Là một người con của dải đất hình chữ S, tôi yêu và tự hào về Tổ quốc mình, tôi cũng muốn khoe với bạn bè năm châu những gì chúng ta có. Nhưng nếu bạn là tôi, nếu bạn đã từng chứng kiến sự kì vĩ của từng góc Việt Nam, rồi lại một lần nữa chứng kiến sự hoang tàn dưới bàn chân con người thì những yêu thương ấy lại càng trở nên đau xót.
Năm 2005, tôi có cơ hội đến Sapa tham gia một chương trình tình nguyện. Nhóm chúng tôi gồm 4 người, quyết định dành bốn ngày cuối cùng để leo Fansipan. Nóc nhà Đông Dương lúc ấy hoang sơ, hùng vĩ và bí ẩn vô cùng. Anh porter người bản địa dắt chúng tôi qua những lối mòn vắng người đi, nơi chỉ có tiếng nước chảy róc rách, tiếng vòm cây xào xạc và tiếng chim ở miền xa vọng lại. Không có máy ảnh, không có điện thoại, không có bất kì một thiết bị điện tử nào, chỉ có những đôi chân đặt lên triền đá, những đôi tay bám vào cành lá.
Đó là một chuyến đi đáng nhớ. Nhưng tôi luôn tự hỏi mình một câu rằng: mình làm thế liệu có đúng hay không? Ngày hôm nay là một đôi chân hiếu kì dẫm lên những vạt cỏ Fansipan, vậy ngày mai có phải là một trăm, một ngàn, một vạn những đôi chân khác hay không? Và 10 năm, 20 năm sau nữa những sự hùng vĩ hôm ấy tôi được chứng kiến liệu có biến mất dưới sự tò mò của con người?
Thực tế đã chứng minh những lo lắng ấy là có cơ sở. Sapa và Fansipan bây giờ thương mại hóa chóng mặt, chẳng còn những nét hoang sơ, yên bình, mộng mơ nữa. Góc này là công trường, góc kia là dự án, người người chen chúc trên đỉnh núi chỉ để chụp một bức ảnh với cột mốc, những làng bản giản dị, những vạt rừng xanh thẫm bị quần nát dưới bàn chân con người.
Bởi vậy, tôi lo sợ Sơn Đoòng rồi cũng sẽ có một ngày như thế. Rồi những vách đá sừng sững sẽ chi chít vết kí của những người đi qua, hốc đá sẽ chất đầy đầu lọc thuốc lá, rác rưởi và những con suối ngầm sẽ đục ngầu dòng nước rửa chân. Nếu vậy, tôi mong Sơn Đoòng sẽ mãi nằm im trong vòng tay rừng già, đừng ai đặt chân đến, đừng ai khám phá. Những người thật sự trân trọng Đoòng sẽ chẳng màng đến cái danh “Hang động tự nhiên lớn nhất Thế giới” làm gì.
Xin đừng mang lí do “cơ hội khám phá cho những người không đủ sức khỏe hay điều kiện”. Nếu không thể, xin hãy nằm nhà và xem về Sơn Đoòng qua những thước phim, hoặc đọc về Sơn Đoòng qua những trang sách.
“Đá nhọn vực sâu” - Trái tim sâu chinh phục vách đá nhọn
Nguyễn Vân Anh là một trong những người Việt Nam may mắn hiếm hoi có cơ hội được khám phá Sơn Đoòng theo chương trình chuyên nghiệp và giới hạn để đảm bảo gìn giữ được những giá trị nguyên bản nhất của kì quan này. Kết thúc chuyến đi, chị đã viết nên cuốn sách “Đá nhọn vực sâu”.
Thay vì đưa ra một cuốn cẩm nang hướng dẫn chi tiết về hành trình chinh phục Sơn Đoòng, điểm độc đáo của cuốn sách là ở việc nó đã vẽ ra một bức tranh đa nghĩa về cuộc đời, về đường đời, về nỗi đời. Nó là một tổng hòa của nhiều đối cực: âm và dương, đá và nước, tối và sáng, hiểm nguy và thanh bình, khổ đau và hanh phúc, hiện tại và quá khứ, trưởng thành và tuổi thơ, sức ì và năng động, nỗi sợ và can đảm, cam chịu và dấn thân, thất bại và chiến thắng…
Bên cạnh những cung đường hiểm nguy, chật chội, tối om như hũ nút, “Đá nhọn vực sâu” còn là bữa tiệc thời thơ ấu với đầy đủ sắc màu, hương vị của khoai sắn, của cơm độn ngô, của cháo xương xông, của hành chẻ, mắm tép, đậu phụ nhự, và đặc biệt nhất, với người mẹ kỳ lạ của tác giả, người đã luôn đặt ra cho đứa con gái bé bỏng của mình những thách thức không có thật trong cuộc sống, người kéo chị ra khỏi cái nôi nhung lụa. Và đâu đó trong từng dòng chi tiết còn thấp thoáng hình bóng của người bạn đời đồng hành cùng chị qua những cung đường thử thách.
Lần lượt qua từng trang sách, cái người đọc cảm nhận được không chỉ là những trải nghiệm hùng vĩ nơi rừng thiêng nước độc, không chỉ là câu nói “Rope freeee” vang vọng vách đá và âm vang khắp không gian rộng lớn, mỗi câu mỗi chữ còn là nét vẽ nên bức chân dung mang tên Nguyễn Vân Anh, người phụ nữ kiên cường, gai góc và rất mực mạnh mẽ, người phụ nữ “đá nhọn vực sâu”.
“Đá nhọn vực sâu” không màu mè trong ngôn từ mà như lời thủ thỉ kể chuyện bên bếp lửa, miên man và hấp dẫn. Cuốn sách kết hợp hài hòa giữa lời văn và hình ảnh, được thiết kế đẹp, thuộc loại sách - ảnh, đủ cho độc giả được nhấm nhót phần văn, cũng đủ mãn nhãn bạn phần nhìn.
Phanh
Trạm Đọc.