Nói về chuyện viết lách, người ta thường có xu hướng coi chuyện đó - nghệ thuật, cách viết, và cả lối sống nữa - như là một thứ gì đó lãng mạn. Những nhà văn nghiêm túc (ít ra là theo phần lớn những nhà văn nghiêm túc) không đơn giản là chỉ viết những dòng chữ vào trang giấy trắng; thay vào đó, họ nhìn sâu vào trong tâm hồn của họ và chạm tới tận đáy cùng, và nếu may mắn, họ sẽ tìm được ngọn lửa Prometheus đang bùng cháy. “Chúng tôi viết để tận hưởng cuộc sống hai lần, vào khoảnh khắc đó và khi hồi tưởng lại”, Anaïs Nin chia sẻ, điều đó nghe thật đẹp đẽ và đúng sự thật nhưng một cách khách quan thì lại không chính xác: viết lách là một công việc thú vị, nhưng trong phần lớn thời gian thì nó chỉ đơn giản là một công việc.
Việc viết lách rất cô đơn và gần như không lãng mạn gì cả (tôi không phải là một nhà văn nghiêm túc, nhưng tôi vẫn là một nhà văn, và tôi đang vừa viết bài này vừa nhấm nháp chút cà phê nhạt nhẽo bằng một cái ly chưa được rửa từ lâu lắm rồi). Việc viết lách cũng giống như việc tạo ra thứ gì đó bằng nghề mộc vậy: chắc chắn là cần một chút nghệ thuật và một chút cảm hứng để có thể làm việc, nhưng phần lớn thời gian bạn sẽ chỉ cưa và bào trong khi mùn cưa bay đầy vào mắt.
Chính vì vậy, khi các nhà văn đưa tác phẩm của mình tới với công chúng, họ không chỉ tôn vinh văn học mà còn đưa sự sáng tạo văn học vào, điều đó đem lại sự mới mẻ và cũng là một đóng góp giá trị cho cộng đồng. Và càng tuyệt vời hơn nữa khi những nhà văn hàng đầu viết ra những thứ như thế. Một trong số họ là Kazuo Ishiguro, nhà văn Anh vừa đoạt giải Nobel gần đây.
Hội đồng giải thưởng Nobel đã công bố Ishiguro là người đoạt giải Nobel văn học 2017 - một quyết định được đưa ra vì tác giả, “bằng những tiểu thuyết chứa đựng cảm xúc mãnh liệt, đã tìm ra sự sâu thẳm của tâm hồn ẩn dưới những ảo giác về thế giới” - trích dẫn trong thông báo của Hội đồng giải thưởng. Sau thông báo gần như ngay lập tức, một bài viết của chính Kazuo Ishiguro trên tờ báo The Guardian vào tháng 12 năm 2014 bắt đầu được lan truyền trên mạng xã hội. Bài báo có tiêu đề “Kazuo Ishiguro: Tôi đã viết The Remains of the Day trong 4 tuần như thế nào”. Và bài viết đó đã chỉ ra rất chi tiết cách mà tác giả đã vượt qua những trở ngại - còn tệ hơn nữa vì cuộc sống cơm áo gạo tiền - để có thể viết ra những dòng chữ tạo nên tác phẩm nổi tiếng nhất của Ishiguro trong lĩnh vực văn học.
Một chút từ The Draft No.4 và một chút từ The 4-hour workweek, cũng như những tiểu thuyết của Ishiguro, bài báo đó vừa súc tích vừa thú vị. Bài báo ghi lại những gì mà Ishiguro trải qua sau khi xuất bản tiểu thuyết thứ hai - khoảng thời gian mà nhà văn 32 tuổi này chật vật với công việc và gặp rắc rối trong việc viết lách một cách hiệu quả. Vì vậy nên Ishiguro và vợ của ông ấy đã đề ra một kế hoạch để lấy lại sự sáng tạo:
“Trong khoảng thời gian 4 tuần, tôi vứt bỏ hết nhật ký và vào giai đoạn mà chúng tôi gọi là “Crash”. Trong khoảng thời gian Crash này, tôi không làm gì khác ngoài việc viết từ 9 giờ sáng đến 10 giờ 30 tối, từ thứ hai đến thứ bảy. Tôi có một tiếng cho bữa trưa và hai tiếng cho bữa tối. Tôi còn không xem email hay đến gần điện thoại nữa là trả lời chúng. Chẳng có ai đến nhà tôi cả. Mặc dù Lorna rất bận rộn với công việc, cô ấy vẫn giúp tôi nấu nước và làm việc nhà trong khoảng thời gian đấy. Bằng cách này, chúng tôi hy vọng rằng tôi sẽ không chỉ viết được nhiều hơn mà còn đạt được trạng thái tâm lý mà trong đó, thế giới tưởng tượng của tôi còn thực hơn thế giới ngoài đời.”
Mục tiêu cốt lõi là việc viết có phương pháp: bằng sức mạnh ý chí, tạo ra môi trường mà nhà văn và tác phẩm của ông ấy có thể hòa vào làm một. Đó là một kế hoạch yêu cầu phải tách sự lãng mạn ra khỏi chuyện viết lách: Ishiguro nhấn mạnh, “trong khoảng thời gian Crash đó, tôi viết tự do, không quan tâm đến phong cách hay nếu như thứ tôi viết vào buổi chiều mâu thuẫn với thứ tôi đã viết vào buổi sáng. Ưu tiên của tôi đơn giản chỉ là viết ra và triển khai các ý tưởng. Những câu văn lủng củng, những đoạn hội thoại vô nghĩa, những bối cảnh chẳng dẫn đến đâu - tôi đều giữ chúng lại và viết tiếp”.
Phương pháp này thực sự hiệu quả. Bốn tuần sau đó, Ishiguro có trong tay bản sơ thảo của The Remains of the Day. Tuy vậy, ông ấy vẫn tiếp tục chỉnh sửa nó. Ông ấy thêm vào, loại bỏ và mài dũa các chi tiết khác nhau. Dù vậy, chỉ trong vòng một tháng làm việc cật lực, ông ấy đã hoàn thành phần lớn kiệt tác này. Ông ấy chia sẻ rằng ông ấy đã bỏ ra một năm làm việc không hiệu quả để tìm hiểu về bối cảnh đằng sau - ông ấy đã đọc sách viết bởi và viết về những người hầu Anh cũng như về lịch sử, và cả “The Danger of Being a Gentleman” - và rồi giai đoạn Crash đến đúng lúc Ishiguro biết ông ấy cần biết những gì để viết những gì ông ấy muốn. Và tất cả những thứ đó chỉ cần ông ấy ngồi xuống và làm việc. (có một từ tiếng Đức chỉ sự việc đó, từ đó là Sitzfleisch - nghĩa là “ngồi im”).
Có một lời khuyên hữu ích dành cho cả những nhà văn nghiêm túc và những người bình thường - và bất kì ai có thể bị choáng ngợp bởi tính siêu hình của văn chương: “nếu bạn phối hợp Jane Austen và Franz Kafka, cơ bản là bạn sẽ có Kazuo Ishiguro, tuy vậy bạn sẽ phải thêm vào một chút Marcel Proust”, Sara Danius, thư kí thường trực của Học viện Thụy Điển, giải thích về sự lựa chọn của Hội đồng giải thưởng dành cho Ishiguro. “Sau đó bạn trộn đều, nhưng đừng trộn quá kĩ, và rồi bạn có văn chương của ông ấy”.
Kazuo Ishiguro hoàn toàn xứng đáng với những gì ông ấy đã đạt được - nhưng chỉ sau khi ông ấy thực sự quyết tâm ngồi xuống, đặt bút viết và viết ra những câu văn lủng củng, những đoạn hội thoại vô nghĩa, những bối cảnh chẳng dẫn đến đâu. Trong bốn tuần, nhà văn đã tự cho mình quyền tự do để được viết dở tệ - và rồi bây giờ ông ấy đã đoạt giải Nobel để chứng minh điều đó.
Theo The Atlantic
Trạm Đọc