Chuyến Đi Bão Táp: Câu chuyện chưa kể về hành trình thống trị thế giới của Uber
Chuyến Đi Bão Táp: Câu chuyện chưa kể về hành trình thống trị thế giới của Uber
1 Startup huyền thoại trong bình minh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Một buổi chiều muộn giữa tháng Bảy năm 2016, tôi đến trụ sở Uber ở San Francisco để tham dự một buổi phỏng vấn hứa hẹn sẽ kéo dài với Travis Kalanick. Tôi hơi bất ngờ khi chỉ thấy một vài người xuất hiện trong văn phòng vì những nhân viên của Uber có xu hướng làm việc nhiều giờ. Giờ đang là giữa mùa hè, có lẽ những nhân viên trẻ đã ra ngoài để tận hưởng thời gian riêng của mình. Nhưng cũng có thể họ đã mềm nhũn, mệt mỏi vì năm năm lao động với cường độ cao.

Bản thân Kalanick đã thiết lập nhịp độ đó. Chỉ còn vài ngày nữa là đến sinh nhật bốn mươi tuổi, Kalanick vẫn giữ nguyên phong độ đầy sinh lực của một doanh nhân trẻ. Qua nhiều năm, ông chỉ hẹn hò với một người bạn gái nhưng vẫn kiên quyết chưa kết hôn. Rất nhiều người bạn mô tả Kalanick là người hiếm khi ra ngoài khi không làm việc và dành rất nhiều thời gian cho Uber so với bất kỳ mối quan hệ nào khác.

Ông đến bàn làm việc của mình nơi tôi đang đợi, chỉ trễ vài phút so với thời gian đã hẹn. Ông ngồi ở một góc riêng trong phòng, vài bộ quần áo treo bên cạnh chiếc bảng tiến độ xây dựng trụ sở mới của Uber ở khu Mission Bay, đối diện nơi đội bóng rổ Golden State Warriors đang xây dựng một sân vận động mới. Trụ sở này sẽ được khai trương vào năm 2019. Nhưng nơi Kalanick ngồi chỉ là một chiếc bàn trong góc ở tầng bốn trụ sở công ty, không có gì xa xỉ hay sang trọng cả.

Sau một năm nghiên cứu về Kalanick, về những công ty cũ của ông và Uber, tôi biết đủ nhiều để hành xử linh hoạt: Kalanick thích xử sự thoải mái để ít ảnh hưởng đến bầu không khí tự nhiên. Chúng tôi chưa thảo luận trước về nội dung phỏng vấn ngoại trừ việc tiếp tục nói về sự nghiệp của ông, chủ đề mà chúng tôi đã bắt đầu một tháng trước khi đến Trung Quốc. Ông nói có vài thứ muốn cho tôi xem trước khi bắt đầu nói chuyện nếu tôi sẵn sàng chấp nhận một đề xuất bất thường.

“Nghe này, anh có hai lựa chọn,” Kalanick nói sau khi chào tôi. “Chúng ta có thể đi vào căn phòng kia,” ông chỉ vào một phòng họp gần đó, một trong rất nhiều phòng họp ở Uber được sử dụng cho những cuộc họp cá nhân, “và tôi sẽ liên tục đi qua đi lại suốt thời gian trò chuyện. Hay chúng ta có thể cùng nhau đi dạo.”

Tôi hiểu nên để Travis là chính mình thay vì cố gắng moi thông tin từ một đối tượng bị gượng ép, tôi chọn đi dạo.

Câu chuyện về Uber không chỉ có Travis Kalanick, nhưng ông là nhân vật chính của câu chuyện. Thực tế, ban đầu Uber không phải ý tưởng của Kalanick. Kalanick chỉ tham gia Uber bán thời gian trong năm đầu tiên công ty tồn tại, thời điểm ông đang lấy lại cân bằng từ lần khởi nghiệp trước và mở rộng cửa cho các cơ hội khởi nghiệp tiếp theo. Dù vậy, Kalanick được biết đến với vai trò nhà sáng lập Uber, và ông là người đã đưa ra những ý kiến quan trọng để biến một ý tưởng từ thú vị trở thành đột phá. Ông là nắm đấm thép của Uber, là CEO đại diện duy nhất kể từ ngày đầu tiên Uber được chú ý rộng rãi và bắt đầu mở rộng kinh doanh ra khỏi San Francisco. Kết quả là, Kalanick trở thành biểu tượng của Uber cũng giống như Steve Jobs của Apple, Bill Gates của Microsoft và Mark Zuckerberg của Facebook vậy.

Steve Jobs cũng vậy. Sáu tháng trước khi qua đời, Jobs ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi trong phòng khách của công ty ở Palo Alto và tự hào cho tôi xem một cuốn sách với những bản vẽ kiến trúc khu làm việc mới của Apple mà ông không thể sống để chứng kiến ngày hoàn thành. Những tháng sau đó, Jobs tự mình làm việc với một chuyên gia trồng cây để chọn ra những cây mơ cho dự án.


“Anh biết một thành phố được xây dựng từ đầu thì sẽ như thế nào rồi chứ?” Kalanick hỏi. “Đâu đâu cũng hàng lối chỉnh tề. Chúng tôi cũng giống như một thành phố được xây dựng. Vì thế sẽ có hàng lối chỉnh tề. Chúng tôi có năm cột trụ thương hiệu: tiếp đất, dân túy, truyền cảm hứng, phát triển cao, và tao nhã. Đó là tính cách thương hiệu của Uber.”

Chúng tôi đang đứng gần bàn làm việc của ông nhìn ra trung tâm đầu não các văn phòng của Uber, vốn là những dãy bàn nối đuôi nhau mà bất cứ khách tham quan nào cũng sẽ thấy sau khi đi qua cổng an ninh và tiến vào nơi những nhân viên kiểm soát hoạt động toàn cầu của Uber làm việc. Khi Kalanick nhắc lại “những cột trụ” thương hiệu này – tiếp đất, dân túy, truyền cảm hứng, phát triển cao, và tao nhã – tôi gật đầu công nhận. Nhưng tôi chưa bao giờ hoàn toàn hiểu chúng nghĩa là gì. Tất cả đều khá ủy mị và mơ hồ, dù Kalanick có giải thích nghiêm túc thế nào đi nữa.

Với từ “tiếp đất”, ý của ông, một cách khái quát, là thực tế. Mà Uber thì thực tế đến tột cùng rồi: họ sử dụng công nghệ để di chuyển con người từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, khái niệm này lại mang một ý nghĩa mới khi được sử dụng bởi con trai của một kỹ sư công trình công cộng, từng say sưa với những cuốn sách khoa học viễn tưởng khi còn trẻ như rất nhiều kỹ sư tương lai khác. “Tiếp đất giống như là sắc điệu,” Kalanick nói. “Nó giống như những đường thẳng chức năng, tất cả mọi thứ. Mọi phòng họp đều được đặt tên theo các thành phố. Chúng được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Rất thực tế.”

Tôi đã đọc về việc ông rất sẵn lòng cống hiến những giờ làm việc thầm lặng cho những công việc vụn vặt. Tuy nhiên, bản thân tôi chưa từng chứng kiến Kalanick sẵn lòng đi sâu vào những chi tiết – cũng như để tâm đến những khía cạnh dường như thầm lặng và không quá quan trọng của một doanh nghiệp có những đòi hỏi khắt khe.

Để ví dụ cho bản chất “tao nhã” của Uber, Kalanick chỉ lên trần nhà hoàn toàn tiêu âm trong một phòng họp. Là người yêu thích sự tĩnh lặng đến kỳ quặc – “tôi không thích âm thanh. Tôi không thể làm việc tốt khi quá ồn ào” – ông tự hào giới thiệu về K-13, vật liệu xây dựng tòa nhà đã làm được điều đó. “Nó được thiết kế để nếu có tám trăm người xuất hiện ở đây, kỹ thuật tiêu âm vang sẽ khiến căn phòng được yên tĩnh. Vì thế, tôi có thể nói nhỏ,” ông hạ giọng xuống mức gần như thì thầm, “và anh vẫn có thể nghe thấy.”

Gần đó là một hành lang nằm giữa các bàn làm việc và một bức tường trong nhà. Kalanick bảo tôi nhìn xuống mặt sàn bê- tông khắc những họa tiết phức tạp với những đường giao nhau. “Đây là mạng lưới San Francisco được in chồng lên nhau nhiều lần. Tôi gọi nó là con đường.” Đây là nơi ông thường đi đi lại lại trong những giờ làm việc, thường là vừa đi vừa nói chuyện điện thoại. “Ban ngày, tôi sẽ ở đây,” ông nói. “Tôi đi bộ khoảng 80 km một tuần.”

Chuyến tham quan tiếp tục quanh tầng bốn. Kalanick cho tôi xem phòng họp “New York” nơi Uber đàm phán thương vụ gây quỹ 1,2 tỷ đô-la, chỉ trước khi công ty này chuyển đến văn phòng ở đường Market. “Thương vụ tỷ đô đầu tiên khiến mọi người như muốn nổ tung,” ông thốt lên đầy tự hào.

Chúng tôi đi thang máy đến tầng mười một, tầng làm việc được Kalanick thiết kế theo phong cách giản dị, một nơi phỏng theo môi trường làm việc của doanh nhân, với tường thạch cao và những chiếc bàn nhỏ hơn kích cỡ thông thường.

“Khi là một doanh nhân, ít nhất 90% doanh nhân không phải Mark Zuckerberg, bạn phải trải qua những giai đoạn khó khăn,” ông nói. “Do đó, tôi gọi nơi này là hang động, vì khi đi qua những giai đoạn khó khăn, bạn ở trong bóng tối, bạn thực sự ở nơi tối tăm. Đó là một phép ẩn dụ.” Tôi hỏi liệu những chiếc bàn nhỏ ở đây có theo phong cách của Jeff Bezos không. Bezos đã yêu cầu những chiếc bàn ở Amazon phải được đóng từ những cánh cửa, một việc thường thấy trong thời kỳ đầu của gã khổng lồ. Kalanick trả lời: “Không phải. Đây là phong cách của chính tôi. Như tôi đã trải nghiệm việc trở thành doanh nhân như thế nào.”

Tầng năm là khu vực các phòng họp đặt tên theo những cuốn sách khoa học viễn tưởng. Kalanick am hiểu về khoa học viễn tưởng theo cách một người hâm mộ Nội Chiến biết rõ về những trận đánh quan trọng. Một khu được đặt tên theo loạt tác phẩm Foundation của Isaac Asimov, một khu khác đặt tên theo tiểu thuyết Người về từ sao Hỏa, khu thứ ba đặt theo cuốn Trò chơi của Ender. Kalanick giải thích: “Đó là cuốn sách về một cậu bé được quân đội huấn luyện để chơi trò chơi điện tử, những trò chơi thực sự phức tạp. Nhưng cuối cùng cậu nhận ra trò chơi mình tham gia thực sự là một cuộc chiến.” Kalanick đặt tên theo chủ đề khoa học viễn tưởng thể hiện ý nghĩ hướng về tương lai. Uber là một công ty ám ảnh về tương lai. Khu trung tâm như thể mô phỏng theo một quảng trường Ý. Các hành lang dẫn đến khu vực này được thiết kế rất rối rắm. Trong thế giới quan của Kalanick, bất định hướng là tốt. “Do đó, nếu anh là người ở đây, anh sẽ biết rõ mọi nơi,” ông nói. Đây là lối giải thích theo chủ nghĩa dân túy của Kalanick. “Nếu là khách, anh sẽ đi lạc. Do đó, ta có thể phân biệt ai là người ở đây và ai là khách.”

Chân dung CEO Travis Kalanick  (Jeffery Salter — Redux Pictures)

Khi rời khỏi tòa nhà, chúng tôi đi ngang qua bàn làm việc của Kalanick đến cửa ra bí mật và cầu thang dẫn thẳng xuống góc phố gần lối vào văn phòng Uber. Theo kế hoạch của Kalanick, chúng tôi sẽ đi dọc xuống đường Market, con đường lớn cắt ngang qua khu trung tâm San Francisco rồi đến khu Embarcadero dọc bờ sông. Từ đó, chúng tôi tiếp tục đi qua Bến Ngư Phủ đông đúc du khách và hướng đến Cầu Cổng Vàng. Bóng nắng hoàng hôn vẫn rực rỡ, nhưng nhiệt độ đang dần hạ xuống.

Là một người Los Angeles đặc trưng, Kalanick không thể chịu nổi thời tiết này. “Đây là điều khó chịu nhất với một người Los Angeles,” ông nói. “Đó là lý do đôi khi tôi nghỉ cuối tuần ở L.A., chỉ để được ở gần biển.”

Kalanick đang trong trạng thái hồi tưởng, và khi chúng tôi dạo bước trên đường, ông nói đủ thứ chuyện. Ví dụ, tôi nhận xét gần đây rất ít khi nghe nói đến Square, công ty thanh toán trực tuyến đặt văn phòng cùng tòa nhà với Uber, được quản lý bởi người sáng lập Twitter là Jack Dorsey. Dù Uber là công ty cổ phần nội bộ và Square đã niêm yết đại chúng, nhưng Square rõ ràng khiêm tốn hơn. Kalanick đăm chiêu: “Chúng tôi không thực sự xa xỉ như vậy.” Chúng tôi bắt đầu nói về quá khứ kinh doanh của Kalanick, bao gồm chuyến hành trình gây quỹ đầy vô vọng ở Red Swoosh. Khi chúng tôi đi đọc đường Market đôi khi vắng vẻ nhưng phần lớn thời gian luôn nhộn nhịp, Kalanick nói về văn phòng cũ của Red Swoosh và một quán ăn tối nơi đội kỹ thuật nhỏ bé của ông thường gặp gỡ. Một chiếc xe cứu hỏa hú còi lướt qua. Kalanick vẫn tiếp tục câu chuyện.

Khi chúng tôi đến Embarcadero, con đường chạy dọc bờ sông nằm giữa Cầu Bay và Cầu Cổng Vàng, trời đã bắt đầu nhá nhem. Trong hành trình kể chuyện của chúng tôi, Kalanick đang nhắc đến những ngày đầu của Uber và mô tả về những vòng gây quỹ nhỏ mà công ty này đã trải qua. Tôi hỏi liệu có ai nhận ra ông không. Ông nói chuyện đó ít khả năng xảy ra nếu chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện ở ngoài đường. Chúng tôi thảo luận rất chi tiết về cách Kalanick giám sát hoạt động gây quỹ sau đó của Uber, bao gồm những vòng gây quỹ đưa công ty lên mức định giá thị trường tư nhân gần 70 tỷ đô-la.

Khi đi hết con đường qua Bến Ngư Phủ, để né tránh những du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi vào một cửa hàng In-N-Out Burger thuộc chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh béo ngậy từ Nam California và là cửa hàng yêu thích của Kalanick. Cho đến giờ, chúng tôi đã thảo luận về xe tự hành và Kalanick nói rằng có những bước tiến quan trọng sắp tới mà ông chưa thể tiết lộ. Ông nói rằng chuyến đi bộ dài 8 km này, bao gồm việc ghé qua cửa hàng In-N-Out Burger, trở thành thói quen thường xuyên vào các buổi tối mùa hè và ông thường đi với một người mà ông không tiết lộ. Sau đó, tôi biết đối tác đi dạo của ông là Anthony Levandowski, cựu kỹ sư xe tự hành của Google đồng thời sáng lập công ty xe tải tự hành Otto. Uber sẽ mua Otto chỉ vài tuần sau chuyến đi dạo của chúng tôi, và Kalanick nói ông tận dụng khoảng thời gian với Levandowski để thấu hiểu công nghệ và tầm nhìn kinh doanh dành cho những chiếc xe tự hành.

Đã dành quá nhiều thời gian thảo luận về những năm tháng theo đuổi kinh doanh của Kalanick, tôi muốn biết góc nhìn của ông về một Uber đã trở nên to lớn và uy tín hơn. Câu trả lời cho thấy ông không ngần ngại suy nghĩ về Uber theo cách đó. Giờ ông không thể biết tất cả mọi người ở công ty nữa, nhưng vẫn thực hiện những cuộc phỏng vấn kéo dài hàng giờ đồng hồ với những ứng viên quan trọng, việc ông đã làm khi công ty ở quy mô nhỏ hơn. Kalanick giải thích ông thích mô phỏng một tình huống giả định rằng ông đang làm việc với họ trước khi thực sự tuyển vào công ty. Tôi hỏi liệu ông có thích điều hành một công ty lớn không. “Cách tôi làm không mang lại cảm giác to lớn,” Kalanick nói bằng phép chuyển ngữ yêu thích của mình: rằng ông đón nhận mỗi ngày như một chuỗi những vấn đề cần phải được giải quyết. Ông nghĩ về bản thân mình như một chuyên gia giải quyết vấn đề hơn là một CEO.

Sự to lớn rõ ràng rất đáng sợ, đặc biệt cho một doanh nhân chưa từng lèo lái một công ty lớn trước đây. “Anh sẽ không ngừng muốn công ty có cảm giác nhỏ bé,” ông nói. “Anh cần xây dựng những cơ chế và giá trị văn hóa để cảm thấy nhỏ bé nhất có thể. Đó là cách để bạn luôn đổi mới và nhanh nhẹn. Nhưng cách anh làm điều đó ở những quy mô khác nhau sẽ rất khác nhau. Khi ở quy mô cực kỳ nhỏ, bạn sẽ tiến rất nhanh nhờ kiến thức thô sơ. Nhưng nếu áp dụng cách làm này ở quy mô lớn, mọi thứ sẽ rất hỗn độn và bạn thực sự đi rất chậm. Do đó, bạn phải liên tục tìm kiếm ranh giới giữa trật tự và hỗn độn.”

Tôi hỏi liệu ông có suy nghĩ về biến chuyển mà tất cả những công ty đang trưởng thành đều phải trải qua, khi công ty bắt đầu xuất hiện các nhân tố mới chứ không chỉ bao gồm những người trẻ tuổi, độc thân không phải bận tâm điều gì ngoài công việc. “Tôi gọi đó là vạch đỏ,” ông nói. “Anh có thể lái xe thật nhanh, nhưng luôn tồn tại một vạch đỏ. Và mọi người đều có vạch đỏ riêng của mình. Anh có thể chạm vào vạch đỏ đó để kiểm tra năng suất của cỗ máy. Anh có thể thấy mình thực sự đang sở hữu nhiều thứ hơn kỳ vọng. Nhưng anh không thể giẫm lên vạch đỏ quá lâu. Và mỗi người đều có vạch đỏ của riêng mình.” Ông chỉ ra rằng có nhiều “đứa trẻ Uber” và các phụ huynh có xu hướng làm việc hiệu quả hơn so với những người không có con cái và ít bị ràng buộc thời gian hơn. Dù vậy, có những giới hạn trong tham vọng của Kalanick nhằm mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên. “Nếu ai có năng suất cao hơn, họ sẽ đi lên nhanh hơn. Chỉ là vậy, không có cách nào khác.”

Sau hơn ba giờ đi bộ, trời đã trở lạnh và tối. Tôi bỗng nhớ ra trong khi chúng tôi trò chuyện, Donald Trump đang tham dự lễ bổ nhiệm tại Đại hội Đảng Cộng hòa ở Cleveland. Khi Kalanick và tôi thảo luận về quá khứ, hiện tại và tương lai của Uber, Trump đang nói với các khán giả toàn quốc rằng “chỉ mình tôi có thể sửa chữa hệ thống này”. Cả nước Mỹ có thể đang dán mắt vào màn hình tivi tối đó, nhưng chính trị không xuất hiện trong cuộc nói chuyện của chúng tôi.

Ở một nơi gần khu Marina Green, một dải đất dài bên cạnh sân bay đầu tiên của San Francisco được xây dựng năm 1920, cuộc trò chuyện chuyển sang khía cạnh cá nhân. Chúng tôi thảo luận về cách thế giới nhìn nhận về Kalanick và Uber. Tại một trong những cuộc gặp gỡ ban đầu, chúng tôi thảo luận về cuốn sách này, dù chưa hỏi, Kalanick đã nhắc đến bức thư điện tử mà ông đã viết cho tôi hai năm trước, đe dọa sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn cho tôi nếu tôi quyết định viết cuốn sách thiếu sự hợp tác của ông. Giờ đây, chúng tôi chuyển sang chuyện Uber đi từ hình ảnh được công chúng yêu mến sang một công ty nhiều điều tiếng. Kalanick gần như là kẻ đồng lõa trong quá trình biến đổi này, ông thường thêm dầu vào lửa bằng cách tự mình đóng vai kẻ xấu. Kalanick nhắc đến việc này như “những khoảnh khắc ngạo mạn khi tôi nói điều gì đó mang tính khiêu khích”, tương tự bức thư điện tử ông gửi cho tôi hay việc nhắc đến tài xế taxi và những gã khốn trong cùng một câu. Tôi hỏi liệu ông có quan tâm đến việc mọi người nghĩ gì không. “Đúng vậy, điều đó không tốt cho Uber, không tốt cho tôi, không tốt cho những người tôi nhắc đến. Điều đó thật tệ với tất cả mọi người.”

Kalanick không có khả năng giấu giếm thái độ phòng vệ hay sự khó chịu của bản thân. Ông gọi những khoảnh khắc bị mọi người oán giận là “đi tìm sự thật tàn khốc”. Ai đó sẵn sàng nói ra chính xác những điều mình nghĩ sẽ bị đánh giá khắc nghiệt. Ông không đơn độc. Chúng ta cũng thấy được nét tính cách đó ở Steve Jobs, Jeff Bezos, và một người cùng thời Kalanick là Elon Musk. Kalanick biết điều này khi nói về “câu chuyện các CEO- nhà sáng lập phải trở thành những gã khốn để thành công.” Ông từ chối quan điểm này, nhưng rõ ràng cũng bị ám ảnh bởi nó. “Tôi nghĩ sẽ tồn tại một câu hỏi,” ông nói khi chuyển từ chủ đề chung sang bản thân mình. “Liệu anh ta có phải một gã khốn không? Từ khi anh dành thời gian viết về tôi, rất nhiều người sẽ hỏi liệu Kalanick có phải một gã khốn không?”

Là một kỹ sư, Kalanick muốn tin rằng luôn có một đáp án chính xác cho mọi câu hỏi. Tôi nói rằng những đáp án luôn nằm trong phạm vi ý kiến chủ quan chứ không phải chân lý. Ông phủ nhận suy nghĩ này. “Hiểu liệu điều gì đó có thực hay không ư, giống như việc tôi khiến mọi người liên hệ đến những điều mà tôi không hề làm ư? Hoặc tôi có phải một gã khốn không? Tôi muốn biết.” Kalanick tiếp tục: “Tôi không nghĩ tôi là một gã khốn. Tôi khá chắc chắn vậy.” Nhưng tôi muốn biết liệu ông có quan tâm mọi người nghĩ gì hay không. “Tôi đang nói, nếu anh là một người tìm kiếm sự thật, anh chỉ muốn sự thật. Và nếu tin rằng điều gì đó không phải sự thật, thì anh sẽ muốn tiếp tục tìm kiếm. Đó là tính cách của tôi.”

Tags: