Cuốn sách đầu tay của Murakami
Cuốn sách đầu tay của Murakami
Tôi đọc cuốn sách này trong một tâm thế như thể gặp lại một người bạn cũ, trong một khung cảnh như thế này, quán bar nơi mùi bia nồng nặc phả ra trong không khí, hai gã trai trẻ tuổi ngồi tâm sự với nhau về những câu chuyện tầm phào. Vẫn là Murakami với những quán bar, nhạc jazz, thuốc lá. Vẫn là Murakami với mùa hè, tình yêu, tuổi trẻ.

"Mọi thứ đều qua đi. Không ai có thể kiểm soát được điều đó.
Tất cả chúng ta đều sống như vậy."

Có lẽ bạn đã biết, "Lắng nghe gió hát" là cuốn sách đầu tay của Murakami, vị tác giả vốn từ lâu đã không còn xa lạ gì. Tôi đọc cuốn sách này trong một tâm thế như thể gặp lại một người bạn cũ, trong một khung cảnh như thế này, quán bar nơi mùi bia nồng nặc phả ra trong không khí, hai gã trai trẻ tuổi ngồi tâm sự với nhau về những câu chuyện tầm phào. Vẫn là Murakami với những quán bar, nhạc jazz, thuốc lá. Vẫn là Murakami với mùa hè, tình yêu, tuổi trẻ.

Nhân vật xưng tôi tự mình tìm về mò mẫm trong quá khứ, bằng những câu chuyện tẻ nhạt được thở ra hàng ngày tại một quán bar nhỏ hẹp, và Chuột - cậu bạn thân kể từ một tai nạn kỳ quặc, lắng nghe. Đó là mười tám ngày mùa hè quá vãng. Dường như Murakami rất thích việc đếm những con số, vì thế đã để cho hầu hết những nhân vật của mình luôn đếm những con số như một kiểu ám ảnh. Nhân vật tôi trong "Lắng nghe gió hát" cũng không phải ngoại lệ. Gã đếm những ngày mùa hè, rồi đợi mùa hè đi hết, quá khứ cũng trôi về miền xa xăm.

Cuốn sách này không hẳn là tiểu thuyết, vì nó có thể có mở đầu, nhưng kết thúc thì lại quá mơ hồ. Tài năng Murakami là ở điểm này, cái việc luôn để một điều gì đó mắc kẹt lại trong suy tưởng của người đọc, kể cả khi đã hoàn thành trang cuối cùng. Câu chuyện mà "tôi" kể không khác gì một câu chuyện ngớ ngẩn hài hước, nhưng đồng thời cũng mang âm hưởng một câu chuyện buồn. Hài hước vì những câu đùa cợt nghe thì có vẻ nhạt nhẽo, nhưng buồn vì nếu ngẫm lại, hết thảy đều chứa đựng tâm tư.

Với cuốn sách đầu tay, Murakami không cố nhét thêm vào câu chuyện của mình những buồn đau, cô độc, ám ảnh, siêu thực. Cái chết cũng có, nhưng chỉ là mẩu chuyện nhỏ thoáng qua. Tình dục cũng có, nhưng suy cho cùng chỉ như một lớp nền bàng bạc phủ mờ lên tình yêu tuổi trẻ. Việc cố gắng để vĩ mô hóa những điều này như trong các tác phẩm về sau, Murakami không ép mình gò bó như vậy. Ở đây chỉ là những xúc cảm hừng hực của tuổi trẻ, màu quá khứ nhuốm chút ưu tư, và vẻ đẹp tươi sáng của những ngày mùa hè đẹp đẽ.

Theo #Siu, Hộc sách số 23.

Tags: