Tôi từng đặt ra một mục tiêu là hễ đi đến thành phố nào là phải mua một cặp kính râm mới ở đó. Suốt mấy năm liền, sắm một cặp kính râm mới là mối quan tâm chính trong hầu hết các chuyến đi của tôi. Tôi không tự hào về mục tiêu vô nghĩa đó, nhưng tôi chia sẻ chuyện này để bạn thấy tôi đã trải qua một chặng đường dài, từ lúc phải sống mà giả vờ là một con người khác cho đến khi nhớ ra mình là ai và có được một cuộc sống giản đơn, sâu lắng.
Nhắc đến chuyện đồ đạc, thói xấu của tôi không phải chỉ có mỗi việc sưu tầm kính râm. Tôi có hàng loạt bộ sưu tập ví, mỹ phẩm, khăn choàng, áo khoác; nhưng dù có nhiều chừng ấy, tôi chưa bao giờ thấy đủ. Càng có nhiều, tôi lại càng muốn mua thêm. Tôi từng lừa bản thân rằng món đồ mình mua thêm đó sẽ hoàn thiện hoặc nâng tầm cho bộ sưu tập hiện có của mình ở một phương diện nào đó. Dĩ nhiên, làm gì có chuyện như vậy.
Nếu bạn muốn sống với ít đồ đạc hơn thì việc tinh giản đồ đạc chỉ mới là một nửa cuộc chiến. Phần còn lại tùy thuộc vào những món đồ bạn mua về. Và với những người có thói quen mua sắm như chúng ta thì phần này thường khó khăn hơn. Tôi phải ngừng mua sắm một thời gian mới thật sự hiểu được việc đó hủy hoại cuộc sống của mình đến mức nào. Trong một thời gian rất dài, tôi cứ nghĩ mình xứng đáng với những thứ đẹp đẽ, mới mẻ, với bất cứ thứ gì mình muốn. Sự thật là tôi xứng đáng được nhiều hơn là chỉ sở hữu đồ đạc.
Khi có một tủ đầy ắp quần áo, tôi chưa bao giờ thấy biết ơn sâu sắc như khi nhìn vào bộ tuyển tập nho nhỏ gồm những thứ mình thích như bây giờ. Tôi cũng cảm thấy như vậy khi xem lại những phần khác trong ngôi nhà của mình. Khi “có đủ hết”, tôi lại muốn nhiều hơn. Giờ đây, khi sở hữu ít đi, tôi thấy biết ơn nhiều hơn vì những thứ tôi sở hữu góp phần tạo ra cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh hơn cho tôi thay vì khiến tôi phải xa rời cuộc sống đó.
Tôi không cần nhiều như tôi vẫn tưởng để có được một cuộc sống hạnh phúc. Không ngừng khao khát sở hữu thêm nhiều thứ đã gây ra sự thất vọng, việc chi tiêu quá đà và cảm giác bất mãn. Có lẽ bạn nghĩ mình phải có những thứ nhất định nào đó trong đời thì mới là thành công hoặc hạnh phúc, nhưng tôi đề nghị bạn hãy tiếp tục chất vấn bản thân về việc này.
Hãy nghiền ngẫm xem bạn muốn từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây của mình trôi qua như thế nào. Mua thêm vài món đồ từ khu bán quần áo ở cửa hàng Target trong những chuyến mua sắm cuối tuần đã ảnh hưởng đến cách tôi sử dụng thời gian của mình, điều này nghe rất khó tin, nhưng nếu tôi cho hết những món đồ đó vào giỏ hàng, cộng thêm những món đồ “lặt vặt” khác thì đúng là có ảnh hưởng đấy.
Thật sự là vậy. Tất cả đều có ảnh hưởng. Giờ đây, tôi chọn yêu thương thay vì đồ đạc. Những người tôi yêu, công việc tôi yêu và cuộc sống tôi yêu. Khi mới bắt đầu việc bỏ bớt đồ đạc và giải phóng không gian, tôi không hề biết hành trình này có liên hệ thế nào với tình yêu. Phần bốn của quyển sách sẽ nói về tình yêu thương, và giá như tôi biết được con đường đó ngay từ đầu thì việc buông bỏ sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Tập trung dọn dẹp đồ đạc riêng của mình
Nếu bạn đã sẵn sàng bỏ bớt đồ đạc nhưng vợ hoặc chồng hoặc những thành viên khác trong gia đình bạn lại chưa thì có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu. Việc hiệu quả nhất bạn có thể làm là tập trung vào đồ đạc riêng của mình. Hãy nhẹ nhàng trò chuyện với những người sống cùng bạn về những món đồ thuộc sở hữu chung, nhưng đừng lo lắng về tủ quần áo của chồng hay góc sinh hoạt bừa bộn của người bạn cùng phòng.
Khi bạn nóng lòng muốn “người khác phải thuận theo”, hãy nhớ lại lần gần nhất có người cố thuyết phục bạn thay đổi một chuyện bạn chưa sẵn sàng. Vào lúc ấy, bạn thấy háo hức hay là giận dữ? Bạn thấy có động lực hay bị áp lực? Hãy để những người hiện diện trong cuộc đời bạn tự tìm lối đi riêng của họ, giống như bạn vậy. Nếu bạn muốn người khác hiểu được niềm vui của việc sở hữu ít đi, hãy sống thật vui vẻ khi có ít đi.
Tôi đã buông bỏ ra sao
Tôi từng dọn dẹp và bỏ bớt đồ đạc hai lần một năm, một lần để đón năm mới và lần khác là vào mùa xuân. Tôi làm vậy để “nhà cửa trở nên ngăn nắp” và “có một khởi đầu tươi mới” nhưng thật ra chỉ để có thêm chỗ trống chứa đồ đạc mới thôi. Tôi biết vậy là do năm nào chu kỳ tạo khởi đầu mới và trở nên ngăn nắp của mình cũng phải lặp lại ít nhất hai lần. Cuối cùng, khi quyết định phải luôn tinh giản đồ đạc, phương pháp của tôi không thay đổi nhiều, nhưng mục đích của tôi thì có.
Lần này, tôi sẽ vứt bỏ đồ đạc để tạo khoảng trống cho những điều quan trọng hơn việc sở hữu thêm nhiều đồ đạc. Lần này, cứ mỗi món đồ được bỏ đi là tôi buông bỏ được một phần căng thẳng và có thêm khoảng trống để tìm hiểu xem mình thật sự quan tâm đến điều gì, muốn lấp đầy không gian trống như thế nào và sử dụng thời gian ra sao. Trong đầu tôi không có mục tiêu cụ thể là tôi muốn loại bỏ bao nhiêu đồ đạc, nhưng kế hoạch của tôi là cứ loại bỏ đồ đạc cho đến khi nào chỉ còn lại những thứ mình dùng hoặc mình thích mà thôi.
Vậy tức là phải bỏ đi những thứ “biết đâu”, những món “mình đã chi trả quá nhiều cho nó”, những thứ “của một người yêu quý mình tặng cho” và cả những món đồ chứa đựng nhiều tình cảm, những món đồ tôi đã cất giữ từ khi đủ lớn để biết cất giữ đồ. “Công cuộc tinh giản đồ đạc mãi mãi” của tôi khởi đầu từ việc dạo sơ một vòng quanh nhà với một chiếc hộp trong tay. Tôi cho vào trong chiếc hộp đó toàn bộ những thứ ngày thường mình gần như không để ý đến, không dùng đến hoặc không coi trọng, chẳng hạn như lọ hoa, khung ảnh trống, quần áo mặc không vừa và mấy bộ cốc đo lường cùng với đồ thủy tinh giống nhau. Rồi tôi chờ đợi.
Tôi chờ xem mình có luyến tiếc món đồ nào trong đó và không gian sống của mình có gì khác biệt không. Thật sự là có. Tôi không thể nói cụ thể cái gì đã biến mất, nhưng có thể nhận ra những thứ bắt đầu hiện diện: không gian trống và ánh sáng. Ánh sáng tràn ngập. Điều đó khích lệ tôi dạo thêm vòng nữa, rồi vòng nữa và vòng nữa.
Càng bỏ đi nhiều thứ mình không luyến tiếc thì những thứ khác dường như càng ít quan trọng hơn. Việc bỏ đi đồ đạc ngày một dễ dàng hơn. Rồi khi đụng đến những thứ tôi nghĩ mình có quan tâm thì việc này lại trở nên khó khăn. Đó là những thứ như sách, trang sức, tạp chí và các món đồ có giá trị khác. Thế là tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc này. Tôi để cho không gian và viễn cảnh mới của tôi thuyết phục trái tim mình.
Bắt đầu lại từ con số không
Một khi bắt đầu dọn dẹp và bỏ bớt đồ đạc, có khi bạn sẽ thấy sự bừa bộn cố mon men quay lại, hoặc có khi nó đã lẻn vào rồi thì bạn mới nhận ra. Dù thế nào đi nữa, việc hình thành thói quen ngăn sự bừa bộn trở lại vẫn hữu ích. Tác giả Colin Wright đề nghị ta hãy bắt đầu lại từ con số không vào mỗi tuần.
Anh mô tả thói quen của mình như sau:
“Tôi thích làm lại từ đầu ít nhất mỗi tuần một lần.
Tôi rửa bát đĩa, lau khô đĩa và dao nĩa, từng món một, cho đến khi có thể cất vào ngăn tủ riêng dành cho dụng cụ nhà bếp. Việc giặt giũ đã xong - quần áo được giặt và sấy, hoặc đem phơi, nếu như máy sấy quần áo không phổ biến tại quốc gia tôi đang sống. Món đồ bị vứt bừa trên sàn nhà thì được nhặt lên và để lại đúng chỗ, rồi tôi hút bụi hoặc lau sàn.
Mọi không gian trong nhà đều được dọn dẹp ngăn nắp, rác được mang đi đổ; toàn bộ ngôi nhà của tôi được thiết lập lại trạng thái nghỉ ngơi. Hộp thư đến của tôi trống không, mọi e-mail đều đã bị xóa hoặc được xử lý và lưu lại. Danh sách những việc cần làm không có việc gì cấp thiết; tôi đảm bảo mình phải bắt tay vào những việc cần kíp từ đêm hôm trước và hoàn thành nốt phần còn lại vào sáng hôm sau.
Cuộc sống - và môi trường sống - của tôi trở thành một khối đất sét loại tốt và dễ nhào nặn. Ở một mặt nào đó thì khối đất sét này tẻ nhạt vì tạm thời nó chẳng có hình thù gì khi thiếu đi sự thừa thãi, bừa bộn hay trách nhiệm. Nhưng cũng thú vị, vì nó có tiềm năng vô hạn. Tôi có thể định hình lại cuộc sống của mình mà không quá tốn công. Tôi càng không cần mất nhiều công sức để ngồi quan sát cuộc sống của mình, mọi thứ đều trở nên rõ nét.
Điều này giúp tôi có ý tưởng rõ ràng về cách tốt nhất để gia công khối đất sét này. Tôi phát hiện việc cho bản thân khởi động lại cũng giúp thu dọn sự bừa bộn trong nội tâm, để cẩn thận đánh giá lại và tìm hiểu xem tiếp theo phải đi đâu, phải tập trung vào dự án gì, hoặc đọc quyển sách nào, với tâm trạng thoải mái khi biết là mọi thứ đều đã đâu vào đấy, dù chỉ trong chốc lát.”
Việc làm lại từ đầu giống như phiên bản dùng một lần của lối sống tối giản. Người theo lối sống tối giản sẽ quy cuộc sống của mình về những điều quan trọng bằng cách tránh sự thừa thãi và hướng đến những gì quan trọng nhất với mình. Làm lại từ đầu cho phép bạn làm điều tương tự ở mức độ khác trong một khoảng thời gian nhất định. Để làm lại từ đầu, bạn không cần phải loại bỏ hết những thứ không đem lại giá trị gì cho mình, nhưng nếu muốn, bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể trải nghiệm cuộc sống khi không còn những thứ đó.
Thậm chí nếu một ngày nào đó bạn có một bước nhảy vọt về lối sống tối giản thì càng tốt, việc làm lại từ đầu có thể trở nên có giá trị và dễ áp dụng hơn. Khi chỉ còn sở hữu những món đồ thiết yếu và có một khoảng không gian hợp lý dành cho bản thân, cho những nhu cầu của mình, bạn sẽ thấy mình chỉ mất mười đến mười lăm phút cho việc bắt đầu lại từ con số không. Điều này đem đến cho bạn một phương pháp dễ dàng và nhanh chóng để thanh lọc bộ nhớ và bắt đầu lại từ con số không.
Cũng giống như lối sống tối giản, việc bắt đầu lại từ đầu không buộc chúng ta phải rũ bỏ tất cả; bạn có nhiều thứ khi dọn dẹp nhà cửa và rửa bát đĩa. Về cơ bản, việc bắt đầu lại từ đầu là để thấy bạn có thể suy nghĩ sáng suốt như thế nào khi những phiền nhiễu vặt vãnh trong ngày đã được vô hiệu hóa. Quá trình này hướng đến việc tập trung vào bản thân, dành thời gian và tâm trí để đào sâu tìm hiểu mình là ai, mình muốn gì và đang đi hướng nào. Bắt đầu lại từ đầu còn là để sống hạnh phúc và mãn nguyện hơn, và bạn đạt được cả hai mục tiêu này bằng cách cho bản thân cơ hội để nhanh chóng thay đổi phương hướng mà không phải chịu nhiều hậu quả tiêu cực, trong trường hợp có một sự thay đổi phương hướng như thế.
Vạn sự khởi đầu nan. May thay, việc bắt đầu lại từ con số không chỉ đòi hỏi bạn phải rửa bát đĩa mà thôi.
Đây có phải tình yêu thương không?
Khi nghĩ đến việc bỏ tiền ra mua một món đồ mới mà mình không thật sự cần đến, hoặc cố quyết định xem mình nên giữ lại hay bỏ đi thứ gì đó (đồ vật, trách nhiệm, dự án công việc…), tôi luôn đặt ra một câu hỏi đơn giản (nhưng rất quan trọng) thế này: Đây có phải là yêu thương hay không? Thứ này có nâng đỡ cho yêu thương trong cuộc sống theo cách tôi muốn không? Nếu câu trả lời là không, tôi sẽ nhẹ nhàng bỏ qua nó.
Nếu là có, tôi sẽ đợi thêm vài ngày hay vài tuần nữa để hỏi thêm lần nữa.Trong phần lớn trường hợp, câu trả lời “có” của tôi lúc đầu sẽ chuyển thành “không”, và tôi nhận ra những gì mình khao khát ở thời điểm ấy không xuất phát từ yêu thương. Bạn hãy tự thử xem. Đọc to những câu hỏi sau đây sẽ rất hữu ích. Hãy đặt tay lên tim và hỏi:
“Thứ này có thật sự quan trọng với mình không?”
“Đây có phải là yêu thương không?”
“Thứ này có đóng góp gì cho cuộc sống mà mình ao ước, cho sức khỏe hay cách đối nhân xử thế mình mong muốn không?”
“Lý do mình giữ thứ này có hợp lý không?”
Cuối phần này, ta sẽ ôn lại các câu hỏi trên. Hãy hỏi về đồ đạc, cảm xúc, công việc của bạn, về một cơn bực tức nào đó, về mọi thứ. Hãy đặt tay lên tim và hỏi. Trái tim bạn rất thông thái, và nó sẽ giúp bạn tạo ra không gian trống cho những điều quan trọng nhất.
Trạm Đọc trích đăng | Nguồn ảnh: Sưu tầm