Đến hẹn lại lên, ta thường bắt gặp những bài viết kiểu như: Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, không nên đặt nặng áp lực thi cử, không nên quá chạy theo bệnh thành tích, không học đại học vẫn có thể thành công....
Nhưng! Ở Việt Nam, không đi học thì biết đi con đường nào khác đây?
(Trong bài viết này, hãy tạm goi Đại học, Cao đẳng, Học viện… hay việc đi học sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông là một)
Tuổi 18, mấy ai biết được ước mơ của mình là gì?
Mười tám tuổi, tôi không biết mình muốn gì, và sẽ trở thành ai. Hôm nay xem một bộ phim hay về những luật sư tài giỏi, tôi nghĩ mình sẽ làm luật sư. Bản thân có một chút khả năng viết lách, có lúc tôi lại nghĩ mình sẽ làm nhà văn, nhà báo. Gia đình có một cơ sở kinh doanh nho nhỏ, tôi lại cho rằng mình nên tập tành kinh doanh thì hơn. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng, bây giờ học hết lớp 12 xong mà mình đi học vẽ, có khi lại trở thành một họa sĩ đại tài cũng nên!
Tất cả những việc đó, tôi đều thích: tranh luận, viết lách, kinh doanh, vẽ vời… Và hơi “đen”, là cái gì tôi làm cũng tốt, mỗi tội chỉ tốt thôi chứ chẳng xuất sắc cái nào cả.
Và bạn tôi cũng thế. Hầu hết chúng nó chỉ chọn trường, chọn ngành dựa trên học lực và hoàn cảnh gia đình.
Mười tám tuổi, ăn chưa no lo chưa tới, chính thức bước qua tuổi thành niên, hễ làm “ngu” là có thể vào tù, chẳng ai có thể lo lắng, che chắn cho mình nữa, muốn khởi nghiệp thì không có tiền, chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, mọi ý tưởng chỉ mới nằm im trong đầu, nhưng ý tưởng không có tiềm lực thì mãi mãi chẳng đáng một xu; muốn đi làm nhưng trong đầu ngoài mớ kiến thức toán lý hóa văn sinh sử địa thì cũng trống trơn.
Không học thêm một cái “nghề”, thì biết làm gì khác đây?
Bốn năm học Đại học mang lại nhiều hơn những kiến thức chuyên môn
Đi học, trước hết là bạn mở mang đầu óc cho chính mình. Không còn là những bạn A làng bên, anh B cuối phố nữa. Chúng ta được tiếp xúc và quen biết với những con người ở tỉnh khác, vùng khác, miền khác, thậm chí là đất nước khác. Để ta biết rằng: núi này cao còn có núi khác cao hơn, và ta chẳng là gì trong cuộc đời này.
Hồi 18 tuổi, thi đại học xong, tôi là thủ khoa khối D của huyện. Nếu bạn hỏi tôi có oai không, có tự hào không thì dĩ nhiên là có chứ, dù trước mặt vẫn luôn miệng: “Ui có gì đâu, ăn may ý mà”. Ấy thế mà đến khi lên nhập học, nhìn trộm mấy bạn cùng làm thủ tục với mình thấy toàn là ngưỡng 28, 29 điểm (Hồi tôi thi chưa có nhiều 10 như bây giờ, điểm thi Đại học trên 20 điểm đã là khá lắm rồi). Lần đầu tiên tự thấy mình ngu dốt và ấu trĩ biết chừng nào.
Bốn năm sau đó là cả quãng đường dài nhận ra những cái thiển cận của bản thân. Cái cậu toàn thấy đi học lại mà tôi thường cười khẩy chê cậu ấy dốt, một tháng cậu ấy tự kinh doanh kiếm được cả mấy ngàn đô. Cái cô xinh xinh ngày nào cũng thấy bóng mượt ngồi bàn cuối soi gương mà tôi nghĩ học hành gì đâu, hóa ra kì nào cũng được nhận học bổng loại A, còn cái cậu học giỏi trông 100% mọt sách, hóa ra còn giỏi cả thể thao và làm chủ tịch Câu lạc bộ trong trường nữa kìa.
Những tiêu chuẩn của một đứa “nhà quê” như tôi cứ thế dần dần biến mất. Tôi nhận ra, thế giới này rộng lớn, có rất nhiều thứ có thể học còn mình thì lại quá nhỏ bé. Thứ tôi thu lượm được nhiều nhất không phải kiến thức chuyên môn chuyên ngành mà là những bài học về cuộc sống, những kĩ năng, những mối quan hệ, những cơ hội cho bản thân mình…
Đi học cũng sẽ giúp bạn tìm thấy mình là ai. Bốn năm học Đại học cho tôi thời gian để suy nghĩ thêm mình là ai, mình muốn gì và sẽ trở thành người như thế nào. Bốn năm Đại học cũng là quãng thời gian để tôi học thêm, thử làm và dám sai.
Mặt sáng của việc coi trọng học hành như Việt Nam đó là, bạn có thêm thời gian và cơ hội để sai. Tôi biết cảm giác khi thất bại, nó thật tồi tệ và kinh khủng. Nhưng mỗi lần vấp ngã, tôi luôn niệm chú: “Không sao, mình vẫn còn là sinh viên”. Chẳng ai trách một cậu sinh viên thất bại trong việc tự kinh doanh hay chọn nhầm nghề. Và tôi lại đứng dậy, lại ngã, lại đứng,... Cứ như thế, tuy vẫn vấp ngã nhưng từ 5, 10 lần ngã, giờ con số chỉ còn là 1, 2…
Sau bao nhiêu lần “được sai” ấy, bạn sẽ nhận ra mình thích gì, muốn gì, hoặc ít nhất là mình giỏi cái gì. Mất bốn năm không làm ra tiền (hoặc ít làm ra tiền), nhưng bạn sẽ có thời gian để dám làm những điều mình muốn.
Bạn tôi, một ca sĩ khá nổi, học ở một ngôi trường cũng khá nổi, đã dám bỏ 15 năm đèn sách để cầm mic và hát bằng tất cả đam mê, điều mà cậu không bao giờ dám làm vào lứa tuổi 18. Ở tuổi 21, chỉ còn gần 1 năm nữa là ra trường, cậu bảo: “Đại học cho tao cái dũng khí mà hồi cấp 3 tao không có, dù lúc này hay lúc ý thì tao vẫn ăn bám y như nhau”. Và bây giờ cậu vẫn nổi tiếng, vẫn "hot" với vai trò một ca sĩ.
Đúng, Đại học không phải con đường duy nhất đưa bạn đến thành công, cũng chẳng phải ngắn nhất, cũng chưa chắc đã ngắn hơn những con đường khác. Chỉ là, trong những giây phút còn đang bấp bênh vì chính cuộc đời mình, lựa chọn học Đại học chẳng có gì là sai cả.
Bạn biết mình muốn kinh doanh, bạn cứ việc kinh doanh hoặc học về kinh doanh, bạn muốn làm bác sĩ, cứ việc đi học Đại học Y, Dược, bạn có đam mê nhất định, cứ theo đuổi nó. Còn nếu chẳng có gì, không sao cả, nếu học được, thi được và không gặp những vấn đề bất khả kháng, cứ đi học đi. Đi học và cho thêm mình thời gian để tìm thấy chính mình. Tốn tiền cũng được, tốn thời gian cũng được, bởi thế giới này rộng lớn và lúc nào cũng có điều để học.
Nhật Tùng
Trạm Đọc.
Trạm Đọc đăng tải bài viết với quan điểm của tác giả nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm đó. Mong các bạn đọc bài với tinh thần khai phóng.