Vì sao bạn hành xử như một đứa trẻ?
Theo Robert Jackman, phần lớn chúng ta đi qua cuộc đời này đều bị rối loạn tâm lý do căng thẳng sau sang chấn. Đồng thời, tất cả chúng ta đều mang trong mình nỗi đau tái diễn, “vết thương” cũ tái phát bất cứ khi nào nó bị kích hoạt bởi một sự kiện nào đó.
Một biến cố xảy đến trong thời thơ ấu gây chấn động hay xáo trộn cuộc sống của bạn. Vết thương đóng băng tại thời điểm đó, chẳng hạn lúc bạn lên năm tuổi. Đứa trẻ năm tuổi tổn thương bên trong bạn luôn chờ sẵn ở đó, rối bời và đầy cảnh giác. Sau này, bạn trở thành người lớn, nhưng khi bị kích hoạt, đứa trẻ năm tuổi sẽ bước ra cùng với công cụ phản hồi cảm xúc tổn thương, lấn lướt cả phần người lớn có trách nhiệm trong bạn.
Phần nội tâm này sẽ khiến bạn đưa ra quyết định và phản ứng đầy cảm xúc như một đứa trẻ năm tuổi, với lối tư duy, lời lẽ và cách biểu đạt của lứa tuổi đó. Đây là nguồn gốc của câu bình phẩm thường nghe “Bạn hành xử như một đứa trẻ”. Đó chính là những phản ứng thái quá ngoài khả năng kiểm soát. Và điều đáng lưu ý là khi nỗi đau tinh thần tái diễn, bạn lại có những lựa chọn dở tệ lặp đi lặp lại.
Việc xử lý nỗi đau tái diễn, không chỉ một lần khiến bạn vô cùng mệt mỏi. Robert Jackman đã dẫn chứng câu chuyện thực tế về cách chịu tổn thương của nhiều người, cùng với các bài tập nhận diện, và hành trình chữa lành của họ. Tác giả cũng chứng minh rằng, qui trình chữa lành sẽ giúp bạn tiếp cận trực tiếp những phần tổn thương này theo một cách thức an toàn, nhẹ nhàng và yêu thương để bạn có thể bắt đầu hợp nhất đứa trẻ khổ đau bên trong mình và trở thành một người trưởng thành toàn vẹn, lành mạnh về mặt cảm xúc.
Robert Jackman cho biết, ông đã gặp nhiều người với đủ dạng tổn thương và sang chấn tâm lý. Lời khuyên của ông là: nếu bạn cảm thấy tổn thương và đau khổ từ những chuyện mình đã trải qua, hãy luôn nhớ rằng có một phần bên trong bạn luôn lành lặn và nguyên vẹn. Đó là phần nắm giữ chìa khóa của hành trình chữa lành. “Nếu tôi không đầu tư vào chính mình, sẽ chẳng ai khác làm việc đó”.
Robert Jackman là một nhà trị liệu tâm lý. Ông đã giúp đỡ nhiều người trong hành trình chữa lành của họ trong hơn hai mươi năm qua. Ông cũng là người thực hành tự chữa lành cho mình, và chia sẻ kinh nghiệm bản thân cho những ai tìm đến ông để được tư vấn hay trị liệu, giúp họ nhận ra họ không hề đơn độc với những tổn thương trong đời. Qua các trang sách, một lần nữa, ông muốn chia sẻ những điều đó với người đọc.
Để không phải trở thành người lớn đau khổ
Để có thể tự chữa lành, theo Robert Jackman, bạn cần nhận diện được đứa trẻ tổn thương bên trong mình. Cần có lòng dũng cảm để cân nhắc việc đối diện với những phần tổn thương đau khổ hay rối bời đó. Và cũng cần sẵn sàng lắng nghe sự thông tuệ và nỗi đau bên trong mình, sẵn sàng để tự chữa lành cho mình.
Tác giả chỉ ra, một khi bạn đi qua toàn bộ qui trình chữa lành này, những phần tổn thương của đứa trẻ bên trong bạn sẽ bắt đầu hợp nhất với phần người lớn có trách nhiệm… Bạn sẽ không chỉ hiểu được nguyên nhân khiến bản thân liên tục đưa ra những quyết định bốc đồng bấy lâu, mà còn nhận diện rõ được những mô thức lớn hơn đang kìm hãm, ngăn bạn cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống hiện tại.
Qui trình này không chỉ giúp bạn tìm lại được bản thể cân bằng và sáng suốt của mình, mà còn nhận ra bên trong chính mình một sức bật tinh thần, một khả năng hồi phục nhanh chóng, để ứng phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Bạn sẽ học cách nhận diện những ảo tưởng, những niềm tin tiêu cực và hạn hẹp của bản thân mà bạn đang mang giữ.
Bắt đầu qui trình chữa lành vết thương, Robert Jackman dẫn lời của Lão Tử để mỗi người tự nhận thức về vấn đề đang đối diện “Nếu cảm thấy muộn phiền, bạn đang sống trong quá khứ. Nếu cảm thấy lo lắng, bạn đang sống trong tương lai. Nếu cảm thấy bình yên, bạn đang sống trong hiện tại”.
Để trị liệu, bạn hãy đối diện chính mình một cách chân thành, không né tránh. Tác giả khuyên: “bây giờ, bạn hãy dành một vài phút để đi sâu hơn vào nội tâm của bạn. Hãy suy nghĩ về những tổn thương, sang chấn, nỗi đau và tất cả những nỗi lòng nặng trĩu mà bạn đang mang. Hãy ngồi thật yên và đủ lâu để có thể lắng nghe và cảm nhận được những cảm xúc hay nỗi đau sâu kín đang cố gắng thu hút sự chú ý của bạn… Khi cho phép phần tổn thương bên trong bạn được lên tiếng, nó sẽ vô cùng hân hoan vì nỗi đau cuối cùng đã được lắng nghe”. Bạn sẽ nhận diện được ba cảm giác… Và bắt đầu tìm hiểu “cách hoạt động của qui trình chữa lành”.
Qui trình chữa lành không dễ dàng. Nhưng kết quả sẽ làm bạn tràn đầy tự tin và có nhiều cảm xúc tích cực. Tác giả chỉ ra điều kỳ diệu xảy ra khi bạn đi qua qui trình, tự chữa lành và nhận ra bạn ngày càng dễ dàng tiếp cận một phiên bản mới nguyên, lành lặn và rộng mở hơn của chính mình. Và kết luận qui trình chữa lành sẽ giúp bạn thấy được bản thân từ một góc nhìn thấu suốt hơn. Qui trình chữa lành nhìn vượt lên trên phần bất ổn trong bạn để làm lộ diện phần tuyệt vời của bạn.
Đứa trẻ tổn thương sẽ trở thành người lớn đau khổ. Đọc sách, ta thấm thía điều đó, và càng thấy sự cần thiết của một qui trình chữa lành. Điều thuyết phục mà quyển sách mang lại chính là những câu chuyện chân thực, những con người sống động cùng những bi kịch cuộc đời và quá trình chữa lành đáng ngạc nhiên của họ. Câu chuyện của chính tác giả được kể lại trong sách cũng là một dẫn chứng sâu sắc đáng để chúng ta suy ngẫm.
Khi tự chữa lành, bạn đang kết nối lại với bản thể cốt lõi của mình, nhận ra phần điềm tĩnh và thông tuệ vốn luôn hiện hữu bên trong mình. Bạn đang học cách trở thành người sáng tạo tỉnh thức cho cuộc đời mình thay vì là người phản ứng lại thế giới. Và giờ đây, bạn đang hướng đến việc sống một cuộc đời đích thực.
Có thể nói, “Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong” của Robert Jackman đã mang đến cho người đọc, đặc biệt những người đang chịu nhiều tổn thương, một tinh thần lạc quan, một niềm tin vào những điều kỳ diệu mà chính mỗi người có thể tự mang lại cho mình.
Theo First News