Chính xác thì TM (Transcendental Meditation) là gì? Thiền TM có gì khác so với việc thiền thông thường mà bạn hay nghe?
Chính xác thì TM (Transcendental Meditation) là gì? Thiền TM có gì khác so với việc thiền thông thường mà bạn hay nghe?
Để định nghĩa được TM, tôi luôn bắt đầu bằng ba tính từ: đơn giản, tự nhiên, không cần gắng sức.
Sức Mạnh Của Tĩnh Tại - Phương Pháp Sống Chất, Sống Lành Mạnh Từ Thiền TM
(0 lượt)

TM đơn giản không phải bởi nó đơn điệu hay chỉ là một kỹ thuật cho người mới bắt đầu, mà bởi tính đơn giản trong toàn bộ quá trình thực hành. 

Nó tự nhiên bởi không tồn tại sự ám thị hay sự thao túng trong khi thực hành.

Nó không cần gắng sức bởi không đòi hỏi sự tập trung và kiểm soát.

Sau đây là những từ khóa "Không" khi miêu tả về TM:

Không phải một tôn giáo. Có gần 8 triệu người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau và cả những người vô thần đã theo học TM trong suốt 60 năm qua. 

Không phải một triết lý. TM không là gì khác ngoài kỹ thuật mà bạn học và sau đó tự mình thực hành.

Không thay đổi lối sống của bạn. Một khi đã học thiền, bạn không cần phải thay đổi chế độ ăn uống và bỗng dưng ăn đậu phụ (trừ khi bạn thích!). 

Và cuối cùng, bạn không cần phải tin. Bạn hoàn toàn có thể hoài nghi về TM, không sao cả. Kỹ thuật này vẫn hữu hiệu dù bạn có tin hay không.

TM không phải một kỹ thuật đòi hỏi bạn phải thực hành hàng tuần hay hàng tháng trời để thấy được kết quả. Bạn sẽ thành thục nó chỉ với vài giờ mỗi ngày, và rồi làm chủ nó trong suốt cuộc đời.

Như tôi đã đề cập từ trước, chúng ta thực hành TM trong vòng 20 phút, hai lần mỗi ngày, ngồi thoải mái trên ghế (hoặc trên giường hay bất cứ nơi nào bạn cảm thấy thoải mái), mắt nhắm lại. Chúng ta có thể tập TM trong không gian riêng tư tại nhà, nhưng cũng có thể dễ dàng tập trên tàu hỏa, máy bay hoặc ô tô (miễn là bạn không phải người lái!). Nó là kỹ thuật thực hiện trong im lặng, do vậy bạn sẽ không làm phiền ai khi hành thiền. Nếu bạn cảm thấy ngứa thì cứ gãi. Một lần, khi giảng cho một nhân viên công ty thu âm, khi tôi nói rằng anh ta có thể cử động trong quá trình thiền, anh ta trông như chực khóc vì nhẹ nhõm. Anh ta đã chăm chỉ và nỗ lực rèn luyện thành thạo các kỹ thuật thiền trong hàng thập kỷ. Các kỹ thuật này đòi hỏi sự tập trung và kiểm soát hoàn toàn tâm trí cũng như thân thể. Anh ta luôn cảm thấy mình không thể làm được như vậy nếu có quá nhiều suy nghĩ trong đầu hoặc khi cần gãi ngứa hay dịch chuyển chân để thoải mái hơn.

Không chỉ vậy, bất cứ lúc nào bạn cảm thấy buồn ngủ trong quá trình thiền, bạn không cần phải chống lại nó. Không sao cả. Nếu bạn ngủ quên vì mệt mỏi, thường nó sẽ chỉ kéo dài trong một hoặc hai phút, sau đó bạn sẽ trở nên tỉnh táo đồng thời hoàn toàn thư thái và tươi mới để tiếp tục việc thực hành đang dang dở của mình. Việc ngủ quên cho chúng ta thấy cơ thể đang cần nghỉ ngơi sâu. Khoảnh khắc này là một phần của thiền.

Đối với vài người, thiền định nghe có vẻ thật thu hút, nhưng ý nghĩ về việc ngồi yên 20 phút lại khiến họ nhiều phần nản chí, nếu không muốn nói là hoàn toàn bất khả thi. Này, bạn có thể mà. Tôi từng dạy những đứa trẻ 10 tuổi mắc chứng ADHD. Những đứa trẻ đó từng không thể ngồi yên và nhắm mắt quá 30 giây – và giờ chúng yêu việc thực hành TM. Nếu những đứa trẻ đó làm được thì bạn cũng vậy.

Tại sao có nhiều người nghĩ rằng thực hành thiền khó? Câu trả lời là bởi sự hiểu lầm đáng tiếc về bản năng của tâm trí. Suốt một thời gian dài, nhiều người đã cho rằng suy nghĩ là kẻ thù của thiền – phân tâm, rối trí, làm giảm tác dụng - vậy nên chúng ta phải giảm tối đa hoặc triệt tiêu nó hoàn toàn. Tôi đã dạy Oprah Winfrey thiền. Bà cũng chia sẻ quan điểm đó. Oprah bảo tôi rằng mình đã thất bại khi hành thiền hết lần này tới lần khác do có quá nhiều suy nghĩ trong đầu. Sau lần trải nghiệm đầu tiên với TM, bà đã nhẹ nhõm trông thấy. “Nó rất thân thiện với con người,” Oprah chia sẻ về bản chất khoan dung của việc thực hành. Bà rất hài lòng với trải nghiệm đó và ngỏ ý muốn chúng tôi dạy tất cả 400 nhân viên tại Harpo – công ty sản xuất của bà – và Oprah Winfrey Network.

Hãy cùng điểm qua những nguyên lý cơ bản trong cách thức thực hiện TM.

Không như những phương pháp thiền khác, suy nghĩ là một phần của quá trình thực hành TM. Bạn không cần phải kiểm soát tâm khỉ của mình, bởi thực tế tâm trí bạn không phải một con khỉ cần kiểm soát. Nó không hề lang thang vô định.

Thầy Maharishi đã sáng suốt chỉ ra rằng khuynh hướng bản năng của tâm trí không phải lang thang vô định, mà thực chất nó luôn tìm kiếm thứ thỏa mãn, lôi cuốn, nhiều tri thức và hạnh phúc hơn. Chính triết lý này là cốt lõi của việc thấu hiểu không chỉ cách TM vận hành, mà còn cả sự khác biệt của nó với các hình thức thiền khác.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang ngồi trong phòng và nghe một bản nhạc dở tệ thì đột nhiên có một bài hát hay không tưởng vọng đến từ phòng khác. Đó là bản nhạc tuyệt vời nhất là bạn từng nghe trong suốt một thời gian dài. Vậy bạn sẽ tự động chú ý vào đâu? Rõ ràng là vào thứ âm nhạc tuyệt vời rồi. Bạn muốn bỏ thứ âm nhạc dở tệ kia và tìm đến thứ tốt đẹp hơn.

Hoặc khi bạn đứng ở quầy lễ tân trước tiệc tối, kẹt cứng ở một góc lắng nghe người mà mình không biết là ai nói về thứ mình không quan tâm. Tâm trí của bạn bị tê liệt. Sau đó, bỗng nhiên bạn nghe thấy đâu đó gần mình có một nhóm người đang trò chuyện sôi nổi và thú vị. Khi đó bạn sẽ cố tỏ ra lịch sự với người đối diện bằng cách duy trì việc giao tiếp bằng mắt, nhưng sự chú ý của bạn đã bị kéo sang cuộc trao đổi hấp dẫn kia rồi.

Cuối cùng, giả dụ bạn đi du lịch và mang theo hai cuốn sách. Một cuốn rất chán, bạn không đọc nổi quá trang đầu. Cuốn còn lại hấp dẫn tới mức bạn đọc nó hàng giờ và quên luôn cả thời gian.

Những trải nghiệm thân thuộc kia đều có điểm chung: tâm trí tự nhiên bị thu hút vào những thứ khiến nó cảm thấy thỏa mãn. Không có bất cứ tranh luận hay sự can thiệp của tri thức nào, cũng không có khoảng lặng nào để cân nhắc giữa những lựa chọn hay đắn đo thiệt hơn, ví dụ như bạn thích thể loại âm nhạc nào. Nếu âm nhạc tuyệt hay thì tâm trí bạn sẽ tự động để tâm vào nó.

Trong quá trình không ngừng tìm kiếm sự thỏa mãn và hạnh phúc, tâm trí hướng ngoại, thông qua các giác quan, đến môi trường xung quanh. Bạn xem một bộ phim hoặc thử một nhà hàng hay một điểm  du lịch nào đó. Bạn mua vài bộ quần áo mới để gặp gỡ bạn bè. Trong những tình huống như vậy, hạnh phúc đến từ trải nghiệm bên ngoài. Nó rất tuyệt vời, rất thú vị - trong suốt cả quá trình. Nhưng mọi thứ chỉ là thoáng qua, chỉ là phù du. Chuyến du lịch qua đi, bộ phim kết thúc và bạn trở về nhà. Bạn không thể cưỡng lại việc tiếp tục việc tìm kiếm thứ “hạnh phúc” tiếp theo. 

Tuy nhiên, tồn tại một vùng của sự thỏa mãn và hạnh phúc không bao giờ lay chuyển, cũng không phù du, mà vượt qua mọi tác nhân đến từ “bên ngoài”. Chúng ta có thể tìm thấy nó tại tầng sâu nhất, yên tĩnh nhất của tâm trí. TM kết nối bề mặt với tầng sâu đó. Nó tận dụng khuynh hướng tự nhiên của tâm trí là tìm kiếm thứ thỏa mãn hơn, từ đó hướng sự chú ý vào bên trong, như vậy, ngay lập tức, một cách tự động và dễ dàng, sự chú ý từ từ lắng xuống tầng sâu hơn trong tâm trí. Tâm trí đang ở trạng thái hoạt động với đầy ắp suy nghĩ sẽ dần ổn định hướng về cấp độ thỏa mãn nhất của nhận thức. Đây là trải nghiệm “bên trong” mà các bài viết về thiền từ lâu vẫn ca tụng. 

Chúng ta đi tới đó bằng cách nào? Bằng một mantra, một từ hoặc âm thanh đóng vai trò như phương tiện hỗ trợ quá trình ổn định kể trên một cách tĩnh lặng, từ bề nổi đến bề sâu, từ ồn ào tới tĩnh lặng. Mantra không mang trong mình ý nghĩa, và theo các văn bản cổ xưa về thiền thì nó có tác động vô cùng tích cực và có tính hỗ trợ cao trong cuộc sống. Mục đích duy nhất của nó là giúp tâm trí đạt đến trạng thái tĩnh lặng một cách dễ dàng.

Bạn nhận mantra khi tập TM như thế nào? Cũng giống như cách mà điều đó được làm suốt 5.000 năm qua thôi. Bạn nhận nó từ một giáo viên được đào tạo chuyên sâu. Người đó sẽ đưa bạn mantra và dạy bạn cách sử dụng nó một cách chuẩn xác - một cách tự nhiên và dễ dàng - mà không cần bất kỳ sự tập trung hay kiểm soát tâm trí nào. Bạn sẽ học về một cơ chế vô cùng tinh tế giúp hướng sự chú ý của tâm trí “phải-phải” vào bên trong, từ đó, một cách tự động, bạn sẽ bắt đầu ổn định và siêu việt chính mình đến trạng thái tĩnh tại. Bạn cũng học cách làm thế nào để xử lý những dòng suy nghĩ bất tận bên, những tiếng động bên ngoài, cảm giác buồn ngủ, cảm giác muốn gãi ngứa… Giáo viên sẽ ở bên cạnh học viên, chỉ một học viên trong mỗi giờ dạy, và mọi câu hỏi phát sinh sẽ được trả lời.

“Tại sao tôi lại cần một giáo viên?” là câu hỏi tôi đã được nghe rất nhiều. Tại sao tôi không thể tự làm? Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện. Khi còn là một cậu bé 12 tuổi, tôi từng tham gia khóa Hướng đạo Nam sinh trên dãy núi High Sierra ở bang California trong suốt mùa hè. Vào một buổi sáng tháng 7 nóng nực, chúng tôi đã leo đèo hơn 30km qua khung cảnh núi non hùng vĩ, địa hình toàn đá và cây mọc um tùm. Chúng tôi được một Hướng đạo Đại bàng lớn tuổi hơn tên Bruce Wagner (vâng, tôi vẫn nhớ tên anh ấy), người đã đi cung đường này rất nhiều lần trong nhiều năm, dẫn dắt. Bruce biết mọi khúc quanh, gập ghềnh và rãnh lớn trên đường. Chúng tôi đi như bay qua hơn 30km đường núi. Trải nghiệm hôm ấy quả thật đầy thử thách, nhưng cũng thú vị và vô cùng thỏa mãn. Bây giờ, khi nhìn lại, liệu tôi có thể tự tìm đường được không? Có thể. Mặc dù tôi có nhớ rằng biển chỉ đường tại một số điểm khá khó hiểu. Điều tôi chắc chắn là Bruce đã ở đó và dẫn dắt chúng tôi trên từng bước đường. Anh đã giúp chúng tôi rất nhiều và là một giáo viên tuyệt vời.

Chúng ta mong muốn con em mình được giảng dạy bởi một giáo viên được đào tạo bài bản trong các bộ môn như toán học hay bơi lội và piano. Chúng ta được chẩn bệnh và kê đơn bởi một bác sĩ được đào tạo bài bản. Vậy tại sao không chọn một giáo viên được đào tạo bài bản để hướng dẫn chúng ta thực hành thiền, người không chỉ ở bên khi chúng ta bắt đầu, mà còn luôn sẵn sàng cho suốt phần còn lại của cuộc đời, khi chúng ta có bất cứ câu hỏi nào cần được trả lời, hay khi chúng ta cần được bồi dưỡng về kiến thức? 

Như đã nói, tôi đã dạy thiền hơn 45 năm. Tôi đã giảng dạy cho hàng nghìn người, bao gồm cả những người vô cùng hoài nghi. Mỗi người tìm đến kỹ thuật này đều đặc biệt. Mỗi người đều có những trải nghiệm, nghi ngại, khả năng tiếp thu... khác nhau. Tôi thường chú ý tới sự chính xác và hiệu quả trong các bước hướng dẫn một người hành thiền. Một khi đã được hướng dẫn đúng cách thì người học sẽ thấy thật dễ dàng khi thực hành kỹ thuật này. Trên thực tế, nhận xét tôi được nghe nhiều nhất sau quá trình dạy là: “Tôi đã nghe anh nói rằng đây là một kỹ thuật không cần gắng sức, nhưng không hề nghĩ rằng nó lại thực sự dễ dàng đến thế!”

Sự dễ dàng của việc luyện tập TM được khẳng định qua một nghiên cứu được thực hiện năm 2017. Nó chỉ ra rằng các cá nhân tập TM chỉ một tháng cũng có tần suất trải nghiệm siêu việt ở mức tương tự những người đã thực hành trong 5 năm. Vậy nên, cho dù bạn là người mới hay đã quá quen với TM, thì sự siêu việt – khả năng vượt qua sự xáo động trong  tâm trí để đạt đến cấp độ tinh tế và tĩnh lặng hơn của suy nghĩ – sẽ tự nhiên xuất hiện trong quá trình thực hành, bởi nó không phải là kỹ năng mà chúng ta phải mất nhiều công sức để đạt được. Trên thực tế, nó không hề đòi hỏi chút nỗ lực nào cả.

- Theo cuốn sách: Sức mạnh của tĩnh tại

Tags: