Cuốn sách phản ánh cuộc đấu tranh kháng Pháp của quân và dân Nam Kỳ
Cuốn sách phản ánh cuộc đấu tranh kháng Pháp của quân và dân Nam Kỳ
Từ các nguồn sử liệu phong phú về nội dung và gần 150 hình ảnh minh hoạ, trong đó một số hình ảnh lần đầu được giới thiệu, cuốn sách “Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ” mang đến cho độc giả những thông tin hữu ích về Sài Gòn nói riêng và Nam kỳ nói chung, diễn giải những câu chuyện lịch sử diễn ra trên đất Nam kỳ xưa kể từ thời Gia Long, Minh Mạng, Lê Văn Duyệt cho đến khi người Pháp xâm lăng và thiết lập chế độ thuộc địa ở Nam kỳ và chế độ bảo hộ ở Bắc kỳ và Trung kỳ của vương quốc Đại Nam...
Khắc Họa Bức Tranh Lịch Sử Nam Kỳ
(0 lượt)
Khi chủ đề người dân Nam bộ chống Pháp trong một bộ phim gây tranh cãi rầm rộ khắp cõi mạng thì tôi chọn cho mình một giải pháp trầm lắng và có phần an toàn hơn, đó là đọc cuốn sách "Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ" của tác giả Nguyễn Quang Diệu. Thú thật đây không phải chủ đề sở trường của tôi, những kiến thức tôi có chỉ là dăm ba dòng khô khan trong sách giáo khoa lịch sử mà bao năm qua tôi đã quên gần hết. Tuy vậy, từ ngày Nam tiến, tôi có nhiều hứng thú tìm hiểu về văn học và lịch sử miền Nam nên ngay khi cuốn sách này xuất hiện, tôi đã quyết định sẽ tìm đọc.

Lựa chọn một cách kể giúp độc giả dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ thông tin hơn, ấy là sử dụng rất nhiều tranh minh họa, cuốn sách, đúng như cái tên được chọn, đã khắc họa bộ mặt mảnh đất Nam kỳ trong khoảng hơn 100 năm, gần như xuyên suốt lịch sử triều Nguyễn tính từ khoảng thập niên 1820 (vua Gia Long lên ngôi) tới những năm đại khủng hoảng thập niên 1930.

Cuốn sách mở đầu từ công cuộc cai trị của người Pháp với vùng đất Nam kỳ, triều đình Huế phải ký những bản hòa ước để nhượng bộ đất Nam kỳ cho Pháp, tới ngày Huế "thất thủ kinh đô" rồi Pháp bành trướng tham vọng ra toàn cõi Đại Nam (Quốc hiệu của Việt Nam từ thời vua Minh Mạng đến thời vua Bảo Đại).

Một vài cái tên đường Sài Gòn như Charner và Bonard (nay là đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ) mà tôi đọc ở một vài cuốn sách về Sài Gòn trăm năm trước đã hiện diện một cách sống động hơn trong cuốn sách này. Hóa ra đó là tên của những vị đô đốc, phó đô đốc, Tổng tư lệnh liên quân viễn chinh Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Nam kỳ...

Nam kỳ thuộc địa chuyển mình dưới sự cai trị của người Pháp. Những công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp lần lượt được xây dựng và tồn tại đến tận bây giờ như Bệnh viện Grall (Nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2), Cathédrale Saigon (Nhà thờ Đức Bà), Hôtel des Postes (Bưu điện trung tâm Sài Gòn), Hôtel de Ville (Dinh Xã Tây - nay là trụ sở UBND Tp.HCM), Dinh Thống đốc Nam kỳ (Nay là Bảo tàng Tp.HCM)... Sau rất nhiều thăng trầm của lịch sử, các công trình này vẫn tồn tại như một chứng nhân thời cuộc, khơi gợi bao cảm xúc cho những người đặt chân tới mảnh đất Nam kỳ.

Đời sống văn hóa chính trị sôi động dẫn tới sự nở rộ của làng báo chí những năm đầu thế kỷ 20. Không thể không nhắc tới sự ra đời của tờ báo Quốc ngữ đầu tiên - Gia Định báo và sau đó là hàng loạt báo: Quả chuông rè, Nông cổ mín đàm, Đông Pháp thời báo, Thần chung... gắn với những tên tuổi tầng lớp trí thức yêu nước mới: Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu… Làng báo trở thành những lực lượng chính trị đối kháng nhà cầm quyền thực dân, những diễn đàn tranh luận công khai này là thứ đặc sản của đời sống văn hóa tri thức Sài Gòn lúc bấy giờ.

Chương cuối của sách với tiêu đề gợi nhiều xúc động “Khi Sài Gòn không còn là nơi đất lành chim đậu” mô tả những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 tới đời sống người dân. Thật kỳ lạ, từng dòng trong chương sách này đều khiến tôi liên tưởng tới thời kỳ dịch covid-19 hoành hành tại Tp.HCM cách đây không lâu: "Giới kinh doanh, mua bán làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản và đời sống người dân Sài Gòn lâm vào cảnh lao đao. Sài Gòn từ nơi đất lành chim đậu, phải chứng kiến từng dòng người dắt díu nhau lần lượt rời đi, người Tây và Hoa kiều về nước, người Việt tạm lui về vùng ven Gò Vấp, Phú Nhuận hoặc về quê cầm cự kiếm sống mong chờ cuộc đại khủng hoảng nhanh chóng qua đi, để trở lại Sài Gòn. Trí thức Sài Gòn thất nghiệp, lao động thất nghiệp, học sinh bỏ học, thợ thuyền đình công… Trong cơn đại khủng hoảng, người Sài Gòn cố gắng cầm cự chờ đợi trạng thái bình thường mới, và cũng chính trong lúc ngặt nghèo đó, người Sài Gòn vẫn giữ được tinh thần hào sảng, sẻ chia trách nhiệm cộng đồng bằng nhiều hình thức từ thiện khác nhau…"

Vì chú trọng khắc họa "bức tranh" toàn cảnh Nam kỳ nên không khó hiểu khi phần "tranh" của cuốn sách được chăm chút nhiều. Bản đồ các vùng đất, chân dung những vị vua, quan đại thần Đại Nam, những vị tướng của Pháp và sống động hơn cả là hàng loạt bức vẽ miêu tả đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Đại Nam... đã hiển hiện trên từng trang giấy. Đó thực sự là những tư liệu quý giá được tác giả dày công sưu tầm từ rất nhiều nguồn, trong đó có thể kể tới những cái tên như một "bảo chứng" cho sự quý giá ấy: Thư viện Quốc gia Pháp, Bảo tàng Quai Branly...

Cảm ơn những người làm sách về sự chỉn chu tuyệt vời cho cuốn sách này!

Theo HuyenTrang Pham (Bình Thư Quán)

Tags: