"Đại gia Gatsby" có thực sự là một cuốn sách tuyệt vời?
Đã gần một thế kỷ kể từ khi F. Scott Fitzgerald gửi bản thảo cuốn “Đại gia Gatsby” của mình cho nhà in. Từ ấy, quan điểm về tác phẩm này đã thay đổi khá nhiều. Có người gọi nó là “Tiểu thuyết vĩ đại của nước Mỹ”. Nhiều người khác lại khẳng định đây không phải là một cuốn tiểu thuyết mà là một cuốn truyện ngắn, và cho rằng nó không phải là một cuốn sách đặc biệt xuất sắc. 

Nhà báo Hunter S. Thompson của Gonzo từng đánh máy toàn bộ cuốn “Đại gia Gatsby/; để dạy cho các ngón tay của mình cảm giác khi tạo ra một lối viết hoàn hảo là như thế nào. Ấn tượng của ông về cuốn sách không thể khác hơn so với ấn tượng của những người đánh giá đầu tiên về nó, những người gọi Fitzgerald là “tẻ nhạt, mệt mỏi và hoài nghi,” và phong cách viết của ông, luôn hướng đến sự sang trọng, “gượng gạo một cách đau đớn”.

Sự phân cực này đặt ra nhiều câu hỏi thú vị như: Tại sao cuốn sách lại tạo ra những quan điểm trái ngược như vậy? Liệu các nhà phê bình có đưa ra quan điểm chính xác hay không, hay chúng ta nên bác bỏ họ theo cách mà Virginia Woolf đã tìm cách bác bỏ Ulysses của James Joyce? Liệu thất bại tạm thời của Fitzgerald có mang lại cho ông sự bất tử về lâu dài không? Và cuối cùng, “Đại gia Gatsby” có thực sự tuyệt vời như những gì các giáo viên/ giảng viên đã nói với chúng ta không?

 

“Đại gia Gatsby” sụp đổ

 

Mặc dù “Đại gia Gatsby” nhận được phần lớn đánh giá tiêu cực khi phát hành vào năm 1925, nhưng nó vẫn có người hâm mộ. Lillian Ford từ tờ Los Angeles Times viết đây là “một tác phẩm nghệ thuật”, trong khi nhà báo Edwin Clark của New York Times thấy cuốn sách khơi gợi tò mò, huyền bí và quyến rũ, nó “đi sâu vào cuộc sống hơn những gì từng được Fitzgerald viết ra”.

Thật không may cho Fitzgerald, những lời khen ngợi nhẹ nhàng ấy đã bị át đi bởi sự thất vọng của các nhà phê bình có thẩm quyền khác. 

Harvey Eagleton viết trên tờ The Dallas Morning News, đề cập đến một cuốn sách khác cùng tác giả, rằng: “Khi ‘This Side of Paradise’ được xuất bản, Fitzgerald được ca ngợi là một chàng trai trẻ đầy hứa hẹn, điều mà anh ấy chắc chắn đã thể hiện được. Nhưng lời hứa, giống như nhiều lời hứa khác, có vẻ như sẽ không được thực hiện.”

Trong Roaring Twenties, ít ai ngờ "Đại gia Gatsby" sẽ có sức mạnh bền bỉ trong văn hóa đại chúng. (Nguồn ảnh: Stanford / Wikipedia)

Nhà báo người Mỹ gốc Canada Isabel Paterson không nghĩ rằng “Đại gia Gatsby” tệ như những gì người khác nói, nhưng cô cũng không nghĩ nó đặc biệt hay. Trong bài đánh giá của mình cho The New York Herald, cô kết luận rằng đây là "một cuốn sách chỉ dành cho mùa này, những gì chưa bao giờ tồn tại thì không thể tiếp tục sống được."

Ngay cả một số bạn bè của Fitzgerald cũng thất vọng với cuốn sách. Edith Wharton, một đồng tác giả, viết cho ông vào tháng 4 năm 1925: “Để làm cho Gatsby thực sự vĩ đại, đáng ra cậu phải viết về sự nghiệp ban đầu của nhân vật thay thì một bản lý lịch ngắn gọn. Điều đó có thể định vị anh ta và biến bi kịch cuối cùng của anh ta thành một bi kịch, chứ không phải là những sự kiện linh tinh trên tờ báo buổi sáng.” 

 

Một giai thoại được tôn vinh?

 

Thật đáng để xem xét kỹ hơn một trong những đánh giá tiêu cực này để hiểu rõ hơn lý do tại sao “Đại gia Gatsby” lại khiến nhiều độc giả đầu tiên của nó cảm thấy sai lầm như vậy. 

Trong một bài đánh giá đăng trên tờ The Chicago Sunday Tribune vào ngày 3 tháng 5 năm 1925, nhà báo H.L. Mencken đã mất nhiều công sức để chứng minh cho độc giả của mình thấy tại sao tác phẩm mới nhất của Fitzgerald không nên bị nhầm lẫn là tác phẩm Văn học. 

Lặp lại tuyên bố của Paterson rằng “những gì chưa bao giờ tồn tại thì không thể tiếp tục sống,” Mencken phàn nàn rằng Fitzgerald tập trung quá nhiều vào cấu trúc tường thuật và mà xem nhẹ việc mô tả nhân vật - một trong những điều để phân định giữa một cuốn tiểu thuyết hay với một câu chuyện thú vị. Nói cách khác, “Đại gia Gatsby” có cách kể chuyện hấp dẫn nhưng không có sức ảnh hưởng lớn. Như Mencken nói, nó “không hơn gì một giai thoại được tôn vinh”. Ông tiếp tục: “Về cơ bản, điều khiến nó trở nên tệ, và đây cũng là thực tế hiển nhiên, nó chỉ đơn giản là một câu chuyện. Fitzgerald dường như quan tâm nhiều hơn đến việc tạo cao trào hơn là xây dựng nhân vật. Không phải những điều đó là sai, mà chúng quá hiển nhiên. Chỉ có bản thân Gatsby mới thực sự sống và thở, những nhân vật còn lại chỉ là những con rối, tuy cũng giống thật nhưng không hề sống động.”

 

Fitzgerald trở lại

 

Trong khi “Đại gia Gatsby” ngày nay được yêu thích hơn so với thời của Fitzgerald, những lời chỉ trích vẫn tiếp tục xuất hiện trên các tạp chí. Ví dụ, khi bộ phim chuyển thể của Baz Lurhmann được phát hành vào năm 2013, Joshua Rothman từ The New Yorker đã nói rằng nó “rác rưởi, vô vị, quyến rũ, đa cảm, xa cách và giả tạo,” giống như tác phẩm gốc. 

Nhưng lời phê bình của Rothman mang nhiều sắc thái hơn những lời phê bình của những người trước đó. 

Sử dụng việc phát hành bộ phim để thảo luận về lý do dẫn đến thành công tiềm ẩn của cuốn sách, ông đưa ra hai lập luận thú vị: thứ nhất, nó được độc giả ngày nay yêu thích vì nó đề cập đến sự xa hoa của những năm hai mươi; và thứ hai, nó không được độc giả đương thời ưa chuộng vì lối viết này có tính nhại lại và phê phán.

Fitzgerald và vợ Zelda sống một cuộc đời không khác gì các nhân vật của tác giả. Nó đã không kết thúc tốt đẹp (Nguồn: Tạp chí Cocosse / Wikipedia)

Ông giải thích: “Nó phổ biến vì ngày nay chúng ta vẫn sống trong bầu không khí đó. Cuốn tiểu thuyết của Fitzgerald rất hay,hấp dẫn, cách điệu và trừu tượng; có một sự giả dối như mơ, một sự trống rỗng, một sự phi thực tế, và sự hời hợt, đó là những điều khiến nó trở nên hấp dẫn. Nó mang hơi hướm hiện đại và châu Âu, không hề có tính nghệ thuật vì tất cả sự kỳ lạ của nó, nó cũng bao hàm chủ nghĩa thương mại làm hài lòng đám đông.”

Đối với chúng ta, bối cảnh của “Đại gia Gatsby” dường như là một sự cường điệu. Đối với Mencken và Paterson, đó là sự mô tả cách điệu nhưng cuối cùng lại trung thực về một thực tế mà họ đã biết rất rõ. Bản thân Fitzgerald cũng vậy. Giống như Daisy và Tom Buchanan, anh và vợ Zelda sống một cuộc đời trong những căn phòng khách sạn sang trọng, những bữa tiệc chỉ dành cho người được mời và ngồi hàng ghế sau của những chiếc ô tô sang trọng chạy quá tốc độ cho phép.

Chính lối sống đó cuối cùng đã hủy diệt Fitzgerald, người qua đời vì biến chứng của chứng nghiện rượu ở tuổi 44. Trong khi “Đại gia Gatsby” được viết vào thời kỳ đỉnh cao của cuộc đời và sự nghiệp của ông, nỗi u sầu tiềm ẩn trong cuốn sách - gói gọn trong việc Daisy hy vọng con gái mình sẽ là “một cô bé xinh đẹp ngây ngô” - hàm ý rằng ở một mức độ nào đó, tác giả đã biết mình sẽ đi đến đâu. Nếu “Đại gia Gatsby” không phải là tác phẩm xuất sắc, thì nó chắc chắn là một câu chuyện lãng mạn. 

- Theo: Big Think 

 

Tags: