Con sẻ vàng: Cuốn tiểu thuyết hiếm có trong hàng thập kỷ qua, làm xúc động đến tận tâm can người đọc
Con sẻ vàng: Cuốn tiểu thuyết hiếm có trong hàng thập kỷ qua, làm xúc động đến tận tâm can người đọc
Bằng giọng văn đầy mê hoặc cùng cách xây dựng nhân vật ấn tượng, thiên tài văn chương Donna Tartt đã dành cả cuốn tiểu thuyết “Con sẻ vàng” để tấu lên những khúc ca bi thương của sự mất mát cùng bao cảm nhận sâu lắng nhất về tình yêu, nghệ thuật và số phận con người.
Viết phần mở đầu hấp dẫn như Donna Tartt quả là rất nguy hiểm. Trong cuốn tiểu thuyết The Secret History (1992), lời mở đầu dài một trang giấy của bà đã đưa độc giả đến với tên sát nhân và người kể chuyện tự thú nhận rằng, mình đã tiếp tay cho tên gian ác kia. Còn cuốn tiểu thuyết Little Friend (2002) lại bắt đầu với cái chết của một đứa trẻ. Và giờ đây, trong tác phẩm “Con sẻ vàng”, tác giả đã dành trọn vẹn 70 trang để viết phần mở đầu. Ở những trang sách ấy, nhân vật chính Theo Decker đang nghỉ tại khách sạn Amsterdam, nhìn tập báo tiếng Hà Lan mà cậu không hề biết một chữ nào. Cậu cố gắng tìm tên mình trong các bài báo có hình ô tô cảnh sát và các tên tội phạm.


Khi nhân vật chính chưa kịp giải thích bất kỳ điều gì, Donna Tartt đã dẫn dắt độc giả đến với câu chuyện xảy ra cách thời điểm hiện tại 14 năm khi mẹ Theo qua đời sau một vụ nổ bom xảy ra ở Bảo tàng Metropolitan (New York, Mỹ). Thời điểm vụ tai nạn ập đến, mẹ Theo và cậu ở trong những căn phòng khác nhau. Lúc bừng tỉnh dậy giữa đống đổ nát, Theo tìm mọi cách để thoát khỏi viện bảo tàng và cố gắng tìm mẹ. Những trang văn miêu tả tình tiết này hấp dẫn đến lạ thường! Và đương nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc tác giả đã đặt cuốn tiểu thuyết của mình bên bờ vực của sự “hiểm nguy”: với năng lực viết thiên tài, bà đã lôi cuốn độc giả đọc hết 700 trang sách, liệu ở những phần tiếp theo, bà có khiến người đọc cảm thấy thất vọng hay không?

Thật đáng kinh ngạc, câu trả lời là không. Cuốn tiểu thuyết tiếp tục dẫn dắt độc giả đến với giai đoạn trưởng thành cả về cảm xúc lẫn thể chất của Theo. Mẹ qua đời, bị cha chối bỏ, cậu đến sống với gia đình một người bạn. Ai cũng hiểu đó là sự lựa chọn tạm thời. Và người ông của Theo cuối cùng lại là người bảo hộ cậu cho đến khi cha cậu tái xuất hiện cùng với người bạn tình Xandra và đưa cậu đến sinh sống ở Las Vegas.

Cuộc đời vốn nhiều quanh co khúc khuyủ của cậu bé mất mẹ giờ sẽ lại trải qua nhiều thay đổi với sự xuất hiện của vô số nhân vật. Sức ảnh hưởng của nhiều nhân vật trong số đó thật không dễ dàng nhận ra, chẳng hạn như cậu bé Pippa. Cậu cũng chạc tuổi Theo. Vào cái ngày nổ bom định mệnh ấy, Pippa cũng có mặt ở viện bảo tàng và là người duy nhất có thể thấu hiểu tâm trạng của Theo.

Một trong những chi tiết đáng chú ý nhất của cuốn tiểu thuyết nằm ở thời điểm cậu bé Theo Decker bước vào một viện bảo tàng cùng mẹ cậu và rời đi với bức tranh “Con sẻ vàng” trên tay. Tác giả của bức hoạ đó là Fabritius, một sinh viên của trường Rembrandt, đã qua đời ở tuổi 32 khi một nhà máy gần phòng thu của anh phát nổ. Hầu như tất cả các bức tranh do anh vẽ đều bị phá huỷ. “Con sẻ vàng” được coi là tác phẩm cuối cùng còn sót lại sau vụ nổ kinh hoàng đó.

Cứu lấy bức tranh khỏi đống đổ nát và mang nó ra khỏi bảo tàng không phải là hành vi ăn cắp bởi vì “tên trộm” hoàn toàn không có chủ ý làm như vậy. Nghe theo lời thúc giục hãy bảo vệ bức tranh của một người đàn ông đang hấp hối, cậu bé Theo đã thực hiện hành động này trong tình trạng vô cùng đau khổ. Người đàn ông ấy chính là người giám hộ cho Pippa tại thời điểm đó. Đối với Theo, Pippa khi đó chỉ đơn giản là một cô bé có vẻ ngoài xinh xắn. Mặc dù sau này, cuộc sống của họ không ngừng “va chạm” rồi lại rời ra xa nhau.

Câu chuyện tiếp diễn khi cậu bé Theo đọc báo và nhận ra rằng, ai cũng nghĩ bức tranh đó đã bị thiêu rụi trong vụ nổ. Do vậy, cậu đã giữ im lặng và không muốn để ai biết, mình là người giữ trong tay bức hoạ đó. Kể từ đây, cậu trở thành kẻ có tội. Nhiều năm trôi qua, nỗi sợ hãi bị tống vào tù của Theo cũng vì thế mà dần tăng lên.

Nếu ai đó không còn yêu thích nghệ thuật kể chuyện thì tiểu thuyết “Con sẻ vàng” sẽ trả lại niềm hứng thú đó cho bạn. Đương nhiên, cuốn tiểu thuyết này không hẳn chỉ có các pha hành động và tình huống tạo cảm giác hồi hộp. Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất lại xảy ra trong tĩnh lặng, chẳng hạn như trải nghiệm lần đầu tiên của Theo giữa bầu trời sa mạc ở Las Vegas sau thời gian cậu sinh sống ở New York.

Tuy nhiên, thật sai lầm nếu bạn nghĩ rằng, cảm xúc chủ đạo của tác phẩm là sự mất mát. Tác giả đã dành một thời lượng đáng kể để tường thuật về tình bạn thời thơ ấu giữa Theo và Boris, một người bạn Ukraina mà Theo đã làm quen vào ngày đầu tiên tới trường ở Las Vegas. Boris là một sự sáng tạo không thể bỏ qua của nữ nhà văn Donna Tartt. Hắn là một tên trộm, kẻ nát rượu, nghiện ma tuý và cũng là người đã kéo Theo tuột dốc vào thế giới của sự sa đoạ.

Tartt không xây dựng nhân vật Theo là người mang cảm xúc rối bời sau cái chết của mẹ. Bà thực sự chiếm được trái tim độc giả khi miêu tả Theo là một cậu bé chất chứa trong bản thân những nỗi đau sâu sắc sau ký ức mất mẹ quá đau thương ấy. Một lần nữa, ta không nên cho rằng, tình bạn giữa Theo và Boris hoàn toàn là một sai lầm. Tình cảm giữa những cậu con trai thường đơn giản nhưng đôi khi cũng rất phức tạp. Và khi Boris lại bước vào cuộc đời của Theo, không ai hy vọng họ là những người bạn của nhau mà e ngại điều trái ngược sẽ diễn ra.

Trải qua năm tháng sóng gió, lầm lỗi, sa ngã, cuối cùng, cậu bé Theo đã tìm lại Hobie. Không chỉ giang rộng vòng tay đón cậu như mừng đứa con hoang đàng trở về, ông còn cho cậu học nghề, phụ việc buôn bán đồ cổ và trở thành cộng sự đắc lực bên cạnh Hobie. Tuy vậy, Theo vẫn luôn ôm ấp tình cảm đơn phương và vô vọng với Pippa. Phải nói rằng, chủ đề yêu đương trong nghịch cảnh đã tạo ra một tuyến truyện day dứt, khắc khoải đầy lôi cuốn, tựa như “sợi dây xích” trong hình ảnh “Con sẻ vàng” trong bức hoạ định mệnh.

Ngay lần đầu ra mắt vào năm 2013, cuốn tiểu thuyết “Con sẻ vàng” đã tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường văn học Mỹ và lọt vào danh sách best-seller của tờ Thời báo New York suốt 39 tuần liên tiếp, đồng thời đưa Donna Tartt có mặt trong số “100 nhân vật có ảnh hưởng nhất” của tạp chí Time vào năm 2014. Stephen King đã ca ngợi rằng: “Con sẻ vàng là cuốn sách hiếm có trong suốt hàng thập kỷ qua, một cuốn tiểu thuyết thông minh, phi thường…”. Năm 2014, tác phẩm văn học xuất sắc này đã được trao tặng giải thưởng Pulitzer trong lĩnh vực văn học vì đã "khơi dậy sự hào hứng trong tâm trí và làm xúc động đến tận tâm can người đọc”.

Minh Phương

Tags: