Chúng ta che đậy những vết thương của mình như thế nào?
Chúng ta che đậy những vết thương của mình như thế nào?
Có một câu mà các nhà trị liệu trên thế giới rất thích hỏi, chúng tôi gọi đó là câu hỏi về sự kiềm chế. Thay vì hỏi tại sao bạn làm hay không làm việc gì đó, chúng tôi sẽ hỏi điều gì ngăn bạn làm hay không làm việc gì đó. Điều gì khiến bạn phải kiềm chế?
Phá Vỡ Khuôn Mẫu
(6 lượt)
Câu hỏi này cũng áp dụng cho việc gọi tên và khám phá vết thương của bạn: Điều gì ngăn cản bạn nhìn thấy vết thương của mình? Hóa ra, hầu hết chúng ta đều có một hoặc nhiều phương pháp đầy sáng tạo để ngăn bản thân nhìn thấy, phát hiện hoặc dành thời gian cho vết thương của mình. Đôi khi chúng ta làm những việc này một cách có chủ ý, và đôi khi không.

 

CHE GIẤU

 

Một trong những cách chúng ta hay sử dụng để giữ kín vết thương là che giấu, tôi vốn là một người rất giỏi làm điều này. Bạn có thể đã đoán được, vì tôi đã làm rất tốt khi còn bé - mẹ con tôi đã che giấu bản thân trong tủ quần áo, theo đúng nghĩa đen. Nhưng kỹ năng ấy lại ngày càng mạnh mẽ hơn trong tuổi niên thiếu và khi tôi bước vào tuổi đôi mươi. Tôi giấu hết mọi thứ dễ tổn thương. Khi bạn trai làm gì tôi không thích, tôi sẽ vờ tỏ ra là mình ổn. Khi bạn bè cố tình lợi dụng tôi, tôi sẽ bỏ qua như không có gì. Trong mọi tình huống, tôi luôn nói là tôi ổn trong khi thực tế không phải vậy.

Tôi giỏi che giấu đến độ bạn sẽ không bao giờ biết được tôi đã sợ hãi và bất an đến nhường nào. Che giấu sẽ rất hữu ích với việc thuyết phục thế giới bên ngoài về một điều gì đó rất khác với những gì đang xảy ra trong thế giới nội tâm của bạn. Nhưng khi che giấu cảm giác tổn thương đau đớn, sợ hãi hay bất an của mình, bạn chỉ đang sống trong thế giới một cách giả tạo. Một thân chủ của tôi tên là Aazam phải đương đầu với chứng trầm cảm – hệ quả của một vết thương an toàn. Sống qua một ngày đôi khi cũng là thử thách gian nan với Aazam, nhưng thay vì chia sẻ với bạn bè, cô lại chỉ ở nhà vào cuối tuần và tự cô lập mình. Tại sao? Để bạn bè không nghĩ cô quá nhàm chán hay là thành phần gây mất hứng rồi bỏ rơi cô. Tương tự, Dom là một người phải đối mặt với vết thương xứng đáng, anh thấy xấu hổ về ngôi nhà mà mình lớn lên tới mức chưa bao giờ đưa người yêu về nhà cha mẹ vì sợ họ sẽ nghĩ xấu về anh. Che giấu cảm xúc có thể giúp bạn thấy an toàn trước mắt, nhưng kết cuộc thì chính bạn lại không hiện diện đầy đủ trong các mối quan hệ quan trọng nhất với mình.

 

TRÁNH NÉ

 

Một cách khác để che đậy cảm xúc là tránh né. Bạn tránh né vết thương bằng cách đảm bảo không bao giờ đề cập đến nó. Bạn giữ khoảng cách với vết thương xa hết mức. Có thể bạn sợ sự từ chối hoặc thân mật, vậy nên thay vì đối mặt với vết thương bạn chọn không bao giờ hẹn hò. Hay có thể bạn sợ thất bại, nên không bao giờ đề xuất thăng chức. Suy cho cùng bạn sẽ không khi nào phải để lộ vết thương ra trước mắt, nếu không bao giờ đụng chạm hay ít nhất là nhìn đến nó. Đó chính là tác động của sự tránh né.

 

DIỄN XUẤT

 

Một số người thường che giấu vết thương bằng cách liên tục diễn xuất. Người diễn xuất có thể tạo nên một vở kịch hay. Bạn có thể là người theo chủ nghĩa hoàn hảo và làm như mọi thứ trong cuộc sống của mình đều có vẻ hoàn hảo. Điều này giúp bạn không phải đối mặt với sự sợ hãi, hoài nghi và bất an. Nếu diễn xuất thành công, bạn sẽ không phải đối mặt với nỗi đau. Đây là điều đã xảy ra với Jennie, người đi làm chín mươi tiếng một tuần chỉ để tạo ấn tượng tốt với sếp và đồng nghiệp. Điều cô làm đã có tác dụng - màn trình diễn quá tuyệt vời – nhưng không biết tại sao, danh tiếng trong đời sống công việc không làm cô thấy thỏa mãn như trước nữa. Suốt nhiều năm trời, cô luôn dùng thành tích trong sự nghiệp để làm thước đo thành công. Suy cho cùng, nếu luôn được ca ngợi ở nơi làm việc thì cô sẽ không bao giờ phải chịu cảm giác kém cỏi hay không đủ tốt như đã từng phải ôm mang trong thời thơ ấu.

 

ĐI LÀM NGƯỜI KHÁC HÀI LÒNG

 

Chúng ta cũng có thể che đậy vết thương bằng cách đặt việc làm mọi người hài lòng lên trên tất cả. Khi làm người khác hài lòng, bạn đang cố gắng hết sức để không làm ai thất vọng và nỗ lực không mệt mỏi để duy trì điều đó. Roz, một ví dụ điển hình cho người thích làm người khác hài lòng, chia sẻ rằng mình đã đến dự tất cả sự kiện của bạn bè. Roz không bao giờ từ chối bất kỳ lời mời nào, luôn là người đầu tiên có mặt và là người cuối cùng ra về. Roz chỉ tập trung vào việc làm sao để luôn được chấp nhận, vì khi được yêu thích thì sẽ không phải đối mặt với cảm giác không được người khác thích hay mong muốn như hồi còn bé.

Để bản thân được yếu đuối là một cam kết đáng sợ và đầy gian nan. Nhưng đó là một cách giúp chúng ta thoát khỏi nơi mình đang mắc kẹt. Bạn không thể chữa lành vết thương nếu tự che giấu nó với chính mình; bạn cũng không thể chữa lành vết thương nếu cứ né tránh thừa nhận nỗi đau của mình.

Và bạn không thể chữa lành vết thương nếu cứ tiếp tục diễn hay cố làm người khác hài lòng như một cách để bản thân không chú ý đến vết thương. Chỉ cần tiếp nhận nó trong một khắc thôi là đủ.

Bạn không thể thay đổi cuộc sống nếu cứ che đậy sự tổn thương và nỗi đau với chính mình. Bạn cũng không thể sống khác đi nếu cứ ngăn bản thân nhìn thấy những thứ cần được chú tâm. Và tôi cũng hiểu, bạn có thể chưa thật sự sẵn sàng làm điều đó (chia sẻ và hé lộ vết thương cho người khác thấy, hay thậm chí để bản thân cảm nhận được trọn vẹn). Nhưng hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chừa cho mình một chút không gian để cảm nhận trong quá trình đọc quyển sách này. Ở đây chỉ có tôi và bạn. Không cần chia sẻ điều này với ai khác nếu bạn không muốn.

Bài viết được trích lược từ cuốn Phá vỡ khuôn mẫu của tác giả Vienna Pharaon do First News chuyển ngữ phát hành.

Tags: