Cánh đồng ấy có thật, cách nhà cũ của “thằng bé” Đỗ Trung Quân vài chục mét, trong ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 5, Tân Bình). Từ Hòa Hưng xuống Ông Tạ, ngõ này bên phải, cách ngã ba Ông Tạ chừng hơn trăm thước.
Đây là “cánh đồng An Lạc”, thuộc giáo xứ An Lạc mà xưa “thằng bé” Quân từng giúp lễ; sau vài năm, lứa giúp lễ đầu tiên, trong đó có hai anh em thằng bé sau này, một “đứa” là nhà văn Đinh Tiến Luyện, chủ bút tờ Tuổi Ngọc trước năm 1975 và một “đứa” thụ phong linh mục. Dân trong ngõ gọi cánh đồng ấy là ruộng rau muống Ông Nghi, một trong hai cánh đồng lớn nhất vùng Ông Tạ xưa. Cánh đồng còn lại là “cánh đồng Sơn Tây” tức vườn rau Lộc Hưng. Nếu “cánh đồng Sơn Tây” trồng nhiều loại rau thì là “cánh đồng An Lạc” chi trồng rau muống.
Con nít Ông Tạ xưa không đứa nào không biết cánh đồng rộng mấy mẫu tây, cung cấp rau muống cho cả vùng Ông Tạ này. Cánh đồng sát bên rạch Nhiêu Lộc, mưa xuống, nước rạch tràn lên ngập đồng, trẻ con An Lạc đổ ra đây vớt cá bảy màu.
Nhà tôi bên Tân Chí Linh sát bên cũng mò ra đây với tranh với đám trẻ con An Lạc, có lúc đánh nhau, quăng cả cá chạy. Ngõ Con Mắt này xưa trồng khá nhiều khế: xung quanh đồng An Lạc, trong hẻm Ông Chủ Đất trước nhà anh Quân, trong hẻm Chùa Vạn Quang bên hông nhà anh Quân…
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày...”
Những chiếc đò, xuồng ba lá... ngày xưa ấy len lỏi trên rạch Nhiêu Lộc, lặng lẽ len đồng An Lạc hái rau muống trong đêm để kịp phiên chợ Ông Tạ sáng…
“Quê hương là con đò nhỏ
Em đềm khua nước ven sông…”
Cánh đồng rau muống này chiếm một phần ba của một bên ngõ Con Mắt, ăn tới gần nhà thờ An Lạc hiện nay. Cánh đồng lam lũ trong cái ngõ dài chỉ khoảng 250 thước. Đây là một trong những ngõ hẻm kỳ lạ nhưng cũng lừng danh nhất vùng Ông Tạ.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã sống hết thời niên thiếu đầy hoa mộng lẫn lam lũ ở cái ngõ này, cánh đồng này. Cho đến năm mười bảy tuổi, “nó” tung cánh diều, lang bạt giang hồ. Nhưng Noel năm nào “nó” cũng về với ngày xưa, tìm về chốn cũ...