Chủ nghĩa vật chất: Mặt tối của sự giàu có đối với lớp trẻ
Chủ nghĩa vật chất: Mặt tối của sự giàu có đối với lớp trẻ
Chủ nghĩa vật chất không đồng nghĩa với việc có tiền. Như chúng ta đã thấy, một khi các nhu cầu cơ bản được đáp ứng, thì mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc không còn tồn tại. Chủ nghĩa vật chất, mặt khác, lại là thứ có thể dự bảo vệ tình trạng thiếu hạnh phúc và thỏa mãn. 
Cái giá của đặc quyền
(8 lượt)
Chủ nghĩa vật chất là một hệ giá trị luôn đề cao tài sản, địa vị, hình ảnh và sự tiêu dùng vật chất. Nó là thước đo mức độ chúng ta coi trọng vật chất hơn những thứ khác trong cuộc sống của mình, như bạn bè, gia đình, công việc. Nó khiến chúng ta chỉ dừng lại ở những thước đo bề ngoài để xây dựng ý thức về bản thân – với người lớn là danh tiếng, quyền lực, tiền bạc; còn với bọn trẻ là điểm số, quần áo, các thiết bị điện tử.

Xu hướng tích lũy của cải và tìm kiếm uy thế có lẽ từng rất có ích với tổ tiên chúng ta. Những nhóm người có nhiều “của” hơn, như gia súc, công cụ và vũ khí chắc chắn sẽ nhiều khả năng sống sót hơn so với những người không xem trọng hoặc không tìm cách tích lũy những thứ đó. Việc có một thủ lĩnh uy tín, người sở hữu “nhiều của cải nhất”, cũng giúp ích cho tập thể theo hai cách: được lãnh đạo một cách qui củ và được thể hiện ưu thế vượt trội trước kẻ thù hoặc những kẻ âm mưu cướp đoạt “của cải” của tập thế. Nhưng với đa số chúng ta trên đất nước này ngày nay, đã qua rồi cái thời phải tích lũy của cải cho mục đích sinh tồn, trừ khi chúng ta mở rộng định nghĩa sinh tồn theo kiểu “Tôi sẽ chết nếu không có đôi giày Manolo đó. 

Thời còn là một nhà trị liệu trẻ và ít kinh nghiệm, tôi từng tham gia nhóm trị liệu tư vấn cho một cặp vợ chồng rất giàu có đang trải qua thời kì li hôn. Người vợ ngồi hàng giờ trong văn phòng tôi để than vãn về những mất mát khi lối sống trước đây không còn nữa. Cô khóc lóc nhiều nhất về chuyện ga trải giường. Đã bao năm cô được ngủ trên những tấm ga làm từ vải cotton Ai Cập, được người làm cẩn thận là ủi và xịt thơm. Là một thực tập sinh 28 tuổi đang chật vật về tài chính, tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi nỗi muộn phiền của cô ấy về ga trải giường. Giờ tôi mới hiểu rằng những tấm ga giường đó chính là đại diện cho nhiều thứ mà cô ấy đã mất đi: hôn nhân, mái nhà, gia đình, bạn bè và địa vị. Sau vài thập kỉ, tôi đã hiểu được nỗi thất vọng của cô khi không còn sở hữu những tấm ga giường đắt tiền nữa. “Những thứ xa xỉ của ngày hôm qua đã trở thành thiết yếu của ngày hôm nay”.

Chúng ta ai cũng có những thứ, thật ra là xa xỉ, mà mình gắn bó và sẽ thấy thiếu thốn nếu không còn nữa. Thích vật chất không phải là vấn đề, nhưng thích vật chất hơn cả con người thì có. Thân chủ của tôi khi đó sắp mất đi người đã gắn bó cả đời với mình, nhưng nỗi buồn đau của cô ấy chỉ tập trung vào những món đồ mình bị tước đi chứ không phải con người. Chủ nghĩa vật chất dù thường được coi là gắn liền với giới nhà giàu, nhưng thực ra nó có thể xuất hiện ở mọi nhóm kinh tế-xã hội. 

Hơn ai hết, người giàu thường dễ dàng nuông chiều sở thích “tích của” của mình, điều này khiến cho chủ nghĩa vật chất ở họ càng hiển hiện rõ hơn. Một ông bố gần khu tôi sống có cô con gái trẻ nghiện ma túy. Khi được hỏi về tình hình sức khỏe của con, ông ấy nói, “Chúng tôi phải đưa con bé vào trung tâm cai nghiện một tháng, tốn cả một chiếc BMW đấy.” Khi tiền không phải là chủ đề được bàn đến, những biểu hiện trắng trợn của chủ nghĩa vật chất có thể khiến chúng ta nhăn mặt.

Có thể chủ nghĩa vật chất chẳng có gì hay ho và thường gợi ra những giá trị hời hợt, nhưng làm thế nào mà nó lại dẫn tới đau khổ hay những vấn đề tâm lí. Người sùng bái vật chất có thể không phải là thánh nhân, nhưng chuyện chủ nghĩa vật chất khiến người ta bất hạnh là thế nào?

Trong số những nghiên cứu lớn nhất và đáng lưu tâm nhất về xu hướng giới trẻ ngày càng coi trọng vật chất phải kể đến khảo sát thường niên do Đại học California ở Los Angeles (UCLA) và Hội đồng Giáo dục Hoa Kì thực hiện. Các nhà nghiên cứu tại UCLA đã khảo sát gần 250 nghìn sinh viên vào đại học trong hơn 40 năm qua'. Khi được hỏi về lí do đi học đại học, hầu hết sinh viên ở thập kỉ 60 và đầu thập kỉ 70 đề cao nhất giá trị của việc “trở thành người có học thức” hoặc “hình thành một triết lí sống”. Chỉ một nhóm rất nhỏ lấy việc “kiếm được nhiều tiền” làm lí do chính cho quyết định vào đại học. Bắt đầu từ những năm 1990, đa số sinh viên cho biết “kiếm được nhiều tiền” là lí do nhất để vào đại học, vượt xa hai lí do quan trọng ngày trước cùng những lí do khác như “trở thành người có uy tín trong lĩnh vực của mình” hay “giúp đỡ người gặp khó khăn”. Sự thay đổi giá trị này trong nhóm sinh viên đại học diễn ra cùng thời điểm tỉ lệ trầm cảm, tự tử và các vấn đề tâm lí khác tăng mạnh trong nhóm này. 

Armand Hammer, một nhà tư bản công nghiệp tự xưng, từng nói, “Tiền là tình yêu đầu tiên, cuối cùng và duy nhất của tôi”. Bên cạnh nhận thức rõ ràng rất sai lầm rằng tiền bằng cách nào đó có thể làm được những nhiệm vụ giống các chức năng tâm lí như tình yêu, sự kết nối và sự tương hỗ, nhiều người còn cho rằng mọi năng lượng của con người – cả về tâm lí, thể chất, tình dục và cảm xúc – nên dành hết cho việc theo đuổi ảo tưởng này. Khi tiền trở nên quá quan trọng, nó lấn át các mục tiêu, nỗ lực, và mối quan tâm khác; công việc, tình bạn, hôn nhân, sở thích, việc nuôi dạy con, phát triển đời sống tinh thần và nâng cao trí tuệ đều có thể bị gạt sang một bên.

Mặc dù rất ít người trong chúng ta tin tiền là “tình yêu đầu tiên, cuối cùng và duy nhất”, các kết quả nghiên cứu của UCLA đã nêu bật một thực tế là ngày càng có nhiều người trẻ thấy rằng theo đuổi tiền bạc là ưu tiên hàng đầu vượt lên hẳn nhu cầu phát triển con người, đạo đức và trí tuệ. Như chúng ta đã thấy trong câu chuyện của Allison, chủ nghĩa vật chất vừa là nguyên nhân vừa là triệu chứng của sự suy giảm năng lực phát triển bản thân. Chủ nghĩa vật chất không chỉ là chuyện theo đuổi những giá trị hời hợt; nó còn là chuyện chúng ta có thể dễ dàng chọn những cám dỗ vật chất bình thường thay vì tính chất phức tạp của các mối quan hệ. Chủ nghĩa vật chất kéo cuộc sống con người rời xa khỏi mục đích sống và lòng vị tha khi mà bọn trẻ ngày càng trở nên ích kỉ và thờ ơ trước nhu cầu của người khác.

Hầu hết các nhà tâm lí học đều nhất trí với nhau về các nhu cầu cơ bản của con người. Đầu tiên và quan trọng nhất là các nhu cầu sinh học cơ bản như thức ăn, chỗ ở và quần áo. Thêm vào đó, người ta cũng tin rằng con người còn có những nhu cầu “bậc cao hơn” nhưng vẫn rất cơ bản như được thể hiện con người thật của mình, có các mối quan hệ thân mật, đóng góp cho cộng đồng và cảm thấy mình có thể làm được các nhiệm vụ khó.

Tiền có thể, nhưng không nhất thiết, góp phần vào việc thỏa mãn những nhu cầu “bậc cao” ấy. Chúng ta ai cũng biết người nào đó hạnh phúc, viên mãn dù không có nhiều tiền của, và ai đó khổ sở, tuyệt vọng dù có “mọi thứ mà tiền có thể mua được”. Rõ ràng, tiền có thể hỗ trợ phát triển các nhu cầu “bậc cao” bằng cách cung cấp những cơ hội học tập để chúng ta cảm thấy mình có năng lực và kiến thức, hay những cơ hội du lịch đây đó để nuôi dưỡng sở thích hoặc các mối quan hệ. Khi mua cho trẻ ô tô, quần áo đắt tiền hay những kì nghỉ sang chảnh, không hẳn là chúng ta đang góp phần tạo ra những vấn đề cảm xúc ở chúng; chúng ta chỉ tiếp tay cho điều đó khi trẻ, thông qua việc quan sát hành vi hay tiếp nhận các giá trị từ cha mẹ, tin rằng đó là những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống.

Điều tồi tệ nhất xảy ra khi chủ nghĩa vật chất biến cả những mối quan hệ quí giá nhất của chúng ta thành hàng hóa. Một bảng quảng cáo của Citicorp viết rằng, “Tài sản quan trọng nhất của bạn chính là kẻ đang hỏi bạn ‘Khi nào thì mẹ tăng tiền tiêu vặt cho con’.” Rất dễ nhận ra những ví dụ sống sượng về chủ nghĩa vật chất, nhưng khi chúng tràn ngập nền văn hóa của chúng ta, thật khó có thể nhận ra chúng nữa. Cha mẹ cần cảnh giác với chuyện cả họ và con đều có thể có những thái độ được định hình bởi những thông điệp quảng cáo ám chỉ một cách tinh tế hoặc hài hước rằng hàng hóa và con người có giá trị ngang nhau. 

Nghiên cứu đã chứng minh rất rõ rằng mức độ sùng bái vật chất của chúng ta ảnh hưởng sâu sắc đến mức độ này ở con cái. Khi cha mẹ – đặc biệt là người i mẹ – coi trọng thành công về tài chính hơn là sự gắn kết, cộng đồng hay việc chấp nhận bản thân, nhiều khả năng con cái họ cũng có chung những giá trị này. Cũng như vậy, những người mẹ luôn quan tâm tới cộng đồng sẽ tạo ra những đứa con giống họ. Chủ nghĩa vật chất và những giá trị vì cộng đồng có cách hoạt động đối lập nhau. Chủ nghĩa vật chất tập trung quá mức vào chủ nghĩa cá nhân, sự chiếm hữu và cạnh tranh. Còn các giá trị vì cộng đồng lại đề cao quan điểm rằng nhu cầu của tập thể ít nhất cũng quan trọng như nhu cầu của cá nhân, rằng những người may mắn phải có trách nhiệm giúp đỡ những người kém may mắn, và rằng chúng ta thường có được tiến bộ nhờ nỗ lực của cộng đồng. Định hướng thiên về vật chất không chỉ là dự báo xấu cho xã hội - những người sùng bái vật chất khó có thể trở thành nhà từ thiện – mà còn là dự báo xấu cho chính bọn trẻ. Những đứa trẻ coi vật chất thường có điểm số thấp hơn và tỉ lệ trầm cảm, lạm dụng chất ở chúng cũng cao hơn những đứa trẻ ở nhóm ngược lại. 

Truyền tải các giá trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của việc làm cha mẹ. Thay vì nói về lần mua sắm sắp tới, hãy nghĩ đến việc chia sẻ với con về sự hào hứng của bạn với những hoạt động có thể khiến bạn thấy mình có ích và gắn kết – như chuyện công việc, nhóm đọc sách, hoạt động tình nguyện hay một lớp học cộng đồng mà bạn dự định sẽ tham gia. Hãy nói về cách bạn đưa ra các lựa chọn mang tính đạo đức, dù ở nhà hay ngoài xã hội. Hãy giúp con hiểu được sự khác biệt giữa cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh. Khi một nhóm văn hóa nhỏ đang đi chệch hướng, người lớn ở nền văn hóa lớn hơn phải có trách nhiệm lái chúng trở về đúng hướng. Nếu văn hóa của nhóm thanh thiếu niên đang cổ vũ cho tội phạm, thì cha mẹ cần đề cao sự an toàn; nếu nó chú trọng chủ nghĩa vật chất và lối sống vị kỉ, thì cha mẹ cần đề cao lòng vị tha và sự rộng lượng.

- Theo cuốn sách “Cái giá của đặc quyền” 

 

Tags: