người trồng rừng kể câu chuyện về những nỗ lực đơn độc của một người chăn cừu nhằm tái tạo lại một khu vực hoang vắng ở chân núi Alps trong nửa đầu thế kỷ XX. Giống như cuộc đời của tác giả Jena Giono, câu chuyện của người chăn cừu trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới và kéo dài nửa thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Mặc cho những hỗn loạn của cuộc chiến, người đàn ông chăn cừu Elzéard Bouffier lặng lẽ gieo trồng hạt giống mỗi ngày trên vùng đất cằn cỗi ở chân núi Alps. Ông âm thầm trồng cây ngày này qua ngày khác mà không mưu cầu được ghi công hay đền đáp. Để rồi nhiều năm sau trở về, vùng đất “chỉ thấy có sa mạc” trở thành một khu rừng với cây cối xum xuê, suối chảy trở lại, đồng cỏ cũng bắt đầu xuất hiện, và quan trọng nhất, người ta bắt đầu thấy được sự sống hiện diện trên mảnh đất.
 
 
Hơn 60 năm sau khi ra mắt, Người trồng rừng nhắc nhở chúng ta về sức mạnh tiềm ẩn của việc gieo hạt, chăm bón kiên nhẫn khi mọi thứ xung quanh dần cằn cỗi. Nó gửi đi thông điệp rằng những nhiệm vụ dù khiêm tốn nhất, khi được thực hiện với tình yêu thương, sẽ nhân giá trị lên gấp trăm lần ngay cả khi không ai chú ý.
 
Tác giả: Jean Giono
Dịch giả: Chân Quy Nghiêm
Minh hoạ: Trần Quốc Anh
Nhà cung cấp: Phương Nam Books
 
Jean Giono (1895-1970) được tôn vinh là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của văn học Pháp thế kỷ XX. Ông là tác giả của hơn 30 cuốn tiểu thuyết, một số truyện ngắn, tiểu luận, thơ ca, kịch bản phim và kịch. Trong những năm cuối đời, Giono được vinh danh với giải thưởng văn học Prince Rainier of Monaco năm 1953, trao cho những thành tựu cả đời của ông.
 
Trong một cuộc phỏng vấn ngay trước khi ông qua đời, ông chia sẻ rằng: Quyển sách không mang lại cho tôi một xu nào, và đó là lý do nó hoàn thành sứ mệnh của nó khi tồn tại. Jean Giono từ chối nhận tiền bản quyền cho câu chuyện, ông giải thích rằng mục đích của ông khi khi viết Người trồng rừng là khuyến khích mọi người yêu cây và tạo cảm hứng trồng cây.
2. Hoàng triều sử ký
Lâu nay, khi nói đến Dương Khuê, người ta biết ông là bạn của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến qua bài thơ Khóc Dương Khuê với câu mở Bác Dương thôi đã thôi rồi / Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta. Nếu Dương Khuê có nhiều thi phẩm để lại được người đời truyền tụng như Hà Nội tức cảnh, Hương Sơn phong cảnh... thì Dương Lâm (1851-1920), em của ông cũng là một danh sĩ có nhiều trước tác, và Hoàng triều sử ký là một trong số đó. Hoàng triều sử ký là tác phẩm được Dương Lâm dịch ra quốc âm. Tác phẩm này được dịch giả Nguyễn Đức Toàn dịch và vừa ra mắt bạn đọc bởi NXB Tổng hợp TP.HCM.
 
 
Đây có thể xem là bộ sử ngắn giản lược về triều Nguyễn khi tác phẩm thâu tóm nội dung của hơn 100 năm lịch sử vương triều Nguyễn và gần 400 năm lịch sử dòng họ Nguyễn kể từ đời Nguyễn Kim dựng cờ “Phù Lê diệt Mạc” trên đất Thanh Hóa (1533). Tác phẩm được trình bày xen kẽ những phần nội dung theo tiến trình thời gian với phần bình thơ của Dương Lâm, Nguyễn Thượng Hiền, giúp cho Hoàng triều sử ký dẫu là chép sử, nhưng không khô khan, thô cứng. Chẳng hạn, khi chép về Vũ Tính (Võ Tánh), Ngô Tòng Chu (Châu) tự thiêu cứu quân Nguyễn, Dương Lâm đã có thơ bình:
 

 

Đã hay chết khó trên đời
Mà trong sự chết mấy người suy ra
Đem Tam đảo sánh nước nhà
Cái hồn ái quốc hơn ma cát điền
Lửa nào cháy được gan vàng
Thuốc nào nát được tâm trường trung lương
Lửa càng mát, thuốc càng ngon
Chết là chết mấy [với] nước non giống loài

 

Xem qua nội dung Hoàng triều sử ký, độc giả sẽ hiểu thêm về lịch sử dân tộc thời Lê Trịnh với những cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn, việc mở mang bờ cõi đất nước, lập triều đại nhà Nguyễn và dựng xây quốc gia qua các triều vua với những dấu ấn riêng. Đồng thời là cuộc chiến đấu chống Tây xâm hào hùng, bi tráng với những cảm khái về vận nước, phận dân.
 
Diễn Nôm: Dương Lâm
Dịch: Nguyễn Đức Toàn
NXB: NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh

3. Hôm nay mẹ có vui không?

Quyển sách Hôm nay mẹ có vui không? là câu chuyện của tác giả về quá trình tìm lại chính mình, tự chữa lành, là con đường thoát khỏi trầm cảm, tìm lại niềm vui, sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn, giải phóng bản thân khỏi những áp lực của hành trình làm mẹ và đồng hành cùng con vượt qua những khiếm khuyết không mong muốn.
 
 
Hôm nay mẹ có vui không? không là một cuốn sách nuôi dạy con khuôn mẫu. Nó mang dáng dấp của một cuốn nhật ký của bản thân tác giả hơn, nơi chị nhìn lại, suy ngẫm, và viết nên chính cuộc đời mình. Đó không đơn thuần là hành trình làm mẹ, đó còn là hành trình của người phụ nữ hiện đại, sai lầm rồi trưởng thành, sống vì con, vì gia đình, và vì cả chính mình. Không có công thức trong việc dạy con, không có phương pháp nào là đúng hay sai nhưng chắc chắn có nhiều con đường để trở thành một người mẹ tốt. Một trong những con đường đơn giản nhất đó là trở thành một người mẹ hạnh phúc.
 
Quyển sách không mang nặng giáo điều về phương pháp dạy con thành công, luyện con thiên tài. Những gạch đầu dòng về phương pháp, cách thức dạy con được tác giả xen lẫn trong những câu chuyện thường ngày, những lần hồi tưởng về quá khứ. Bởi thế mà những gạch đầu dòng ngắn, súc tích, nhưng là tất cả những gì tác giả đúc kết được trong chừng ấy năm vượt trầm cảm, vượt lo âu và cùng con vượt khiếm khuyết.
 
Trong hành trình của chị Vân Anh, rất nhiều người tìm thấy chính mình trong đó, qua chị Vân Anh – người mẹ hay qua Gấu – Tôm, người con. Mà nói như Nhà văn – nhà báo Khải Đơn là Tác giả Vân Anh dành không gian cho người đọc tìm kiếm nơi trú ẩn tĩnh lặng của riêng họ, để thông cảm với nỗi niềm của “bên kia” (dù làm con hay làm cha mẹ), để có thể mở lòng yêu thương nhau và sống trọn những năm tháng ấm áp gia đình. Hôm nay mẹ có vui không? là câu hỏi ân cần như vậy, với mỗi mái nhà, mỗi thành viên trong gia đình.
 
Tác giả: Trần Vân Anh
Nhà cung cấp: Phương Nam Books
NXB: NXB Phụ nữ Việt Nam

4. Muôn dặm sầu giăng

Muôn dặm sầu giăng là tập sách mới nhất của nhà giáo, nhà văn Võ Diệu Thanh. Với tập biên khảo này, Võ Diệu Thanh phải tốn nhiều công sức, đi thực tế để thu thập thông tin, kết hợp giữa các tài liệu lịch sử với các nhân chứng ngoài đời thật. Chính điều này đã làm cho Muôn dặm sầu giăng có sức thuyết phục với độc giả, đặc biệt là những ai quan tâm đến nạn diệt chủng của Pol Pot ở biên giới Việt Nam nói chung và nhất là thảm sát kinh hoàng tại Ba Chúc, An Giang nói riêng.
 
Ở đất Ba Chúc này, ngay từ những ngày đầu quân Pol Pot tràn qua biên giới, cái chết và nỗi khổ đã ập lên đầu người dân nơi đây. Việc chạy giặc diễn ra như cơm bữa, từ những đứa trẻ con cũng phải thích nghi để có thể tồn tại. Những lời kể của các nhân chứng, họ còn đang sống hôm nay là một minh chứng hùng hồn về sự tàn khốc của chiến tranh.
 
Để tạo sự thuyết phục, cái nhìn đầy đủ, toàn diện về những vấn đề mà lâu nay người ta có thể chưa rõ hoặc chưa hiểu đầy đủ, khi viết cuốn sách biên khảo Muôn dặm sầu giăng, Võ Diệu Thanh đã gặp gỡ và ghi nhận rất nhiều những lời kể của các nhân vật đã từng trải qua những năm tháng bi thương đó. Họ là những người thuộc nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi: chị Trần Thị Mỹ Trang, 52 tuổi, thợ hồ; chú Lê Văn Oanh, 71 tuổi, bộ đội phục viên; anh Lê Văn Thuận, 64 tuổi, buôn bán ở khóm Thanh Lương; anh Hoa Sĩ Hiền, 50 tuổi, nhà khoa học, nghiên cứu lai tạo giống lúa ở Tân Châu; ông Nguyễn Văn Quyền, 85 tuổi, nguyên Đội phó Huyện đội Bảy Núi; cô Nguyễn Thị Hai, 78 tuổi, làm rẫy; Nguyễn Văn Hưởng, 52 tuổi, thầu xây dựng ở Ba Chúc; chị ve chai chợ Cây Me (giấu tên), 58 tuổi; Trần Thị Chánh, 56 tuổi, nội trợ; Trương Thị Lan, 69 tuổi, nguyên Trưởng công an xã Vĩnh Hội Đông; Nguyễn Văn Nô, 70 tuổi, cư sĩ; Trương Phi Hổ, 65 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu; Trần Văn Triều, 55 tuổi, đánh cá ở Lương Phi; Mạc Văn Hoa, 69 tuổi, làm ruộng ở ấp Núi Nước; Lê Thị Chỉnh, 54 tuổi, buôn bán vật liệu xây dựng; cô Hai Phận; anh Út Hưởng; anh ở chùa Phi Lai; con gái cô Hai Chùa, anh Mười Thưởng; chú Út Nhu...
 
 
Qua những tài liệu lịch sử và lời kể của những nhân chứng ở Ba Chúc, những sự thật dần hé lộ và đó là câu trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi vì sao người dân Ba Chúc lại bị thảm sát nhiều. Bởi người dân nơi đây cam chịu mọi nhọc nhằn, nguy hiểm để giữ đất Ba Chúc, bám trụ ngôi đền thiêng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đạo được hình thành trên nền tảng lòng yêu nước của Đức Bổn Sư Ngô Lợi. Họ được giáo dục cách hành xử nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; sống đời sống nhân hòa, lương thiện ngay từ lúc chào đời. Trước sự tàn khốc của nạn diệt chủng, người dân Ba Chúc vẫn kiên cường bám trụ, bởi họ nghĩ đến tương lai của bản thân qua tội, phước hiện tại.
 
Tội ác và những gì mà đội quân Pol Pot gây ra không sao có thể xóa nhòa. Vết thương lòng vẫn cứ âm ỉ cho người còn sống hôm nay vì những người đã nằm xuống. Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, trong Muôn dặm sầu giăng, những người lính của đoàn quân Pol Pot cũng thật đáng thương. Họ cũng là con người, trong hoàn cảnh khốn cùng của chế độ họ đang sống hoặc phải đi làm "nhiệm vụ" hoặc là sẽ bị tận diệt tất cả những người thân của họ.
 
Trong sự chọn lựa ấy, khi họ bước vào hàng ngũ này thì sẽ không còn nghĩ đến lương tâm. Vì ai có lương tâm sẽ bị giết. Chỉ còn sống để giết hoặc là chết. Theo lời kể của chú Năm Sơn, có những đứa trong đội quân Pol Pot khi bị bắt đã khai thật não nề.
Nó được lệnh của cấp trên chỉ đạo, hễ qua được bên đây, đánh lấy đất đai, lấy của cải mà sống, nếu không được, bị đuổi ở ngoài đồng ăn cỏ rác gì đó chớ không được về, về là giết cả nhà. Nên bằng mọi giá nó đánh, nó giết mình là vậy. Nó đánh thua thì nó sẽ không dám về, thà chết một mình, cả nhà nó không sao”. Những người lính trong đoàn quân Pol Pot cũng là những nạn nhân của một chế độ độc tài.

 

 
Nhà văn Võ Diệu Thanh có ý thức rõ ràng và sòng phẳng trong cái nhìn từ cả hai phía. Những trang viết của chị đầy trải nghiệm, suy tư về số phận và nhân cách con người, về cái đúng - cái sai, cái được - cái mất của một niềm tin.
 
Muôn dặm sầu giăng bên cạnh cái ác là cái thiện, bên cạnh sự hủy diệt là mầm sống tương lai đang nảy chồi, bên cạnh sự tàn bạo của chiến tranh là hàng vạn, hàng ngàn mối quan hệ tốt đẹp của con người. Bởi có những cảnh tàn sát, chém giết đẫm máu kia là do những cảnh ngộ, hoàn cảnh thúc ép buộc họ phải làm theo mệnh lệnh, làm như một cái máy mà không có con đường nào khác hơn.
Biên khảo: Võ Diệu Thanh
Nhà cung cấp: Tao Đàn
NXB: NXB Hội Nhà văn

5. Thời hoa lửa

Kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1931-2021), Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản cuốn sách ảnh Thời Hoa Lửa ghi lại những giây phút, khoảnh khắc làm nên những bông hoa giữa tuyến lửa của Thanh niên xung phong từ ngày đầu thành lập năm 1950. Tập sách ảnh với gần 150 bức ảnh được tập hợp từ nguồn tư liệu của Trung ương Đoàn TNCS Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hãng Phim truyện 1 và hình ảnh trích từ phim tài liệu Việt Nam của Hãng tin truyền hình Nihon Denpa News - Nhật Bản (NDN).
 
NDN là Hãng tin truyền hình được thành lập năm 1960, năm 1962, NDN đến Hà Nội phỏng vấn Hồ Chủ tịch, và từ đó gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Năm 1964, hãng lập Văn phòng thường trú tại Hà Nội và trở thành hãng truyền hình nước ngoài (không trong khối Xã hội Chủ nghĩa) hiếm hoi đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam từ phía Bắc. Năm 2011, NXB Kim Đồng đã mua bản quyền hơn 2000 bức ảnh về chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1965 đến 1975 của hãng NDN.
 
 
Với Thời Hoa Lửa, mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc lịch sử được ghi lại chân thực và xúc động. Phần nhiều những nhân vật xuất hiện trong ảnh không có tên riêng, họ mang chung một tên gọi Thanh niên Xung phong. Họ đã đã gác lại sách bút, hạnh phúc riêng tư, tính toán cá nhân để cống hiến máu, mồ hôi và trí tuệ cho sự nghiệp chung giành lấy độc lập tự do cho dân tộc.
 
Ở chiến trường, họ là những người mà như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khái quát chân thực rằng: “Họ đấy, những con người như trong huyền thoại mà xiết bao bình dị, gần gũi. Họ đã âm thầm cống hiến và sáng tạo. Họ đã đổ biết bao máu xương để mở những tuyến đường, thông những cung đường, những trọng điểm và lặng lẽ nhận về mình những thiệt thòi, những mất mát không dễ gì bù đắp nổi. Nhưng họ đã trở thành bất tử.”
 Tác giả: Nhiều tác giả
NXB: NXB Kim Đồng
 
Tags: