Danh gia cổ vật - Minh Nhãn Mai Hoa
Danh gia cổ vật - Minh Nhãn Mai Hoa
“Minh Nhãn Mai Hoa” là tập cuối của bộ sách “Danh gia cổ vật” của tác giả Mã Bá Dung viết, kết hợp giữa giám định đồ cổ và phật pháp. Câu chuyện là hồi kết cho chuyến phiêu lưu mạo hiểm, khai mở mọi bí mật.

“Minh Nhãn Mai Hoa” là tập cuối của bộ sách “Danh gia cổ vật” của tác giả Mã Bá Dung viết, kết hợp giữa giám định đồ cổ và phật pháp. Câu chuyện là hồi kết cho chuyến phiêu lưu mạo hiểm, khai mở mọi bí mật. Liệu trong phần cuối này, những bí mật nào sẽ được khai sáng, Hứa Nguyện có tìm ra được chân tướng của kẻ thù hay không?

“Chỉ cần nghe theo tấm lòng truy cầu cái thật, nắm giữ vật thật trong tay thì dù chúng giở trăm phương ngàn kế, ta vẫn có thể thủ vững như núi.” Càng ngày nhân vật Hứa Nguyện càng tiến gần hơn đến với chân tướng của sự thật, tìm ra kẻ thù truyền kiếp. Một trong năm mảnh ghép để mở ra mọi bí mật của quá khứ và hiện tại đưa Hứa Nguyện tới hang ổ của kẻ thù và một kho báu tuyệt tích từ lâu. Cánh cửa để khai mở sự thật vẫn luôn gần kề ngay bên cạnh, tưởng đâu xa lại nằm ngay trong nhà họ Dược, Minh Nhãn Mai Hoa … 

Tháng 3 năm nay, Nhà xuất bản Nhã Nam chính thức ra mắt độc giả Cuốn “Danh gia cổ vật - Minh Nhãn Mai Hoa”, tập cuối của bộ tiểu thuyết đề tài giám định và sưu tầm cổ vật. “Đằng sau mỗi món đồ cổ, là tầng tầng lớp lớp lịch sử và văn hóa truyền thừa bao đời. Đằng sau mỗi món đồ giả, lại là mánh lới tính toán tinh vi cùng cạm bẫy khó bề tưởng tượng.” (trích tập 1 “Kỳ án đầu Phật”). Cuối năm 2018, tác phẩm được Tencent Pictures chuyển thể thành phim dài tập cùng tên.  

Cuốn sách không chỉ lôi cuốn người đọc bởi tình tiết hấp dẫn, dẫn dắt độc giả đi đến hồi kết mà còn bởi lượng lớn kiến thức về giám định, sưu tầm đồ cổ và về lịch sử và văn hóa mà Mã Bá Dung cung cấp cho người đọc. “Danh gia cổ vật” được đánh giá là cuốn sách có thể sánh ngang với “Ma thổi đèn” (Thiên Hạ Bá Xương), “Mật mã Tây Tạng” (Hà Mã), là bộ tiểu thuyết tiêu biểu của tác giả Mã Bá Dung. 

Độc giả Nguyen Viet Ha nhận xét: “ Nói thật là đọc cuốn này mình chẳng đoán được gì cả, vì không hiểu cũng không biết về cổ vật trước đây. Vì thế mình phục sát đất Mã Bá Dung vì đã truyền tải một lượng kiến thức kiến thức cổ vật, cách thức giám định, lịch sử và tôn giáo khá dày trong truyện. Cách đan cài kiến thức trong những suy luận và bối cảnh không khiến mình bị ngộp, ngược lại còn cảm thấy rất phấn khích. Cứ mỗi chi tiết được hoá giải, lại có thêm một tình tiết khác được nảy sinh. Mã Bá Dung dẫn dắt độc giả đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, quả twist cuối truyện phải nói là bất - ngờ - cực. Đầu Phật ngọc mà người Nhật đã lấy đi, gây ra tổn thất lớn cho văn hoá Trung Hoa, gây ra cái chết cho ông nội Hứa Nguyện; đầu Phật đó là thật hay giả? Nếu đầu Phật là thật, ông nội Hứa Nguyện đúng là Hán gian ư? Vậy nếu là giả, vì sao ông lại cứ ngậm miệng không nói, không thanh minh cho mình? Mã Bá Dung cứ hé lộ một ít lại che đi một chút, khiến mình vừa tò mò vừa sốt ruột.

Mã Bá Dung (1980) là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc với bút lực dồi dào, văn phong đa biến. Phạm vi sáng tác trải từ phê bình, tản văn, tiểu phẩm đến tiểu thuyết vừa và dài, thể loại sáng tác phong phú, bao gồm khoa học viễn tưởng, kỳ ảo, lịch sử, trinh thám v.v…

Năm 2005, ông đạt giải thưởng Ngân Hà dành cho tác phẩm khoa học viễn tưởng Trung Quốc.

Năm 2010, ông đạt giải thưởng Văn học Nhân dân, một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất của văn đàn Trung Quốc.

Tags: