Chúng ta có thể vượt qua sự xa lánh bằng cách trở nên quyết đoán hơn không?
Chúng ta có thể vượt qua sự xa lánh bằng cách trở nên quyết đoán hơn không?
“Tôi là sinh viên đại học và tôi khá thích chơi bóng chuyền với người khác. Tôi là người mới bắt đầu nên luôn cảm thấy xa lánh khi chơi với họ. Bóng chỉ được chuyền qua lại giữa 4 hoặc 5 người trên sân, và phần còn lại chỉ đứng đó, khiến tôi quay trở về phòng với cảm giác tự ti. Vậy tôi có nên tiếp tục chơi với họ hay nên tránh xa một nơi khiến tôi cảm thấy như vậy?”
Khi tôi nhận được một câu hỏi, có thể có hai cách tiếp cận. Hoặc tôi phải suy nghĩ kỹ lưỡng về vấn đề đó: tìm kiếm một số cuốn sách, tìm một góc yên tĩnh trong nhà và suy ngẫm với tất cả sự tập trung như Descartes trước ngọn nến. Hoặc đôi khi, như với câu hỏi trên, một từ hoặc một ý tưởng nào đó chợt nảy ra trong đầu tôi. Nó nắm lấy và đòi hỏi sự chú ý của tôi, như một đứa trẻ tay dính đầy chocolate đang hướng đến ghế sofa.

Trong tuần này, đó là “sự xa lánh”. Đó là một từ thú vị để sử dụng. Nó là một cảm xúc phức tạp với một lịch sử triết học sâu sắc.Chúng ta đã có khái niệm về một cái gì đó như sự xa lánh trong một thời gian rất dài; nó thường gắn liền với việc bị xa lánh khỏi Chúa hoặc gia đình. Nhưng về mặt triết học, ý tưởng này thực sự được phát triển với Georg Hegel.

Câu hỏi của nhân vật trên cho thấy cậu cảm thấy bị xa lánh do bị loại trừ. Cậu bị bỏ rơi. Cậu muốn tham gia vào trò chơi bóng chuyền nhưng bị buộc phải làm khán giả. Tệ hơn, cậu không được phàn nàn bởi vì cậu vẫn được tham gia, cậu vẫn được phép chơi. Nhưng cậu vẫn cảm thấy bị loại trừ, điều này tạo ra một trạng thái tâm lý cô đơn và xa lánh. Các đồng đội của cậu có thể nói: “Cậu nói cái gì cơ, chúng tôi bỏ rơi cậu? Cậu đã ở trên sân cơ mà!”

Vì vậy, để giúp nhân vật trên, chúng ta sẽ xem xét hai lý thuyết về sự xa lánh: lý thuyết của triết gia Albert Camus và nhà tâm lý học Harry Stack Sullivan. Trong quá trình này, chúng ta sẽ phải đặt câu hỏi sâu hơn: Tại sao cậu cảm thấy bị xa lánh?

 

Camus: Những phương án thay thế có ý nghĩa

 

Khi Friedrich Nietzsche tuyên bố, “Chúa đã chết!” ông không hề khẳng định một chiến thắng anh hùng. Có thể nói, đó không phải là một tuyên bố mang tính đánh giá, mà là một nhận định: ông đang nói rằng Chúa không còn liên quan đến cuộc sống của con người theo cách mà Ngài đã từng trong hàng thiên niên kỷ. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một lỗ hổng lớn mà Chúa để lại. Chúng ta đang lang thang trong trạng thái chán nản bơ phờ, cố gắng hết sức để tìm kiếm thứ gì đó hoặc ai đó cho chúng ta mục đích một lần nữa.

Khi Camus viết bài tiểu luận triết học của mình "Thần thoại Sisyphus" và tiểu thuyết "Người xa lạ", ông đang tiếp nhận ngọn đuốc của Nietzsche.Camus lập luận rằng sự xa lánh là một điều tự nhiên đối với chúng ta bởi vì chúng ta là những sinh vật luôn tìm kiếm mục đích trong khi nhìn lên một vũ trụ mà không hề quan tâm. Về mặt trí tuệ, DNA, các lực cơ bản và độ lệch tâm quỹ đạo rất thú vị, nhưng chúng hầu như không nuôi dưỡng được tâm hồn. Những vụ va chạm nguyên tử và sự phân rã xảy ra với mục đích gì? Có ý nghĩa gì trong cuộc sống hữu cơ tạm thời của chúng ta không?

Và vì vậy, chúng ta tạo ra cộng đồng, tôn giáo và các tổ chức chính trị. Chúng ta tạo ra những sự lảng tránh. Vài trăm năm trước, Hegel lập luận rằng các cá nhân chỉ có thể nhận thức được bản thân mình, trở thành những con người phát triển toàn diện, nếu họ hợp nhất với nhau và với thế giới. Chúng ta cần phải là thành viên trong gia đình, người chơi trong nhóm, đồng nghiệp và công dân. Tuy nhiên, Camus cho rằng đây chỉ là những sự thay thế không đủ. Chúng chỉ có thể che giấu vấn đề trong một khoảng thời gian nhất định với mức độ nhất định. Cuối cùng, chúng ta trở về nhà. Chúng ta leo lên giường với những suy nghĩ và chính bản thân mình làm bạn đồng hành. Và sau đó, bóng tối của sự xa lánh và phi lý đang chờ để tấn công.

Vậy nên, hãy xem xét quan điểm của Camus theo một trong hai cách. Hoặc là chấp nhận sự phi lý của đội bóng chuyền ấy - tiếp tục chơi với họ và cố gắng hơn để hòa nhập vào đội.  Hoặc, bạn có thể đối diện với sự xa lánh của mình và cố gắng chấp nhận nó. Hãy xem đội bóng chuyền như một sự thay thế hoặc công cụ mà bạn muốn nó là. Nếu nó không hoàn thành mục đích của nó, hãy tìm điều gì khác để làm công việc đó.

 

Sullivan: Nguyên tắc "một giống loài"

 

Từ quan điểm triết học, Hegel cho rằng bản chất con người chỉ được thỏa mãn khi nó hình thành sự thống nhất với những bản chất con người khác. Giống như một tập thể không tưởng, chúng ta hạnh phúc nhất khi chúng ta là một tập thể; chúng ta trọn vẹn nhất khi chúng ta ở cùng nhau. Ở một khía cạnh nào đó, Sullivan đưa ra cho chúng ta một phiên bản phân tâm học của quan điểm này của Hegel.

Sullivan lập luận rằng hầu hết chúng ta đều có một cảm giác về "con người bình thường". Chúng ta biết thế nào là trở thành một con người, và một phần lớn của điều đó là sống trong gia đình, bộ lạc và xã hội.Khi chúng ta làm điều gì sai trái hoặc "tội lỗi", chúng ta cảm thấy như thể chúng ta đã thất bại với tư cách là một con người. Chúng ta cảm thấy không còn là con người. Sullivan lập luận rằng nhiều bệnh nhân có tình trạng tâm thần cảm thấy mình như những con người “thất bại” hoặc bằng cách nào đó là một loài tách biệt khỏi những người khác. 

Vì vậy, khi thất bại việc hòa nhập vào đội của mình, khi thất bại trong việc chơi bóng chuyền tốt, chàng trai trên không chỉ cảm thấy mình là một cầu thủ bóng chuyền tồi mà còn là một con người tồi. Cậu đã thất bại trong việc hòa nhập. Cậu đã thất bại trong việc tuân theo nguyên tắc "một giống loài".

Cảm giác về bản thân, hay “khái niệm bản thân” như Sullivan đã nói, là điều cần thiết cho sự hạnh phúc của chúng ta. Những người bị tổn thương hoặc nhầm lẫn về bản thân sẽ cực kỳ đau khổ. Nếu trải nghiệm của chàng trai chơi bóng chuyền đang làm xói mòn cảm giác về bản thân và tạo khoảng cách với cảm giác là một “con người tốt,” thì cậu ấy nên dừng lại.

 

Suy nghĩ quá mức về một trường hợp đơn giản

 

ôi thường cảm thấy khó chịu khi mọi người nói rằng tôi đang “suy nghĩ quá mức” về một vấn đề hoặc khi họ nói rằng “Nó đơn giản thôi”. Tôi cảm thấy hầu hết mọi thứ không bao giờ đơn giản, và suy nghĩ hiếm khi làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.Nhưng, trong trường hợp này, tôi nghe thấy những giọng nói chế nhạo. Đây có thực sự là về sự xa lánh? Đây có phải là về điều kiện của con người và những yếu tố tâm lý bí ẩn? Hay thực ra nó chỉ là về việc chàng trai chưa giỏi bóng chuyền?

Khi chúng ta học điều gì đó lần đầu tiên,sẽ không tránh khỏi giai đoạn bỡ ngỡ và vụng về. Chúng ta phải lúng túng và loay hoay cho đến khi tìm được chỗ đứng của mình. Chàng trai không phải là “bị xa lánh”, cậu chỉ đang xấu hổ. Cậu không trải qua nỗi đau khổ tồn tại; cậu chỉ khó chịu vì một kỹ năng chưa tiến bộ một cách nhanh chóng. 

Vì vậy, đây là điều tôi muốn nói: nếu sau một thời gian, và khi chàng trai chơi bóng chuyền giỏi hơn, cậu vẫn cảm thấy “bị xa lánh”, thì hãy dừng lại. Nó gây hại, theo Sullivan, và là một sự thay thế không đầy đủ, theo Camus. Nhưng trước tiên hãy tiếp tục và quay trở lại. Hãy cố gắng hơn một chút và lâu hơn một chút. Tôi đồ rằng điều gì đó sẽ thay đổi, và cảm giác của cậu sẽ thay đổi. Trong vài tuần tới, có thể cậu ấy sẽ gửi email lại cho tôi, nói rằng đội bóng chuyền thật tuyệt vời. Cậu thích bóng chuyền. Bóng chuyền là liều thuốc hoàn hảo cho mọi nỗi đau khổ và những căn bệnh tâm lý.

Theo Big Think

 

Tags: